xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trông chờ vào “cây tỉ đô”

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

Để cây mắc ca Việt Nam có một vị thế xứng đáng trên bản đồ khu vực và thế giới, cần một chiến lược phát triển bền vững, tránh các bẫy trở thành quốc gia cung cấp nguyên liệu giá rẻ

Giáo sư Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế trung ương, nhấn mạnh như trên tại hội thảo “Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên” do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Kinh tế trung ương và Ngân hàng (NH) TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tổ chức ngày 7-2 ở Lâm Đồng.

“Nóng” như mắc ca

Trước đó, chiều 6-2, chúng tôi đã ghé tham quan vườn mắc ca 9 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Đức Ba ở thị trấn Thành Mỹ, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Vườn mắc ca này hiện có khoảng 400 cây, đã thu hoạch quả được vài năm. “Một cây mắc ca thu 25 kg quả, giá mỗi ký là 600.000 đồng, tính ra gia đình tôi đang có trong tay tiền tỉ” - ông Ba khoe.

Vườn cây mắc ca 9 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Đức Ba ở Lâm Đồng
Vườn cây mắc ca 9 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Đức Ba ở Lâm Đồng

Mắc ca (macadamia - một loại cây cho quả có giá trị dinh dưỡng vượt trội, đã ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp mỹ phẩm và thực phẩm chức năng, được mệnh danh là “nữ hoàng các loại quả khô”) xuất hiện ở Việt Nam khoảng 20 năm nay.

Được thí điểm trồng vài năm gần đây, nghiên cứu bước đầu cho thấy Tây Nguyên là vùng đất thích hợp nhất với mắc ca, mang lại hy vọng về một loại cây trồng “tỉ đô” giúp nông dân Việt Nam thoát nghèo. Có doanh nghiệp (DN) sẵn sàng bỏ tiền đầu tư cả ngàn hecta mắc ca.

Hạt mắc ca có giá trị dinh dưỡng vượt trội
Hạt mắc ca có giá trị dinh dưỡng vượt trội

Những ngày này, đi đến đâu ở vùng Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, chúng tôi cũng nghe người dân bàn về chuyện trồng cây mắc ca với kỳ vọng đổi đời. Ở các xã Đắc Bok So, Quảng Trực thuộc huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, chúng tôi chứng kiến nhiều vùng đồi núi được phủ bằng cây cà phê xen canh mắc ca 3-4 năm tuổi. Tại nhà nông dân Nguyễn Đức Hưởng, vườn cây mắc ca 4 năm tuổi xen canh cây cà phê của ông đã bắt đầu ra những quả đầu tiên.

Ông Nguyễn Đức Ba cho biết cách đây khoảng 9 năm, một người bà con từ Úc giới thiệu cây mắc ca với ông và cho giống trồng thử trong vườn chuối. Sau 4 năm, mắc ca bắt đầu có quả, ông bèn phá bỏ vườn chuối dù thu nhập chưa là bao vì sản lượng thấp. “Nhưng đến nay, sản lượng mắc ca rất cao, năm ngoái tôi thu gần 4 tấn quả. Nhiều người đã tìm đến tôi mua giống, DN thì mua nguyên liệu chế biến. Trồng cây này 1 vốn 4 lời” - ông phấn khởi.

Theo lãnh đạo UBND xã Quảng Trực, khó khăn lớn nhất của nông dân khi đầu tư trồng mắc ca là cây giống. “Mỗi cây giống giá khoảng 60.000-80.000 đồng, nếu mỗi hecta trồng 300 cây thì chi phí khoảng 50 triệu đồng. Khoảng 200 hộ dân ở xã đã trồng thử mắc ca và với tốc độ như hiện nay, chỉ 5-6 năm nữa, Quảng Trực sẽ thành vùng chuyên canh. Dù nhiều DN đã đến hỏi mua quả nhưng người dân vẫn còn băn khoăn về đầu ra cho sản phẩm” - vị lãnh đạo xã cho biết.

Đừng để xuất thô, giá thấp

GS Hoàng Hòe, nguyên Viện trưởng Viện Điều tra Quy hoạch rừng, cho rằng để tham gia cung cấp sản phẩm cho thị trường mắc ca, Việt Nam cần phải có bước đi vững chắc, có quy hoạch diện tích đúng mức. Bên cạnh đó, cần phải có một loạt DN vừa và nhỏ, đủ mạnh dẫn đầu trong tiến trình xây dựng ngành mắc ca. Điều quan trọng nữa là cần sự ủng hộ của Chính phủ.

“DN dẫn đầu và các hộ nông dân làm vệ tinh là cần thiết để xây dựng một diện trích trồng mắc ca khoảng 200.000 ha ở Tây Nguyên. Chúng ta cần coi trọng năng suất, chất lượng cây giống và hiệu quả vì đối thủ cạnh tranh rất nhiều. Tôi từng đi Vân Nam, Quảng Tây - Trung Quốc và thấy mắc ca phát triển rất mạnh, họ trồng đến 34.000 ha trong 4 năm. Chúng ta không nên phát triển ồ ạt mà cần làm vững chắc, phải lựa giống thật tốt” - GS Hoàng Hòe nhìn nhận.

Làm sao để nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm mắc ca, tránh xuất khẩu thô nhiều nhưng lợi ít cũng được nhiều đại biểu bàn luận tại hội thảo. Bài học từ việc phát triển ồ ạt cao su, cà phê... rồi lãnh đủ trước đây giờ vẫn còn nguyên giá trị.

Theo ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT LienvietPostBank, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Him Lam - chuyện “được mùa mất giá” chủ yếu là do không giải quyết được vấn đề thị trường, nhu cầu tiêu thụ và vốn. Do đó, ông Minh cam kết sẽ xây dựng nhà máy chế biến sâu và tổ chức xuất khẩu mắc ca khi nông dân có sản phẩm, mua bảo hiểm nông nghiệp cho cây trồng. NH cũng trực tiếp đầu tư 5.000 ha mắc ca qua Công ty CP Tập đoàn Liên Việt và triển khai quy trình khép kín sản xuất - chế biến - tiêu thụ.

“Phải đi trước một bước về chế biến, tiêu thụ và đặc biệt là chế biến sâu. Nên ủng hộ mắc ca nhưng quan trọng nhất là giống, kỹ thuật trồng bởi sau 5 năm mới có kết quả. Cần công bố quy hoạch, quy chuẩn về giống, quy trình kỹ thuật chăm sóc và các khu vực trồng” - ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng - NH Nhà nước, đề nghị.

Bài học từ người đi trước

Trung Quốc và Úc hiện là 2 quốc gia có sản lượng mắc ca lớn nhất thế giới. Theo tài liệu của GS Hoàng Hòe, người Trung Quốc đã trồng mắc ca gần 40 năm trước.

Trung Quốc đã nhập gần 50 giống hạt mắc ca từ Hawaii và Úc nhưng giai đoạn 1994-1998 phát triển rất ồ ạt, ít chú trọng đến kỹ thuật, nhất là khâu giống, nên quá trình sản xuất bị đình đốn thời gian dài. Phải đến năm 2004, Trung Quốc mới rút kinh nghiệm và củng cố kỹ thuật, giúp cây mắc ca phát triển mạnh trở lại. Đến năm 2013, diện tích trồng mắc ca ở Trung Quốc đạt 36.500 ha và sản lượng hơn 4.100 tấn. Con số này còn tăng mạnh thời gian tới.

Với Úc, thị trường mắc ca có giá trị hơn 200 triệu USD/năm, sản lượng năm ngoái ước tính 11.400 tấn. Nước này đầu tư mỗi năm khoảng 2 triệu USD cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và marketing, loại bỏ những cách làm cũ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm mắc ca và môi trường. Ngoài sự hỗ trợ trực tiếp của chính phủ, nông dân Úc còn dành một phần đáng kể doanh thu mỗi năm để tái đầu tư nghiên cứu phát triển mắc ca…

“Chính phủ Trung Quốc chủ trương cấp giống cho nông dân trồng và coi đây là vấn đề số 1. Họ thận trọng trong khâu sản xuất giống. Ta cũng phải chọn giống tốt và phù hợp để đưa vào trồng” - GS Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam, khuyến cáo.

 

Cây công nghiệp chiến lược mới

Thực tiễn thử nghiệm trồng cây mắc ca ở Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông cho thấy sau hơn 4 năm đã có mùa thu hoạch đầu tiên với sản lượng khoảng 28-32 tạ quả tươi/ha/năm. Một số mô hình trồng cây mắc ca xen cà phê được người dân đánh giá cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với cà phê, lại chịu hạn tốt, ít công chăm sóc, ít sâu bệnh...

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ sớm đề xuất Chính phủ bổ sung cây mắc ca là cây công nghiệp chiến lược mới; đồng thời ban hành chủ trương, chính sách khuyến khích trồng, tiêu thụ sản phẩm. Chúng ta cần chú trọng việc trồng và sản xuất quy mô lớn, chế biến, tiêu thụ, tận thu các sản phẩm từ mắc ca; đưa loại cây này trở thành sản phẩm của Việt Nam, thậm chí đưa Việt Nam thành một trong những cường quốc về mắc ca của thế giới.

Đại tướng Trần Đại Quang

(Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên)

 

Ưu đãi vốn cho người trồng

Sau 4 năm, cây mắc ca mới cho thu hoạch. Thời gian đầu triển khai, bà con nông dân cần vốn lớn cho giống, kỹ thuật, tưới tiêu... nhưng lại khó thu xếp được vốn này. NH đã lên kế hoạch ưu đãi cho các hộ gia đình và DN vay tín dụng dài hạn trong 7 năm, ân hạn cả nợ gốc và lãi trong 5 năm đầu. Những năm tiếp theo, khi mắc ca cho thu hoạch và mang lại lợi nhuận cao, người vay sẽ bắt đầu trả cả gốc và lãi.

Trong vòng 10 năm tới, LienVietPostBank đã có kế hoạch bơm hơn 20.000 tỉ đồng vốn cho nông dân, DN vay đầu tư trồng cây mắc ca. NH và Him Lam đang hợp tác xây dựng gói sản phẩm dành riêng cho cây mắc ca, không chỉ cho vay vốn mà còn đi cùng nông dân trong quá trình trồng, thu hoạch, xúc tiến tìm thị trường tiêu thụ...

Ông Nguyễn Đức Hưởng (Phó Chủ tịch LienVietPostBank)

 

Từng có ý định chặt bỏ

Bà Kim Thị Định, nông dân tỉnh Đắk Lắk, cho biết những ngày đầu trồng xen canh mắc ca, gia đình bà gặp nhiều khó khăn vì phải phá bỏ nhiều cây cà phê đang trong thời kỳ thu hoạch. Sau 4 năm được chăm sóc, mắc ca bắt đầu cho thu hoạch. Lúc đó, gia đình bà hái quả mắc ca không biết bán cho ai, đành phải mang đi ươm.

“Có lúc tôi nghĩ cây mắc ca chẳng có lợi ích gì và đã muốn chặt bỏ để trồng cây khác. Nhưng gần đây, nhiều đoàn chuyên gia từ Úc, Thái Lan, Nhật… đến khảo sát đã khẳng định mắc ca hợp với vùng Tây Nguyên, khuyến khích phát triển vì cây có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, gia đình tôi quyết định trồng cây giống để bán cho những người có nhu cầu, đồng thời phá một số vườn cà phê già cỗi trồng xen mắc ca” - bà Định nhớ lại.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo