xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM rất cần cơ chế đặc thù

THÁI PHƯƠNG

TP HCM được xem là đầu tàu nhưng phải vận hành như một toa, kinh tế có thể tăng trưởng ở mức 2 con số nhưng đang bị trói buộc trong cơ chế hiện hành nên không thể phát triển mạnh mẽ

Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng nhấn mạnh nội dung nêu trên, đồng thời đề xuất Chính phủ có cơ chế đặc thù, cởi trói cho TP phát triển mạnh mẽ hơn tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ngày 20-5 ở TP HCM.

Tăng tính chủ động trong điều hành

Theo Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, TP HCM đang phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam xây dựng cơ chế với tư duy đột phá và vượt ra ngoài những điều đang bị trói buộc, đồng thời đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành nên coi sự tăng trưởng của TP là sự phát triển của cả nước, cơ chế đột phá của TP là nhu cầu của Chính phủ. Nếu không làm được điều này thì vẫn quanh quẩn cơ chế xin - cho. Do đó, TP HCM đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành xây dựng cơ chế đột phá cho TP nhằm tăng cường phân cấp trên các lĩnh vực từ tài chính công, tổ chức nhân sự, thu chi...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khảo sát tuyến metro ở TP HCM Ảnh: THÀNH ĐỒNG
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khảo sát tuyến metro ở TP HCM Ảnh: THÀNH ĐỒNG

“Có những sự việc bé bằng cái móng tay nhưng mỗi lần xin rất lâu. Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho TP HCM, đừng sợ phân cấp, ủy quyền thì mất quyền, làm sai” - Bí thư Thành ủy kiến nghị và dẫn chứng:

“TP HCM còn 474 chung cư cũ xuống cấp nhưng 10 năm nay không làm được mà chỉ cải tạo 22 cái. Với cơ chế như hiện nay, trong 5 năm tới cũng chỉ làm thêm được 21 chung cư, vậy bao giờ mới xong? Trong khi đó, người dân phải sống trong nơm nớp, lo sợ. Phải tạo ra cơ chế đặc thù, điều chỉnh lại quy hoạch, cơ chế để lựa chọn nhà đầu tư, cùng lúc cho nhiều nhà đầu tư làm thì sẽ xong. Nếu không sẽ rất khó khăn”.

Liên quan đến giao thông tại các cửa ngõ, theo lãnh đạo TP HCM, trong khi Hà Nội được trung ương đầu tư ưu tiên toàn bộ đường cao tốc đi Lào Cai, Hòa Bình, Ninh Bình, Hải Phòng…, TP HCM lại không được như vậy. Vốn ngân sách, vốn thu tại địa phương mà cân đối như hiện nay thì rất khó đầu tư và phát triển. Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm cho rằng TP rất cần cơ chế, chính sách đặc thù với các quy định phân cấp tài chính mạnh hơn, tăng tính chủ động trong điều hành, quản lý phù hợp với vai trò của một đô thị đặc biệt.

Liên quan đến những cơ chế đặc thù cho TP HCM như phân cấp nguồn thu, thưởng vượt thu, quỹ dự trữ tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho rằng cần có sự rà soát của các bộ, ngành về những kiến nghị của TP. Sau đó, các bên liên quan sẽ họp bàn xây dựng cơ chế toàn diện hơn cho TP.

Nên xem là trung tâm hội nhập

PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định đặt ra cơ chế đặc thù cho TP HCM trong bối cảnh hiện nay là rất quan trọng vì TP với vai trò đầu tàu kinh tế sẽ phải đối mặt với hội nhập, nếu không thay đổi, sẽ không cạnh tranh được. Phải xây dựng TP HCM trở thành trung tâm hội nhập của cả nước bởi với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thế hệ mới khác, điều gay go nhất của Việt Nam là không phải cạnh tranh bằng thuế mà bằng thể chế, chất lượng sản phẩm.

“Cơ chế đặc thù phải gồm cơ chế vận hành để đầu tàu vượt lên, cạnh tranh ngang bằng với các TP khác trong khu vực. Quan trọng hơn, nhờ cơ chế đặc thù, TP HCM giàu lên sẽ có tác động lan tỏa, kéo cả nước phát triển” - ông Thiên nhận định.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận sự trăn trở, tìm tòi hướng đi của TP HCM. “Với mong muốn lấy lại vị trí đầu tàu, việc huy động các nguồn lực của TP gắn với những cơ chế tài chính đặc thù là rất quan trọng. Đề nghị TP chủ động xây dựng đề án càng sớm càng tốt để trình Chính phủ cho thí điểm một số vấn đề mới phát sinh. Muốn có cơ chế khác biệt và vượt trội, cần trình Chính phủ xem xét, sau đó xin ý kiến Bộ Chính trị và trình Quốc hội ra nghị quyết” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Khu Công nghệ cao nên tham gia đào tạo nhân lực chuyên sâu

Sáng 20-5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) TP HCM.

Đại diện Khu CNC cho biết đến nay, việc xây dựng cơ sở hạ tầng đã hoàn thành cơ bản giai đoạn I (300 ha), đang hoàn tất giai đoạn II (khoảng 613 ha). Tổng vốn đầu tư cho các công trình tại Khu CNC lên đến 7.637 tỉ đồng, đến tháng 4-2016 đã giải ngân 7.381 tỉ đồng. Sản lượng công nghiệp công nghệ cao tại đây tăng trưởng nhanh và bền vững, có tính cạnh tranh toàn cầu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Khu CNC tham gia đào tạo đội ngũ nhân lực chuyên sâu, có trình độ quản lý cao. Đặc biệt, cần tính toán thêm mục tiêu phát triển, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển năng lực khoa học và công nghệ.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đại diện các bộ, ngành và lãnh đạo TP HCM làm việc với Ban Quản lý Đường sắt đô thị và khảo sát nhà ga ngầm ở khu vực Nhà hát TP.

Ông Hoàng Như Cương, Phó Ban Quản lý Đường sắt đô thị, cho biết khối lượng dự án đã thực hiện đạt 27%. Trong đó, gói thầu số 1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát TP đến Ba Son) đã thi công 2 nhà ngầm, khối lượng thi công tổng thể đạt 32%. Gói thầu số 2 (đoạn trên cao dài 17,1 km) khối lượng thi công đạt 53%. Gói thầu số 3 (cơ điện, đường ray, đầu máy, toa xe) thi công được 10%. Theo kế hoạch, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ hoàn thành vào năm 2020. Dự án tuyến metro số 5 giai đoạn 2 (Ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc mới), chính phủ Hàn Quốc đang hỗ trợ TP nghiên cứu sơ bộ và dự kiến hoàn thành năm 2017 để trình Quốc hội xin chủ trương. Dự án tuyến nhánh sân bay Tân Sơn Nhất giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành công tác nghiên cứu và trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương đầu tư vào năm 2017. Dự án tuyến metro số 3a giai đoạn 1 (Bến Thành - Bến xe Miền Tây) dự kiến hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi cuối năm nay, năm 2017 trình Thủ tướng để báo cáo Quốc hội.

T.Đồng

Ủng hộ đặt Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam tại TP HCM

Một trong những kiến nghị của TP HCM gửi Chính phủ tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là đặt trụ sở Sở Giao dịch chứng khoán sau hợp nhất tại TP HCM.

Chính phủ đang triển khai tái cấu trúc mô hình tổ chức thị trường chứng khoán theo hướng cả nước chỉ có một sở giao dịch trên cơ sở hợp nhất Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM thành lập năm 2000, nơi khai trương thị trường chứng khoán đầu tiên của cả nước, giá trị vốn hóa chiếm hơn 88% giá trị thị trường cổ phiếu của cả nước. Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM đã được Bộ Tài chính và TP HCM đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại nhất trong ngành chứng khoán, tạo nền tảng về công nghệ, chuẩn bị sẵn sàng cho việc thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam. Do đó, TP HCM kiến nghị Chính phủ chấp thuận đặt trụ sở chính của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam trên địa bàn, góp phần nâng cao vai trò và sự đóng góp của TP trong sự phát triển kinh tế đất nước, tạo đột phá và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết có đề xuất đặt Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam ở Hà Nội để tiện cho công tác quản lý nhưng quan điểm của bộ là Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM đã hoạt động tốt nên không nhất thiết phải đặt ở Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định dù có chủ trương sáp nhập nhưng riêng sàn giao dịch cổ phiếu phải đặt ở TP HCM, kể cả chứng khoán phái sinh; còn sàn giao dịch Hà Nội chỉ phát triển thị trường trái phiếu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo