Sau khi Báo Người Lao Động số ra ngày 5-8 đăng bài “Chạy trốn khỏi cơ sở bánh tráng”, tổ công tác thuộc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Củ Chi, TP HCM phối hợp với xã An Nhơn Tây tiến hành kiểm tra cơ sở bánh tráng ở ấp Gót Chàng, xã An Nhơn Tây do ông Nguyễn Văn Tốt làm chủ.
Nhiều sai phạm
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trương Văn Hai, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Củ Chi, cho biết qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện cơ sở bánh tráng của ông Tốt có nhiều sai phạm về nội quy lao động, hệ thống bảng lương không rõ ràng, ký hợp đồng không đúng thẩm quyền… nên đã lập biên bản xử phạt với số tiền hơn 2,2 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở này cũng bị phạt hơn 200.000 đồng về hành vi tiếp nhận người lao động nhưng không trình báo với địa phương.
Điều đáng nói, qua rà soát, tổ công tác còn phát hiện Trần Văn Mạnh (SN 1996; ngụ xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) - nghi can trong một vụ trộm cắp tài sản - đang ẩn náu tại đây. Theo hồ sơ điều tra, Mạnh là đối tượng liên quan đến vụ trộm cắp xe máy vừa bị Công an huyện Gò Dầu khởi tố và cấm đi khỏi địa phương. Tuy nhiên, cách đây khoảng 2 tháng, Mạnh bỏ trốn lên TP HCM lấy tên Khải để trà trộn vào cơ sở bánh tráng của ông Tốt làm việc. Sau khi nắm được thông tin trên, Công an huyện Gò Dầu đã đến xã An Nhơn Tây tiếp nhận đối tượng và di lý về địa phương phục vụ điều tra.
Ngược đãi công nhân?
Anh Nguyễn Vũ Phương (SN 1997, quê Kiên Giang) - người chạy trốn khỏi cơ sở bánh tráng - cho biết Trần Văn Mạnh chính là người được chủ cơ sở bánh tráng “đôn” lên làm quản lý để cai quản nhóm công nhân khoảng 6-7 người. Tại cơ sở này, Mạnh thường xuyên quát nạt, thậm chí dùng thắt lưng đánh một số người lao động vì họ làm chậm và muốn nghỉ việc. “Sau 3 ngày làm việc, không chịu được sự cực nhọc và liên tục bị Mạnh đe dọa, tôi đã bỏ trốn. Đến ngày 2-8, tôi đến Công an xã An Nhơn Tây trình báo thì mọi bí mật bên trong lò bánh tráng mới được phơi bày” - anh Phương nói.
Theo ông Trương Văn Hai, trong quá trình làm việc, ông Nguyễn Phước Như Sang (SN 1974, con ông Tốt) có quát nạt công nhân và bị công nhân cho rằng ngược đãi họ. “Hiện cơ quan chức năng đã yêu cầu chủ cơ sở bánh tráng dừng mọi hoạt động để tiếp tục làm rõ có hay không chuyện ngược đãi lao động” - ông Hai thông tin.
Làm không kể giờ giấc
Người dân địa phương cho biết cơ sở bánh tráng của ông Tốt hoạt động gần chục năm nay. Trước đây, từng có người lao động bỏ trốn vì không chịu đựng được công việc cực nhọc trong cơ sở này. Trong quá trình thâm nhập, phóng viên Báo Người Lao Động còn ghi lại được hình ảnh nhóm công nhân làm việc suốt từ sáng sớm đến tối mới nghỉ. Ông Tốt cũng thừa nhận người làm công ở đây không kể giờ giấc, khi nào đủ khoảng 3.000 liếp bánh tráng/ngày thì mới được nghỉ; nếu đói, họ tự ăn uống. “Từng có người đến xã tố cáo cha con ông Tốt quỵt tiền lương, cán bộ xã phải đứng ra hòa giải thì sự việc mới được giải quyết” - một cán bộ xã An Nhơn Tây nói.
Bình luận (0)