xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhà nước buông các “ông lớn”

Thy Thơ

Theo giới phân tích, nếu bán thành công toàn bộ cổ phiếu tại 10 công ty, nhà nước sẽ thu về 3-4 tỉ USD để bổ sung nguồn thu ngân sách

Chính phủ vừa quyết định thoái toàn bộ vốn cổ phần nhà nước tại 10 doanh nghiệp (DN) lớn, gồm: Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk - 45,1%), Tổng Công ty CP  Bảo Minh (BMI - 50,7%), Tổng Công ty CP Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VNR - 40,4%), Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP - 37,1%), Công ty CP Nhựa Bình Minh (BMP - 38,4%), Công ty CP Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (47,6%), Công ty CP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM - 46,6%), Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC - 49,9%), Công ty CP FPT (FPT - 6%) và Công ty CP Viễn thông FPT (FTC - 50,2%).

Thặng dư hàng ngàn tỉ đồng

Nhiều nhà đầu tư cho rằng sau khi bán toàn bộ cổ phiếu tại 10 công ty trên, nhà nước sẽ thu về số tiền cực lớn. Bởi lẽ, trong các mã cổ phiếu trên, không ít cổ phiếu đang là “ngôi sao” của thị trường chứng khoán. Đơn cử, Vinamilk hiện có vốn điều lệ 12.000 tỉ đồng (1,2 tỉ cổ phiếu), trong đó phần vốn nhà nước khoảng 5.400 tỉ đồng (45,1% vốn điều lệ), tương đương 540 triệu cổ phiếu (tính theo mệnh giá 10.000 đồng). Nếu tính giá mỗi cổ phiếu Vinamilk là 106.000 đồng (ngày 14-10) thì giá trị cổ phiếu mà nhà nước nắm giữ lên tới 57.240 tỉ đồng. Như vậy, sau khi bán thành công số cổ phiếu của mình tại Vinamilk, nhà nước sẽ có được thặng dư vốn cổ phần hơn 10 lần so với số vốn đang nắm giữ tại DN này.

Thực tế cho thấy trên sàn chứng khoán, Vinamilk là DN đạt lợi nhuận cao. Năm 2014, công ty này lãi hơn 7.600 tỉ đồng và 6 tháng đầu năm 2015 thu về 4.500 tỉ đồng lợi nhuận. Việc nhà nước bán hết cổ phần tại Vinamilk là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài bởi cổ phiếu này liên tục cạn room trong thời gian qua.

 

Chính phủ đã quyết định thoái toàn bộ 45,1% vốn nhà nước tại Công ty CP Sữa Việt Nam Ảnh: NGUYỄN HẢI
Chính phủ đã quyết định thoái toàn bộ 45,1% vốn nhà nước tại Công ty CP Sữa Việt Nam Ảnh: NGUYỄN HẢI

Tương tự, tuy chỉ nắm giữ 6% vốn điều lệ tại FPT nhưng do DN này có vốn điều lệ 3.975 tỉ đồng nên phần vốn của nhà nước tại FPT hơn 238 tỉ đồng (tương đương 23,8 triệu cổ phiếu, tính theo mệnh giá 10.000 đồng ). Nếu “áp” với giá cổ phiếu FPT gần đây giao dịch xoay quanh 45.000 đồng/cổ phiếu thì giá trị vốn hóa thị trường của số cổ phiếu mà nhà nước nắm giữ lên tới trên 1.000 tỉ đồng. Giả sử nhà nước bán hết số cổ phiếu FPT tại thời điểm này sẽ thu về thặng dư hơn 700 tỉ đồng.

Ngoài ra, do thị giá cổ phiếu  BMI, VNR, NPT, BMP, HGM, SGC, FTC… hiện gấp 2-5 lần mệnh giá nên nếu bán hết các mã cổ phiếu này, nhà nước cũng thu về hàng ngàn tỉ đồng thặng dư vốn.

Với vốn điều lệ của 10 công ty hơn 19.000 tỉ đồng, tương đương 1,9 tỉ cổ phiếu đang lưu hành, khi nhà nước thoái vốn đồng nghĩa một khối lượng lớn cổ phiếu được chào bán trên thị trường. Tuy nhiên, do Tổng Công ty Quản lý vốn nhà nước (SCIC) được Chính phủ giao thực hiện thoái vốn nên giới phân tích cho rằng SCIC sẽ có lộ trình chào bán cổ phiếu hợp lý, tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.

Bổ sung nguồn thu ngân sách

Lãnh đạo một quỹ đầu tư nước ngoài nhận định: Khi SCIC bán toàn bộ cổ phiếu tại 10 “ông lớn” sẽ bổ sung nguồn thu ngân sách từ 3-4 tỉ USD. Các DN mà nhà nước thoái vốn có điều kiện để huy động vốn trên thị trường chứng khoán, tiến đến tư nhân hóa 100% để kinh doanh hiệu quả hơn, khi đó sẽ nộp thuế nhiều hơn, làm tăng nguồn thu ngân sách. Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhìn thấy Việt Nam quyết tâm rời bỏ vai trò nhà nước tại các công ty cổ phần, tạo điều kiện cho họ góp vốn vào nhiều DN. “Tuy nhiên, nếu nhà nước bán toàn bộ cổ phiếu cho một nhóm nhà đầu tư thì nhiều khả năng thị trường chứng khoán sẽ xảy ra những biến động đáng lo ngại” - vị này khuyến cáo.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh đánh giá việc nhà nước thoái vốn tại các DN lớn là bước đi đúng đắn nhằm thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa đang trì trệ. “Tuy nhiên, SCIC cần có phương án cụ thể trong việc thoái vốn nhà nước, trong đó quy định chi tiết đối tượng mua cổ phiếu, nguồn gốc dòng tiền, phương thức thỏa thuận giá cả… bởi các DN mà nhà nước thoái vốn đều là những đơn vị nổi tiếng, kinh doanh hiệu quả nên dễ xảy ra tình trạng nhà đầu tư tranh nhau mua cổ phiếu, phát sinh những biểu hiện tư lợi giống như việc nhượng quyền dự án đầu tư mà dư luận quan tâm gần đây” - ông Doanh lưu ý.

 

Dấu hiệu tích cực

TS Nguyễn Văn Thuận (Trường ĐH Tài chính - Marketing) cho rằng việc nhà nước thoái vốn là dấu hiệu tích cực. Bởi lẽ, nhà nước sẽ có một khoản tiền lớn để giải quyết các vấn đề liên quan đến nợ công; thị trường chứng khoán tăng thêm số cổ phiếu giao dịch tự do, không còn bất động như hiện nay, làm cho tính thanh khoản tốt hơn. “Nếu việc này thành công, nhà nước có thể tiếp tục thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng… nhằm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách. Các DN sẽ có điều kiện hoạt động thông thoáng hơn, nhất là trước bối cảnh cạnh tranh gay gắt khi Việt Nam gia nhập sân chơi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)” - ông Thuận đề xuất.

 

Cơ hội cho doanh nghiệp bứt phá

Đánh giá cao quyết định của Chính phủ rút toàn bộ phần vốn nhà nước tại 10 DN lớn, ông Phạm Đức Trung, Phó trưởng Ban Cải cách và phát triển DN, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng nguồn lực của nhà nước sẽ được phân bổ lại từ khu vực chưa hiệu quả sang khu vực có hiệu quả hơn, từ khu vực sở hữu nhà nước sang khu vực tư nhân. “Như vậy, thoái vốn góp phần phân bổ lại nguồn lực thực tế và cũng giúp đạt được nhanh hơn mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế theo chủ trương chung” - ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, với ý nghĩa thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, việc thoái vốn sẽ giúp nhà nước tập trung hơn vào nhiệm vụ quản lý kinh tế theo hướng quản lý chung, tách biệt với sở hữu. Việc này đồng nghĩa với mục tiêu hướng tới sự gọn nhẹ của khối DN nhà nước. Mặt khác, việc thoái vốn cũng giúp thúc đẩy tính hấp dẫn của thị trường với nhà đầu tư nước ngoài. “Lý do các nhà đầu tư chưa muốn tham gia nhiều vào DN cổ phần là bởi chuyện sở hữu nhà nước. Họ mong muốn kiểm soát được DN về mặt nào đó, được nắm giữ một tỉ lệ nào đó trong DN. Việc giảm tỉ lệ vốn của nhà nước đồng nghĩa với tăng tỉ lệ của khu vực tư nhân trong DN và sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn” - ông Trung phân tích.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu kinh tế và chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), cho rằng quy mô thoái vốn lên tới hàng tỉ USD như quyết định lần này sẽ tạo điều kiện thu hút một dòng tiền mới chứ không phải làm “lụt” dòng tiền vốn có trong thị trường như một số ý kiến lo ngại. Hơn nữa, các công ty thoái vốn lần này đều là những DN làm ăn tốt, đã niêm yết trên sàn chứng khoán với giá khá cao nên sẽ tạo ra một lượng cổ phiếu lưu chuyển lớn, thị trường sôi động và có xu hướng tăng điểm tích cực.

Giới chuyên gia cũng cho rằng các DN thoái vốn lần này chủ yếu là ngành sữa, nhựa, bảo hiểm… nên việc thoái vốn tương đối an toàn.

Riêng ngành sữa, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đem lại nguồn thu lớn cho Tổng Công ty Quản lý vốn nhà nước (SCIC) một cách đều đặn từ tiền cổ tức hằng năm. Với định hướng không chỉ trở thành DN đầu ngành mà còn đứng đầu Đông Nam Á nên việc “mở cửa” cho tư nhân vào sẽ giúp Vinamilk dễ dàng đạt được mục tiêu. “Ngành sữa được xác định sẽ gặp khó khăn khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực, vậy mở cửa cho tư nhân vào thay đổi cách làm, quản trị có thể hy vọng Vinamilk cạnh tranh được các DN ngoại” - một chuyên gia phân tích.

Phương Nhung

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo