xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quá nhiều rào cản trì kéo doanh nghiệp

THÁI PHƯƠNG

Cần có chính sách hỗ trợ để tăng cường mối liên kết giữa khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, kết nối với nhau để tạo sự lan tỏa

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, nhấn mạnh nội dung trên tại hội thảo về triển vọng kinh tế Việt Nam - Cơ hội nào cho doanh nghiệp (DN) diễn ra ngày 17-5, ở TP HCM.

Quá yếu về năng suất lao động

“Trong 20 năm qua, Việt Nam đã có kết quả phát triển kinh tế rực rỡ nhưng các bạn có thể làm được nhiều hơn nữa để trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Quan trọng là có chính sách cụ thể để tạo ra nguồn cảm hứng và cải thiện năng suất lao động” - bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh.

Theo vị phó chủ tịch WB, trong báo cáo Việt Nam 2035 (do Chính phủ Việt Nam và WB thực hiện) đặt mục tiêu đến năm 2035, Việt Nam sẽ đạt mức thu nhập bình quân 20.000 USD/người/năm. Mục tiêu này có thể đạt được nếu Việt Nam duy trì mức tăng trưởng GDP 7% mỗi năm.

Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng sẽ tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam mà động lực chính cho sự phát triển này là khu vực tư nhân. Có điều, trong vòng 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đang chậm lại do chủ yếu tăng trưởng nhờ vào tích lũy vốn và lao động giá rẻ thay vì các yếu tố về năng suất lao động. Đóng góp của năng suất lao động vào tăng trưởng của Việt Nam khá nhỏ và không đều trong thời gian qua, năng suất lao động đang giảm.

Theo số liệu khảo sát các DN trong 20 năm qua và những năm gần đây, năng suất lao động của Việt Nam đang giảm nên thách thức lớn nhất lúc này là phải tăng năng suất.

Doanh nghiệp tư nhân chịu thiệt thòi rất lớn so với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước Ảnh: Tấn Thạnh
Doanh nghiệp tư nhân chịu thiệt thòi rất lớn so với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước Ảnh: Tấn Thạnh

“Hạn chế trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam là dựa vào lao động giá rẻ và trẻ nhưng dân số sẽ già nhanh lại trở thành thách thức nếu chỉ dựa vào lao động để tăng trưởng kinh tế. Ngay hiệu quả sử dụng vốn đang giảm cũng là một thách thức khác; ở khu vực DN tư nhân năng suất lao động cũng không cao một phần do phân phối năng lực nhà nước chưa hiệu quả, sự kết nối của khu vực tư nhân với chính phủ còn yếu” - bà Victoria Kwakwa nhận xét.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng nhìn nhận các DN đến giờ vẫn chưa theo con đường tăng năng suất lao động và đây đang là điểm rất yếu của Việt Nam. Dù mỗi năm năng suất lao động có cải thiện vài phần trăm nhưng không đủ lấp vào khoảng cách với các nước và đang tụt hậu rất xa so với các nước trong khu vực.

Thiếu minh bạch trong cơ chế chính sách, tham nhũng, nhũng nhiễu… là những rào cản trong thực hiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Cho nên, dù cố gắng nhưng xếp hạng quốc tế về môi trường đầu tư của Việt Nam hiện vẫn đang thua Philippines, Indonesia, Thái Lan, Singapore… Các chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng, phá sản, bảo vệ nhà đầu tư cũng xếp sau 5 nước trong khu vực.

Bao giờ DNTN bình đẳng với DN nhà nước?

Đại diện một DN trong lĩnh vực y tế chia sẻ ông hoạt động trong lĩnh vực này đã 20 năm nhưng cảm nhận các chính sách, động lực cho DN làm ăn kinh doanh “thụt lùi” nhiều hơn là cải tiến. “Cơ quan quản lý thường dùng quyền của mình để cho hoặc không cho khi DN đề cập, xin phép một chuyện nào đó. Nhiều người nói tại sao DN không đấu tranh hoặc lên tiếng khi bị chèn ép, bị nhũng nhiễu?

Nhưng đối đầu sẽ rất khó tiếp tục hoạt động kinh doanh nên chúng tôi buộc lòng phải mất một khoản chi phí không chính thức rất cao, cộng vào chi phí kinh doanh và đội giá thành cao hơn so với khu vực. Vậy nên, chúng tôi chỉ đầu tư một mức nào đó mà không phát triển lớn lên được” - vị doanh nhân này bộc bạch.

Có một thực tế, theo bà Victoria Kwakwa, là trong vài năm trở lại đây ở Việt Nam, các DN FDI đang hội nhập rất nhanh, tận dụng cơ hội tốt nhưng DN nội địa lại không được như vậy. Đây là điều không bền vững cho nền kinh tế Việt Nam bởi muốn hưởng lợi nhiều nhất từ hội nhập, bắt buộc các DN tư nhân phải tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, kết nối với DN FDI và vai trò của nhà nước, các hiệp hội lúc này rất quan trọng.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến quý I/2016, cả nước có khoảng 534.000 DN đang hoạt động, trong đó có tới 97% là DN nhỏ và vừa với quy mô rất nhỏ, không có công nghệ hiện đại, quản trị chưa tốt…

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, các DN tư nhân Việt Nam đang phải chịu rất nhiều rào cản về thể chế khiến khu vực DN này không phát triển mạnh được và làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường. Các lĩnh vực tiếp cận đất đai, vốn tín dụng, tài nguyên khoáng sản cũng thiệt thòi hơn rất nhiều so với các khu vực DN khác như DN nhà nước hay FDI.

Nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhìn nhận cái khó nhất của DN tư nhân là trong thực tế phân bổ nguồn lực không được bình đẳng so với DN nhà nước như ngành than, dầu khí, đường sắt, quặng sắt… Đây là vấn đề rất lớn liên quan tới thể chế. Vậy làm sao để cải thiện? Đầu tiên phải cổ phần hóa mạnh mẽ DN nhà nước để biến thành DN cổ phần và tư nhân hóa, phải xây dựng thể chế tốt để DN được cạnh tranh bình đẳng. Trên thực tế, thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành đã đốc thúc quá trình cổ phần hóa DN nhà nước nhưng chưa được nhiều. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 với những giải pháp toàn diện nhằm hỗ trợ cộng đồng DN phát triển từ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, bảo vệ DN và tháo gỡ khó khăn cho môi trường kinh doanh. Các giải pháp nhằm đổi mới sáng tạo, bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng và tiếp cận kinh doanh, giảm chi phí cho DN.

Giấy phép con vẫn sinh sôi

Liên tục trong 3 năm qua, mỗi năm Chính phủ đều ban hành một nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh nhưng theo ông Bùi Quang Vinh, rất nhiều DN, kể cả những DN lớn, phản ánh dù có nghị quyết nhưng họ vẫn bị “hành” bởi các loại giấy phép con, thủ tục quy định rườm rà. Các nghị quyết, văn bản, nghị định của trung ương, địa phương rất quyết liệt và đã cải thiện đáng kể trong tháo gỡ khó khăn, rào cản nhưng thực tế quá trình thực hiện không phải vậy. Đang có một khoảng cách rất lớn và rất đáng lo ngại giữa chỉ đạo của Chính phủ, bộ - ngành trung ương và quá trình thực thi của cấp dưới, không thực hiện hoặc bóp méo quy định.

Dù chủ trương bỏ giấy phép con trong Luật Đầu tư, Luật DN nhưng những quy định mới ban hành ra đời sau thực tế lại “đẻ” thêm nhiều giấy phép con, tăng thêm chi phí thủ tục gia nhập thị trường. Đây là vấn đề nan giải nhất.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo