xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những điều kiêng kỵ khi về làng biển miền Trung

Bài và ảnh: Hồng Ánh

Đến những làng biển dọc các tỉnh Nam Trung Bộ như Phú Yên, Khánh Hòa... khi lên thuyền trò chuyện hay dùng bữa cùng gia đình ngư dân, bạn cần biết những điều kiêng kỵ nhất định. Nhỏ thôi, nhưng nếu chú ý thì sẽ được người dân vùng biển quý trọng.

Những người đi biển thường có quan niệm giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau một lớp ván thuyền. Điều đó cho thấy rủi ro rất lớn đối với người làng biển. Vì vậy, có những điều kiêng kỵ được truyền đời này sang đời khác chỉ mong mọi việc được thuận buồm xuôi gió.

Bạn là du khách hay là nhà báo tác nghiệp trên thuyền ngư dân, điều đầu tiên nên nhớ là hãy tránh xa mũi thuyền. Thường chỉ có thuyền trưởng mới được phép bước đến mũi thuyền. Đặc biệt là đừng bao giờ đặt chân lên cây xỏ - cây gỗ đóng trước mũi thuyền. Vì đây là nơi thiêng liêng nhất của thuyền, ngư dân thường đặt bàn cúng mỗi khi xuất bến, về bến. Nếu bạn là phụ nữ thì càng cần chú ý điểm này.

Trong việc trò chuyện khi lên thuyền, bạn nên tránh những từ như "lật", "úp", "chìm", "gãy", "đứt"… Với ngư dân, đây là những từ gợi lên điều không hay cho "ngôi nhà trên biển" của họ. Họ không muốn nghe, vậy nên bạn cũng đừng nhắc đến.

Những điều kiêng kỵ khi về làng biển miền Trung - Ảnh 1.

Cây xỏ (chỗ viền khung vuông) là nơi bạn không nên đặt chân lên

Dù là bạn dùng bữa trên thuyền hay bên mâm cơm cùng gia đình ngư dân, hãy nhớ đừng bao giờ lật thức ăn. Khi dùng món cá, bạn nên ăn hết một bên thân, gỡ xương rồi ăn tiếp phần còn lại. Lật thức ăn dễ làm ngư dân liên tưởng đến lật thuyền.

Sau bữa ăn, nhất là bữa ăn trên thuyền, đừng bao giờ dùng các từ như "đổ", "vứt", "ném" thức ăn thừa xuống biển, vì làm vậy là bội ơn với "ông cậu bà cậu" (tức thần Nam Hải). Người làng biển thường có quan niệm khai thác hải sản được ít hay nhiều, có thuận buồm xuôi gió còn tùy thần Nam Hải (vị thần tối cao của dân biển) có thương tình hay không. Ngay cả tên gọi thần Nam Hải họ cũng chẳng dám vì sợ phạm húy, phải gọi là "ông cậu bà cậu". Thần cho mà đem vứt, đổ thì lần sau "ông cậu bà cậu" sẽ không cho nữa. Bạn phải dùng những từ như "gửi", "nhờ" để thay cho những từ không hay ấy.

Với các thuyền khai thác xa bờ thì những điều kiêng kỵ càng khắt khe hơn. Đêm trước khi lên thuyền rời bến, tất cả người trên thuyền, từ thuyền trưởng đến thuyền viên, đều không được quan hệ tình dục. Nếu lỡ không cầm lòng được thì bạn phải tự giác không lên thuyền mà hãy lội hoặc bơi một đoạn từ bờ ra nơi neo đậu để lên thuyền. Việc lội hoặc bơi ấy được cho là để gột rửa những điều không hay ở bạn trước khi đặt chân lên thuyền. Nhiều chủ thuyền còn kỹ hơn, họ đặt một bếp than đỏ lửa ngay trên bờ. Mỗi người trước khi lên thuyền phải bước qua bếp than lửa ấy để "đốt" hết những điều không hay còn bám theo bạn.

Bạn đừng gọi thẳng "cá heo", "cá voi" khi trò chuyện cùng ngư dân. Hãy gọi đó là "cá ông". Càng tối kỵ khi nhắc đến việc giết thịt những loài cá này. Vì với ngư dân, cá voi hay cá heo đều là hiện thân của thần Nam Hải. Nếu bạn từng dự lễ an táng cá ông của một làng biển nào đó thì sẽ hiểu với ngư dân, họ tôn thờ 2 loài cá này ra sao. Cũng vì vậy, khi nghe những câu chuyện mang màu sắc huyền bí về cá ông cứu ngư dân thì bạn đừng vội cười.

Ai cũng cần phải trân trọng niềm tin của ngư dân bản địa ở nơi đầu sóng ngọn gió.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo