Bà Nguyễn Thị Thập (SN 1971, ngụ khu phố 2, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) hiện đang kiến nghị bản án tranh chấp quyền nuôi con giữa bà và ông N.V.T (ngụ cùng địa phương) mà bà cho là bất công.
Chuyện thật như đùa
Theo trình bày của bà Thập, bà quen biết và sống chung với ông N.V.T (SN 1962, ngụ cùng thị trấn Vĩnh An) như vợ chồng, mãi đến khi có thai, bà mới biết ông T. đã có vợ và chưa ly hôn.
Năm 2011, bà sinh con trai và rất mừng khi có đứa con để vui cửa vui nhà, nương tựa khi tuổi già. Đến năm 2012, ông T. tự đi làm giấy khai sinh, đặt tên con là Nguyễn Văn T. và nhận là cha của cháu bé. Từ lúc sinh ra, cháu bé luôn ở với mẹ và ông T. thỉnh thoảng đến thăm con.
Cũng theo bà Thập, đến đầu năm 2016, do có mâu thuẫn, bà muốn chấm dứt quan hệ tình cảm với ông T. nhưng ông không đồng ý. Ngày 21-3, trong lúc bà ra khỏi nhà, ông T. cho người trèo tường vào nhà bắt cháu T. đưa về nhà mình. Bà Thập tá hỏa đi đòi con. Khi bà đến tìm con, ông T. cho khóa kín cửa cổng, xua chó ra đuổi, thậm chí bà còn bị vợ và con ông T. xỉ vả.
Sau nhiều lần đi đòi con không thành, bà Thập làm đơn khởi kiện lên TAND huyện Vĩnh Cửu. Ngày 9-6, TAND huyện Vĩnh Cửu xét xử sơ thẩm vụ án. Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên giao đứa con nhỏ cho ông T. nuôi giữ, với nhận định: “Cháu Nguyễn Văn T. là con trai nên nếu giao cho ông T. nuôi dưỡng sẽ thuận lợi hơn vì thấu hiểu tâm sinh lý của cháu hơn, còn bà Thập là phụ nữ nên có phần hạn chế. Mặt khác, bà Thập ở chung với điểm kinh doanh karaoke nên sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập của cháu hiện tại và sau này” (!?).
“Tại sao tòa có thể phán việc kinh doanh karaoke ảnh hưởng đến con cái khi không có sự xác minh, chứng minh cụ thể? Tôi là mẹ đơn thân, nuôi con từ nhỏ rứt ruột đẻ ra, tại sao tòa có thể phán bừa là không hiểu tâm lý của con trẻ? Mất con, cuộc sống của tôi không còn ý nghĩa nữa” - bà Thập khóc.
Không thể chấp nhận!
Sau phiên tòa, bà Thập đã làm đơn kháng cáo. VKSND huyện Vĩnh Cửu cũng đã ra quyết định kháng nghị bản án, đề nghị đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận quyền nuôi con của nguyên đơn.
Theo VKSND huyện Vĩnh Cửu, TAND cùng cấp đã áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án không đúng. Cụ thể, tòa xác định ông T. “phản tố” tranh chấp nuôi con hoàn toàn không có cơ sở mà hoàn toàn chỉ có thể là bị đơn. Chỉ có thể xác định là phản tố khi yêu cầu đó độc lập với yêu cầu của nguyên đơn. Điều này ảnh hưởng đến quy định về việc chịu án phí và tính chất của vụ án.
Về nội dung của vụ việc, VKSND huyện Vĩnh Cửu xác định từ khi cháu bé được sinh ra, người mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ trong điều kiện tốt, cháu phát triển tốt về mặt tâm sinh lý, được đi học tại trường mầm non uy tín tại địa bàn. Trong khi thời gian này, ông T. chỉ thỉnh thoảng ghé thăm con vì phần lớn phải dành thời gian cho gia đình riêng và con cháu. Vì vậy, VKSND huyện Vĩnh Cửu cho rằng tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX nhận định ông T. có điều kiện kinh tế hơn để nuôi con là không phù hợp bởi ông T. có thu nhập 20 triệu đồng/tháng, trong khi bà Thập có thu nhập từ 20-30 triệu đồng/tháng. Chưa kể trong trường hợp điều kiện kinh tế cả hai đều tốt thì sự so sánh ở đây là không hợp lý. Đặc biệt, nhận định bà Thập không đủ điều kiện nuôi con tốt do… kinh doanh karaoke là quá chủ quan bởi cơ sở kinh doanh chưa hề bị cơ quan chức năng xử phạt hay có một căn cứ nào tương tự để chứng minh điều đó. Chưa hết, nhận định của tòa về việc người cha sẽ hiểu tâm sinh lý của con hơn người mẹ, từ đó nhận định cháu bé là con trai nên ở với cha sẽ tốt hơn ở với mẹ là hoàn toàn phiến diện.
Từ đây, VKSND huyện Vĩnh Cửu nhấn mạnh: Bà Thập hiện đang sống độc thân, có nhà riêng và điều kiện kinh tế ổn định, từ khi sinh con đến lúc con 5 tuổi luôn ở với bà và được nuôi nấng dạy dỗ phát triển tốt về thể chất và tinh thần. Do đó, cần phải giao cháu bé cho bà Thập nuôi dưỡng mới là phù hợp và cần thiết. Việc tòa án nhận định bà Thập không có đủ điều kiện nuôi con và giao cho ông T. nuôi dưỡng là không có cơ sở và không phù hợp với thực tế.
Ngoài ra, đối với ông T., đang có một gia đình hôn nhân hợp pháp nhưng ông này đã vi phạm đạo đức xã hội, vi phạm quy định của pháp luật về chế độ một vợ một chồng, lẽ ra còn phải bị xử lý.
Bình luận (0)