xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trái cây Trung Quốc đội lốt hàng Việt

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Dù đã bị Thái Lan soán ngôi đầu bảng về nguồn cung rau quả cho thị trường Việt Nam nhưng lượng hàng Trung Quốc nhập vào vẫn rất lớn

Tuy vậy, qua khảo sát thì hầu như rau quả Trung Quốc “biến mất” khỏi thị trường vì qua các khâu phân phối đã xóa dấu vết xuất xứ để đánh lừa người tiêu dùng.

Bán lẻ: Không có hàng Trung Quốc?

Theo khảo sát tại các siêu thị lớn ở TP HCM như Co.opmart, Lotte Mart, Maximark,… nơi thực hiện đầy đủ việc niêm yết giá và xuất xứ thì không hề có trái cây Trung Quốc. Tương tự, chủ nhiều cửa hàng chuyên trái cây nhập khẩu ở TP HCM cũng khẳng định không kinh doanh hàng nhập từ Trung Quốc.

Trái cây được bày bán trên các tuyến đường ở TP HCM đa số là hàng Trung Quốc nhưng được quảng cáo là hàng trong nước
Trái cây được bày bán trên các tuyến đường ở TP HCM đa số là hàng Trung Quốc nhưng được quảng cáo là hàng trong nước

Chiều 31-7, ghé một xe trái cây dưới chân cầu Rạch Đỉa 1 (đường Lê Văn Lương, quận 7, TP HCM), nơi có dán bảng “lựu đỏ ngọt, đào Sa Pa”, chúng tôi hỏi “lựu này ở đâu” thì chủ hàng lập tức nói “miền Tây mình chứ đâu” rồi liến thoắng “ở đây chỉ bán hàng Việt Nam”. Khi chúng tôi cầm quả táo (bom, một mặt hàng mười mươi của Trung Quốc) lên hỏi thì chủ hàng trả lời: “Hàng Đà Lạt đó em, Việt Nam mình trồng được lâu rồi (?!)”.

Dọc đường Phạm Hùng (huyện Bình Chánh và quận 8) hầu hết các điểm kinh doanh trái cây đều có bán các loại như dưa lưới vàng 30.000 đồng/kg, đào 25.000 đồng/kg, mận đen 50.000 đồng/kg, táo 40.000 đồng/kg, lựu 30.000 đồng/kg để chung với trái cây Việt Nam đang vào mùa như chôm chôm, bưởi, thanh long, nhãn. Khi hỏi xuất xứ, tất cả chủ hàng đều nói là trái cây Việt Nam dù dưới các gầm xe còn nguyên những thùng xốp toàn chữ Trung Quốc.

Thậm chí, trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 1, quận 5) và Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), có rất nhiều xe đẩy ghi bảng “đào Sa Pa”, “mận Hà Nội” để chào mời khách đi đường. Với dưa lưới vàng, trên xa lộ Hà Nội (quận 2), các xe đẩy treo biển là “dưa lưới Hà Nội” trong khi mặt hàng này ở Hà Nội lại quảng cáo là “dưa lưới Sài Gòn” dù nguồn hàng đều tới từ biên giới phía Bắc.

Nhập 10 triệu USD mỗi tháng

Theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Hải quan và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã chi 49,584 triệu USD để nhập rau quả từ Trung Quốc (mỗi tháng gần 10 triệu USD), tăng 5,92% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 26,36%, đứng thứ hai về thị phần và rất sát với nước đầu bảng là Thái Lan (26,57%). Việc so sánh chỉ mới tính đến giá trị mà không có thống kê về khối lượng nên với giá siêu rẻ, chắc chắn lượng hàng nhập từ Trung Quốc sẽ nhiều hơn.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức, cho biết chợ đang nhập về các loại đào, dưa lưới trái dài, mận đen, bom, quýt,… nhưng theo nhận xét của bà Hà, lượng hàng đã giảm nhiều so với trước đây vì không được người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các chợ đầu mối ở TP HCM, rất hiếm tiểu thương chợ sỉ mua trái cây Trung Quốc để bán mà chỉ nhận bán dạng “ký gửi” để hưởng hoa hồng. Chủ hàng đứng tên trên giấy tờ của lô hàng không thuê sạp để kinh doanh, nếu hàng bán không hết có thể gửi các kho lạnh hoặc trả lại chủ hàng. Giá trái cây Trung Quốc trên các hóa đơn gốc đa phần đều rất rẻ, nhiều loại dưới 10.000 đồng/kg.

Đầu năm 2015, Chi cục QLTT TP HCM đã “tổng kiểm tra” các kho lạnh chứa trái cây tại các chợ đầu mối như Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn và ghi nhận rất nhiều điểm bán hàng không thực hiện việc ghi nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định.

Qua kiểm tra cũng ghi nhận việc gian lận xuất xứ không có ở chợ đầu mối do người mua đều là những người kinh doanh chuyên nghiệp, biết rõ nguồn hàng. Tuy nhiên, khi đưa về bán lẻ tại các chợ, cửa hàng, tuyến đường thì họ lại ghi nhãn không đúng để đánh lừa người tiêu dùng.

Theo bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP HCM, tình trạng trái cây Trung Quốc đội lốt hàng Việt đã có từ lâu nhưng không được xử lý triệt để. Nguyên nhân là trái cây Trung Quốc có nhiều tiếng xấu về chất lượng nên người tiêu dùng lo sợ. Vì vậy, muốn bán được hàng các tiểu thương phải lừa dối chứ nói thật chẳng ai mua.

“Khi hội nhập, chúng ta không thể cấm nhập khẩu nhưng rõ ràng là rất nhiều người tiêu dùng mua trái cây Trung Quốc vì bị lừa. Do vậy cơ quan quản lý cấp phép nhập khẩu cần công bố thông tin rõ ràng, chính xác để người dân biết, khi đó thị trường sẽ quyết định một cách công bằng, tôi tin rằng trái cây Trung Quốc sẽ không còn về nhiều như hiện nay” - bà Thu nói.

Ăn “nho đỏ Mỹ” dễ bị lừa

Tại nhiều điểm bán trái cây hiện nay có loại nho đỏ, quả to, có hạt, ăn khá ngon được giới thiệu là nho Mỹ với giá bán từ 90.000-110.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Huy, quản lý thương hiệu Công ty Trái cây an toàn, cho biết hiện Mỹ chưa vào mùa nho đỏ mà chỉ có nho đen không hạt. “Giả sử có loại chín sớm thì muốn có mặt tại thị trường Việt Nam phải đi bằng máy bay, chi phí gấp 3 lần giá bán như trên, hàng vận chuyển bằng tàu biển chắc chắn chưa có để có giá cạnh tranh. Trên thị trường nho đỏ quả to hầu hết là hàng Trung Quốc, chỉ có một ít nho Chile cuối mùa nên đã xuống mã, cuống héo, không bắt mắt như nho Trung Quốc” - ông Huy khẳng định.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo