Gia đình ông Lê Hoài Bảo (SN 1970; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) hiện đang tiếp tục khiếu nại về việc mẹ ông bị đánh gây thương tích nhưng đã 18 tháng qua, các cơ quan chức năng không xử lý thủ phạm.
“Không ngờ họ côn đồ thế!”
Ông Lê Hoài Bảo cho biết gia đình ông và Âu Trường Sơn cùng buôn bán giấy tiền, vàng mã trên đường Vũ Tùng (phường 1, quận Bình Thạnh) nhiều năm qua. Trong quá trình làm ăn, Sơn thường kiếm chuyện gây sự.
Đỉnh điểm của vụ việc là vào chiều 13-2-2015, ông Bảo đang đi làm thì em gái gọi điện báo tin Sơn chửi bới mẹ ông là bà Lê Thị Hoàng (64 tuổi) và đang gọi giang hồ đến “xử” cả nhà. Ông Bảo về đến nhà thì thấy một nhóm thanh niên cầm tuýp sắt xông vào nhà đạp ngã kệ hàng, đánh bà Hoàng máu me bê bết. Thấy vậy, ông Lê Hiếu (SN 1983, em ông Bảo) ứng cứu liền bị các đối tượng trên kẹp cổ lôi ra ngoài đánh. Ông Bảo chạy theo để cứu em trai nhưng cũng bị đánh.
Lúc này, nhóm người trên vẫn lăm lăm tuýp sắt đuổi theo tấn công các thành viên trong gia đình nhưng ông Bảo kịp kêu mọi người chạy vào nhà khóa cửa. Gần 1 giờ sau khi nhận được tin báo, lực lượng Công an phường 1, quận Bình Thạnh có mặt tại hiện trường tước đoạt hung khí trên tay Sơn và đồng bọn, đưa về trụ sở lấy lời khai. Ba mẹ con bà Hoàng được chở đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu, bà Hoàng bị thương tích 34%, ông Bảo 2% và ông Hiếu 4%.
“Dù vết thương đã được chữa lành nhưng mỗi khi trở trời là đau nhức, con mắt bên trái có dấu hiệu bị mù. Tôi không ngờ họ côn đồ đến thế, ngay cả bà già mà vẫn cầm tuýp sắt đánh đập không thương tiếc. Đáng trách hơn, dù gây ra sự việc nghiêm trọng nhưng gia đình họ vẫn không nói lời xin lỗi mà còn ngang ngược” - bà Hoàng nói.
Vẫn đang điều tra
Ông Lê Hoài Bảo bức xúc vì đây không phải là lần đầu tiên bà Hoàng bị đánh. “Năm 2000, người nhà của Sơn còn đánh em gái tôi gãy sống mũi. Những hành vi của Sơn nguy hiểm như thế nhưng lực lượng chức năng cứ dây dưa, không xử lý dứt điểm. Trong khi em trai tôi chỉ vì thấy mẹ bị đánh đến giải cứu thì lại bị khép vào tội cố ý gây thương tích và cấm đi khỏi địa phương” - ông Bảo bất bình. Theo ông Bảo, ông rất bất ngờ khi Sơn là kẻ chủ mưu, trực tiếp đánh bà Hoàng nhưng vẫn được cho tại ngoại.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Xuân Hiến, Viện trưởng VKSND quận Bình Thạnh, cho rằng đây là vụ việc rất phức tạp, mâu thuẫn kéo dài dẫn đến hậu quả như trên. Khi được hỏi khi nào có kết luận điều tra, ông Hiến nói do 2 bên “tố” nhau và chưa xác định được ai là người trực tiếp đánh bà Hoàng nên rất khó trả lời.
“Hiện chúng tôi đang làm rõ bên nào gây sự trước vì lời khai 2 bên đều mâu thuẫn. Chúng tôi đã chuyển hồ sơ sang Công an quận Bình Thạnh để điều tra bổ sung, xác định ai là người trực tiếp gây án”- ông Hiến thông tin.
Đại tá Nguyễn Hoàng Thắng, Trưởng Công an quận Bình Thạnh, cho biết vụ việc vẫn đang được điều tra. “Nếu cần thiết thì tái khám lại thương tích của nạn nhân để có kết luận cụ thể, rồi xin ý kiến lãnh đạo Công an TP mới thông tin được” - ông Thắng nói.
Trong khi đó, điều tra viên Trần Anh Dũng, người trực tiếp thụ lý vụ án trên, cho rằng hồ sơ đã kết thúc từ ngày 3-6. Người gây thương tích cho bà Hoàng được xác định là Âu Trường Sơn, Đỗ Minh Vương, Phạm Anh Tài. “Đến nay đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cấm đi khỏi địa phương với 3 nghi can trên và ông Lê Hiếu. Chúng tôi đang điều tra bổ sung những vấn đề chưa rõ trong hồ sơ như mâu thuẫn lời khai...” - ông Dũng nói.
Khởi tố bị hại tội gây rối là không ổn
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP HCM), vụ việc cần phải điều tra, xác minh để làm rõ hành vi của từng người liên quan trong vụ án. Tuy nhiên, theo lời khai, khi thấy mẹ mình bị đánh, ông Hiếu lao ra giải cứu rồi đánh nhau nhưng sau đó lại bị khởi tố về tội “gây rối trật tự công cộng” là chưa đúng. Hành động này nên được xem là phòng vệ chính đáng vì mẹ bị nhiều người xông vào đánh, gây thương tích nên ông Hiếu phải chống trả lại một cách cần thiết. Mặt khác, những người bị hại trong vụ án này đều là phía gia đình bà Hoàng, nên nếu căn cứ vào hậu quả này để cho rằng “gây hậu quả nghiêm trọng” theo hướng dẫn tại mục 5 Nghị quyết 02 năm 2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để xử lý theo điều 245 Bộ Luật Hình sự hiện hành là không ổn.
Bình luận (0)