HĐXX phúc thẩm giải quyết cho ông H. (43 tuổi) và bà N. (42 tuổi) ly hôn, theo mong muốn của người chồng. Phiên tòa kết thúc, 2 người rảo bước ra cổng. Ông H. cố bước đi nhanh, tránh xa bà N. - người từng là “nửa kia” của mình mười mấy năm trời.
Tan nát vì cuồng ghen
Thái độ xa lánh ấy càng thể hiện rõ hơn trong giờ xử án. Tại phòng xử, ông H. cố ngồi sát một bên đầu ghế, cách xa bà N. Không ai nhìn ai, mỗi người mải theo đuổi suy nghĩ, mục đích riêng.
Ông H. và bà N. kết hôn từ năm 1999, có 3 con chung. Khi gia đình nghèo khó, vợ chồng êm ấm, thuận hòa. Vài năm trở lại đây, kinh tế gia đình bắt đầu khá giả lại là lúc tình cảm vợ chồng rạn nứt nghiêm trọng, không thể cứu vãn.
Suốt phiên tòa, ông H. nhất quyết đòi chấm dứt quan hệ hôn nhân. Ông trình bày cưới nhau không bao lâu thì hai bên phát sinh bất đồng. Cuộc sống gia đình luôn trong tình trạng căng thẳng. Đến năm 2006, mâu thuẫn giữa vợ chồng trở nên trầm trọng. Bà N. hay ghen tuông vô cớ, chỉ cần nhìn thấy có người khác phái gần chồng là nổi máu hoạn thư. “Rất nhiều lần bà ấy đến công ty chửi bới, hành hung nhân viên nữ dưới quyền tôi. Mỗi lần công ty tuyển nữ vào làm việc là bà ấy quy chụp ngay tôi cặp bồ với người ta. Bà ấy không kiêng nể ai, không nghĩ đến sĩ diện gia đình. Bị vợ kiểm soát gắt gao, tôi mất mặt, xấu hổ. Tôi không chịu nổi tính khí của bà ấy nữa” - ông H. lên án và đưa ra tập ảnh, băng ghi âm đoạn đối thoại cho thấy giữa 2 người có mâu thuẫn dẫn đến xô xát, bà N. dùng hung khí tấn công.
Vợ chồng cứ giằng co, gây gổ, cho đến tháng 6-2014 thì bà N. nhiều lần thẳng tay đánh chồng. Tức nước vỡ bờ, ông H. ly thân. Xa nhau để 2 người có thời gian suy xét lại tình cảm, trách nhiệm và những việc mình làm trong khoảng thời gian chung sống. Tuy vậy, 2 bên vẫn không thể hàn gắn tình cảm trước kia và ông H. quyết định nhờ pháp luật can thiệp.
Mọi cố gắng đều vô ích
Như những phiên tòa ly hôn khác, HĐXX kiên trì hòa giải. Chủ tọa phiên tòa phân tích ở tòa sơ thẩm, bà N. cam đoan sửa chữa sai lầm, cải thiện mối quan hệ với chồng và gia đình bên chồng. HĐXX sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của ông H. vì nghĩ đến các con, tình nghĩa bao nhiêu năm của ông bà nên cho họ có cơ hội “gương vỡ lại lành”. Hai người không tranh giành tài sản hay quyền nuôi con. Vì vậy, mấu chốt chỉ là bất đồng trong suy nghĩ, lối sống. Chủ tọa phiên tòa khuyên giải: “Với tư cách người đứng giữa, chúng tôi không bênh vực ai nhưng hy vọng 2 người một lần nữa bình tĩnh suy xét lại, nghĩ đến con cái; từ đó tìm ra cách giải quyết tốt hơn một bản án ly hôn. Không chỉ bà N. mà ông H. cũng nên kiểm điểm lại bản thân, không rạn nứt nào xuất phát từ một phía”.
Thế nhưng, mọi cố gắng của cơ quan pháp luật trở nên vô ích, ông H. nhất định bảo vệ quan điểm của mình. Ngược lại, bà N. một mực khẳng định vẫn yêu thương chồng. Đôi lúc nóng giận, bà có to tiếng với cha mẹ chồng nhưng không đến mức như ông H. tố cáo. Bà làm tất cả chỉ vì mục đích bảo vệ tổ ấm của mình. Giống như phiên sơ thẩm, bà cam đoan sẽ sửa chữa, khắc phục bản thân.
Nghe lời lẽ “chắc như đinh đóng cột” của vợ, ông H. lắc đầu, tay bám chặt thành ghế.
Đây là phiên tòa ly hôn có phần tranh luận “nóng”, gay gắt hơn nhiều phiên tòa khác dù các đương sự không tranh giành tài sản, quyền nuôi con. Giờ nghị án kéo dài, ông H. và bà N. không ra ngoài, không lên tiếng. Sau lưng 2 người, những lời bàn tán, bình luận mãi không dứt. Thái độ biểu hiện trên tòa càng chứng tỏ 2 người đã đi trên 2 quỹ đạo khác nhau. Không còn cách nào khác, HĐXX chấp thuận đơn ly hôn của ông H.
Ra khỏi phòng xử, vị đại diện VKSND thở dài: “Yêu thương không đúng cách khiến người ta hành động mù quáng, vô tình phá hủy hạnh phúc của chính bản thân và người mình thương yêu. Bà N. là một ví dụ điển hình!”.
Trong sân tòa, 2 người tóc điểm hoa râm rảo bước. Ra đến cổng, mỗi người đi về một hướng.
Con theo mẹ
Dựa trên thỏa thuận giữa 2 bên, HĐXX phúc thẩm giao 3 con chung cho bà N. chăm sóc. Hằng tháng, ông H. có trách nhiệm cấp dưỡng 21 triệu đồng và được quyền thăm nom các con bất kỳ lúc nào. Các đương sự không yêu cầu tòa giải quyết phần tài sản chung.
Bình luận (0)