xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỳ ẩn hoa quỳnh

Truyện của HUỲNH NGỌC LAN (Tặng HT)

Hẹn hò, rủ rê mãi Tường và Linh mới dành cho nhau được chuyến cùng trở lại Hà Nội. Buổi sáng đầu tiên, Linh đến thắp hương bàn thờ ông bà ngoại của Tường, rồi hai người rảo bộ ngắm hồ Gươm.

Lâu lắm mới được nhìn thấy khói sương giăng mắc vòm cây, đất trời nồng nàn sắc thu vời vợi. Những tia nắng rắc lên cành liễu màu non óng như tơ lụa buông xõa ven hồ, Linh bồi hồi xuýt xoa:

- Bao năm hồ vẫn ngăn ngắt màu ngọc bích, biếc đến lạ.

- Tớ nghĩ hồ xanh từ lúc chúng mình chưa sinh ra.

 

Minh họa: Sơn dầu của HOÀNG CÚC
Minh họa: Sơn dầu của HOÀNG CÚC

 

Hai người bạn gái thân từng đọc nhau vanh vách, thuộc nhau tường tận. Họ giờ như trái ngọt chín muộn, dư vị cảm xúc dồn đầy. Lúc này phút giây bên hồ, trong không gian và tâm tưởng an lạc, họ ríu ran bên chiếc ghế đá sát gốc lộc vừng, “chứng nhân” thời tuổi trẻ. Trò chuyện một lúc, Tường gọi về nhà: “Cháu ra phố mua giúp cô bó hồng thơm, hồng leo ấy nhé, chờ lát nữa cô Linh về cắm hoa cho”. Tường quay sang dặn: “Trưa về nhà, phần cậu cắm hoa”. Linh thấy lòng vui, vẫn như thuở nào, Tường là bạn gái duy nhất luôn hào phóng nhường hoa cho Linh vô điều kiện.

Ngày đầu vào đại học còn xa lạ. Bạn bè ai cũng cho Linh là đứa lập dị dở hơi. Ở nơi sơ tán, Linh cứ khăng khăng đòi trọ trong ngôi nhà lá tuềnh toàng, tường vách rách nát, nghèo nhất làng. Được vài ngày, Linh bật mí với Tường: “Tớ rất thích ngôi nhà này vì có ao hoa súng và cây bưởi nở hoa”. May mắn là cả hai tâm hồn đều lãng mạn và thích đủ thứ nên  kết nhau rất nhanh. Tường là bạn gái sôi nổi có nhiều tài lẻ, giọng hát trong veo cao vút. Sáng nào cũng chu miệng vào bể nước mưa o, u, ư luyện thanh như ca sĩ. Ông ngoại Tường là nhà văn rất uy tín được nhiều bạn văn và độc giả mến mộ. Có lẽ nhờ gien di truyền từ ông nên Tường cũng mê đọc sách, cần mẫn viết lách. Hôm hoàn thành truyện ngắn đầu tiên, Tường hăm hở rủ Linh: “Đi với tớ đến hội nhà văn gửi bài”. Linh hơi ngạc nhiên và đã gợi ý:

- Ông ngoại là nhà văn nổi tiếng, sao Tường không đưa ông đọc rồi gửi giúp cho?

- Không thích thế, mình muốn tự đi gửi dành cho cụ bất ngờ.

Thế là lần đầu tiên rủ nhau đi, bước chân rón rén ngượng ngùng. Gặp một người đàn ông bước vội ra sảnh, Tường rụt rè hỏi:

- Chú ơi có phải gửi bài ở đây không ạ?

Người đàn ông không nhìn thấy tay Tường đang chỉ vào cái thùng gỗ rất mới, cao gần 1 m đang đặt trước văn phòng mà cứ tưởng hỏi địa chỉ của hội thì gật đầu ngay: “Đúng rồi các cháu, gửi bài ở đây”. Thoắt một cái, hai đứa nhét bài vào thùng gỗ xong líu ríu bước ra cổng.

Về nhà Tường dài cổ chờ, chờ mãi sốt ruột quá: “Sao không thấy họ hồi âm gì nhỉ?” Chiều đó Tường ghé đến Linh, mắt rười rượi: Họ không nhận được bài của tớ. Thì ra, cái thùng gỗ ấy là… thùng rác!

Học đến năm thứ hai, khoa được chuyển về cơ sở Lê Thánh Tông (Hà Nội). Thỉnh thoảng Tường rủ Linh về thăm ông bà ngoại ở quận Hoàn Kiếm. Nhìn thần thái, dáng vẻ ông ngoại quắc thước, nét mặt nghiêm nghị nên hai đứa giữ phép tắc ít khi dám lại gần. Thời đó đối với những bậc văn nhân tài hoa, nhiều người chỉ dám rụt rè đứng từ xa ngưỡng vọng nên nói là đến thăm ông bà mà hầu như chỉ dám gặp bà.

Đầu giờ chiều hôm đó như mọi lần, hai đứa lại ghé thăm nhà ông bà ngoại. Từ cầu thang lộ thiên sắp bước lên ban công, thấy một búp hoa ngộ nghĩnh mướt xanh như hoa loa kèn, vươn ra từ nách lá như lá cây xương rồng. Linh tròn mắt. Tường hỏi: “Biết hoa gì không?”. “Lạ quá, cây xương rồng có hoa?”. Tường bảo: “Đâu phải xương rồng, hoa quỳnh đó” . Linh bật lên “a” như chính mình vừa tìm ra nguyên lý Ạc-si-mét. Bởi từ trước nay nàng chỉ nghe qua sách vở, hoa quỳnh như loại kỳ hoa dị thảo. Rằng, hoa quỳnh chỉ trồng trong các cung vua phủ chúa. Giờ nó đang vươn dáng rõ trước mặt mình kia.

Thấy bạn đứng lưng chừng cầu thang mê mải ngắm búp quỳnh, Tường động lòng hào phóng: “Tí nữa tớ hái cho” . Hôm ấy, ông ngoại không có nhà. Hai đứa ghé thăm bà ngoại một lát, khi đi về ngang dưới dàn hoa, Tường nhanh tay vặt búp quỳnh. Khi đưa cho Linh còn dặn: “Nhớ chịu khó đợi khuya nó mới nở” .

Từng có nhiều dáng hoa, loài hoa ám ảnh; từng không ít lần thò tay hái hoa, bứt nụ bên dậu rào hàng xóm nhưng cầm búp quỳnh hái từ gốc hoa của ông bà ngoại Tường, Linh bất ngờ và bối rối mãi khó quên.

Về đến nhà, cho búp hoa vào lọ thủy tinh cao cổ đổ đầy nước, Linh mở máy đĩa Rigonđa thả tâm hồn ngắm hoa trong nền nhạc êm dịu. Đinh ninh quỳnh giống như hồng, dơn, huệ... lìa cành rồi vẫn nở, Linh ngồi mơ màng chờ quỳnh khoe sắc. Thời gian càng trôi, sao màu hoa cứ nhạt dần, nước trong lọ càng đục? Vì biết quỳnh nở rất khuya, Linh tự nhủ mình gắng chờ thêm nữa. Khi búp quỳnh rũ rượi lả xuống, Linh nhấc cành lên thì thấy dòng nhớt trong vắt từ cuống chảy ra đặc quánh, thế là búp quỳnh đã chết. Linh buông búp hoa vào sọt rác tâm trạng thất vọng. Sáng hôm sau, Tường vội vã đến nhà Linh, đột ngột hỏi:

- Búp quỳnh đâu?

- Chờ mãi chẳng nở, tớ vứt vào sọt rác rồi.

- Sáng nay, vừa ghé nhà đã nghe bà ngoại cằn nhằn: Ông ngoại về phát hiện mất búp quỳnh, điên tiết hét “làm sao đây hả giời”? Hỏng hết việc của tôi rồi.

Linh giật mình: Việc gì? Tường bảo: Cụ đoán hoa quỳnh nở nên đã đi mời mấy bạn văn thơ tối đến nhà thưởng thức uống trà rồi ngắm hoa. Vậy mà…

***

Phải đến mấy năm sau Linh mới có dịp được ngắm hoa quỳnh. Hoa nở rồi hoa lại tàn, hoa nào chẳng vậy nhưng hoa quỳnh thì kỳ ẩn đến lạ lùng. Phút giây lộng lẫy không cho ta cảm giác phù du mà là sự dâng hiến như muôn năm chỉ có một lần. Hoa bắt phải chờ phải mong nhưng khi sắc hương bừng dậy không cho ta ngắm mỏi mòn con mắt, không được hít tràn lồng ngực con tim, vụt  hiện rồi vụt biến. Khi những cánh hoa lả mềm khép lại, ta ngồi đó thao thức cùng trăng sao, đủ gợi để nhớ cả một đời…

Nhờ một búp quỳnh soi rọi, Linh hiểu thêm về số phận búp hoa chưa kịp khoe sắc khoe hương trở nên vô nghĩa vì sự nông nổi chiếm đoạt, sớm chết rũ chết buồn. Nếu đêm ấy búp quỳnh được nằm yên trên cây, ông ngoại Tường cùng các vị khách đã được ngắm vẻ đẹp lộng lẫy trinh trắng mà hoa quỳnh dâng hiến thì có thể sau đêm ấy, những áng văn thơ sẽ được tuôn chảy từ cảm hứng bất tận của nghệ sĩ…

Qua trường đời mới thấm đạo, hai người bạn sáng nay bên hồ thu, cảm xúc cộng hưởng từ phía kỷ niệm. Khi Linh đang vanh vách nhắc từng chi tiết về búp quỳnh năm nào thì Tường tít mắt lườm:

- Đồ con khỉ nhớ dai! Mà công nhận hồi đó sao hai đứa mình ngốc nhiều thứ nhỉ?

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo