Ngày 16-8, TAND quận 1 (TP HCM) đã xét xử sơ thẩm vụ “Tranh chấp về quyết định xử phạt hành chính” giữa ông Phạm Lê Tuấn Nghĩa (SN 1985, ngụ quận 1) và ông Nguyễn Thành Phát, Chủ tịch UBND phường Bến Nghé. Ông Phát đã ủy quyền cho ông Võ Quốc Hưng, Phó chủ tịch UBND phường, tham dự phiên tòa.
Theo ông Nghĩa, đầu năm 2015, ông có vay Quỹ khởi nghiệp của UBND TP HCM để mở một chuỗi cà phê di động. Khách muốn đặt đơn hàng chỉ cần sử dựng phần mềm trên điện thoại.
Nhân viên trật tự đô thị kiểm tra xử phạt nhân viên giao cafe tại toà nhà Kumho Asiana
Sáng 25-9-2015, nhân viên của ông Nghĩa chạy xe máy đến toà nhà Kumho Asiana (đường Lê Duẩn) để giao hàng cho khách. Tại đây, một tổ quản lý trật tự đô thị của UBND phường Bến Nghé tới kiểm tra giấy tờ và lập biên bản về hành vi “đậu xe trên hè phố trái pháp luật” và “buôn bán hàng nhỏ lẻ trên vỉa hè đường phố có quy định cấm bán hàng”.
Tuy nhiên, ông Nghĩa không đồng ý việc lập biên bản vì lý do xe của nhân viênđậu vào khuôn viên của toà nhà Kumho Asiana, tức sở hữu của tư nhân, không chuyện lấn chiềm lòng lề đường.
Tại tòa, ông Nghĩa đề nghị UBND phường Bến Nghé làm rõ 1 số vấn đề như: Văn bản nào nói rõ tuyến phố Lê Duẩn – Hai Bà Trưng cấm bán hàng? Người vi phạm là ông Nguyễn Tuấn Vũ (nhân viên – PV) nhưng trong biên bản vi phạm lại là ông Phạm Lê Tuấn Nghĩa (giám đốc công ty)? Có hay không nhân viên ông Nghĩa lấn chiếm vỉa hè?
Ông Hưng cho biết trước khi xử phạt, UBND phường và trật tự đô thị quận nhiều lần nhắc nhở ông Nghĩa không được kinh doanh, buôn bán lấn chiếm vỉa hè. Qua kiểm tra thực tế, UBND phường nhận thấy nhân viên ông Nghĩa vẫn tái phạm nên đã xử phạt.
Ông Nghĩa (áo đen) khởi kiện UBND phường Bến Nghé. Người hầu toà là ông Võ Quốc Hưng - Phó chủ tịch phường (áo trắng) Ảnh: LÊ PHONG
Tuy nhiên, sau đó nhận thấy việc lập sai đối tượng vi phạm, ngày 4-12-2015, phường mời ông Nghĩa lên trụ sở công an trả lại giấy tờ xe. Tuy nhiên, ông Nghĩa không nhận lại. “UBND phường đã đề nghị toà nhà Kumho Asiana cung cấp bản vẽ diện tích toà nhà nhưng đến nay chưa nhận được giấy tờ nên chưa xác định nhân viên ông Nghĩa lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh” - ông Hưng nói.
Ông Nghĩa tố cáo tổ trật tự đô thị có dấu hiệu đe doạ, theo dõi “bám đuôi” theo nhân viên của ông Nghĩa trong quá trình giao hàng cho khách. Tuy nhiên, ông Hưng phản bác ý kiến đó.
Tại tòa, luật sư bào chữa cho ông Nghĩa cho biết đến nay, thân chủ ông chưa nhận một lời xin lỗi từ UBND phường Bến Nghé khi lập biên bản sai đối tượng. Còn ông Hưng lại cho rằng UBND phường rất có thiện chí đã mời ông Nghĩa lên làm việc trả giấy tờ.
Kết thúc phiên toà, chủ toạ đã bác bỏ mọi yêu cầu của ông Nghĩa. Cụ thể, về việc ông Nghĩa yêu cầu chủ tịch phường Bến Nghé bồi thường 100.000 đồng thiệt hại cá nhân cho mỗi ngày nghỉ việc và bồi thường số tiền 2 triệu đồng để lập vi bằng, HĐXX xét thấy ông yêu cầu đó không có cơ sở. HĐXX cũng không chấp thuận về việc yêu cầu UBND phường Bến Nghé phải xin lỗi khi lập biên bản sai.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nghĩa cho biết không đồng ý bản án sơ thẩm và tiếp tục kháng cáo để đòi lại quyền lợi của mình.
Phóng viên không được ghi âm, ghi hình
Trước khi tiến hành xét xử, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Thái Hằng cho rằng vụ án này không có gì phức tạp, không đồng ý cho các nhà báo và người tham gia tố tụng ghi âm, ghi hình. Luật sư bên khởi kiện phản bác ý kiến chủ toạ, đề nghị tạo điện kiện báo chí hoạt động.
Tuy nhiên, chủ toạ Hằng không đồng ý và yêu cầu công an đến cưỡng chế máy ảnh của phóng viên để xoá hình ảnh, yêu cầu phóng viên, nhà báo ngồi dãy ghế cuối cùng của phòng xử án.
Bình luận (0)