Phẫn nộ vì vợ cũ gây khó dễ trong việc thăm con, người thanh niên gây án mạng. Người mẹ lìa đời, để lại đứa con gái nhỏ vừa tròn 7 tuổi. Trước vành móng ngựa, người cha nặng nề nghe những người liên quan cãi vã, quyết liệt tranh quyền giám hộ con gái mình.
Tranh giành
Phiên tòa căng thẳng không phải vì tình tiết vụ án, vì bị cáo hay cơ quan thực thi pháp luật mà sức “nóng” tỏa ra từ người nhà bị hại (chị P.N.D) gồm: thân nhân bên ngoại và người cha ruột (ông Đ.V.N) xuất hiện sau 34 năm, khi chị lìa đời.
Theo hồ sơ, năm 1980, ông N. sống chung với một phụ nữ và đến năm 1981 thì 2 người có một con gái là chị D. Ngay sau khi biết tin dữ, ông N. yêu cầu cơ quan chức năng giám định ADN. Kết quả giám định ngày 12-6-2015 xác nhận ông N. là cha đẻ của chị D. Tại quyết định giải quyết việc hôn nhân và gia đình ngày 24-9-2015, TAND tỉnh Tiền Giang xác định chị D. là con ruột của ông N. Phiên tòa hôm ấy, ông N. vắng mặt và ủy quyền cho luật sư trình bày nguyện vọng cũng như tranh biện, bảo vệ quyền lợi cho mình. Vị luật sư cho hay theo luật pháp, ông N. đủ tư cách giám hộ cháu V. Việc đau lòng xảy ra, ông N. lo liệu chu toàn cho con gái. Chị D. ra đi để lại con là P.N.T.V (SN 2009) và ông N. nhất quyết giành quyền nuôi dưỡng cháu ngoại. Vì vậy, luật sư yêu cầu phía bị hại đền bù… 1 tỉ đồng chi phí ma chay, cấp dưỡng…
Nghe xong, người cậu thứ nhất của chị D. phản bác: “Tôi lặn lội từ Mỹ về đây, cùng gia đình an táng, vĩnh biệt cháu. Trước đó, ông N. lừa gạt chị tôi chứ nào có tử tế gì. Sau khi con chết, ông ta mới quay lại nhận cháu. Chúng tôi không chấp nhận cháu D. có người cha như thế”. Nhiều người thân bên ngoại tức tối trước lập luận của luật sư, họ cho rằng ông N. không đủ tư cách nhận con, đòi cháu.
Bơ vơ
Giống như ông N., gia đình bên ngoại khăng khăng giành quyền giám hộ cháu V. Người cậu thứ hai cho biết vợ chồng ông không có con cái. Từ lâu rồi, nhà ông trống vắng vì không có tiếng trẻ thơ. Gia đình bên ngoại của chị D. đồng tình và ủng hộ nguyện vọng này.
Bà nội của cháu V. hy vọng cơ quan pháp luật có phương án bảo quản phần tài sản do chị D. để lại cho đến khi cháu V. trưởng thành. “Tôi sẽ tự lo liệu nuôi cháu mà không cần phần tài sản ấy” - bà vừa nói vừa khóc.
Vụ án vừa xảy ra, cháu V. ở với bảo mẫu. Bà nội hay qua lại, chăm nom. Khi đám tang chị D. diễn ra, cháu V. sang sống bên nhà ngoại. Bảo mẫu cho hay từ khi ấy, bên ngoại chi trả chi phí nuôi cháu. Chưa được bao lâu, ông N. đến nhà, tự ý đưa cháu V. về Tiền Giang mà không hỏi ý kiến bất kỳ ai.
Tranh luận của các bên xoay quanh cháu bé dù HĐXX nhiều lần giải thích phiên tòa xét xử hành vi phạm tội của người cha. Vấn đề tranh quyền giám hộ, yêu cầu cấp dưỡng sẽ giải quyết trong vụ án khác.
Cha cháu V. - bị cáo - mắt nhắm nghiền, 2 tay bấu chặt thành ghế.
Nhiều bạn bè của chị D. đến dự tòa cho hay trước khi mất, chị D. sở hữu không ít tài sản có giá trị như: nhà mặt tiền khang trang, xe hơi… Tin buồn chưa kịp nguôi ngoai, ông N. vội vã mời thừa phát lại đến niêm phong, kiểm tra tài sản trong căn nhà mà chị D. và con gái sinh sống. Ai cũng tức tối, bức xúc. Dù vậy, liệu mấy người nhớ đến cháu V. bặt tăm tin tức ở Tiền Giang, cháu có khỏe không? Có kịp trở về chuẩn bị vào năm học mới?
Đứa trẻ chưa hiểu mình mất mẹ vì lỗi của cha, cũng chẳng hay mình đang là đối tượng giành giật của người thân. Đương nhiên, nó cũng chưa hề biết mình là người thừa kế một nửa tài sản do mẹ để lại…
Không đồng ý với yêu cầu của ông ngoại
Ngoài mức án 15 năm tù về tội “Giết người” đối với bị cáo, HĐXX bác yêu cầu bồi thường của ông N. vì ông này không trình ra chứng cứ. Về tổn thất tinh thần, bị cáo phải bồi thường khoảng 69 triệu đồng, chia đôi cho ông N. và cháu V. Khoản tiền trên và phần thừa kế của cháu V. sẽ giao cho người giám hộ quản lý (sau khi cơ quan có thẩm quyền quyết định người giám hộ). Ngoài ra, phần yêu cầu cấp dưỡng cũng được tách ra giải quyết bằng vụ án khác khi cháu V. có người giám hộ.
Bình luận (0)