xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sướng "ngất người" khi ở homestay trong bản người Tày

Theo KIẾN NGHĨA (Báo Tiền Phong)

Bản Pác Ngòi của người Tày có những cánh đồng ngô xanh mướt ngút tầm mắt, phía sau là dãy núi đá như một bức tường thành khổng lồ chắn ngang

TP - Tại hồ Ba Bể (Bắc Kạn), du lịch homestay hiện phát triển với khá nhiều trải nghiệm mới mẻ cho những người thích du lịch dân dã. Tại đây có một số hang động và điểm đến còn giữ được nét nguyên sơ hấp dẫn du khách.
Sướng ngất người khi ở homestay trong bản người Tày - Ảnh 1.

Động Hua Mạ .


Bản người Tày làm du lịch


Cuối tháng 5 vừa rồi, khi nắng hè bắt đầu oi bức, chúng tôi có dịp đi du lịch hồ Ba Bể. Gần đến khu vực hồ, đã thấy một số resort và khách sạn đẹp ở ngay bên đường nhưng khá vắng khách. Nhiều ô tô chở khách du lịch tiếp tục tiến về phía nhà dân sống gần khu vực hồ Ba Bể. Đi qua con đường hẹp xanh mướt cây bao phủ phía trên chừng 2 cây số, chúng tôi tới bản (nay là thôn) Pác Ngòi thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể. 


Bản Pác Ngòi nằm trên khu đất khá bằng phẳng, có những cánh đồng ngô xanh mướt ngút tầm mắt, phía sau là dãy núi đá như một bức tường thành khổng lồ chắn ngang. Đây cũng là nơi tiện bến thuyền ra hồ Ba Bể. Phần lớn những ngôi nhà sàn trong bản này đều dựa lưng về phía núi và ngoảnh mặt ra hồ, tạo phong cảnh non nước hữu tình miền sơn cước.


Phần lớn du khách khi đến Pác Ngòi đều chủ động vào những nhà dân mà họ đã liên hệ từ trước. Homestay là loại hình du lịch có tại đây đã lâu, nhưng khoảng dăm năm gần đây mới có dịp "nở rộ". Đến với du lịch homestay, du khách sẽ cùng ăn, cùng ở với người dân trong những ngôi nhà sàn truyền thống, được tìm hiểu những nét văn hóa của người dân bản địa

.

Trong chuyến đi này, chúng tôi ở nhà ông Hoàng Chuyền, trưởng thôn Pác Ngòi. Đó là ngôi nhà sàn có khoảng 6 phòng ngủ, mỗi phòng đều có từ 2 đến 4 tấm đệm sạch sẽ để khách nghỉ lại. Phía ngoài nhà sàn là khoảng diện tích rộng, nơi du khách có thể hóng gió, ngồi ăn, trò chuyện hoặc ngắm cảnh sắc núi rừng.


Ông Chuyền cho biết, cả thôn Pắc Ngòi hiện có vài chục hộ dân làm dịch vụ du lịch homestay. Nhà ông thuộc loại trung bình của thôn, và những nhà rộng nhất tại đây có thể phục vụ hơn một trăm du khách cùng lúc. Nhà sàn tại Pác Ngòi trông bên ngoài không bóng bẩy, nhưng đều có những tiện nghi cần thiết để du khách có thể nghỉ ngơi thoải mái.


Trong lúc gia đình ông Chuyền chuẩn bị bữa trưa, tôi dạo quanh một số nơi để tìm hiểu thêm việc bản người Tày ở Pác Ngòi làm du lịch homestay. Người dân nơi đây cho biết, gần hai chục năm trước, có đôi vợ chồng người nước ngoài đến hồ Ba Bể tham quan, do mải mê ngắm cảnh tại đây đến quên thời gian, khi trời tối đành tới một nhà dân xin nghỉ lại.


Chủ nhân đã đón tiếp thịnh tình, hôm sau vợ chồng người nước ngoài còn được gia chủ đãi một số món ăn ngon của địa phương mà lần đầu họ được thưởng thức. Thấy đây chính là loại hình du lịch homestay mà mình đã khá am tường, nên khi chia tay, hai vợ chồng đã biếu chủ nhân một ít tiền và gợi ý gia đình nên làm dịch vụ du lịch đón khách tại nhà. Thấy ý kiến hay, người gia chủ đã làm theo. Ít lâu sau, một số hộ khác trong bản cũng theo đó mở dịch vụ du lịch homestay.


Khoảng dăm năm gần đây, dịch vụ du lịch homestay mới có dịp phát triển mạnh tại Pác Ngòi. Ngoài việc đưa du khách tham quan những cảnh đẹp tại hồ Ba Bể, người dân Pác Ngòi còn làm các món ăn ngon của địa phương để phục vụ khách. Đơn cử như món cá mương của hồ Ba Bể, một loại cá tuy nhỏ nhưng sau khi bỏ ruột rồi nướng trên than hoa ăn rất ngon. Rồi những món như thịt lợn gác bếp, lạp xường gác bếp, tôm hồ Ba Bể nướng, gà hấp lá chanh…, khi ăn mà nhâm nhi với rượu men lá của người Tày thì thật thú vị.


Ngoài ra, còn có các loại rau như bò khai, dớn, ngót rừng…, được xào hoặc nấu canh ăn vừa ngọt vừa mát. Những món ăn trên được làm theo yêu cầu của khách, nhưng lượng luôn vừa đủ, giá khoảng 120 ngàn đồng một suất ăn. Ngoài ra, du khách nghỉ đêm giá khoảng 70 ngàn đồng/người…


Sướng ngất người khi ở homestay trong bản người Tày - Ảnh 2.

Du khách tham quan tại hồ Ba Bể.

"Hoa hậu" sơn cước níu chân du khách


Ngay lúc mới đến nhà ông Hoàng Chuyền, vừa nghe tôi chớm hỏi cung đường tham quan tại đây, chủ nhân đã mời cả nhóm đến bên một tấm bản đồ của hồ Ba Bể để giới thiệu vanh vách từng điểm. Ông Chuyền cho biết, tại đây có một điểm đi theo đường bộ nhưng không thể bỏ qua là động Hua Mạ. Chiều hôm đó, ông Chuyền dẫn chúng tôi đến nơi này. Động Hua Mạ nằm ở lưng chừng núi, quanh năm cây cối xanh tươi. Vào trong, thấy nền động Hua Mạ khá bằng phẳng, giữa động có hàng chục cột đá sừng sững vươn cao do tạo hóa tạo nên. Phủ khắp trong động là vô số nhũ đá như những bông hoa, tháp bút, đài sen… gây hứng thú cho các du khách.


Sớm hôm sau, chúng tôi được ông Hoàng Chuyền chở xuồng máy đi thăm các danh thắng tại hồ Ba Bể. Lúc xuồng nhẹ trôi, chúng tôi được thưởng thức cảm giác bồng bềnh trên mặt hồ lay động, được ngắm từng dải mây trắng vắt ngang những dãy núi đá khi tỏ khi mờ. Khi cảm giác đó bắt đầu "đỡ nghiền" là lúc xuồng bắt đầu ghé vào đền An Mạ để mọi người thắp nén hương như một nghi thức trình báo của cuộc hành trình quanh hồ. Điểm đến tiếp theo là động Puông, nhìn từ xa như chiếc bát úp trên mặt nước. Đến khi vào trong, thấy lòng động luôn chập chờn thứ ánh sáng mờ ảo, đủ để du khách nhìn ngắm những măng đá sắc nhọn, những mảng thạch nhũ với nhiều hình thù độc đáo. Đây còn là nơi trú ngụ của nhiều loài dơi với số lượng lên đến hàng vạn con.


Từ động Puông có dịp đến Ao Tiên, một hồ nước nhỏ nằm lọt giữa thung lũng của những cánh rừng nguyên sinh có những mạch ngầm thông ra hồ Ba Bể. Mặt nước hồ phẳng lặng, xanh trong như một tấm gương in đậm bóng núi, mây trời. Từ đây, có thể xuôi theo dòng sông Năng, rồi đi bộ xuyên rừng non một cây số là đến thác Đầu Đẳng. Do kiến tạo của thiên nhiên, một đoạn sông Năng dài khoảng 500 m chảy giữa hai rặng núi đá vôi với độ dốc rất lớn bỗng bị chặn bởi những tảng đá chất chồng ngổn ngang rồi tách ra hai dòng tạo thành thác Đầu Đẳng. Từ xa đã nghe thác đổ ầm ào, hơi nước mịt mù lan tỏa qua những tầng cây, tạo hình ảnh trắng mờ tuyệt đẹp…


Cho dù có đôi chút tiếc nuối, vẫn phải công nhận khu vực hồ Ba Bể như một "hoa hậu" miền sơn cước, tuy chân quê mà níu chân du khách. Ông Hoàng Chuyền cho biết, nếu du khách lưu lại dài chút nữa, họ có thể trải nghiệm thêm một vài công việc hằng ngày của người dân như chài lưới, dệt thổ cẩm…, hoặc thưởng thức một số làn điệu dân ca, điệu vũ truyền thống của địa phương. Có lẽ việc trải nghiệm chưa thật đầy đủ này, cùng sự níu chân du khách của nơi đây sẽ khiến không ít người muốn trở lại Ba Bể để du lịch homestay một lần nữa…


Khu du lịch Ba Bể nằm giữa lòng vườn quốc gia Ba Bể, ở độ cao 150 m so với mặt nước biển. Hồ là một thủy vực liên tục dài 8,5 km gồm 3 hồ nối liền nhau nên được gọi với tên Ba Bể. Diện tích mặt hồ khoảng 500 ha được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi với nhiều suối ngầm và hang động. Hồ trên núi đá vôi nhưng nước không bao giờ cạn. Hồ có tính đa dạng sinh học cao, các nhà nghiên cứu đã khảo sát và thống kê được hơn 100 loài cá, trong đó có nhiều loại đặc hữu quý hiếm và có giá trị kinh tế cao.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo