xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Huyền Như bật khóc trước lời khai của thuộc cấp, đồng nghiệp

Tin: Kh. Miên, ảnh: Tấn Thạnh

(NLĐO) – Khai nhận tại tòa, nhiều thuộc cấp, đồng nghiệp của Huyền Như cho rằng làm sai vì quá tin tưởng "siêu lừa" bởi cô ta là môt cán bộ mẫn cán, một người chuẩn mực.

Sáng 8-1, HĐXX đã tiến hành xét hỏi đối với nhóm các bị cáo nguyên là trưởng phòng, phó trưởng phòng, giao dịch viên của nhiều phòng giao dịch Ngân hàng Vietinbank.

Khai nhận tại tòa, các bị cáo từng công tác ở Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank Chi nhánh TP HCM cho rằng vì tin tưởng Huyền Như nên đã bỏ qua nhiều công đoạn, thủ tục trong nghiệp vụ ngân hàng.

Bị cáo Phạm Thị Tuyết Anh (SN 1981, nguyên giao dịch viên Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ) cho biết nhiệm vụ của mình là tiếp nhận và kiểm tra các thông tin, thủ tục hồ sơ cho vay, kiểm soát chứng từ để thực hiện việc giải ngân.

 

Các bị cáo khai nhận do quá tin tưởng Huyền Như nên đã làm sai

Các bị cáo khai nhận do quá tin tưởng Huyền Như nên đã làm sai

 

Tuyết Anh thừa nhận lỗi lầm của mình - không trực tiếp gặp khách hàng, làm thủ tục giải ngân 55 hồ sơ tín dụng cho vay khi chưa có chữ ký của chủ tài khoản. Tuy nhiên, bị cáo cũng mong HĐXX xem xét vì chỉ thực hiện theo chỉ đạo của trưởng phòng (tức Huyền Như).

Trong khi đó, bị cáo Bùi Ngọc Quyên (SN 1981, nguyên phó trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ) cho biết vì mang về nhiều hợp đồng, khách hàng lớn cho ngân hàng nên sức ảnh hưởng của Huyền Như rất lớn, không chỉ tại phòng giao dịch này mà còn cả hệ thống VietinBank

Cũng chính vì điều này, khi tham gia duyệt hồ sơ vay vốn chưa có chữ ký của người vay và người bảo lãnh, Quyên đã liên hệ với Như. Khi nghe Như cho biết đây là các khách hàng có uy tín, khẳng định đã tiếp xúc với họ, đảm bảo tính hợp pháp, hợp lệ của giấy tờ, Quyên đã tin tưởng mà “linh hoạt cho khách hàng”.

 

Siêu lừa Huyền Như tại phiên xử ngày 8-1

Siêu lừa Huyền Như tại phiên xử ngày 8-1

 

Tương tự, Hoàng Hương Giang (SN 1987, nguyên giao dịch viên) và Trần Thanh Thanh (SN 1980, nguyên phó phòng dịch vụ khách hàng nguyên trưởng phòng giao dịch) cũng vì tin tưởng Huyền Như, sợ mất khách hàng nên đã bỏ qua những “lỗ hổng” trong các hồ sơ. “Mỗi khi đưa hồ sơ về, chị Như đều nói là khách quen của chị, do khách bận đi công tác nên chưa có chữ ký”  - bị cáo Giang trình bày.

Trong khi đó, bị cáo Tống Nguyên Dũng (SN 1987, nguyên nhân viên tín dụng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ) làm sai nghiệp vụ vì “vừa tốt nghiệp đại học, chưa có nhiều kinh nghiệm nên chị Như giao gì thì làm nấy”. Dũng cũng cho hay Như là một người kiểu mẫu, một cán bộ mẫn cán nên rất có uy tín và được nhiều người tin tưởng.

Không chỉ riêng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, các cá nhân công tác tại các phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng, Võ Văn Tần cũng vô cùng tin tưởng “siêu lừa” Huyền Như.

Bị cáo Huỳnh Trung Chí (SN 1987, nguyên nhân viên tín dụng Phòng Giao dịch Đinh Tiên Hoàng) cho hay 51 hồ sơ tín dụng là chỉ tiêu mà “chị Như chia sẻ với chi nhánh Đinh Tiên Hoàng”. Vì tin tưởng Huyền Như, cũng vì làm theo lãnh đạo mà Chí đã làm sai.

Bên cạnh các nhân viên Vietinbank vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng, nhân viên Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng vướng vòng lao lý vì Huyền Như.

Huỳnh Hữu Danh (SN 1981, nguyên nhân viên VIB Chi nhánh TP HCM) cho biết: “Năm 2008, chị Như có đến chi nhánh của ngân hàng bị cáo gởi hồ sơ vay tiền. Bị cáo đã nhận hồ sơ, trình lãnh đạo và được đồng ý. Trong quá trình vay, chị Như chấp hành rất tốt. Sau đó, đầu năm 2011, chị Như có gọi điện cho bị cáo nói là bên chị có khách hàng cần vay vốn và nhờ giúp đỡ. Bị cáo có trả lời là để hỏi lãnh đạo có giúp được hay không”.

Từ tháng 1-2011 đến ngày 8-9-2011, Danh đã làm thủ tục hồ sơ cho 12 cá nhân do Như giới thiệu đến VIB TP HCM vay tổng số tiền 480,3 tỉ đồng, tài sản thế chấp là 40 hợp đồng tiền gởi (do Như làm giả) mang tên các cá nhân này gởi tại Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè. 

Danh đã không đến Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè để làm thủ tục xác nhận, phong tỏa các hợp đồng này mà tin tưởng các xác nhận phong tỏa do Như làm giả. Từ đó, Danh vô tình tiếp tay cho Như lừa đảo.

Khi nghe lời khai trên của các bị cáo, Huyền Như bật khóc tại tòa.

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.

2 giờ chiều, phiên tòa xét xử vụ án “siêu lừa” Huyền Như tiếp tục với phần xét hỏi đối với bị cáo Phạm Anh Tuấn (SN 1977, ngụ quận 3) – nguyên Tổng giám đốc công ty Thái Bình Dương).

Tuấn cho biết mình quen Như thông qua sự giới thiệu của một nhân viên chứng khoán tên Trần Hoàng Trung. Tuấn cũng xác nhận Như có giới thiệu mình với Võ Anh Tuấn và được bị cáo này đề nghị kí hợp đồng VietinBank chi nhánh Nhà Bè dựa trên cơ sở hợp đồng đã kí với chi nhánh TP HCM với lãi suất cạnh cạnh tranh. Sau đó, Tuấn đã kí 16 hợp đồng với 2 chi nhánh này.

Ngoài ra, Tuấn còn khẳng định mình không nhận số tiền hơn 121 tỉ từ nhóm giúp việc của Huyền Như. Lập tức, HĐXX chất vấn về khoản tiền lớn trong tài khoản của Tuấn tại của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh Mạc Thị Bưởi. Tuấn đáp, số tiền trong tài khoản là một phần do vợ chồng tích lũy, phần khác là của gia đình gởi và vay mượn bố mẹ vợ. 

Sau khi kết thúc phần xét hỏi đối với các bị cáo, HĐXX đã cho mời nguyên đơn dân sự và bị hại.

Đại diện Ngân hàng TMCP Quốc tế đề nghị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như dân sự (liên đới bồi thường, khắc phục hậu quả) đối với 12 người đã đứng tên vay tại ngân hàng này. Đồng thời, phong tỏa tài sản đối với các bị cáo để đảm bảo thi hành án.

Đại diện công ty CP Chứng khoán Phương Đông cho biết số tiền gởi tại Ngân hàng VietinBank là của đối tác. Do đó, đề nghị HĐXX xem xét về việc đối tác là nguyên đơn dân sự, công ty Phương Đông chỉ là người có quyền lợi và nghĩa vụ, liên quan. Đơn vị này cũng cho rằng “bị đơn dân sự phải là VietinBank chứ không phải là các bị cáo ngồi tại đây”.

Đồng quan điểm, đại diện Công ty Cổ phần đầu tư An Lộc phát biểu: “Công ty chúng tôi không quan hệ gì với chi nhánh của Huyền Như mà chỉ làm việc với ngân hàng VietinBank. Do đó, chúng tôi yêu cầu VietinBank phải bồi thường”.

Tương tự, 3 người bị hại cùng các nguyên đơn dân sự khác gồm công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, Bảo hiểm Toàn cầu, Saigonbank-Berjaya, Thái Bình Dương cũng như đều không đồng ý với tư cách pháp nhân là nguyên đơn trong vụ án lừa đảo của Huyền Như, yêu cầu VietinBank hoàn trả số tiền cùng lãi suất không kì hạn theo quy định của ngân hàng VietinBank.

Không chỉ lừa cấp dưới, đồng nghiệp, Huyền Như còn lừa cả người thân và bạn bè.

Trong phi vụ lừa đảo chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) chi nhánh TP HCM, Như đã làm giả 40 hợp đồng tiền gởi với số tiền ghi trên từng hợp đồng từ 16,8 tỉ đồng đến 24,3 tỉ đồng.

Như đã sử dụng các hợp đồng tiền gởi giả này làm tài sản thế chấp rồi nhờ 12 người là bạn bè, người thân đứng tên kí 40 hợp đồng cầm cố vay tài sản của VIB TP HCM tổng số tiền 480,3 tỉ đồng. Đến nay, Như đã tất toán 28 tỉ đồng, còn chiếm đoạt 180 tỉ đồng.

Bằng lối nói mộc mạc, chân chất, ông Nguyễn Thanh Nhã khai: “Tui là cậu bà con dưới quê của Như. Nó kêu tui đi coi nhà máy ở An Giang. Đến khi nhà máy không còn kinh doanh, nó lại gọi tui lên thành phố làm việc. Nó có kêu tui qua ngân hàng VIB kí hồ sơ nên tui đi”.

HĐXX hỏi ông suy nghĩ gì về đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như buộc liên đới bồi thường đối với các cá nhân đứng tên vay tiền của ngân hàng VIB, người cậu của Huyền Như run rẩy: “Bản thân nghèo quá”. Tuy nhiên, sau khi nghe HĐXX giải thích, ông lại bảo: “Tuỳ theo HĐXX”.

Em họ của Như - Đỗ Quốc Thái - cũng bị lôi kéo vào con đường lừa đảo. Và điều khiến Thái chuyển tiền, đứng tên vay tiền cũng không lý do nào khác ngoài việc “tin tưởng” Như.

Một người bạn học phổ thông tên Âu Thanh Hà cũng được Như gọi về làm việc tại công ty Hoàng Khải từ năm 2009. “Như sai đi chuyển tiền cho đơn vị, cá nhân nào thì tôi chuyển ạ. Bản thân tôi làm việc cho Như, Như là chủ nên phải làm. Với lại, tôi thấy Như giàu có nên cứ nghĩ không có vấn đề gì xảy ra”, ông Hà đáp.

Trong vụ án này còn có chị gái của Huyền Như bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đaoạt tài sản”. Huỳnh Mỹ Hạnh (SN 1972, ngụ quận Bình Thạnh) bắt đầu làm việc cho em gái tại công ty Hoàng Khải từ tháng 12-2008 ở vị trí nhân viên. Đến đầu năm 2011, Hạnh được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc công ty với tiền công hàng tháng do Như trả từ 3 đến 8 triệu đồng. Dù mang danh lãnh đạo công ty nhưng công việc hàng ngày Hạnh được em gái phân công chủ yếu là giao, nhận tiền cho các cá nhân, lập sổ ghi chép việc giao nhận tiền của các nhân viên.

Cũng theo chỉ đạo của Như, Hạnh đã mở tổng cộng 7 tài khoản tại các ngân hàng để thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các cá nhân cho Như vay tiền lãi suất cao. Đồng thời, Hạnh còn được cô em gái nhờ đứng tên mua hộ nhiều bất động sản tại TP HCM, Đà Nẵng; đứng tên vay tiền tại các ngân hàng dù biết rõ quy định của ngân hàng khi cho vay vốn, người ký tên hồ sơ phải chịu trách nhiệm thanh toán với ngân hàng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo