xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lợi ích nhóm cản trở tái cơ cấu kinh tế

Tô Hà

Chủ trương tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2010-2015 đã được đặt ra trong bối cảnh thiên thời, địa lợi, nhân hòa nhưng vẫn không thành công vì mới chỉ nói mà chưa hành động đúng mức

Ngày 12-10, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam với chủ đề “Thách thức tái cơ cấu và triển vọng” nhằm đánh giá hiệu quả của tiến trình tái cơ cấu được đặt ra cách đây 5 năm và góp ý cho đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020.

Cứ 10 năm giảm 1% tăng trưởng

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đánh giá 5 năm trước, quyết định tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng đặt ra như một tuyên ngôn, được sự đồng thuận của xã hội như tinh thần đổi mới cách đây 3 thập kỷ. Tuy nhiên, công cuộc đổi mới thành công, còn tái cơ cấu lại không thực hiện được như kế hoạch đặt ra. Tại sao được thiên thời - địa lợi - nhân hòa nhưng tái cơ cấu lại không thành công?

“Vấn đề là ở động lực, lợi ích. Lúc đổi mới cơ bản, chúng ta còn nghèo nên chỉ nghĩ phải quyết tâm đổi mới, không có lợi ích nhóm. Còn với tái cơ cấu, động lực và động cơ đã thay đổi, các nhóm lợi ích cản trở nên phải có cách tiếp cận mới hoàn toàn” - ông Thiên phân tích.

Tình trạng thâm dụng lao động trong nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện đáng kể Ảnh: Tấn Thạnh
Tình trạng thâm dụng lao động trong nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện đáng kể Ảnh: Tấn Thạnh

Theo ông Trần Đình Thiên, tái cơ cấu trong giai đoạn 2016-2020 cần đặt mục tiêu không chỉ sửa những vấn đề trục trặc trong hiện tại mà phải hướng tới tương lai. Trong bối cảnh hội nhập đã chuyển sang giai đoạn mới về chất, Việt Nam phải ráo riết tái cơ cấu nhưng theo hướng hội nhập hiện đại, tuân thủ các cam kết hội nhập để dựa vào cấu trúc, tiềm lực kinh tế rất mạnh của các đối tác hàng đầu thế giới mà tiến lên. Một vấn đề đáng lưu ý là phải chú ý đến mối quan hệ giữa nền kinh tế Việt Nam với triển vọng kinh tế Trung Quốc. Xu hướng nền kinh tế Trung Quốc sẽ có một cú hạ cánh là khó tránh khỏi, có thể sẽ gây ra những cú sốc, va đập cho kinh tế Việt Nam. Do đó, tái cơ cấu phải có giải pháp nhanh chóng thoát khỏi sự lệ thuộc vào nền kinh tế này.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung nhận định trong 30 năm đổi mới, trung bình cứ 10 năm, Việt Nam lại tụt 1% tăng trưởng. Xu hướng tụt hậu so với các nước không còn là nguy cơ mà đã thành hiện thực. Vì thế mới có sự thống nhất cao về chủ trương tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Không thay đổi sẽ tiếp tục tụt hậu

Các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm không nên bàn nhiều đến giải pháp tái cơ cấu mà phải bắt tay thực hiện với cách làm là đột phá vào điểm then chốt.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, trước đây, chúng ta xác định phải huy động nguồn lực để tái cơ cấu và loay hoay với câu hỏi nguồn lực đó lấy ở đâu cho nên tái cơ cấu không thực hiện được. “Hiện nay, huy động nguồn lực của Việt Nam đã rất cao, không thể tốt hơn nên phải đặt vấn đề phân bổ nguồn lực và phân bổ hiệu quả hơn, từ đó khơi dòng chảy của xã hội đổ vào nền kinh tế, nếu không các dòng chảy sẽ cạn dần, không thể tạo dòng xoáy tăng nguồn lực cho tăng trưởng” - ông Cung nhấn mạnh.

Theo lý giải của TS Nguyễn Đình Cung, nguồn lực đang được phân bổ theo cơ chế xin - cho, nằm quá nhiều ở khu vực kinh tế nhà nước, ước tính theo giá trị sổ sách đạt khoảng 400 tỉ USD, chưa kể nguồn lực đất đai. Đáng tiếc là hiệu quả của khu vực này thấp dần, làm ăn theo kiểu mua đắt bán rẻ, nhiều dự án đầu tư thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng hoặc đội vốn gấp 2-3 lần làm xói mòn hiệu quả tiềm lực và năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân đang mất đà, số doanh nghiệp (DN) đi vào hoạt động và đăng ký mới ngày càng loãng ra.

Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược đề xuất động lực của nền kinh tế phải là khu vực tư nhân. TS Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhìn nhận: “Tôi bị ám ảnh bởi con số 30%-70%. Vì cứ 10 đồng xuất khẩu thì hơn 7 đồng từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong khi 3 năm trước, tỉ lệ này còn 50-50. Dường như chúng ta đang say sưa với những con số đẹp mà quên mất DN tư nhân khó khăn thế nào, có rất nhiều trở ngại để họ phát triển”.

Vấn đề này được chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích thêm thông qua gánh nặng chi phí logistic. Có DN cho biết vận chuyển 1 container hàng từ Hồng Kông về cảng Hải Phòng tốn 50 USD nhưng chi phí từ Hải Phòng đến Hà Nội lên đến 300 USD khiến DN không thể cạnh tranh. Nếu không có sự thay đổi, Việt Nam sẽ tiếp tục tụt hậu.

Đề xuất lập đội đặc nhiệm tái cơ cấu

TS Nguyễn Đình Cung đề xuất thành lập đội đặc nhiệm do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu để tái cơ cấu nền kinh tế vì đây là sự thay đổi cấu trúc quyền lực, quyền lợi nên nhiều người không muốn thực hiện. Xu hướng là ai cũng chỉ muốn làm những gì có lợi nên không có động lực để tái cơ cấu.

TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cũng đề nghị tái cơ cấu kinh tế ở giai đoạn 2 cần thành lập một ủy ban nhà nước điều hành, có địa vị pháp lý rất cao, đủ thẩm quyền xử lý các công việc phát sinh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo