xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Việt kiều mua nhà: Vẫn chờ hướng dẫn

SƠN NHUNG

Việt kiều, người nước ngoài cần những thông tin rõ ràng, minh bạch và thủ tục đơn giản nhất để có thể sở hữu nhà tại Việt Nam

Tại buổi tọa đàm với nội dung “Để người nước ngoài mua được nhà”, do Báo Người Lao Động vừa tổ chức, các diễn giả cho rằng chính sách cho người nước ngoài mua nhà đã mở ra cánh cửa thông thoáng cho việc thu hút đầu tư vốn từ nước ngoài. Đây cũng là một hình thức xuất khẩu tại chỗ. Tuy nhiên, dù Luật Nhà ở sửa đổi 2014 đã có hiệu lực từ ngày 1-7 nhưng đến nay vẫn chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn để luật đi vào cuộc sống.

Định hướng cho thị trường bất động sản

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho rằng quy định về việc người nước ngoài, Việt kiều được mua nhà xem như là tín hiệu vui không chỉ cho người được mua mà cả thị trường bất động sản. Hiện tại, có khoảng 4,2 triệu người Việt sinh sống ở các nước trên thế giới, 1/2 trong số đó ở Mỹ. Chính sách sở hữu nhà được ban hành đã đáp ứng mong muốn của nhiều người nước ngoài đầu tư và muốn đến đầu tư tại Việt Nam. “Quy định này tạo nên hình ảnh đất nước không còn là “ốc đảo” mà đã bắt đầu hòa nhập với thế giới. Đây là bước đi đột phá, tạo ra cơ hội cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài” - ông Châu khẳng định.

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP HCM) là nơi có nhiều người nước ngoài lưu trúẢnh: TẤN THẠNH
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP HCM) là nơi có nhiều người nước ngoài lưu trúẢnh: TẤN THẠNH

 

Từ năm 2008, Quốc hội đã có Nghị quyết 19 và Chính phủ ban hành Nghị định 51 năm 2009 hướng dẫn cho người nước ngoài mua nhà nhưng đến nay chỉ có hơn 200 trường hợp được giải quyết. Con số này rất ít so với tiềm năng. Do đó, khi Luật Nhà ở được ban hành sẽ giúp thị trường bất động sản có thêm định hướng phát triển, đáp ứng nhu cầu cho nhà đầu tư là Việt kiều... “Thực tế, việc tạo điều kiện cho người nước ngoài chẳng khác nào là hình thức xuất khẩu tại chỗ. Thay vì xuất khẩu cát đá, xi măng thì chúng ta xây dựng nhà rồi bán cho người nước ngoài và thu về ngoại tệ. Điều này sẽ góp phần kích thích thị trường bất động sản phát triển. Người nước ngoài được sở hữu nhà cũng sẽ ứng xử khác với người đi thuê” - ông Lê Hoàng Châu nhận định.

Còn nhiều vướng mắc

Ông Lê Hoàng Châu cho biết mặc dù dự thảo thi hành Luật Nhà ở 2014 đã có nhưng thực tế, các Việt kiều vẫn còn nhiều băn khoăn trong việc chứng minh nhân thân. Do hoàn cảnh lịch sử, có người ra nước ngoài mà không có hồ sơ gốc, cơ quan trong nước cũng không còn lưu giữ nên họ rất khó chứng minh được nơi sinh, nguyên quán. “Vì vậy, chúng tôi đã kiến nghị Việt kiều chỉ cần ghi nơi sinh ở Việt Nam hoặc xuất thân là người Việt thì chúng ta công nhận chứng thư đó. Vì thông thường, trong hộ chiếu (passport) các nước đều có ghi nơi sinh rõ ràng. Theo công pháp quốc tế, người nào sinh nước nào thì hưởng quốc tịch nước đó. Một cách khác là có thể giao cho tòa án dân sự ra bản án “án thế vì khai sinh” để chứng minh nhân thân của Việt kiều muốn mua nhà ở Việt Nam” - ông Châu nói.

Trong khi đó, với tư cách là người kinh doanh, bà Phạm Thị Minh Hiếu, Giám đốc Chi nhánh TP HCM Công ty TNR Holding, cho rằng Luật Kinh doanh bất động sản mới vẫn còn một số cơ chế gây khó cho doanh nghiệp. “Chúng tôi đề nghị Chính phủ sớm có hướng dẫn cụ thể. Các bộ phận làm hồ sơ nhanh, gọn để người dân, khách hàng dễ dàng mua nhà. Thực tế, đã có khách hàng là người nước ngoài mong muốn mua nhà nhưng chúng tôi không thể áp dụng luật mới mà phải chờ hướng dẫn để thực hiện” - bà Hiếu nói.

Ông Lê Hoàng Châu cũng cho biết thêm rằng hiện nay, Luật Nhà ở quy định người nước ngoài chỉ được mua nhà tại các dự án nhà ở thương mại ở những nơi không cấm người nước ngoài cư trú nhưng không nói rõ những khu vực đó là nơi nào. Sắp tới, Chính phủ cần công bố rõ ràng những khu vực nào được phép và không được phép để doanh nghiệp dễ dàng đầu tư. “Vướng mắc nữa là người nước ngoài vào Việt Nam không mang nhiều tiền, vậy họ muốn vay ngân hàng để mua nhà có được không hay muốn chuyển tiền vào như thế nào cũng cần có hướng dẫn rõ ràng” - ông Châu đặt vấn đề.

 

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM:

Nâng tỉ lệ sở hữu nhà cho người nước ngoài

 

img

 

Tại điều 68 dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nhà ở 2014 có quy định số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu không quá 30% tổng số căn hộ của một tòa nhà chung cư. Còn đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà có nhà ở riêng lẻ thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không vượt quá 10% tổng số nhà ở riêng lẻ của mỗi dự án; trường hợp trong một dự án hoặc một số dự án có số lượng nhà ở riêng lẻ là 2.500 căn thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không vượt quá 250 căn.

Chúng tôi nhận thấy về quy định theo tỉ lệ này là khá ít và cũng không nên cứng nhắc các khu vực. Và hiệp hội đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét thấu đáo để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, nhất là các đô thị tập trung đông người nước ngoài như Hà Nội,

TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa... Hay những phường đang có đông người nước ngoài cư trú ở TP HCM như phường Bến Thành và phường Bến Nghé, quận 1; phường Tân Phong, khu đô thị Phú Mỹ Hưng và nhiều dự án khác ở quận 7; phường Thảo Điền, khu đô thị mới Thủ Thiêm ở quận 2... Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ chế, có thể giao quyền cho UBND cấp tỉnh xem xét quyết định cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà thuận lợi hơn.

Phạm Thị Minh Hiếu - Giám đốc Điều hành Chi nhánh TP HCM Công ty CP TNR Holding Việt Nam:

Xem đây là cơ hội

 

img

 

Việc cho phép người nước ngoài, kiều bào được sở hữu nhà tại Việt Nam được các doanh nghiệp chúng tôi xem đây là cơ hội để thu hút lượng khách nước ngoài đến Việt Nam đầu tư, sinh sống. Thực tế, chúng tôi đã lựa chọn thời điểm này để ra dự án ở TP HCM phù hợp với các đối tượng nước ngoài có điều kiện sở hữu.

Thời gian qua, lượng khách nước ngoài quan tâm đến dự án của chúng tôi rất nhiều. Khi luật có hiệu lực, sản phẩm của chúng tôi gói gọn đầy đủ các tiện ích trong một dự án. Vì tâm lý chung của họ là tiện ích nội khu đầy đủ chứ không phải đi đâu xa. Nắm được điều này, chúng tôi đã có lộ trình triển khai kỹ để có thể tiếp cận khách hàng. Cụ thể, các dự án ngay trung tâm, liền kề quận 1 sẽ thu hút người nước ngoài.

Ông Trần Hòa Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM:

Tạo điều kiện cho kiều bào sở hữu nhà

 

img

 

Cộng đồng người Việt ở nước ngoài rất quan tâm Luật Nhà ở vừa có hiệu lực vì họ muốn trở về quê hương là có nơi trú ngụ. Qua các email, điện thoại và cuộc gặp trực tiếp, kiều bào tỏ ra phấn khởi. Nếu trước đây, các Việt kiều phải nhờ người quen đứng tên mua nhà đất thì nay họ đã có thể được đứng tên nhà mình.

Tuy vậy, từ luật đến nghị định, thông tư hướng dẫn ban hành để được đồng bộ mà người nước ngoài áp dụng được tôi nghĩ sẽ còn mất thời gian. Vì vậy, chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để cho người nước ngoài, kiều bào thực hiện. Tuy nhiên, cần đánh giá trước các tình huống có thể xảy ra để tháo gỡ khó khăn cho người mua và phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho kiều bào, khách nước ngoài mua nhà, đầu tư sinh sống tại Việt Nam.

 

img
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo