xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyện “cô giáo nhí”

Nguyên Hạ (Thị trấn Gò Dầu - Tây Ninh)

Nhớ lại thời cắp sách đến trường, tôi lại cười một mình vì lần đầu tiên được làm “cô giáo nhí”.

Ngày ấy, tôi học trường làng ở xã Phước Trạch, quận Hiếu Thiện (bây giờ là huyện Gò Dầu), tỉnh Tây Ninh. Sức học dạng trên trung bình một chút nhưng tính hay cẩu thả, điểm số cứ thất thường, nhất là môn toán. Khi thì điểm cao chót vót, khi thì thấp lè tè.
 
Tôi còn nhớ học hết lớp nhất (lớp 5 bây giờ), phải qua kỳ thi tuyển lên trung học, bắt đầu là lớp đệ thất. Cô Oanh chủ nhiệm thường phê bình tôi trước lớp: “Em học hành tương đối khá, thông minh nhưng tính hay cẩu thả nên đi thi khó mà đạt kết quả tốt”. Thật thế, năm ấy tôi thi rớt.
 
img
Ảnh minh họa (NLĐ)
 
Sau thời gian làm công tác tư tưởng, ba tôi đành cho học lớp luyện thi ở Tư thục Hữu Đức. Lời ba dạy cứ văng vẳng bên tai: “Học trường tư tốn nhiều tiền đã đành, lại còn thua các bạn hết một năm. Liệu hồn! Năm nay mà rớt nữa thì ở nhà chăn trâu”. Chăn trâu tôi không sợ mà chỉ mắc cỡ với bạn bè nên tôi quyết tâm phải học sao cho giỏi để không phụ lòng ba mẹ.
 
Ngày đầu vào lớp, nghe các bạn kể tôi choáng váng. Thầy Đức vừa là hiệu trưởng vừa trực tiếp đứng lớp dạy môn toán. Thầy rất khó, đánh học trò bằng roi mây. Khi thầy vào lớp, trên tay cầm chiếc roi mây tròn bằng ngón tay út, dài cả thước. Thầy có cách dạy rất lạ so với thầy cô trước đây.
 
Ngày đầu tiên, thầy cho làm bài kiểm tra xem trình độ học sinh dở tới cỡ nào. Bởi đa số đều là học sinh thi rớt mới vào đây. Sau đó, thầy chia tổ. Hai tháng sau, thầy chia lớp ra làm ba nhóm để dạy cho học sinh dễ tiếp thu. Mỗi tổ học sinh gồm bảy, tám em, có tấm bảng học nhóm riêng.
 
Giờ học nhóm diễn ra trước giờ học chính thức 40 phút. Khuôn viên trường rất rộng, có nhiều cây to, bóng mát. Mỗi tổ mang tấm bảng và băng ghế ra từng gốc cây theo quy định để học. Tổ trưởng có nhiệm vụ truy bài đầu giờ, hướng dẫn và kiểm tra bài tập, sau đó cùng làm bài tập thầy quy định cho mỗi tổ trong ngày.
 
Qua hai tháng, tôi từ tổ viên được “cất nhắc” lên làm tổ trưởng. Hết một học kỳ, có lẽ do tôi tiến bộ vượt bậc nên thầy cho làm “cô giáo nhí”, hướng dẫn các tổ khác nếu có bài toán nào khó mà các bạn không giải ra. Được làm “cô giáo nhí”, tôi mừng không thể tả, về khoe với ba. Ba rất vui lại còn thêm một câu: “Được làm cô giáo nhí là giỏi rồi, nhưng cô giáo phải cố gắng không ngừng, để học trò hỏi mà cô giáo bí…thì có nước độn thổ”.
 
Ngày thi tuyển vào lớp đệ thất cũng đến. Thật không uổng công chút nào, năm ấy tôi đỗ thủ khoa và được nhận học bổng của trường. Tôi vô cùng phấn khởi như đang đi trên mây. Ngày ấy, đi đâu tôi cũng được mọi người trầm trồ khen ngợi: “Coi nhỏ con vậy chứ đậu thủ khoa đó!” Có người còn tò mò hỏi nhỏ đó con ai? Người ta bảo: “Con ông tư Thể ở Gò Chùa (tên thường gọi của xã Phước Trạch)… Tôi nghe mà nở cả mũi.
 
Có lẽ nghề giáo đã vận vào tôi từ bé, nên sau này khi lớn lên tôi vào ngành sư phạm. Ra trường được hai năm, nhờ vận dụng cách dạy của thầy Đức năm nào tôi cũng là giáo viên dạy giỏi, và được đề bạc làm hiệu trưởng trường tiểu học…
 
Cho đến bây giờ, gặp lại những người bạn ngày xưa ngồi hàn huyên tâm sự, thể nào họ cũng nhắc tới chuyện cô giáo nhí ngày xưa làm tôi vô cùng xúc động và tự hào. Có lẽ ba mẹ tôi cũng lấy làm tự hào nơi chín suối.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo