xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngày đầu tiên đi học

HOA SỨ (Trường Cao Đẳng Nghệ thuật Nha Trang)

Tôi nhớ mãi một buổi chiều, có một chiếc ô tô to đùng chạy vào bản. Bọn trẻ con chúng tôi trông thấy chiếc xe đen kịt, xịt khói đen sì, gào rống ầm ĩ thì sợ run bắn cả người.

Có đứa thường ngày gặp rắn không sợ, còn lao vào bẻ cây chẹt cổ con rắn chết tươi, rồi xỏ vào dây quẩy lên vai mang đi nom rất hùng dũng, thế mà hôm ấy lại tè ra quần vì hãi. Tôi cũng chẳng hơn gì lũ bạn, chỉ dám đứng từ xa nhìn chiếc ô tô như nhìn một con quái vật.
 
Chiếc ô tô dừng lại giữa bản, vài anh chị trên xe nhảy xuống, trông ai cũng đẹp. Có một anh rút khúc tre từ sau túi quần đưa lên miệng thổi (lúc ấy tôi chưa biết đó là cây sáo trúc), thoáng chốc cả cánh rừng im phăng phắc, chỉ còn âm thanh réo rắt lúc trầm lúc bổng làm tôi mê tít. Các anh, chị đưa tay vẫy chúng tôi, miệng cười toe toét làm lũ trẻ chúng tôi hết sợ mon men tới gần. Các chị vui vẻ chia bánh kẹo cho chúng tôi, có anh bế tôi lên xe rồi hỏi: "Em thích lái ô tô như anh không?". Nhìn anh ngồi sau tay lái thật oai, tôi gật gù. Anh cười: "Thế thì phải đi học thôi!".
 

img


Thấy tôi say mê nhìn anh thổi sáo, anh lại hỏi: "Thích thổi sáo như anh kia không?". Tôi lại gật gù, anh tiếp tục cười: "Thế thì phải đi học thôi!". Cả buổi chiều hôm ấy, chúng tôi quấn quýt bên chiếc ô tô. Mặt mũi đứa nào cũng phấn khởi khi nghe các anh các chị hát hò, thổi sáo. Mãi đến lúc mặt trời lặn dần sau quả núi, đám trẻ con chúng tôi líu ríu chia tay các anh chị về nhà, tôi mới biết đó chính là những thầy cô giáo của Trường Nghệ thuật Tây Bắc đang đi tuyển học trò. Tối ấy về nhà, tôi nì nèo xin mẹ cho đi học. Mẹ nhìn tôi lạ lẫm: "Học làm gì?". Tôi nhanh nhẹn trả lời: "Học để biết lái ô tô, học để biết thổi sáo...". Mẹ lại hỏi: "Thế học có ra ngô ra gạo không?". Tôi ngẩn tò te im bặt nhưng đêm ấy không tài nào ngủ được. Tôi nằm vểnh tai lên nghe tiếng sáo dìu dặt vọng về rồi chốc chốc lại lay vai mẹ: "Cho con đi học nghe í!" (tiếng người Thái trắng gọi mẹ là í). Mẹ tôi giận dỗi chẳng thèm trả lời, quay mặt vào vách.

Sáng hôm sau, tôi dậy thật sớm chạy ù ra chiếc ô tô cầu cứu các thầy cô giáo xin mẹ cho tôi đi học. Các thầy cô giáo vui vẻ đến nhà tôi. Vừa bước chân lên nhà một thầy đã nói như reo: "Cháu chào bác! Ô, nhà ta có tấm ảnh Bác Hồ đẹp quá!". Được khen mẹ tôi vội khoe: "Tấm ảnh Bác Hồ chụp với các cháu thiếu nhi của một người quen tặng bác đấy!". Một cô giáo thân mật sà đến bên mẹ tôi biếu mẹ gói kẹo rồi vừa cười vừa nói: "Bác Hồ yêu các cháu thiếu nhi lắm í ạ! Bác muốn tất cả các cháu phải được ăn no mặc ấm, học hành giỏi thì sau này mới có cuộc sống tốt đẹp...". Cô nghiêng đầu điệu bộ hỏi mẹ tôi: "Í thấy con có đẹp không?". Mẹ tôi gật đầu: "Đẹp! Đẹp lắm! Đẹp hơn con gái ở bản nhiều". Thầy khác chen vào: "Í ơi! Tại í không biết đấy thôi! Trước đây cô ấy xấu lắm! Nhờ được đi học, các thầy các cô dạy cho cái chữ, dạy cả cách ăn mặc, cách nói năng, cách làm đẹp nên bây giờ mới đẹp ra đấy!... Í cho em đi học đi, học vài năm em cũng sẽ đẹp như chúng con thôi!". Thật lạ! Mới đêm qua mẹ tôi một mực khăng khăng không cho tôi đi học, thế mà hôm sau nghe các thầy cô giáo nói mẹ cười hỉ hả rồi gọi tôi sắp xếp quần áo theo các thầy cô ra xe về Sơn La  học. (Năm 1971, Trường Nghệ thuật Tây Bắc sơ tán về xã Chiềng Pấc – huyện Thuận Châu – Tỉnh Sơn La).

Mười một tuổi, lần đầu tiên xa mẹ đi học, tôi vừa thích thú vừa sợ. Xe chạy rồi tôi khóc. Các cô giáo ôm tôi dỗ dành. Mẹ tôi đứng dưới chân nhà sàn vẫy theo. Xa xa, tôi thấy mẹ đưa tay quệt nước mắt. Lúc ấy, tôi không hiểu được rằng chuyến đi ấy chính là bước ngoặt lớn nhất cuộc đời của tôi.

Đến trường, tôi khóc nhiều hơn vì không có mẹ, cuộc sống của tôi đảo lộn cả lên. Lúc ấy, tôi lại  đòi về với mẹ mà không chịu học, các cô giáo thay nhau dỗ dành tôi, có cô còn lấy cả phần thức ăn của cô cho tôi rồi chỉ ăn cơm với muối ớt… Nhờ tình yêu của các thầy cô giáo, tôi đã vững vàng hơn. Tôi vừa học chữ vừa học nghệ thuật. Tốt nghiệp sơ cấp âm nhạc bộ môn sáo trúc ở Trường Nghệ thuật Tây Bắc, tôi được các thầy cô đưa về học tiếp trung cấp ở Nhạc viện Hà Nôi, rồi ra trường đi dạy.

Đến bây giờ, tôi đã có trong tay hai bằng đại học và 30 năm đứng trên bục giảng... Màu thời gian đã làm mái tóc của tôi lưa thưa bạc nhưng ký ức về ngày đầu tiên đi học với những thầy cô giáo đầu tiên trong đời thì như một vết son chẳng bao giờ phai. Tôi vẫn thường nói với học trò của tôi, đó chính là “Phép màu của cuộc sống”. Trong cuộc sống đời thường, phép màu vẫn xảy ra. Nhưng đôi khi, đi qua nửa dốc cuộc đời, rồi quay đầu nhìn lại, người ta mới nhận ra… chưa có một lời cảm ơn cho những người đã ban phép màu thay đổi cuộc đời mình…

(Viết để nhớ về các thầy cô giáo của Trường Nghệ thuật Tây Bắc năm học 1971)
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo