xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ông giám đốc sở 14 năm giả làm... thương binh

Theo Kim Quý (CAND)

Ông Trần Trọng Thủy, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình nổi tiếng bởi tính "hắc xì dầu". Bỗng dư luận bàng hoàng bởi chuyện ông đã giả làm thương binh giảm 41% sức lao động để hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước suốt 14 năm qua.

Ngày 25-2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã có kết luận chính thức và công bố với báo giới về những vi phạm nghiêm trọng của ông Trần Trọng Thủy trong thực hiện chức trách nhiệm vụ.

Hành trình đi tìm sự thật

Từ ngày lên giữ chức Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình (năm 2006), ông Trần Trọng Thủy luôn là "nỗi khiếp sợ" của nhiều nhân viên cấp dưới. Những lời đồn đại về một ông thủ trưởng "hắc xì dầu" hằng ngày các nhân viên rỉ tai nhau ngán ngẩm.

Cho tới một ngày, những khuất tất về vị Giám đốc này bắt đầu bung bét, nhiều lá đơn tố cáo đã được gửi về Tỉnh ủy Ninh Bình. Trong đó có chuyện ông Thủy đã làm giả hồ sơ thương binh với tỉ lệ thương tật 41% để hưởng chế độ ưu đãi suốt 14 năm qua, câu chuyện này không chỉ xôn xao ở tỉnh Ninh Bình.

Tỉnh ủy Ninh Bình đã cử một tổ công tác lên đường đi tìm sự thật. Quê ở xã Khánh Hội, huyện Yên Khánh (Ninh Bình), năm 1982, ông Trần Trọng Thủy lên đường làm nghĩa vụ quân sự, 2 năm sau được xuất ngũ trở về quê nhà.

Lúc đó ông Thủy xin vào làm cói ở Xí nghiệp Thương binh 27-7 huyện Yên Khánh. Sau đó được đề bạt làm Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình.

Năm 2006, là Tỉnh ủy viên, giữ chức Giám đốc. Đường công danh của ông Thủy có nhiều may mắn và khá suôn sẻ, ngoài những lời "có cánh" ông Thủy còn có mác là thương binh mất 41% sức khỏe, hạng 3/4 nên cũng được nhiều người... nể và thường bỏ qua cho những gì còn... thiếu và yếu. Khi đã có vị trí, sự thái quá của ông đã khiến nhiều người không chịu nổi và nghi ngờ chuyện ông là một thương binh nữa(?!).

Tổ công tác của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Ninh Bình đã đến những nơi lưu giữ hồ sơ thương binh của ông Thủy và gặp gỡ những người đã từng sống trong quân ngũ với ông ta trong 2 năm (1992-1994).

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Bình cho biết: Trong hồ sơ thương binh của ông Thủy gồm 4 loại giấy tờ: đơn xin giám định thương tật, quyết định phục viên, giấy chứng nhận bị thương, biên bản giám định y khoa trong đó xác định tỷ lệ mất sức lao động là 18% đều do Sư đoàn 345, Quân đoàn 29 cấp. 4 loại giấy tờ này đều là bản photocopy và được lưu giữ suốt 14 năm qua.

Ông Lương Văn Thái, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Bình khẳng định: "4 loại giấy tờ trên là do đồng chí Thủy tự photo lại từ năm 1994 đến nay đã được lưu trữ theo đúng quy định, không ai có thể làm khác được".

Kiểm tra tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình cho thấy: Theo quy định thì các loại giấy tờ trong hồ sơ thương binh đều được lưu giữ tại Sở này. Vậy mà, ngày 8-2-2007, qua kiểm kê Sở phát hiện thấy bản chính giấy chứng nhận bị thương và biên bản giám định y khoa của ông Thủy do Sư đoàn 345 cấp đã bị... mất.

Lý do mất đã được làm rõ, bà Lê Thị Phương Liên, nhân viên trực tiếp quản lý hồ sơ này báo cáo. Khoảng đầu năm 2005, ông Thủy có mượn hồ sơ thương binh của ông, mang ra khỏi phòng, một thời gian sau thì trả lại. Khi cho mượn và nhận lại hồ sơ này, bà Liên không hề kiểm tra xem trong hồ sơ có những giấy tờ gì.

Còn ông Lâm Xuân Phương, Phó Giám đốc Sở cam kết, năm 2002, khi ấy ông là Chánh Thanh tra Sở, ông đã kiểm tra toàn bộ hồ sơ thương binh của ông Thủy thì tất cả các giấy tờ có trong hồ sơ đều có chữ ký và dấu đỏ.

Đến cuối năm 2007, ông Thủy yêu cầu ông Phương bổ sung 7 loại giấy tờ vào hồ sơ ấy thì đều là bản photo, trong đó có quyết định thương binh vào hạng (18% lên 41%) của Hội đồng giám định y khoa Trung ương. Về phía ông Thủy cũng thừa nhận là bản chính của 2 loại giấy tờ quan trọng này lưu trữ tại Sở năm 2002 vẫn còn mà đến nay đã... mất.

img
Bản kết luận điều tra của Tỉnh ủy Ninh Bình.

Đoàn kiểm tra Tỉnh ủy đã về huyện Yên Khánh. Ông Lê Cao Đàm, chuyên viên của Phòng Nội vụ, người trực tiếp quản lý hồ sơ thương binh của ông Thủy tại huyện cho biết: "Cách đây hơn một tháng, ông Thủy có về làm việc với UBND huyện và có đến phòng tôi hỏi xin mượn lại toàn bộ hồ sơ thương binh của ông ấy. Tôi đã đưa và có 3 trong số 8 loại giấy tờ có dấu đỏ. Vậy mà tới khi trả lại đều là các bản photo".

Tới Viện Giám định y khoa Trung ương, Đoàn kiểm tra đã mượn 2 giấy tờ nằm trong hồ sơ thương binh của ông Thủy được lưu trữ tại đây, thì thấy: giấy chứng nhận bị thương (có dấu đỏ), 1 biên bản giám định y khoa (bản photo).

Viện trưởng Viện Giám định y khoa Trung ương xác nhận: Sau khi giám định xong thì hồ sơ được lưu theo đúng quy định, không có ai được tiếp cận hồ sơ này. Như vậy, tại các cơ quan lưu giữ hồ sơ, đoàn kiểm tra đã xác minh và phát hiện thấy mỗi nơi một khác. Ông Thủy bảo rằng đã có người tráo hồ sơ để... hại ông.

Những nhân chứng còn đó

Đoàn công tác tiếp tục tới gặp những người đã từng công tác với ông Thủy trong thời gian 2 năm quân ngũ thì mọi việc càng được sáng tỏ hơn. Các cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh Quân khu II, là nơi quản lý hồ sơ, tài liệu của Sư đoàn 345, Quân đoàn 29, khẳng định: Toàn bộ hệ thống hồ sơ sổ sách liên quan đến quân nhân bị thương hiện đang được lưu giữ tại các phòng ban nghiệp vụ, bao gồm cả những trường hợp được xếp hạng thương tật và những trường hợp có bị thương nhưng chưa đủ tỉ lệ thương tật để xếp hạng, do Sư đoàn 345, Quân đoàn 29 bàn giao khi giải thể.

Không hề có tên Trần Trọng Thủy thuộc đơn vị Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 345 quê ở xã Khánh Hội, huyện Kim Sơn, tỉnh Hà Nam Ninh (Ninh Bình ngày nay). Trong danh sách tổ chức quân y của Sư đoàn 345 từ khi thành lập đến khi giải thể không có bác sĩ nào tên là Nguyễn Duy Trinh, Phạm Đình Hoàn (là 2 bác sĩ có tên trong biên bản giám định y khoa cấp cho ông Thủy).

Bác sĩ Bùi Văn Bảy hiện trú tại Thị Cầu, TP Bắc Ninh; ông Nguyễn Tiến Nguyệt, nguyên Sư đoàn phó, Tham mưu trưởng Sư đoàn 345 và bác sĩ Lại Trần Hằng, nguyên là bác sĩ tiểu đoàn (họ là những người trong thành phần Hội đồng giám định y khoa Sư đoàn 345 hồi đó) đều khẳng định không có ai là Nguyễn Duy Trinh và Phạm Đình Hoàn là bác sĩ của Sư đoàn 345, Quân đoàn 29.

Ông Lê Văn Sử, hiện trú tại xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, người cùng nhập ngũ một ngày và công tác với ông Thủy (khi ông Thủy ra quân thì ông Sử vẫn còn ở lại công tác) và nhiều đồng đội đều khẳng định: Ông Thủy không được cử đi làm nhiệm vụ trinh sát mở đường và cũng không bị thương trong thời gian tại ngũ. Và ông này cũng chẳng bị ốm hoặc tai nạn phải đi nằm điều trị tại bệnh xá bao giờ.

Dạo đó, ở ban quân nhu, ông Thủy đã tự ý bán mấy tạ gạo lấy tiền tiêu xài, vi phạm chế độ công tác nên đã bị Hội đồng kỷ luật xử lý kiểm điểm.

Như vậy, UBKT Tỉnh ủy Ninh Bình đã đủ cơ sở để khẳng định: Ông Trần Trọng Thủy, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình không bị thương trong thời gian phục vụ tại quân ngũ. Giấy chứng nhận bị thương và biên bản giám định y khoa trong hồ sơ thương binh của ông Thủy đều là giả mạo. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông này đã làm hồ sơ thương binh giả, mất sức lao động 41% để hưởng chế độ suốt 14 năm qua. Và với tài "xoay xở", ông Thủy đã từ một công nhân làm cói, tới nay ông đã leo lên làm Tỉnh ủy viên, Giám đốc một sở.

CQĐT đang tiếp tục làm rõ

Không chỉ tạo cho mình một vỏ bọc là một người đã từng hy sinh xương máu vì đất nước để lừa dối mọi người. Việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của ông Thủy cũng là một câu chuyện dài để các cán bộ dưới quyền và đồng nghiệp đàm tiếu, lo ngại về cách điều hành, cư xử.

Từ khi ông Thủy trở thành Giám đốc (năm 2006) thì mâu thuẫn trong lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội bắt đầu rạn nứt và ngày càng trở nên trầm trọng.

Ông Thủy đã từng đe dọa bỏ tù ông Đặng Quang Trung; hách dịch nói với ông Lâm Xuân Phương: "Cấp phó, tao cho làm việc gì biết việc đó", trong khi cả hai người này đều đang giữ chức Phó Giám đốc Sở và có tuổi đời hơn ông Thủy.

Chúng tôi xin trích những ý chính trong kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình: "Về thực hiện chức trách nhiệm vụ và phẩm chất đạo đức lối sống cho thấy, đồng chí Trần Trọng Thủy còn nhiều khuyết điểm, vi phạm. Không tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, coi thường cấp dưới, tuỳ tiện trong điều hành, không chấp hành chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước. Gây mất đoàn kết nội bộ kéo dài, phát ngôn tùy tiện, chửi cấp phó, văng tục với cán bộ nhân viên... đã gây hậu quả xấu trong lãnh đạo, điều hành...".

Ngày 31-1, Tỉnh ủy Ninh Bình đã có kết luận về những sai phạm của ông Thủy, đình chỉ công tác, giao Đảng ủy Công an tỉnh Ninh Bình chỉ đạo điều tra làm rõ nguồn gốc số giấy tờ giả làm chế độ thương binh của ông Thủy. CQĐT cũng đang tiếp tục điều tra làm rõ nhiều nội dung tố cáo những sai phạm của ông Thủy để xử lý nghiêm minh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo