Chiều 13-6, chợ cá Cửa Tùng đìu hiu, trái ngược với cách đây vài tháng. Bà Nguyễn Thị Lan (60 tuổi), một tiểu thương bán cá tươi ở chợ Cửa Tùng, than vãn: “Chồng và con trai tôi đi biển đã mấy chục năm, cũng chừng đó thời gian tôi đi bán cá ở chợ này. Trước đây, chợ luôn tấp nập kẻ bán người mua nhưng từ khi cá chết hàng loạt, rồi đến tin cá nục nhiễm độc, chúng tôi rơi vào khốn khó. Tiến không được, lùi cũng không xong. Chồng và con tôi không còn đi biển dù rất muốn do cá đánh bắt được bán không ai mua. Mấy tháng nay, gia đình tôi không có đồng ra đồng vào nên phải đi bán cá khô nhưng cũng chẳng ai ngó ngàng”.
Còn ngư dân Nguyễn Ngọc Hải buồn bã: “Sau khi có tin cá nục nhiễm chất độc, không ai thu mua cá biển nữa. Tình hình này kéo dài thì ngư dân chúng tôi rất khó bám nghề”.
Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Tùng, nhìn nhận đời sống ngư dân mấy tháng qua rất khó khăn do cá chết hàng loạt, nay lại đến tin cá nục nhiễm độc. Ngư dân không thể ra khơi vì không bán được cá.
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, xác nhận thông tin về lô cá nục nhiễm phenol đã ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống người dân trong tỉnh. Theo ông, cơ quan chức năng địa phương đang niêm phong lô cá để chờ ý kiến của các cơ quan cấp trên.
UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản đề nghị nhiều bộ, ngành trung ương lấy mẫu xét nghiệm lại lô cá. Ông Chính cho rằng cơ quan cấp trên cũng có những quy định khác nhau về vấn đề này nên UBND tỉnh Quảng Trị xác định phải chờ kết quả chính thức của các cơ quan này mới tiến hành xử lý lô hàng. “Chúng tôi xác định đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan rất lớn đến đời sống, tâm lý của người dân nên phải thận trọng. Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã vội vàng khi cung cấp thông tin cá nhiễm phenol cho báo chí, tỉnh đã phê bình. Đây là vấn đề khoa học, không nên công bố khi chưa có luận cứ chắc chắn. Do có nhiều ý kiến trái chiều, người này nói dùng được, người kia bảo không, địa phương lại không đủ khả năng để phán quyết nên phải chờ cấp trên” - ông Chính khẳng định.
Về quy trình lấy mẫu kiểm nghiệm của Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, ông Chính cho rằng mỗi cơ quan có sự hướng dẫn theo ngành dọc nên UBND tỉnh không can thiệp. “Địa phương thiếu phương tiện, máy móc nên cái đơn giản thì làm được, trường hợp phức tạp phải gửi mẫu đến Đà Nẵng, Hà Nội nhờ xét nghiệm. Lâu nay, kết quả kiểm nghiệm rất an toàn nhưng lần này khiến tôi bất ngờ. Họ gửi báo cáo cho UBND tỉnh cùng lúc cung cấp thông tin cho báo chí” - ông Chính nói.
Ông Hồ Sỹ Biên, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế tỉnh Quảng Trị), khẳng định không hủy kết quả kiểm nghiệm đã công bố mà cần phải lấy thêm mẫu để xét nghiệm. Theo ông, việc lấy một mẫu ở lô hàng 30 tấn cá xét nghiệm không sai mà chưa đại diện cho số lô hàng. Còn về phương pháp kiểm tra, ông khẳng định đã làm đúng quy trình là chỉ lấy một mẫu đưa đi xét nghiệm. Sau khi có kết quả, nếu chủ hàng có ý kiến mới xét nghiệm thêm.
Bình luận (0)