Đưa ra những con số cho thấy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực Việt Nam trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn do các vướng mắc liên quan đến giá cả, sức mua của thị trường nhập khẩu, tình trạng gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại... Đại diện một số hiệp hội ngành nghề cho biết ngoài những nguyên nhân khách quan kể trên, xuất khẩu 6 tháng đầu năm còn vướng thủ tục hành chính.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam, cho rằng Nghị định 18/NĐ-CP của Chính phủ quy định các lô hàng nguyên phụ liệu nhập để chế biến xuất khẩu phải có công bố hợp quy và an toàn vệ sinh thực phẩm. Quy định này gây mất thời gian và tốn kém cho doanh nghiệp (DN) vì có lô gia vị chỉ nhập để sản xuất hàng xuất khẩu, không bán cho thị trường trong nước nhưng phải công bố hợp quy, dán nhãn phụ gây mất thời gian và tốn kém chi phí của DN. Cũng vì quy định này, có lô hàng DN mất đến 1,5 tháng mới làm xong thủ tục hợp quy.
Khẳng định lần đầu tiên trong 11 năm qua, ngành dệt may Việt Nam đạt tăng trưởng rất thấp, chỉ 43% kỳ vọng. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết gần đây, ngành dệt may đã mất 2 tỉ USD do mất đơn hàng xuất khẩu quân trang quân dụng vì quy định cấm sản xuất quân trang, quân dụng không có chữ Việt Nam. Ông Giang cũng kiến nghị Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh sớm Thông tư 37/TT-BCT về việc kiểm tra hàm lượng formaldehyde trong sản phẩm dệt may để tinh gọn hóa việc kiểm mẫu, gỡ vướng cho DN xuất khẩu.
Tương tự, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, cho biết thực hiện Luật Thuế mới, một số mã hàng của ngành gỗ đã bị điều chỉnh mức thuế xuất khẩu từ 0% lên 20%. DN nhận thấy mức thuế này chưa phù hợp với tình hình thực tế nên đề nghị bộ, ngành xem xét và điều chỉnh hợp lý hơn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cam kết sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành tìm giải pháp hài hòa lợi ích DN xuất khẩu và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong nước, cũng như thực hiện các biện pháp quyết liệt từ sản xuất tới thị trường nhằm tạo điều kiện tối đa cho DN xuất khẩu.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, tình hình xuất khẩu 6 tháng cuối năm sẽ được cải thiện với mức tăng 10% so với 6 tháng đầu năm. Tính chung cả năm, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực sẽ có tăng trưởng khá.
Bình luận (0)