xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đặng Nhật Minh: Làm điện ảnh phải có cách nhìn riêng

Kim Vân thực hiện

“Tôi có được chút ít thành công là bởi tôi có cách nhìn riêng của mình. Mà khi đã có cách nhìn riêng thì làm sao có được sự đồng tình của tất cả mọi người ngay được?”

. Phóng viên: Sau phim Mùa ổi, đạo diễn đã vắng bóng khá lâu, khán giả không biết trong thời gian qua ông đã làm những gì...

- Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Vâng, cũng 6 năm rồi. Trong thời gian đó tôi đã viết 3 kịch bản: Nước mắt khô, Chim én bay và Đừng đốt, trong này đã có lửa. Tôi có thói quen khi không làm phim thì viết, khi có điều kiện thì sẽ thực hiện thành phim.

. Trong 3 kịch bản này, ông sẽ làm phim nào trước?

- Cái đó không phụ thuộc vào tôi. Kịch bản nào mà hãng sản xuất huy động được tiền trước thì tôi làm trước.

. Ông có nghĩ đến việc đem kịch bản của mình đến một hãng sản xuất tư nhân?

- Có chứ. Hiện nay tôi đã giới thiệu 2 kịch bản của mình cho một hãng sản xuất tư nhân tên là Điệp Vân ở Hà Nội.

. Nhưng với một người nổi tiếng như ông và đã có nhiều tác phẩm hay thì việc xin tài trợ đâu có gì là khó? Mùa ổi của ông cũng đã từng nhận được tài trợ từ Quỹ Fonds Sud?

- Quỹ Fonds Sud chỉ tài trợ đủ để làm hậu kỳ. Họ chỉ giúp được 20% số tiền mình cần. Bộ phim Mùa ổi, tôi đã hoàn tất đến 80% từ kinh phí rất thấp của Bộ VHTT. Đến lúc không còn tiền để làm hậu kỳ thì Fonds Sud đã tài trợ. Mà tinh thần chung là vậy, không một quỹ nào lại tài trợ 100% cho một bộ phim. Trừ trường hợp phim Thương nhớ đồng quê, người Nhật đã bỏ ra từ A đến Z. Đó là vào dịp kỷ niệm 100 năm điện ảnh thế giới năm 1995, kênh truyền hình NHK, Nhật Bản đã giúp một số đạo diễn châu Á làm phim và tôi đã được chọn.

. Ông là một đạo diễn nổi tiếng nhưng dù sao cũng đã đến tuổi về hưu. Vậy ông có tìm cho mình một thế hệ kế tục?

- Từ 2 năm nay tôi được mời dạy cho một dự án điện ảnh tại Trường ĐH KHXH-NV do Quỹ Ford tài trợ. Những người theo học đều đã tốt nghiệp cử nhân văn khoa hoặc báo chí. Họ được học hai chuyên môn là viết kịch bản và phê bình phim. Tôi phụ trách môn nghệ thuật điện ảnh, đề cập đến công việc của người đạo diễn, cách viết kịch bản để cho người đạo diễn làm phim. Nếu không nắm được nghệ thuật này thì khi viết kịch bản cho phim cũng giống như viết cho sân khấu hay tiểu thuyết.

. Ông thấy lớp đạo diễn trẻ ngày nay thế nào? Dường như họ không làm những phim có chiều sâu như thế hệ của ông?

- Tôi thấy thời nào cũng có những đạo diễn trẻ và tài năng. Thể loại phim mà người Pháp gọi là “Cinema d’auteur” (phim tác giả) bây giờ không có nhiều, trên thế giới cũng ít ai làm mặc dầu vẫn có. Nhưng nó không nở rộ giống như thời những năm 60, 70 khi chúng tôi còn trẻ. Xu thế đó không còn là cao trào nữa. Anh em trẻ bây giờ cũng đầy nhiệt huyết như chúng tôi ngày trước, nhưng trong một bối cảnh khác.

. Ông có thấy tiếc khi dòng phim đó ngày càng mai một đi. Phim hiện nay người ta xem chỉ để giải trí nhưng không thể nhớ lâu, không thể trở thành những phim kinh điển…?

- Theo tôi, bây giờ không nên làm phim để người ta phải băn khoăn, trăn trở quá nhiều như chúng tôi đã làm ngày xưa. Thời buổi này, con người còn bao mối lo toan, bận rộn, nên để người ta giải trí là chính, nghĩ ngợi vừa vừa thôi...

. Nhưng những bộ phim để được thế giới công nhận như những bộ phim đoạt giải Oscar, Cành cọ vàng… là những bộ phim có chiều sâu chứ không phải phim giải trí đơn thuần. Ông có nghĩ VN phải có chính sách đào tạo nào đó để nâng tầm điện ảnh nước nhà?

- Thực ra công tác đào tạo lâu nay xã hội cũng đã quan tâm nhiều. Tuy nhiên, đào tạo là đầu tư lâu dài, không thể đòi phải có ngay được Oscar. Mình phải biết mình ở chỗ nào. Đào tạo là một khâu quan trọng. Chính vì vậy mà tôi nhận lời dạy trong một khóa học một cách hào hứng. Lớp tôi dạy có 30 em, trong số đó chỉ cần 5 em học xong có đóng góp chút gì cho điện ảnh nước nhà là đã mừng rồi.

. Những phim của ông khi ra đời gặp rất nhiều trắc trở. Vậy có khi nào ông cảm thấy chán nản, muốn buông xuôi?

- Tôi biết lý do tại sao phim của tôi gặp trắc trở, nên tôi không chán nản. Những phim tôi làm, tôi thường đặt những vấn đề hơi đi trước một tí. Khi xã hội ai cũng nhận thấy thì chẳng có gì đáng làm phim, và dĩ nhiên, chẳng gặp trở ngại gì. Nhưng khi mình nói trước thì khác. Tôi hiểu được điều đó nên chưa bao giờ hoang mang.

Trong điện ảnh, quan trọng là anh phải có một cách nhìn riêng. Tôi có được chút ít thành công là bởi tôi có cách nhìn riêng của mình. Mà khi đã có cách nhìn riêng thì làm sao có được sự đồng tình của tất cả mọi người ngay được?

. Ông nghĩ thế nào khi phim của mình thành công ở nước ngoài nhiều hơn ở VN?

- Tôi thấy điều đó thật đáng buồn. Phải nói rằng tôi rất cảm ơn các tổ chức quốc tế đã giúp điện ảnh của chúng ta rất nhiều trong việc đào tạo, tài trợ làm phim, giới thiệu phim VN ra nước ngoài. Còn việc phim của tôi ít được chiếu ở VN thì điều đó phụ thuộc vào các nhà phát hành trong nước, các chủ rạp chứ đâu có phụ thuộc ở tôi. Nhiệm vụ của đạo diễn là làm phim cho tốt. Còn đưa phim đó đến với nhiều người là trách nhiệm của những người khác. Ở các nước, một nhà sản xuất tinh đời thường tự tìm một kịch bản tốt, mời một đạo diễn tốt. Những người làm công việc đưa phim đến với khán giả hay đưa phim tham dự liên hoan phim cũng có nghiệp vụ riêng. Đó là một nghề riêng.

. Ông có nghĩ rằng cần có rạp riêng để chiếu những phim tạm gọi là nghệ thuật?

- Trong xã hội vẫn có một bộ phận khán giả muốn xem phim để nghĩ ngợi (chứ tôi không nói đến phim nghệ thuật hay thương mại gì), thì cũng nên có rạp riêng chiếu những phim dành cho những khán giả đó. Còn những ai chỉ muốn giải trí đơn thuần thì cũng có rạp dành riêng cho họ. Nên rạch ròi ra. Chứ đòi một phim mà người có trình độ học vấn nhiều cũng thích, học vấn ít cũng thích, nông thôn cũng thích, thành thị cũng thích, già, trẻ đều thích thì không thể có được. Các nước có những rạp chuyên chiếu phim cũ, phim kinh điển. Nước mình, phim chiếu xong một đợt thì thôi, đố ai xem lại được những phim hay, phim cũ của VN và thế giới. Phải có những rạp như thế mới nâng cao được trình độ thưởng thức điện ảnh của khán giả. Khi trình độ của khán giả được nâng lên thì điện ảnh cũng phải lên theo. Nước lên thuyền lên mà.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo