Theo Luật Đầu tư, từ ngày 1-7, tất cả điều kiện kinh doanh được quy định tại cấp thông tư nếu không được nâng cấp thành nghị định sẽ hết hiệu lực thi hành. Chiếu theo quy định này thì Thông tư 20/2011 về điều kiện nhập khẩu ô tô của Bộ Công Thương đã không còn hiệu lực vì trong nghị định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương vừa được ban hành không có nội dung nhập khẩu ô tô.
Hải quan lúng túng
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa đề xuất Thủ tướng bỏ quy định về nhập khẩu ô tô trong Thông tư 20. VCCI cho rằng quy định tại thông tư này có tính chất là một điều kiện kinh doanh vì đã trao quyền cho một số doanh nghiệp (DN) nhất định đủ điều kiện thì được kinh doanh nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ, còn các DN khác thì không được; qua đó, gián tiếp buộc người tiêu dùng chỉ được mua hàng hóa với một số DN nhất định, gây hạn chế cạnh tranh. Việc này không phù hợp với pháp luật cạnh tranh cũng như luật về sở hữu trí tuệ.
Tổng cục Hải quan đang lúng túng không biết có phải tiếp tục yêu cầu DN nhập khẩu ô tô nộp 2 chứng từ gồm giấy ủy quyền nhập khẩu, phân phối chính hãng và giấy chứng nhận có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp như quy định tại Thông tư 20 hay không. Do đó, Tổng cục Hải quan đã có công văn đề nghị Bộ Công Thương xác định hiệu lực của Thông tư 20 thì nhận được văn bản trả lời rằng đang có nhiều ý kiến khác nhau trong việc xác định các quy định nêu trong thông tư là thủ tục hành chính hay điều kiện kinh doanh. Do đó, Bộ Công Thương đã báo cáo và được Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì tổ chức làm rõ vấn đề này.
Sự việc đang khiến dư luận dấy lên câu hỏi phải chăng Thông tư 20 là trường hợp ngoại lệ trong cuộc chiến bãi bỏ giấy phép con.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung thẳng thắn: “Thông tư 20 đương nhiên là không còn hiệu lực. Quan trọng hơn là phải bãi bỏ và từ nay về sau không được có những quy định hạn chế cạnh tranh, không công bằng trong kinh doanh”. Ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản để xây dựng chính sách pháp luật trong nền kinh tế thị trường là phải tạo công bằng trong kinh doanh cho mọi người, không tạo ra sự độc quyền cho một nhóm.
Về khả năng những quy định tại Thông tư 20 tiếp tục được nâng cấp thành nghị định, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng khi đó sẽ tạo tiền lệ khó chấp nhận và quan trọng hơn là sẽ rất khó lấy lại niềm tin trong môi trường kinh doanh đối với những thông điệp Chính phủ đã cam kết thực hiện.
Trái với tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định Thông tư 20 trái với tinh thần Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (NVV). Hiện tại, Chính phủ đang soạn thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, trong đó quy định cơ quan nhà nước không được đặt ra điều kiện dưới hình thức nào đó mà hạn chế khả năng gia nhập thị trường, kinh doanh của DNNVV. Trong khi đó, Thông tư 20 lại đang cản trở việc gia nhập thị trường của các DN nhỏ. Trong báo cáo, VCCI cho rằng: “Bãi bỏ Thông tư 20 có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển cộng đồng DN tư nhân trong nước. Trường Hải từng xuất phát từ một DN nhỏ, phân phối xe, sau đó mới phát triển trở thành DN sản xuất ô tô hàng đầu Việt Nam. Nhà nước nên trao cho các DN nhỏ cơ hội để phát triển chứ không nên ngăn cản, từ đó mới có các DN tư nhân lớn như Trường Hải”.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy việc bảo hộ sản xuất trong nước luôn phải có lộ trình định trước và luôn phải được điều chỉnh theo hướng giảm dần bảo hộ, tăng dần cạnh tranh. Chính sách bảo hộ sản xuất ô tô trong nước của Việt Nam đã được duy trì từ cuối thế kỷ trước và chúng ta đã có đủ thời gian để chứng minh rằng hàng rào bảo hộ sản xuất trong nước không thực sự hiệu quả. Chính sách bảo hộ đối với sản xuất ô tô trong nước nên có trọng tâm, trọng điểm vào một số dòng xe mà trong nước có ưu thế sản xuất, như một số sản phẩm của Thaco Trường Hải. Tuy nhiên, các quy định của Thông tư 20 hiện nay quá rộng, bao gồm tất cả các dòng xe và đang dành thị trường của Việt Nam cho một số nhà nhập khẩu nước ngoài.
Về ý kiến cho rằng phải nhập khẩu xe chính hãng để bảo đảm an toàn, chất lượng xe, VCCI nhận định trong thực tế, người tiêu dùng muốn có dịch vụ bảo hành tốt thì phải trả phí cao và luật không nên buộc người dân phải vào siêu thị mua sắm vì chất lượng thực phẩm trong siêu thị cao hơn, trong khi có thể mua ở cửa hàng gần nhà.
Theo VCCI, quy định tại Thông tư 20 rõ ràng có tính chất là một điều kiện kinh doanh vì đã trao quyền cho một số doanh nghiệp nhất định đủ điều kiện thì được kinh doanh, còn các doanh nghiệp khác thì không được.
Bình luận (0)