xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xẻ thịt núi Bà Đen

Bài và ảnh: Ngọc Tấn

Sau tiếng ùng ục của mìn phá đá, cả một mảng núi nứt ra toang hoác. Hun hút dưới hố sâu, chiếc xe xúc đá gầm gừ hối hả cào đá. Ngày qua ngày, núi Bà Đen, khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tại Tây Ninh, bị bào mòn dần trong sự lo lắng của người dân

Nhìn từ xa, mùa này núi Bà Đen xanh rì cây cối nhưng chỉ cần qua khúc quanh của Tỉnh lộ 785 thuộc xã Thạnh Tân, đã thấy cả một sườn núi lở lói đến nhức mắt. Đá núi trơ ra trắng xóa. Vài chỗ bị khoét sâu hoắm. Xe tải chở đá chạy lên xuống trong làn bụi mịt mù.

10 mỏ đá ngày đêm khoét núi

Trong vai người đi câu cá, chúng tôi lần theo con đường đất đỏ gập ghềnh ổ trâu để vào mỏ đá 2C của HTX Rạng Đông với diện tích trên 24.000 m2. Vượt qua giàn máy xay đá hoành tráng đang chạy hết công suất, chúng tôi giật mình trước cảnh tan hoang của cả một khu vực trước sự tàn phá của con người: mặt đá lồi lõm, chân núi bị đào sâu hoắm, lõng bõng nước.

Nói về chuyện khai thác đá trong khu vực cấm, một chuyên viên Sở Tài nguyên - Môi trường Tây Ninh lắc đầu: Với 10 mỏ đá đang ngày đêm khoét núi, mỗi ngày khu di tích lịch sử cấp quốc gia này mất gần 200 m3 đá. Nhưng đó chỉ là con số báo cáo, còn trên thực tế nhiều mỏ đá đã phóng tay thỏa sức nổ mìn phá núi.

Không chỉ đá núi bị đào khoét mà nhiều khu đất xung quanh chân núi, thậm chí lưng chừng chân núi cũng đang bị một số đối tượng lấn chiếm để trồng cây ăn quả. Dù ngành lâm nghiệp đã đầu tư không ít tiền của lẫn công sức để trồng các loại cây rừng đặc hữu đúng theo tiêu chuẩn của một di tích văn hóa cấp quốc gia nhưng mọi chuyện vẫn chỉ là con số không. Lý do là trồng vài ngàn cây cũng chỉ sống được vài chục cây, vì người dân cứ đi qua là nhấc cây lên khỏi mặt đất hoặc ngắt ngọn để cây lụi dần.

Báo động về môi trường

Nếu như phía ngoài núi bị đào khoét vô tội vạ thì phía trong, hiện tượng xâm phạm di tích theo kiểu ăn xổi ở thì cũng làm nhiều người lo ngại. Là một địa điểm tập trung đậm đặc các công trình văn hóa có tính chất lịch sử như động Kim Quang, Hang Gió, chùa Hang, động Thanh Long,... từng một thời là nơi quân và dân Tây Ninh bám trụ kháng chiến, thế nhưng chỉ có chùa Bà là nơi nhộn nhịp hơn cả. Đây cũng là địa điểm thường xuyên được trùng tu tôn tạo, còn các địa điểm khác thì xuống cấp từ từ.

img

Nhiều người đến đây một lần rồi hãi quá mà bỏ đi vì có cố lắm cũng chỉ ngồi cáp treo lên núi cúng chùa chứ ít ai ngó đến các địa điểm khác. Đường thì dốc, hàng quán dày đặc. Chỉ cho chúng tôi xem cảnh những hố chôn rác đào sơ sài nằm ven theo con đường lên núi, anh bảo vệ khu di tích chán nản: Cả một khu vực rộng lớn mà không có chỗ xử lý rác. Đường lên núi thì dài. Nhà vệ sinh không có. Mấy tuần qua mưa nhiều nên mùi xú uế bay bớt. Mùa lễ hội vừa qua có hơn 1 triệu lượt khách lên núi nên sườn núi phủ đầy chất thải. Nhiều khi thấy khách tiểu tiện thậm chí đại tiện bừa trong các lùm cây, bụi cỏ, anh em bảo vệ cũng chỉ biết đứng nhìn. Nếu phạt thì khách vặn lại: Nhà vệ sinh không có thì phải làm đại chứ không lẽ nhịn hay sao?

Lần theo con đường lót đá ẩm thấp, chúng tôi lên động Kim Quang. Bậc lên xuống rêu mọc xanh um. Bức tượng một chiến sĩ giải phóng ôm súng tiểu liên đứng chơ vơ dưới tán cây um tùm. Mũi súng đã bị ai đó tiện tay bẻ mất. Khung cảnh vắng lặng đến rợn người. Từ phía nương chuối gần đó, một đôi trai gái đang vô tư... yêu nhau quên trời đất.

Xô bồ và bát nháo

Đứng trên chiếc cầu treo bắc ngang con suối um tùm cỏ dại, anh Hồ Văn, một người từ TPHCM lên đây du lịch, thất vọng: Cả một khu di tích lịch sử lớn như thế này mà không có quy hoạch gì cả. Ai đời suối thì cạn, hồ thì bẩn. Nhìn về hướng núi đang bị băm nát bởi lều quán, anh Văn lắc đầu: Không thể chấp nhận một nơi văn hóa mang tính chất tâm linh như núi Bà Đen lại xô bồ đến vậy.

Điều đau lòng mà người khách du lịch này nói hiện ra trước mắt chúng tôi: Giữa sườn núi cây xanh, đá trắng người ta cho dựng lên chiếc đầu rồng sơn lòe loẹt. Cạnh đó một chiếc cột mô phỏng cảnh diều hâu cắp công chúa của truyền thuyết Thạch Sanh nhưng không rõ vì thiếu kinh phí hay thiếu kiến thức về văn hóa mà mô hình con diều hâu trông giống như con quạ. Nhìn xuống phía đồi Ông Địa thì cảnh tượng lại càng mất văn hóa hơn, vì tượng Ông Địa nhỏ trong khi điếu thuốc trên tay của bức tượng lại khá to. Còn dọc hai bên đường, hàng quán mọc dày san sát dưới những chiếc dù sặc sỡ. Rác dồn thành đống. Nước thải đổ thẳng xuống hồ.

Cạnh con suối, một ngôi chùa nằm sừng sững. Vài ba chiếc thùng công đức nằm lộ liễu dọc hai bên chánh điện. Một chị chủ quán lẩm bẩm: Chùa giả đấy. Chính quyền cấm xây nhưng người ta cứ xây lên để móc tiền của khách hành hương. Chiều xuống dần. Trời âm u báo hiệu một cơn mưa to sắp đến. Chúng tôi bước vội theo con đường trải đá, ngoảnh nhìn núi Bà Đen như co lại dưới đám mây mù đang sà dần xuống...

Ai phá núi Bà Đen?

Giữ cương vị giám đốc Sở VHTT Tây Ninh giai đoạn từ 1984-1991, ông Trần Công Nứ không giấu được sự bất bình trước hiện tượng xâm hại công khai di tích lịch sử núi Bà Đen. Ông nói: Ngay từ năm 1982, ngành văn hóa đã lên tiếng về hiện tượng khai thác đá bừa bãi trong khu vực chân núi. Riêng bản thân tôi, lần họp nào cũng đưa vấn đề xâm phạm di tích này ra chất vấn nhưng đến tận bây giờ mọi chuyện vẫn chưa được giải quyết. Ngay cả UBND tỉnh cũng chỉ nhắc nhở chung chung, không có biện pháp ngăn chặn kịp thời dù rằng việc khai thác đá đã kéo dài hàng chục năm qua.

img
Lưng chừng núi chình ình chiếc đầu rồng sơn lòe loẹt cạnh đó là mô hình mô phỏng truyền thuyết Thạch Sanh phản văn hóa

Giám đốc Ban Quản lý di tích cách mạng miền Nam tại Tây Ninh, ông Lê Tấn An, lại bất bình về việc nhiều đơn vị công khai xâm phạm di tích lịch sử văn hóa núi Bà Đen theo kiểu “trảm núi trước, xin phép sau”. Thậm chí ông An cho rằng chính Ban Giám đốc Công ty Du lịch Tây Ninh đã dựa vào “thế” là đơn vị trực thuộc UBND tỉnh để tự ý xâm phạm di tích. Chỉ đến khi ngành văn hóa ra quyết định xử phạt thì Công ty Du lịch Tây Ninh mới chạy ra Bộ VHTT xin phép để hợp thức hóa hành vi sai luật của mình.

Trong khi đó, theo những văn bản thu thập được, chúng tôi thấy UBND tỉnh Tây Ninh đã vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa khi không xử lý dứt khoát các hành vi xâm hại di tích lịch sử cấp quốc gia.

Ngày 21-1-1989, thứ trưởng Bộ VHTT lúc đó là ông Nông Quốc Chấn đã ký Quyết định số 100-VH/QĐ công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia cho toàn bộ khu vực núi rộng 24 km2 gồm 3 quả núi: núi Bà Đen, núi Đất, núi Phụng. Điều 2 của quyết định này nêu rõ: “Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong những khu vực bảo vệ của di tích đã khoanh vùng. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở di tích lịch sử văn hóa và danh thắng phải được phép của bộ trưởng Bộ VHTT”.

Thế nhưng sau đó không lâu, ngày 12-4-1994, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định 155/QĐ-UB phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát triển kinh tế-văn hóa-du lịch khu di tích núi Bà Đen. Ngay khi quyết định này được công bố, nhiều cán bộ ngành văn hóa tỉnh Tây Ninh đã không đồng tình vì UBND tỉnh vẫn cho phép khai thác đá tại sườn phía Bắc núi Phụng và sườn Tây núi Đất, cũng như bật đèn xanh cho hoạt động xây dựng sai phép trong khu di tích núi Bà Đen.

Khi một số phương tiện thông tin đại chúng lên tiếng, UBND tỉnh Tây Ninh tìm cách “chạy thuốc” bằng cách gửi tờ trình số 113-TT/UB xin điều chỉnh chỉ giới khu bảo vệ di tích lịch sử văn hóa núi Bà Đen nhằm hợp thức hóa những quyết định đã lỡ ký cho phép những hoạt động xâm phạm di tích. Trước sự việc đã rồi, ngày 3-7-1998, ông Lưu Trần Tiêu, Thứ trưởng Bộ VHTT, đã có Công văn 2261/VHTT đồng ý để UBND tỉnh Tây Ninh điều chỉnh chỉ giới khu bảo vệ (khu vực 1) tại phía Nam núi Phụng và phía Tây núi Đất. Việc xâm phạm di tích bỗng dưng được hợp thức hóa và các mỏ đá lại nghiễm nhiên nổ mìn phá núi. Hiện tại, trong khu vực chân núi Bà Đen có 10 mỏ đá đang hoạt động với diện tích khai thác tổng cộng là 649.426 m2 và các cơ quan chức năng vẫn không nắm được thực tế khối lượng khai thác của các mỏ này mà chỉ biết rằng mỗi năm ngân sách tỉnh Tây Ninh thu được gần 4 tỉ đồng từ hoạt động khai thác đá mà thôi.

Từ năm 2002, khi Luật Di sản văn hóa có hiệu lực với quy định rõ trách nhiệm của UBND các cấp phải kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và báo cáo ngay về cơ quan cấp trên trực tiếp khi nhận được thông báo di tích bị hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại. Hơn thế nữa điều 73 của Luật Di sản văn hóa cũng nêu rõ: Những quy định trước đây trái với luật này đều bãi bỏ. Thế nhưng đến thời điểm này, UBND tỉnh Tây Ninh vẫn chưa ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại di tích núi Bà Đen. Các mỏ đá vẫn rầm rộ hoạt động, các công trình du lịch vẫn ngang nhiên mọc lên trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt. Thậm chí UBND tỉnh Tây Ninh đã có hẳn một đề án điều chỉnh quy hoạch khai thác đá tại núi Bà Đen giai đoạn 2005-2010.

Núi Bà Đen là một quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh thắng nổi tiếng Nam Bộ. Với hệ thống hang động và cảnh quan tự nhiên kết hợp kiến trúc tôn giáo đã tô điểm cho núi một nét đẹp hài hòa với thiên nhiên. Nó thật sự trở thành nơi trở về với cội nguồn, đời sống tâm linh, du lịch sinh thái và truyền thống cách mạng của dân tộc. Đây là di tích lịch sử văn hóa và danh thắng, được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số: 100/VH-QĐ ngày 21-1-1989.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo