xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vụ án ly hôn kỳ lạ

HOÀNG HÙNG và NHÓM PV THỜI SỰ

Sau khi nhà báo Hoàng Hùng qua đời, chúng tôi có hứa sẽ viết tiếp một số đề tài mà anh đang theo đuổi. Bài báo này là một trong những đề tài dang dở của anh - một vụ án ly hôn "lạ nhất từ trước đến nay" như luật sư Cao Minh Triết phát biểu

TAND tỉnh Long An xử một vụ ly hôn nhưng có đến 2 bản án. Đáng nói là dù bản án đã ký hơn 4 tháng nhưng TAND tỉnh Long An chỉ tống đạt đến cho đương sự chứ các cơ quan tố tụng khác vẫn chưa nhận được.
 
img
Cố nhà báo Hoàng Hùng (trái) trong một lần tác nghiệp. Ảnh: TƯ LIỆU
 
Bị khởi tố hình sự vẫn cho chia tài sản (!?)
 
Ngày 6-10-2010, TAND tỉnh Long An đưa ra xét xử sơ thẩm công khai vụ án xin ly hôn giữa nguyên đơn là bà Đ.T.H.Y (gọi tắt là bà Y., thường trú quận 5-TPHCM, cư ngụ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) và bị đơn là ông J.Tr (quốc tịch Hoa Kỳ, đăng ký thường trú tại Việt Nam ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).
 

Nhà báo Hoàng Hùng có đến TAND tỉnh Long An đăng ký làm việc với lãnh đạo tòa để làm rõ nghi vấn về 2 bản án này. Nhà báo Hoàng Hùng thắc mắc nhiều vấn đề như bản án này xử có đúng thẩm quyền, việc phân chia tài sản dựa vào đâu, vì sao xử một lần lại có 2 bản án...? Sau đó, lãnh đạo tòa có họp và hẹn sẽ trả lời nhà báo Hoàng Hùng sau, tuy nhiên, chưa đến thời gian hẹn thì nhà báo Hoàng Hùng đã gặp nạn.

(Trích lời ông Lê Quang Hùng, Phó Chánh án TAND tỉnh Long An)

Theo nội dung bản án do thẩm phán TAND tỉnh Long An Lê Văn Lắm (chủ tọa phiên tòa) ký ngày 6-10-2010, bà Y. và ông J.Tr đăng ký kết hôn tại bang Texas, Hoa Kỳ vào tháng 8-2007.
 
Đến tháng 9-2009, cả hai về Việt Nam sinh sống và làm việc. Trong quá trình làm việc ở Việt Nam, bà Y. và ông J.Tr đã lập nhiều công ty.
 
Đến ngày 16-9-2010, ông J.Tr bị Cơ quan An ninh Điều tra - Bộ Công an ký quyết định khởi tố hình sự về tội “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền của đối tác và công ty”. Trước đó, vào ngày 5-7-2010, ông J.Tr đã rời Việt Nam về Hoa Kỳ nên tòa đã xử vắng mặt ông J.Tr. 
 
Theo đơn xin ly hôn bà Y. nộp cho tòa án, bà Y. xin ly hôn với chồng vì ông J.Tr có lối sống không lành mạnh như đánh bài, có quan hệ với nhiều phụ nữ khác. Hơn nữa, ông J.Tr đã bị Cơ quan An ninh Điều tra - Bộ Công an khởi tố.
 
Riêng khối tài sản khổng lồ của họ, bao gồm tài sản trong nước, ở Hoa Kỳ và bất cứ nơi nào trên thế giới thì tòa tuyên phải giao toàn bộ cho bà Y. vì tòa cho rằng giữa bà Y. và ông J.Tr có thỏa thuận tiền hôn nhân lập ngày 13-8-2007 tại hạt Harris, Texas, Hoa Kỳ là ông J.Tr chỉ có tài khoản 50.000 USD trong ngân hàng Việt Nam, còn tài sản khác bao gồm tất cả các bất động sản ở Việt Nam, Hoa Kỳ hay bất cứ nơi nào trên thế giới, đồ kim hoàn, bảo hiểm và cổ phiếu của một số công ty..., tòa tuyên đều thuộc về bà Y.
 
Theo nhiều luật sư, việc tòa thụ lý, xử vụ ly hôn và phân chia tài sản nói trên trong lúc ông J.Tr bị khởi tố về tội danh lừa đảo là hoàn toàn không hợp lý.
 
“Bởi theo quy định của pháp luật, nếu một đối tượng bị khởi tố vụ án hình sự thì các vụ kiện dân sự phải đình chỉ chờ giải quyết án hình sự trước. Trong khi đó, đây là vụ án chiếm đoạt tài sản mà tòa lại cho ly hôn và khối tài sản lớn đều chuyển cho bà Y. thì chẳng khác nào tạo điều kiện cho đương sự tẩu tán tài sản”- luật sư Cao Minh Triết, Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang, nhận định.
 
Xử một lần ra 2 bản án
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Hùng, Phó Chánh án TAND tỉnh Long An, xác nhận do bản án xét xử ly hôn nói trên có vấn đề nên VKSND tỉnh đã kháng nghị bản án.
 
Ông Lê Quang Hùng cũng tiết lộ trong vụ kiện này, tòa chỉ xử một lần nhưng có đến 2 bản án. Khi phóng viên Báo Người Lao Động đề nghị cung cấp quyết định kháng nghị bản án của VKSND tỉnh thì ông Lê Quang Hùng từ chối.
 
Còn ông Nguyễn Công Pha, Viện phó VKSND tỉnh Long An, cho biết qua thu thập hồ sơ, VKSND phát hiện cả hai bản án đều bất thường nên đã yêu cầu tòa cho mượn hồ sơ để nghiên cứu nhưng đã bị tòa từ chối. Chính vì thế, VKSND tỉnh chỉ dựa vào 2 bản án bất thường ra quyết định kháng nghị “chay”.
 
Còn hỏi về hiện tượng bất thường của 2 bản án này thì ông Nguyễn Công Pha nói: “Tòa đâu cho mượn hồ sơ nên không rõ sự việc thực hư thế nào. Chỉ thấy một vụ xử mà có 2 bản án nên phải kháng nghị”. Ông Pha cũng cho biết VKSND Tối cao đã vào cuộc và đến tỉnh Long An để làm rõ vụ việc.
 
Để tìm hiểu thêm sự bất hợp lý này, phóng viên Báo Người Lao Động đã gặp bà Nguyễn Thị Phượng, hội thẩm nhân dân, tham gia xử vụ ly hôn nói trên và được biết trong lúc xét xử bà cũng thấy vụ kiện có nhiều điểm bất thường. Cụ thể, về việc phân chia tài sản, bà chỉ biết dựa vào bản dịch “thỏa thuận tiền hôn nhân” do bà Y. cung cấp, còn bản chính thế nào thì bà không rõ vì không thông thạo ngoại ngữ.
 
Cũng theo bà  Nguyễn Thị Phượng, trong khi ngày 16-2, Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao đến tỉnh Long An để làm rõ vụ việc thì ngày 17-2, một thư ký của TAND tỉnh Long An đã mang đến phòng làm việc của bà một biên bản nghị án nhờ bà ký giùm.Do nghi ngờ vì trước đây, vụ kiện này bà đã ký biên bản nghị án rồi nên bà chần chừ.
 
Liền sau đó, một thẩm phán điện thoại giải thích: “Do bản án bị đương sự khiếu nại nên phải làm biên bản lại”. Ông này còn nói với bà Phượng là từ ngày ký bản án đến nay chỉ mới tống đạt cho đương sự chứ chưa gửi đến cơ quan chức năng như TAND Tối cao, VKSND Tối cao, VKSND tỉnh Long An...
 
Phải chăng việc TAND tỉnh Long An nhờ các hội thẩm nhân dân xử vụ ly hôn này ký lại hồ sơ nhằm hợp thức hóa bản án bất thường?
 
Bất thường
 
Cầm bản án trong tay, luật sư Cao Minh Triết, Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang, cho rằng chỉ riêng hình thức thì đây là bản án lạ nhất từ trước đến nay mà ông thấy. Bởi bản án này giống như bản án được xử tại Hoa Kỳ. Cụ thể, trong bản án có những điều khoản mà Việt Nam không bao giờ đề cập như “về sự bảo hộ chung về quyền xét xử công bằng”, “về không gian lận”, “về tòa án được thành lập một cách hợp pháp và phù hợp”, “không có những vấn đề hay việc các bên chưa được giải quyết”...
 
Ngoài ra, trong bản này, chúng tôi phát hiện có nhiều chi tiết bất thường, như lúc thì tòa nói “bà Y. nộp đơn ly hôn ký ngày 10-5-2010”, lúc thì “theo đơn xin ly hôn ngày 9-7-2009”,  lúc thì “đơn ông J.Tr và bà Y. ký ngày 9-7-2010”...
 
T.Hằng

Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TPHCM:

Thận trọng với tài sản
 
Nếu phần tài sản có vấn đề về pháp luật thì cần phải rất thận trọng. Các tổ chức, cá nhân liên quan có quyền khiếu nại bản án, yêu cầu tham gia tố tụng và có thể hủy bỏ phần tài sản để xét xử lại. Về việc một lần xử nhưng có 2 bản án khác nhau, bà Hòa cho rằng đó là điều không thể. Bởi theo quy định tại điều 240 Bộ Luật Tố tụng Dân sự, sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai.
 
Việc sửa chữa, bổ sung phải được thông báo ngay cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc sửa chữa, bổ sung; đồng thời thông báo cho cơ quan, tổ chức khởi kiện và VKSND cùng cấp. Về thông tin tòa án chỉ gửi bản án cho đương sự mà không chuyển đến các cơ quan thẩm quyền, luật sư Trương Thị Hòa cho biết như vậy là vi phạm điều 241 Bộ Luật Tố tụng Dân sự (trong thời hạn 10  ngày kể từ ngày tuyên án, tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện và viện kiểm sát cùng cấp).
 
Sau khi xem qua bản án do thẩm phán TAND tỉnh Long An Lê Văn Lắm ký, luật sư Trương Thị Hòa nhận xét nó được trình bày theo văn thức nước ngoài và có điều lạ lùng khác là một số tài sản ở tận bên Hoa Kỳ cũng được đưa ra xử lý tại Việt Nam!
 
Q.Lâm
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo