xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhà đầu tư mặc sức “phóng” dự toán

Văn Duẩn - Kỳ Nam - Cao Nguyên

Những công trình giao thông BOT bị Kiểm toán Nhà nước đề nghị giảm thời gian thu phí gần 100 năm, hầu hết nhà đầu tư đều tự ý kê dự toán kinh phí quá cao

Sau khi Kiểm toán Nhà nước làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề nghị giảm thời gian thu phí của 27 dự án giao thông BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), chủ đầu tư các dự án này đang chờ kết luận của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).

Tạm tính quá xa thực tế

Tổng thời gian các dự án bị đề nghị giảm thu phí lên đến gần 100 năm. Điển hình là dự án đầu tư nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh (đoạn qua tỉnh Đắk Nông) giảm thời gian thu phí từ 21 năm 7 tháng 20 ngày còn 12 năm 3 tháng 22 ngày; dự án mở rộng Quốc lộ (QL) 1 (đoạn qua tỉnh Khánh Hòa), giảm thời gian thu phí từ 22 năm 7 tháng 5 ngày còn 13 năm 1 tháng 12 ngày...


Dự án mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn qua tỉnh Khánh Hòa) được Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí từ 22 năm 7 tháng 5 ngày còn 13 năm 1 tháng 12 ngày Ảnh: KỲ NAM

Dự án mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn qua tỉnh Khánh Hòa) được Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí từ 22 năm 7 tháng 5 ngày còn 13 năm 1 tháng 12 ngày Ảnh: KỲ NAM

Ông Bùi Đức Hưởng, Phó Giám đốc Ban Quản lý điều hành dự án QL1 qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa (Ban Quản lý Dự án 7 - Bộ GTVT), cho biết dự án này được Bộ GTVT chỉ định Công ty CP Đầu tư xây dựng 194 làm chủ đầu tư. Công ty CP 194 sau đó đã thành lập Công ty TNHH 194 BOT QL1 - Cam Ranh để nâng cấp 36,1 km QL1 đạt tiêu chuẩn 4 làn xe với tổng mức đầu tư 2.699 tỉ đồng (gọi tắt là BOT 194). Dự án được hoàn thành vào tháng 10-2015. Đến giữa tháng 6-2016, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra cho thấy tổng vốn được chi ra trên thực tế là 1.417 tỉ đồng, giảm hơn 1.282 tỉ đồng. Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị rút ngắn thời gian thu phí từ 22 năm 7 tháng còn 13 năm 1 tháng.

Lý giải về điều này, ông Phạm Văn Thưởng, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng 194 kiêm Giám đốc điều hành dự án BOT 194, cho rằng công ty đã rút ngắn thời gian thi công, giảm chi phí giải phóng mặt bằng, không sử dụng đến phí dự phòng... nên đã kéo giảm tổng mức đầu tư.

“Tổng mức đầu tư giảm thì thời gian thu phí giảm, làm lợi cho nhà nước và người dân. Việc rút ngắn thời gian thu phí không ảnh hưởng đến lợi ích nhà đầu tư vì nhà nước vẫn bảo đảm mức lợi nhuận là 11%. Khi lập dự án vẫn đưa ra dự toán ban đầu như thế để công ty quản lý nguồn vốn. Không phải cứ lập dự toán trên 2.000 tỉ đồng thì phải tiêu cho hết số tiền này. Cuối tháng 3-2017 sẽ có quyết định quyết toán công trình để biết chính xác thời gian thu phí giảm được bao nhiêu” - ông Thưởng nói.

Còn dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đắk Nông do liên danh nhà đầu tư Toàn Mỹ 14 - Băng Dương làm chủ đầu tư. Vừa qua, công trình này đã có báo cáo quyết toán là 634 tỉ đồng, giảm 388 tỉ đồng so với dự toán ban đầu.

Ông Đặng Vũ Đức Lân, Giám đốc trạm thu phí liên danh nhà đầu tư Toàn Mỹ 14 - Băng Dương, cho rằng trong bước lập dự án không thể tính toán chính xác chi phí thực tế đầu tư, từ đó số thời gian thu phí cũng không chính xác. Kết luận thanh tra, kiểm toán mới là giá trị cuối cùng để xác định thời gian hoàn vốn cho dự án.

Ông Võ Văn Hùm, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Nông, tỏ ra bất ngờ với việc giảm thời gian thu phí gần 10 năm của trạm thu phí Toàn Mỹ 14 - Băng Dương. Theo ông Hùm, các khâu dự toán cũng đã được Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thẩm định nhiều bước, chặt chẽ mới đưa ra thời gian thu phí nhưng không hiểu sao lại có sự chênh lệch quá lớn như thế. “Hiện Kiểm toán Nhà nước đang tiến hành các thủ tục kiểm toán các trạm thu phí BOT còn lại trên địa bàn tỉnh Đắk Nông” - ông Hùm cho biết.

Cần công khai, minh bạch

Theo ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng, Trưởng Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư (PPP), Bộ GTVT - tất cả hợp đồng BOT đều quy định thời gian thu phí ban đầu chỉ là dự kiến và tạm tính. Thời gian thu phí chính thức phải được xác định lại theo giá trị quyết toán công trình phù hợp với các kết luận thanh tra, kiểm toán. “Việc giảm thời gian thu phí các dự án BOT theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước cũng đang là thời gian tạm tính. Vì một số cơ chế, chính sách về quyết toán các dự án BOT còn chưa rõ ràng nên cả 27 dự án nêu trên đều chưa hoàn thành quyết toán cuối cùng” - ông Huy chia sẻ.

