Ông Nguyễn Văn Mọi (Ba Mọi) vốn là một nông dân như hàng vạn nông dân khác ở Ninh Thuận. Có chăng sự khác biệt của ông là niềm đam mê cháy bỏng với nghề trồng nho. Cũng bởi là người làm nông chính hiệu nên bước đầu vào nghề, ông cũng chỉ canh tác theo phương thức truyền thống. Rồi ông tự mày mò sách vở, “cơm ăn, cơm giở” theo học các lớp khuyến nông để áp dụng kỹ thuật tiến bộ vào quy trình sản xuất nho.
Định danh nho Ninh Thuận
Hơn 15 năm miệt mài lao động, quyết bám trụ với cây nho - dẫu có thời gian cây trồng “độc tôn” của vùng đất nắng gió này lâm cảnh thoái trào - ông đã thành công. Nếu không quá lời, có thể nói ông chính là người định danh cho trái nho Ninh Thuận. Cái tên nghe thật mộc mạc của ông đã gắn liền với thương hiệu nho sạch nức tiếng trên thị trường cả nước: Nho Ba Mọi.
Ông Ba Mọi thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của cây nho
Câu chuyện ông Ba Mọi canh tác nho sạch bắt đầu từ cuối năm 2000. Lúc bấy giờ, hầu hết người trồng nho ở Ninh Thuận chỉ chuyên canh giống nho đỏ truyền thống Red Cardinal. Ông Ba Mọi cũng vậy. Nhưng như một cơ duyên, khi giống nho xanh NH01-48 được Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố lai tạo thành công, ông Ba Mọi có ngay ý tưởng trồng thử nghiệm trên 1.000 m2 ruộng gò của gia đình ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước.
Nhân công chăm sóc nho ở trang trại của ông Ba Mọi
Vài tháng sau khi xuống giống, ông Ba Mọi được các chuyên gia của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam hướng dẫn quy trình canh tác nho bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học, không sử dụng thuốc trừ sâu bệnh. Vì thế, quả nho sau thu hoạch rất an toàn nhờ không có dư lượng hóa chất.
“Lúc đầu, vợ con tôi và bà con hàng xóm đều rất lo vì chưa tin tưởng kỹ thuật mới này. Nếu được thì chẳng nói làm chi, bằng không thì cả sào nho coi như công cốc” - ông Ba Mọi nhớ lại.
Bằng kinh nghiệm của hơn 4 năm trồng nho và ý chí sống mái với cây nho, ông Ba Mọi tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật canh tác do cán bộ kỹ thuật hướng dẫn. Các chế phẩm sinh học như: Pitazin, Aztron, Mastercoops được ông thay thế thuốc trừ sâu để phòng ngừa các loại bệnh hại trên cây nho; một số loại phân bón vi sinh: Em, Olicibi được thay thế phân hóa học.
Sau gần một năm “ăn không ngon ngủ không yên”, vườn nho giống mới NH01-48 của ông Ba Mọi đã cho mùa quả chín chật cành đầu tiên, hơn 7 tạ. “Một ký nho xanh NH01-48 bán tại vườn lúc đó với giá đến 15.000 đồng, cao gấp 3 lần nho đỏ Red Cardinal. Những mùa sau đó, sản lượng của vườn nho này tăng lên 1,2 tấn, rồi 1,5 tấn ổn định. Tôi thu lãi ròng không dưới 10 triệu đồng/vụ” - ông Ba Mọi khoe.
Tết Nguyên đán 2003, ông Ba Mọi quyết định đưa sản phẩm nho sạch mang thương hiệu “Ba Mọi” vào bày bán tại các siêu thị ở TP HCM, sau khi được các cơ quan chức năng cấp chứng nhận chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Quyết định đột phá
Thành công bước đầu là động lực để ông Ba Mọi thừa thắng xông lên mở rộng diện tích vườn nho sạch của gia đình. Đến nay, tổng diện tích của trang trại nho Ba Mọi đã lên đến xấp xỉ 2 ha.
Để khẳng định thương hiệu “Nho Ba Mọi” đồng thời định danh cho trái nho Ninh Thuận, năm 2007, ông Ba Mọi quyết định lấy tục danh của mình thành lập doanh nghiệp tư nhân sản xuất - thương mại - dịch vụ.
Không chỉ sản xuất nho ăn tươi để phục vụ thị trường cả nước, ông Ba Mọi còn quyết định làm cuộc đột phá mới là chi hàng trăm triệu đồng để mua sắm thiết bị, máy móc, đầu tư nhà xưởng sản xuất rượu vang nho. Để có nguyên liệu làm rượu vang, ông Ba Mọi dành 0,5 ha trồng các giống nho Syrah (vang đỏ), Cabernet Sauvignon, Sauvignon Blanc (vang trắng).
“Sản xuất vang nho không đơn giản chút nào. Nho chín, thu hoạch xong phải trải qua quy trình chế biến với nhiều công đoạn phức tạp, mất thời gian từ 1 năm đến 1 năm rưỡi mới ra được rượu. Tất cả phải được cơ quan chức năng kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi bán ra thị trường” - ông chủ trang trại Ba Mọi bộc bạch.
Nông dân Nguyễn Văn Mọi giờ đây đã là một doanh nhân có tên tuổi trong nghề canh tác trái nho tươi tiêu chuẩn VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt tiêu chuẩn Việt Nam) và rượu vang nho đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài trang trại và cửa hàng tại quê nhà, ông Ba Mọi còn mở thêm 6 đại lý ở TP HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nghệ An.
Du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan “vương quốc” nho sạch Ba Mọi hẳn sẽ khó quên hình ảnh ông chủ trang trại gần 70 tuổi nhưng rất nhanh nhẹn, rắn rỏi, thân thiện, ăn nói hoạt bát. Đặc biệt, ông rất am hiểu về các giống nho để giải đáp thắc mắc của du khách.
Trong câu chuyện về trái nho sạch Ninh Thuận, ông Ba Mọi tâm sự: “Một trang trại nhỏ của gia đình tôi thì có đáng gì đâu, làm sao đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường mới là điều quan trọng. Nhà nước cần tạo điều kiện cho các vùng trồng nho VietGAP trong tỉnh liên kết với các doanh nghiệp để ổn định đầu ra của quả nho, tạo thu nhập tốt cho nông dân. Có như thế, thương hiệu nho Ninh Thuận mới không bị mai một”.
Chia sẻ kinh nghiệm với nông dân
Năm 2004, trái nho tươi của trang trại Ba Mọi được cơ quan chức năng cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, với các thông số: độ ngọt (độ brix) đạt 18,45%, âm tính về dư lượng thuốc trừ sâu, không nhiễm khuẩn vi sinh vật trên vỏ trái. Năm 2007, khi chương trình sản xuất tiêu chuẩn VietGAP được ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận triển khai, ông Ba Mọi quyết định đăng ký. Đến năm 2010, trang trại Nho Ba Mọi được cấp chứng nhận sản xuất tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho rằng nếu khen nho Ninh Thuận ngon thơm mà không nhắc đến ông Ba Mọi thì quả là còn thiếu sót. Với cương vị là Phó Chủ tịch Hiệp hội Nho Ninh Thuận, ông Ba Mọi cùng với Hội Nông dân và trung tâm khuyến nông tỉnh thường tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác nho, nhất là các giống nho mới, để chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân.
“Các hội chợ thương mại trong tỉnh và những tỉnh bạn lân cận không bao giờ vắng mặt ông Ba. Chính ông đã góp phần không nhỏ trong việc quảng bá, khẳng định thương hiệu của nho Ninh Thuận. Trong Lễ hội Vang và Nho quốc tế được tổ chức tại Ninh Thuận từ ngày 29-9 đến 1-10 tới đây, Nho Ba Mọi chắc chắn sẽ tiếp tục tạo dấu ấn không nhỏ cho người thưởng lãm” - ông Bình tin tưởng.
Bình luận (0)