xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tranh cãi về quyền hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Bảo Trân

Ngày 17-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đại diện cơ quan thẩm tra dự Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết dự luật tách riêng trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME), hiệp hội ngành nghề khác sẽ góp phần lựa chọn đối tượng hỗ trợ cho đúng.

Tranh luận quyết liệt

Tại phiên họp, các bên liên quan đã có tranh luận gay gắt về quy định trách nhiệm với DNNVV mà cụ thể là điều 30 của dự luật.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng quy định như tại điều 30 là không xác định đúng với vai trò của VCCI đã được Đảng, nhà nước quy định là đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam, cho đội ngũ doanh nhân. Còn trên thế giới thì các mô hình phòng thương mại như EuroCham, AmCham,… cũng như VCCI ở Việt Nam là tổ chức đại diện cho cộng đồng DN. VCCI cho rằng điều 30 của dự luật đã quy định cho VINASME tới 6 nhóm nhiệm vụ là tạo ra bất bình đẳng giữa các hiệp hội DN liên quan tới việc hỗ trợ DNNVV. Việc tập trung toàn bộ trách nhiệm hỗ trợ DNNVV cho VINASME như dự luật dường như tự cắt bỏ một mạng lưới quan trọng các chủ thể có thể đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc hỗ trợ DNNVV là các hiệp hội DN, ngành nghề.

Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân
Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Từ đó, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định: “Việc giao chức năng hỗ trợ toàn bộ cộng đồng DNNVV ở Việt Nam cho VINASME là không phù hợp với vị thế pháp lý của hiệp hội này, là rất rủi ro và vô lý. Dự luật nhấn mạnh quá nhiều về quyền lợi và chức năng của VINASME mà bỏ qua các hiệp hội khác như VCCI, doanh nhân trẻ, nữ doanh nhân, địa phương…, những nơi có 98% thành viên là các DNNVV”.

Đánh giá tổng thể cả dự thảo luật, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định: “Cộng đồng DN chưa hài lòng bởi còn nhiều quy định chung chung, khó khả thi”.

Phản ứng lại, Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân thẳng thắn nêu quan điểm: “Có ý kiến cho rằng chúng tôi không đại diện cho cộng đồng DNNVV Việt Nam nhưng thực tế tôi là đại diện vì đã trở thành đại biểu QH, là thành viên của MTTQ Việt Nam. Vì thế, ý kiến này phải xem xét lại về mặt nhận thức”.

Theo ông Thân, gần đây, ông được QH và Chính phủ cử đi tham quan Nhật và Đức, 2 nước đánh giá cao vai trò của hiệp hội có mô hình tương tự VINASME. “Mô hình VINASME về đổi mới sáng tạo như liều thuốc tiên để phát triển kinh tế” - ông Thân tự hào.

Chủ tịch VINASME còn cho rằng ý kiến đánh giá hiệp hội này là “nhỏ” khiến cộng đồng DNNVV bức xúc, VINSME bị xúc phạm. “Dự luật quy định chi tiết thì chúng tôi mới làm được. Nếu để chung chung như ông Vũ Tiến lộc nói thì không làm được. 10 năm nay, chúng tôi tham gia VCCI mà chẳng thấy có tác dụng gì” - ông Thân nhấn mạnh.

Không làm mất vai trò của tổ chức nghề nghiệp

Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận: “Càng nhiều tổ chức hỗ trợ DNNVV càng tốt nên giữ nguyên điều 30 là phù hợp. VCCI và VINASME là 2 tổ chức riêng biệt, có tôn chỉ, mục đích riêng và không thể hiệp hội này là tổ chức “mẹ” của tổ chức khác. VCCI là thành viên ban soạn thảo dự luật và trước đó rất ủng hộ nhưng không hiểu sao hôm nay lại có ý kiến ngược lại”.

Về tổng thể dự thảo luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá đã được chỉnh lý nghiêm túc, các nội dung không còn vấn đề gì lớn. Những ý kiến từ VCCI thì cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu và thấy rằng chưa thể tiếp thu được ở giai đoạn này.

Trước ý kiến trái chiều của VCCI và VINASME, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận: “Tôi đề nghị không tranh luận thêm về điều 30 vì làm mất thời gian”.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu rà soát lại quy định tại điều 30 để không làm mất vai trò của tổ chức nào.

PGS-TS Hồ Xuân Thắng, Trưởng Khoa Luật ĐH Sài Gòn:

Cần sửa đổi, bổ sung nhiều

Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV cần sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung liên quan. Trong đó, cần làm rõ khái niệm hỗ trợ DN là gì, DNNVV là thế nào và cần xem xét điều chỉnh vai trò của VCCI. Theo dự luật, vai trò của VCCI rất mờ nhạt, trong khi tổ chức này có thể làm nhiều điều có ích hơn cho DNNVV. Riêng quy định về hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho DNNVV tại các KCN, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp ở địa phương còn chồng chéo, thời gian thuê không phản ánh sự linh hoạt của pháp luật và không khả thi trong tương lai.

Ông Nguyễn Mạnh Tuệ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV (Hiệp hội DN TP HCM):

Nên xã hội hóa các tổ chức hỗ trợ DN

Luật Hỗ trợ DNNVV nên quy định rõ vai trò tham mưu chính sách của các bộ, ngành. Vai trò xây dựng, phân bổ kế hoạch, bố trí nguồn lực… tập trung giao cho địa phương để tránh sự cồng kềnh cho bộ máy, làm giảm hiệu quả của các chương trình hỗ trợ. Song song đó, cần xã hội hóa các tổ chức hỗ trợ DN.

TS-LS Phan Thông Anh, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam:

Thể hiện trình độ lập pháp cao hơn

Dự thảo luật lần này đã tiến bộ khi xây dựng quy định điều chỉnh về DNNVV trên cơ sở bảo đảm sự thống nhất với các luật chuyên ngành, không chỉ tránh được những khó khăn gặp phải trong quá trình áp dụng pháp luật do xung đột các quy định cùng điều chỉnh về một vấn đề mà còn thể hiện trình độ lập pháp cao hơn của các nhà làm luật. Tôi đồng tình với dự thảo đề nghị không thực hiện hỗ trợ thuế thu nhập DN đối với DN, nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, cụm công nghiệp để tránh hỗ trợ hai lần vì việc này không bảo đảm việc DNNVV được giảm chi phí thuê mặt bằng trong KCN và cụm công nghiệp.

T.Nhân ghi

Cần sự chung sức

Dự Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ không rơi vào những tranh luận không đáng có nếu có cách tiếp cận rõ ràng về vai trò, chức năng của các tổ chức hiệp hội DN. Sau gần 2 năm soạn thảo, gần đây trong dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV mới được gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội đã có những thay đổi lớn, trong đó có quy định tại điều 30. Điều này quy định về trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME) và các hiệp hội ngành nghề. Thay đổi dù lớn nhưng đáng tiếc đã không được đưa ra thảo luận, trao đổi công khai tại các diễn đàn mà được đưa ngay tại dự thảo bản gần cuối cùng, chuẩn bị trình ra Quốc hội biểu quyết thông qua. Chính điều này khiến nhiều hiệp hội DN phản đối.

Nội dung điều khoản này được thiết kế cho cả 3 nhóm chủ thể là: VCCI, VINASME và các hiệp hội chuyên ngành, theo hướng:

- VCCI ngoài nhiệm vụ hỗ trợ theo điều lệ, cần hỗ trợ kết nối DNNVV với doanh nghiệp lớn.

- VINASME có 6 nhóm nhiệm vụ, gần tương tự như các nhiệm vụ được ghi trong điều lệ của hiệp hội này cũng như trong điều lệ của phần lớn hiệp hội. Điểm khác biệt là các nhiệm vụ này gắn với DNNVV nói chung chứ không gắn với hội viên của hiệp hội này.

- Các hiệp hội ngành hàng có nhiệm vụ phối hợp thúc đẩy, hỗ trợ phát triển DNNVV theo luật này và pháp luật liên quan.

Điểm nổi bật của quy định này là hướng chức năng chủ yếu và đầu mối vào VINASME. VCCI cùng các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội DN đa ngành tại địa phương có vai trò mờ nhạt và phối hợp.

Nhiều hiệp hội đánh giá rằng VINASME có các hội viên là DNNVV, hoạt động cũng chỉ nhằm đại diện và hỗ trợ cho các DN hội viên của mình (thể hiện trong điều lệ VINASME). Vai trò, chức năng của hiệp hội này do vậy hoàn toàn giống với hơn 400 hiệp hội DN trên toàn quốc. Trao trọng trách đại diện cho toàn bộ cộng đồng DNNVV ở Việt Nam liệu có phù hợp và bình đẳng? Mà đại diện và hỗ trợ DNNVV gần như là đại diện và hỗ trợ cả cộng đồng DN Việt Nam khi khu vực DNNVV chiếm đến 97%-98% DN.

Tại sao các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội tỉnh - thành phố, các hội doanh nhân trẻ, hội doanh nhân nữ… không được trực tiếp thực hiện các hoạt động hỗ trợ DNNVV hội viên của mình mà lại phải phối hợp với VINASME?

Bản dự thảo trình ra cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có thay đổi khi gộp chung nhóm nhiệm vụ của VINASME và các hiệp hội ngành hàng làm một, điều 29 đổi thành điều 30, giữ nguyên khoản quy định về VCCI.

Tôi cho rằng cách tiếp cận này vẫn chưa phù hợp và chưa triệt để. Tại sao không quy định VCCI và tất cả hiệp hội DN đều có chức năng đại diện và hỗ trợ DNNVV? Tại sao không huy động tất cả hiệp hội DN, dù to hay nhỏ, dù ngành hàng hay đa ngành, dù trung ương hay địa phương cùng tham gia hoạt động này. Quy định do vậy chỉ cần đơn giản: “VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp có trách nhiệm sau:…”.

Có được sự chung sức, đồng lòng trong hỗ trợ DNNVV mới chính là kỳ vọng và mong muốn của cộng đồng DN Việt Nam.

Anh Tuấn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo