Để có thể thâm nhập thị trường Lào tốt hơn, điều quan trọng mà doanh nghiệp (DN) cần lưu ý đó là xây dựng kênh phân phối tại thị trường này.
Bị hàng Thái, Trung Quốc “đá bay”
Vốn chỉ quan tâm đến thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Australia, suốt 30 năm qua nhưng 5 năm trở lại đây Công ty Gốm sứ mỹ nghệ XK Quang Vinh (có địa chỉ tại Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) đã chú ý đến thị trường Lào. Với một thị trường còn khiêm tốn về dân số, nhiều DN theo chân các cuộc xúc tiến thương mại, hội chợ do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức tại Lào chỉ với mục đích tham quan chứ không có ý tưởng làm ăn kinh doanh với Lào.
Tuy nhiên, khi đi xúc tiến tại thị trường này, bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty Gốm sứ mỹ nghệ XK Quang Vinh nhận thấy đây là thị trường tốt, có tiềm năng, đặc biệt là phù hợp với những sản phẩm do DN làm ra. Dù kim ngạch XK sang thị trường Lào mới chỉ dừng ở mức khiêm tốn (năm 2015 đạt 1 tỉ đồng) nhưng hiện tại sản phẩm của DN này đã “phủ sóng” rộng khắp từ Vientian đến Luang Prabang.
“Sản phẩm của chúng tôi được người tiêu dùng Lào ưa chuộng bởi đây là sản phẩm mỹ nghệ mang tính thời trang, tính mỹ thuật cao. Hơn nữa, chúng tôi thường xuyên thay đổi mẫu mã theo mùa, theo năm” - bà Vinh chia sẻ.
“Thị trường ít dân nhưng phù hợp với ngành hàng sản xuất hàng tiêu dùng của Việt Nam” là chia sẻ của bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội nữ DN nhỏ và vừa Hà Nội khi được hỏi về thị trường Lào. Song theo bà Thùy, hàng tiêu dùng của Việt Nam mặc dù được người tiêu dùng Lào ưa chuộng nhưng vẫn bị cạnh tranh gay gắt khi phải “chống chọi” với sản phẩm của Thái Lan, Trung Quốc.
“Năm nào hội chợ do Bộ Công Thương tổ chức cũng sau hội chợ của Thái Lan 3 ngày. Điều này càng khiến cho hàng hóa của Việt Nam bị cạnh tranh lớn hơn tại thị trường Lào”, bà Thùy nêu lý do.
Khó khăn này cũng được phía Bộ Công Thương nhìn nhận và thẳng thắn chỉ ra. Ông Lê An Hải, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho hay, XK của Việt Nam sang Lào còn chịu tác động mạnh khi phải cạnh tranh với các nước như Trung Quốc, Thái Lan. Thái Lan còn có sự tương đồng về văn hóa và ngôn ngữ với Lào.
Đặc biệt, chất lượng hàng Thái Lan tốt và ổn định. Thái Lan dễ tiếp cận hệ thống phân phối, nhất là tại các tỉnh, thành phố chính của Lào như Vientian, Pakse, Savan… Tương tự, hàng Trung Quốc đa dạng về giá cả, chủng loại đã “đánh bại” hàng Việt, nhất là hàng tiêu dùng tại Lào.
Lưu thông hàng hóa chậm
Vì sao hàng Việt lại khó cạnh tranh tại thị trường Lào? Theo ông Trần Bảo Giám, Tham tán Công sứ tại Lào, nguyên nhân là mạng lưới phân phối hàng Việt tại Lào chưa được quan tâm thiết lập như chợ, cửa hàng, siêu thị. Rõ ràng, điều này thể hiện sự thiếu liên doanh, liên kết giữa các DN sản xuất và phân phối Việt Nam trong việc cung ứng hàng.
Trong khi đó, Trung Quốc đã đầu tư xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa tại Lào, tại các tỉnh của Lào đều có chợ Trung Quốc. Ngay cả thủ đô Vientian cũng có trung tâm thương mại của Trung Quốc.
Không chỉ yếu về hệ thống phân phối, hàng Việt còn kém cạnh tranh hơn so với hàng Thái, hàng Trung Quốc vì hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém. Điều này đã khiến cho lưu thông hàng hóa bị hạn chế đáng kể do thời gian thông quan kéo dài. Trong khi đó, hơn 90% kim ngạch thương mại song phương Việt- Lào được thực hiện qua đường cửa khẩu biên giới.
Từ kinh nghiệm thâm nhập thị trường của Thái Lan, Trung Quốc, ông Giám khuyến cáo đây cũng là cách mà DN Việt Nam nên học tập khi đưa hàng vào Lào. Theo đó, hàng hóa Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng, bao bì mẫu mã và phải tổ chức được hệ thống phân phối ở Lào như: Xây dựng chợ, trung tâm thương mại, hay tuyến chợ ở biên giới chứ cứ để cho các DN tự vận động bằng ký hợp đồng đơn lẻ thì rất khó để hàng Việt cạnh tranh với hàng Thái Lan, Trung Quốc…
Hiện DN Việt đã nhận thức được vấn đề này và đang xúc tiến xây dựng hệ thống phân phối tại Lào.
Tuy nhiên, để hóa giải phần nào những khó khăn nói trên, bà Vinh kiến nghị Bộ Công Thương nên lựa chọn thời điểm tổ chức hội chợ, nhằm tạo thuận lợi cho DN hơn nữa. “Lần hội chợ vừa qua, chúng ta đi vào mùa mưa, lượng khách vào hội chợ giảm. Như vậy, đó không phải thời điểm thuận lợi nhất để DN Việt Nam đi tìm đối tác”, bà Vinh dẫn chứng.
Đối với khó khăn về vận chuyển, DN này đề xuất, Bộ Công Thương cần có thông tin sớm nhất để DN có điều kiện lựa chọn nhà vận chuyển phù hợp và giảm chi phí thấp nhất chứ không như bây giờ là Cục Xúc tiến thương mại chỉ định các nhà vận tải, đẩy DN vào thế bị động.
Theo Bộ Công Thương, tại Hội chợ Thương mại Việt - Lào 2016 (diễn ra từ 7 đến 11-7-2016) đã có nhiều hợp đồng được ký kết như: Công ty TNHH Ánh Minh ký được hợp đồng xuất khẩu máy thiết bị trị giá 3 triệu USD; Công ty Nhựa Phúc Hà đã tham gia hội chợ nhiều năm liền, đến nay công ty đã mở rộng được rất nhiều đại lý tại Lào, sản phẩm của công ty có mặt khắp nơi tại thị trường Lào; Công ty Cổ phần Thực phẩm Việt Nam và Công ty TNHH Một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (VISSAN) đều ký hợp đồng đại lý phân phối với Công ty TDN Trading Im-Ex Sole Co.Ltd của Lào; Công ty TNHH Gốm Sứ Quang Vinh ký hợp đồng đại lý phân phối với Công ty của Lào (JHA Trading Co.Ltd Viêng-Chăn, một số doanh nghiệp thuộc Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đã tìm được đại lý phân phối tại Lào.
Bình luận (0)