xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vắt kiệt sức bên những cỗ máy

Bài và ảnh: Phạm hồ

Phần lớn lao động đến giám định sức khỏe để nghỉ hưu sớm đang làm việc trong các ngành dệt may, chế biến thực phẩm, thủy sản và chỉ mới ngoài 40 tuổi... - Tại Vinatex, 10.000 công nhân xin nghỉ hưu “non”

Vừa bước vào xưởng 1 của Công ty Dệt Việt Thắng, chúng tôi bị dội ngược vì tiếng ồn khủng khiếp từ hàng ngàn chiếc máy dệt đang rầm rập chạy. Hai chiếc nút tai không ngăn cản nổi tiếng ồn như xoáy vào đầu. Nữ công nhân (CN) N.T.T tất bật chạy đi chạy lại nối chỉ, so kim... Một mình chị phải “đi” 14 máy. Nhìn các CN làm việc, tôi có cảm giác xưởng máy như một con thú khổng lồ, đang ngày ngày gặm nhấm dần sức khỏe của chị em...

Mỗi tháng đi bộ 650 km

Vào nhà máy khi chưa đầy 20 tuổi, tuổi xuân của chị T. gắn liền với những chiếc máy dệt. Cùng hàng ngàn nữ CN khác, dù nắng hay mưa, cứ máy chạy là có mặt chị ở xưởng; đến nỗi “nhắm mắt lại tôi cũng có thể đến vị trí của từng chiếc máy”. Thật bất ngờ khi tôi biết được chị mới 43 tuổi. Vóc dáng nhỏ, gầy; vẻ mặt mệt mỏi đã làm cho chị trông già hơn đến 10 tuổi. Gần đó, chị H. cũng hom hem không kém. Dạo này sức khỏe chị giảm sút nghiêm trọng, lại bị thấp khớp. Chị cho biết, những ca ngày còn đỡ, khi đảo ca làm đêm thì càng khổ: chân đau, người mỏi nhừ, không ngủ nên đầu óc cứ đờ đẫn.

Công việc của một CN dệt đòi hỏi phải liên tục đi lại, không được ngồi nghỉ nên rất mau xuống sức; nửa ca cuối hầu như chỉ làm việc theo quán tính. Theo tính toán của các chuyên gia về an toàn lao động, bình quân mỗi CN dệt đi bộ 25 km mỗi ngày. Như vậy, bình quân mỗi tháng, CN dệt đi bộ 650 km và cứ 3 tháng, họ đã đi một đoạn đường bằng khoảng đường từ TPHCM đến Hà Nội! Trong số những CN làm việc tại các doanh nghiệp ngành dệt mà chúng tôi tiếp xúc như Thành Công, Phong Phú, Thắng Lợi... nhiều người có thâm niên trên 30 năm. Như vậy, quãng đường họ đã đi là một con số thật khủng khiếp. Đây cũng là tình cảnh chung của hàng trăm ngàn CN dệt cả nước.

Tình trạng của CN ngành chế biến thủy sản cũng không khá hơn. Họ phải làm việc từ 8 giờ đến 12 giờ/ngày trong tư thế đứng liên tục, môi trường làm việc ở nhiệt độ gần 0oC. Sau mỗi ca làm việc, hầu hết CN đều bị sưng phù chân, nếu không chườm nước nóng thì ngày hôm sau đau nhức không đi nổi. Nhiều CN cho biết, sau 10 năm làm nghề này, hầu như ai cũng bị thấp khớp, viêm mũi...

Nghỉ việc sớm vì kiệt sức

Chỉ trong 2 tháng qua, tại Công ty Dệt Việt Thắng đã có đến 50 lá đơn của các nữ CN gửi

80% người giám định suy giảm sức khỏe trên 61%

Từ đầu năm 2006 đến nay, HĐGĐYK TPHCM đã giám định cho khoảng 1.500 người. Khoảng 80% số người giám định có tỉ lệ suy giảm sức khỏe trên 61%, đủ điều kiện hưởng hưu sớm dù chưa đến tuổi. Những bệnh thường mắc phải là: thấp khớp, thoái hóa cột sống, tăng huyết áp... Sắp tới, số người xin giám định sẽ tăng nhanh vì hiện nay đã đến thời điểm “chín” của những lao động làm việc sau năm 1975.

(Nguồn: HĐGĐYK TPHCM)

công đoàn công ty đề nghị được giám định sức khỏe để nghỉ hưu trước tuổi vì sức khỏe giảm sút. Đọc kỹ từng lá đơn, chúng tôi phát hiện, đa số các chị chỉ ở tuổi 45, rất ít người ở tuổi 47, 48. Theo bà Nguyễn Thị Năm, Chủ tịch Công đoàn Công ty Dệt Việt Thắng: “Tuổi này mà nghỉ hưu thì cũng khó tìm việc khác. Thế nhưng sức khỏe đã “bết” lắm rồi, chị em không gắng gượng nổi nữa”. Trong đợt cổ phần hóa một bộ phận công ty vào cuối năm 2005, có đến gần 1.000 CN nữ xin nghỉ hưu trước tuổi mà nguyên nhân chính là do sức khỏe quá kém. Ông Vũ Ngọc Quyến, thường trực công đoàn, phụ trách phía Nam của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết: Tập đoàn có khoảng 130.000 lao động. Những năm qua có đến 10.000 lao động nữ xin nghỉ hưu “non”. Công việc nặng nhọc, tuổi nghề của lao động nữ rất ngắn nên không thể chờ đúng tuổi hưu”.

Còn tại Xí nghiệp Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre, nhiều tháng, có đến 700 lượt CN khám bệnh, trong khi toàn xí nghiệp chỉ khoảng 2.000 CN. Gần đây cũng có hàng trăm CN phải nghỉ hưu vì sức khỏe kém. Phổ biến nhất là bệnh dãn động mạch chân, thấp khớp.

Đã khám là ra bệnh

Để tìm hiểu thực trạng sức khỏe CN suy giảm, chúng tôi đã tìm đến Hội đồng Giám định y khoa TPHCM và không khỏi bất ngờ: Chưa đến 9 giờ mà nơi đây đã chật kín người chờ xét duyệt tỉ lệ suy giảm sức khỏe để được nghỉ hưu trước tuổi. Hội đồng giám định gồm 4 người làm việc liên tục cũng giải quyết không xuể. Chỉ trong vòng một ngày, hội đồng đã xét duyệt gần 100 trường hợp bị suy giảm sức khỏe.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Châu, Phó Giám đốc thường trực Hội đồng Giám định y khoa, cho biết: Phần lớn lao động đến giám định hiện đang làm việc trong các ngành dệt may, chế biến thực phẩm, thủy sản... chỉ mới ngoài 40 tuổi mà sức khỏe đã giảm sút nghiêm trọng. Đây là hậu quả của quá trình làm việc nặng nhọc lâu dài trong môi trường có hại cho sức khỏe.

Mời bạn tham gia diễn đàn

“Tuổi hưu lao động nữ bao nhiêu thì vừa?”

Sau khi khởi đăng loạt bài “Bao giờ cho đến... tuổi hưu!”, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc về thực trạng này. Đây là vấn đề liên quan đến hàng triệu lao động nữ trực tiếp sản xuất trên cả nước. Để đáp ứng sự quan tâm của bạn đọc, chúng tôi mở diễn đàn “Tuổi hưu lao động nữ bao nhiêu thì vừa?” nhằm tiếp nhận ý kiến đóng góp của bạn đọc về vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau này. Ý kiến đóng góp vui lòng gởi về: Ban Chính trị - Công đoàn, Báo Người Lao Động, 127 Võ Văn Tần, quận 3 - TPHCM (hoặc e-mail: ctcd@nld.com.vn). Ngoài bì thư xin ghi rõ: Diễn đàn Tuổi hưu lao động nữ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo