Ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP HCM, cho biết theo đề án được UBND TP HCM phê duyệt, trong 2 năm 2014-2015, đã tổ chức 3 chuyến cho 64 người sang Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan. Trong đó, 13 thành viên là cán bộ quản lý, 51 nông dân (5 người tự túc 100% kinh phí) và 30 người đã ứng dụng kiến thức học được vào sản xuất.
Kết quả khả quan
Là thành viên tham gia chuyến học tập tại Hàn Quốc, bà Lê Hà Mộng Ngọc, Chủ nhiệm HTX Nấm Việt (huyện Củ Chi), coi đây là bước ngoặt trong cuộc đời gắn bó với nấm của bà. “Khi về, tôi mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất vì học được nhiều kỹ thuật mới mà nếu tự mày mò thì không biết bao giờ mới làm được. Trước đây, xã viên mỗi năm sản xuất 2 vụ, nay tăng lên 4 vụ.
Phôi nấm thay vì bỏ, nay ủ để làm nguyên liệu sản xuất rau sạch. Nhờ đó, thu nhập của xã viên đã được cải thiện đáng kể. Hiện nay, để đa dạng hóa sản phẩm, HTX đang tập trung phát triển sản phẩm bột nêm từ nấm, không chỉ làm gia vị mà còn cung cấp thêm dinh dưỡng cho bữa ăn ” - bà Ngọc bộc bạch.
Bà Lê Hà Mộng Ngọc (phải), Chủ nhiệm HTX Nấm Việt, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng
Cũng theo bà Ngọc, nay việc xuất ngoại khá dễ nhưng cá nhân tự đi thì rất khó để được vào nhà máy, những người có chuyên môn tiếp đón. Do đó, nhà nước cần phát huy vai trò của mình. Không những trao đổi về kỹ thuật, những chuyến ra nước ngoài còn mở ra cơ hội trao đổi sản phẩm mà hai bên có thế mạnh. “Với nhiều nông dân làm ăn lớn, chi phí ra nước ngoài là không quan trọng. Vì vậy, tôi đề nghị những chuyến đi sau, ban tổ chức nên thông báo rộng rãi để ai có nhu cầu có thể tham gia bằng tiền riêng. Nếu được, tôi sẵn sàng tự lo chi phí cho những chuyến đi đáng giá như vậy” - bà Ngọc tâm sự.
Ông Mai Quốc Thái cho biết trước khi đầu tư vườn lan dendro 6 ha ở Bình Dương, ông đã bỏ tiền qua Thái Lan học hỏi kinh nghiệm trồng loại này. Theo ông, việc nhà nước hỗ trợ nông dân ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm, kiến thức, mở rộng tầm nhìn là hết sức cần thiết nhưng để có hiệu quả, người tham gia phải có kinh nghiệm, có mộng làm ăn lớn, ham học hỏi và tránh “cưỡi ngựa xem hoa”.
Ông Hoàng Tiến - chủ một trại tép cảnh ở quận 3, từng bỏ tiền sang Đài Loan học kinh nghiệm nuôi loại sinh vật cảnh có giá trị cao này - cho rằng đi học cũng phải có nghề mới tiếp nhận được kỹ thuật mới, về áp dụng mang lại giá trị cao. “Ra nước ngoài mới thấy làm nông nghiệp cũng có thể làm giàu, thậm chí siêu giàu, không cần diện tích lớn mà quan trọng là phải có kỹ thuật và kỹ năng bán hàng. Ở Đài Loan có một trại tép cảnh chỉ trong 12 m2 nhưng lợi nhuận mỗi tháng có thể tương đương 400-450 triệu đồng nhờ nuôi dưỡng được những con quý hiếm” - ông Tiến cho biết.
Trăm nghe không bằng một thấy
“Mỗi chuyến đi đều có kết quả khả quan nhờ đoàn tổ chức có trọng tâm về nội dung, người phiên dịch giỏi chuyên môn, nông dân mình được gặp gỡ trực tiếp nông dân nước ngoài. Đúng là trăm nghe không bằng một thấy, như mô hình trồng cà chua trong nhà lưới cho năng suất gấp 30 lần cách truyền thống, nếu không thấy sẽ rất khó tin và băn khoăn tại sao phải đầu tư để làm nhà lưới” - ông Sơn nhận xét.
Theo ông Sơn, ở nước ngoài, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp có thu nhập tốt hơn mặt bằng chung của xã hội nhờ có nhiều chính sách hỗ trợ dù đất đai của họ không màu mỡ bằng ở nước ta.
Ở Đài Loan (Trung Quốc), chỉ những vùng đất chết mới dành cho công nghiệp, còn “bờ xôi ruộng mật” phải dành cho nông nghiệp. Khi nông dân muốn bán ruộng thì người mua phải cam kết tiếp tục làm nông nghiệp, nếu không có người mua, nhà nước sẽ mua bằng hoặc cao hơn giá thị trường.
Ở Hàn Quốc, công nghệ sau thu hoạch rất phát triển nên nông dân không phải lo “trúng mùa mất giá” vì nông sản có thể tồn trữ hoặc chế biến thành nhiều sản phẩm khác. Họ cũng liên kết sản xuất lớn và rất hiệu quả. Họ hình thành cả chuỗi sản xuất từ cung ứng vật tư đầu vào, tín dụng, sơ chế, bảo quản, chế biến, bán lẻ, lập sàn giao dịch. Ở Hàn Quốc, vấn đề an toàn thực phẩm luôn được bảo đảm.
“Trong khi đó, ở nước ta, an toàn thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối do sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm nên không thể kiểm soát. Do vậy, để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, dù khó nhưng đã đến lúc bắt buộc sản xuất phải tuân thủ quy trình an toàn” - ông Sơn nhìn nhận.
Ngân sách hỗ trợ hơn 3,6 tỉ đồng
Theo đề án, giai đoạn 2013-2018, TP HCM sẽ chi 4,7 tỉ đồng để nông dân sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia học tập kinh nghiệm. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 3,6 tỉ đồng, nông dân đóng góp hơn 1 tỉ đồng. Đối tượng tham gia gồm nông dân sản xuất giỏi, thành viên ban chủ nhiệm các HTX, tổ trưởng tổ hợp tác… chiếm 80% đoàn, được hỗ trợ 70% kinh phí; 20% suất đi còn lại dành cho cán bộ quản lý và được ngân sách hỗ trợ 100% kinh phí.
Bình luận (0)