Bộ GTVT cho rằng nếu dự án đầu tư được lập phù hợp, các yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định và quản lý đầu tư tốt thì việc rút ngắn thời gian thu phí là tất yếu và đã được dự liệu trước phương án điều chỉnh trong hợp đồng BOT.

“Thực tế, một số dự án chưa được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán, Bộ GTVT căn cứ vào giá trị dự toán và đã đàm phán ký hợp đồng rút ngắn thời gian thu phí như: Dự án QL10 đoạn La Uyên - Tân Đệ được điều chỉnh thời gian thu phí tạm tính ban đầu hơn 21 năm xuống còn 10 năm 3 tháng; dự án cầu Rạch Miễu, QL60, tỉnh Bến Tre được điều chỉnh thời gian thu phí tạm tính ban đầu là 22 năm 10 tháng xuống còn 13 năm 5 tháng...” - Bộ GTVT thông tin.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng điều đáng quan tâm là sau công bố của Kiểm toán Nhà nước, những kiến nghị và giải pháp đã đưa ra phải được thực hiện nghiêm túc. Là dự toán ban đầu thì không thể chính xác nhưng kiểm toán chỉ ra chênh lệch thời gian thu phí lớn như vậy là điều bất thường, chứng tỏ cơ quan phê duyệt dự án đầu tư BOT rất lỏng lẻo.

Đặt ra vấn đề giám sát với các dự án BOT, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội An toàn giao thông Việt Nam, chỉ rõ cần nhanh chóng đổi mới căn bản trong tổ chức quản lý, theo hướng tăng cường công khai minh bạch, tăng cường ứng dụng các công nghệ tiên tiến để giảm chi phí đầu tư xây dựng. “Muốn vậy phải tổ chức đấu thầu các dự án công khai, lựa chọn nhà đầu tư đủ điều kiện tài chính, năng lực quản lý, chi phí đầu tư thấp nhất” - ông Quyền nói.

Đưa xe phản đối trạm BOT Tam Nông thu phí cao

Sáng 13-3, khoảng 20 chủ xe đã đưa ô tô các loại đến chặn 2 đầu của trạm thu phí BOT Tam Nông trên QL32 (đoạn qua huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) để phản đối việc thu phí quá cao khiến giao thông bị ách tắc. Theo nhiều chủ phương tiện, mức thu mỗi lượt ô tô nhỏ 35.000 đồng, xe tải 2,5 tấn 50.000 đồng là bất hợp lý vì chủ đầu tư chỉ nâng cấp đoạn quốc lộ này chứ không phải làm mới.

Theo ông Đỗ Văn Duy - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH BOT Hùng Thắng, chủ đầu tư dự án - trạm BOT Tam Nông thu phí hoàn vốn cho dự án đường Hồ Chí Minh từ QL32 đến xã Hương Nộn và nâng cấp mở rộng QL32 đoạn từ cầu Cổ Tiết đến cầu Trung Hà. Từ ngày 6-3-2017, đơn vị đã chính thức thu phí theo đúng hợp đồng với Bộ GTVT, mức phí do Bộ Tài chính quy định.V.Duẩn

góc nhìn

Khó hiểu!

Sau hơn 10 năm áp dụng hình thức BOT trong xây dựng giao thông, không ai phủ nhận thành công do loại hình này mang lại nhưng ý kiến phản biện chưa đồng thuận không phải là ít. Thậm chí, doanh nghiệp, người dân phản ứng rất nhiều về vấn đề thu phí, Chính phủ yêu cầu giải trình, Quốc hội cũng đề nghị tăng cường giám sát.

Từ lâu, nhiều nghiên cứu và dư luận đã chỉ ra các lỗ hổng trong quản lý, kiểm soát các dự án BOT thu phí của ngành giao thông, mà báo cáo Kiểm toán Nhà nước vừa rồi cũng đã nêu lên phần nào. Lập dự án đầu tư mà không rõ tổng mức đầu tư, không kiểm tra thẩm định chính xác vốn thực sự có của nhà đầu tư, các loại nguồn vốn huy động cũng như từng mức lãi suất cụ thể, số liệu dự báo giao thông, phương án thu phí... thì thật khó hiểu.

Cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ tính toán chính xác suất đầu tư 1 km đường là bao nhiêu nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Trước đó, Chính phủ cũng giao Bộ GTVT lập đề án trạm thu phí BOT trên cả nước để đặt trạm cho hợp lý, hiệu quả, lựa chọn nhà đầu tư phù hợp... nhưng mọi việc vẫn không mấy tiến triển.

Giải thích về sự chệnh lệch quá lớn giữa dự toán và chi phí thực tế của dự án giao thông BOT, Bộ GTVT cho rằng chi phí dự phòng không dùng đến, tiến độ thi công nhanh, giải phóng mặt bằng ít hơn khối lượng ước tính, giảm quy mô dự án, lựa chọn giải pháp kỹ thuật hợp lý…

Theo tôi, các ý kiến giải thích này không đúng theo quy định pháp luật hiện hành và thông lệ các nước về quản lý dự án BOT. Thứ nhất, không ai ký hợp đồng chuyển nhượng trên cơ sở tổng mức mà phải là dự toán, đặc biệt lắm mới có thể cho phép điều chỉnh bổ sung hợp đồng trong giai đoạn thực hiện để phù hợp thực tế và làm căn cứ thanh quyết toán. Thứ hai, chưa nghiệm thu bảo đảm chất lượng và chưa làm thủ tục quyết toán hoàn thành đưa công trình vào sử dụng thì kiên quyết không cho thu phí. Thu phí cả năm nhưng chưa quyết toán là sai luật.

TS Phạm Sanh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo