xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tiếng hát vỉa hè

Truyện của CẨM GIANG

1. Chín giờ đêm. Gã dừng chiếc xe kẹo kéo trước một quán nhậu khá đông khách.

Cuộc vui của dân nhậu chừng mới bắt đầu. Tiếng nói chuyện ồn ào, tiếng cụng ly côm cốp lẫn trong khói lửa mịt mờ, khua khoắng không gian yên tĩnh của đêm. Gã chống xe, bật loa và sau vài lời mời gọi mua... kẹo kéo, gã bắt đầu hát.

 

img

Minh họa: KHỀU

 

Những bài hát xưa cũ như những trang sách ố vàng rải theo từng tiếng guitar. Boléro. Một giai điệu mà không ít người vẫn cho là sến súa, vàng vọt. Nhưng giọng của gã hát boléro sao mà ngọt.

“Vùng ngoại ô, tôi có căn nhà tranh/ Tuy bé nhưng thật xinh/ Tháng ngày sống riêng một mình Nhà gần bên, em sống trong giàu sang/ Quen gấm nhung đài trang...”.

Đám thực khách trong quán hình như ngấm rượu. Im re. Chỉ còn tiếng xèo xèo của đồ nướng. Không biết sao mà bữa nay gã hát nhiều bài quá. Giọt lệ đài trang, Hai sắc hoa tigôn, Nhật ký đời tôi... Có lẽ, gã bán được bộn nên có hứng chăng?

Luyến mở rộng cánh cửa sổ phòng trọ. Gió lùa vào mát rượi, lùa luôn cả tiếng đàn hát trên vỉa hè vào phòng. Lần đầu tiên Luyến không thấy bực bội bởi chiếc xe kẹo kéo.

Mười một giờ đêm. Những âm thanh bên ngoài dần tắt. Chiếc xe kẹo kéo cùng người bán kẹo cũng đi rồi. Thốt nhiên, như có một mùi hương ngọc lan vừa lướt qua. Những thanh âm bập bùng ở đâu đó vọng về... Luyến khóc.

2. Gã với tay lấy cây đàn máng trên vách, so dây, búng từng tưng thử âm. Trời đã xế. Lát nữa, khi mặt trời tắt hẳn, phố xá lên đèn, cũng là lúc gã dắt xe ra khỏi nhà.

“Đường xưa lối cũ, có em tôi tóc xanh bay mơ màng…”.

Gã huýt sáo vài câu. Chợt nhìn thấy chiếc xe lem luốc nằm góc nhà đợi mình, gã thốt nhiên thở dài.

Gã nhớ người con gái của mình. Người con gái có tiếng cười trong trẻo. Nàng cùng xóm, học dưới gã ba lớp. Nàng yêu văn thơ, yêu âm nhạc, thích ca hát. Nàng không ngần ngại yêu gã, một thằng con trai mồ côi chỉ biết học cho thật giỏi để... làm thợ máy cho có bài bản. Nàng đậu văn khoa, gã đã ra trường, làm thợ. Người gã lấm lem dầu mỡ và thấm luôn cái mùi đặc trưng đó, cho dù có cố công tắm rửa. Nàng nói yêu gã vì giọng ca, tiếng đàn của gã làm lòng người rung động, còn vì gã rất chăm chỉ làm việc, sống tốt với cha mẹ, xóm giềng. Nàng học năm cuối, gã đã dành dụm đủ tiền cưới vợ nhưng ráng đợi nàng tốt nghiệp.

Ai mà ngờ, cũng chính giọng cười trong trẻo của nàng đã dắt nàng khỏi tầm tay gã. Một người Việt có quốc tịch nước ngoài, tình cờ quen được nàng, mê tiếng cười của nàng quá đỗi nên thường mời nàng đi chơi, đi ăn uống, tặng quà... Vừa làm xong khóa luận tốt nghiệp, mẹ nàng thông báo luôn, người ta đã chính thức hỏi nàng làm vợ, bà nhận lời gả con vì thấy người đàn ông đó “có tương lai” hơn là gã - một thợ máy!

Đêm trước đám cưới, dưới gốc ngọc lan trong sân nhà nàng, gã cũng ôm đàn và hát: “Nhà gần bên, em sống trong giàu sang, quen gấm nhung đài trang, đi về xe đón đưa”... Đứa em trai của nàng đưa cho gã ly rượu, như một sự cảm thông.

Nước mắt nàng rơi xuống. Gã ôm đàn, lặng lẽ quay về.

Nàng đi theo chồng. Gã, dĩ nhiên, cũng sống nhăn, có điều không thể kiếm ai có giọng cười như nàng, nên không cưới vợ.

3. Thình lình, người ta phát hiện bà mẹ nàng có khối u bất thường trong não, trong một lần bà tới bệnh viện điều trị chứng nhức đầu kinh niên. Các bác sĩ cho biết cần phải phẫu thuật. Nhưng phẫu thuật cũng hên xui. Hoặc là sống bình an hay đối mặt với rủi ro: chết ngay trên bàn mổ, không thì bại liệt suốt đời. Đứa em trai luýnh quýnh gọi chị. Nàng nói, nàng đã theo chồng, giờ chỉ có thể giúp mẹ một khoản tiền, chứ không sao về được. Biết chuyện, gã tới nhà, thuyết phục đứa em để gã lo phụ.

Bà mẹ được cứu sống, an toàn.

Gã thất nghiệp. Vì nhiều chuyện. Chán đời, gã bỏ xứ, vô chùa làm công quả. Một thằng nhóc mười bảy tuổi, bán kẹo kéo, thi thoảng cũng ghé vô ăn cơm chùa, tình cờ nói chuyện với gã thấy hạp sao đó, rủ: “Đi bán kẹo kéo với tui không? Vui lắm. Ở đây chán chết!”. Hứng chí, gã nhận lời. Và gã đã tìm thấy niềm vui thật sự, khi hàng đêm đi rong ruổi trên đường, ca hát trên vỉa hè mà không thấy ai phiền, cũng không đánh thuế. Gã cũng chỉ hát những bài khi xưa gã hát cho nàng nghe thôi.

4. Luyến ngồi trên chiếc xích đu gỗ trong sân. Ngôi nhà ngói cũ kỹ, rêu phủ dày. Quanh rào dây nho tím hồng bò dày đặc, trổ bông đầy. Ngôi nhà không khác xưa mấy vì cô nhắn đứa em nên cố gắng giữ lại để hương khói cho cha mẹ. Nó cứ đòi xây vì vách ván đã mối mọt, vì kèo mục ruỗng làm rớt ngói. Mai là giỗ mẹ. Cô định về coi thực trạng ngôi nhà rồi tính tiếp. Dù gì, đây cũng là ngôi nhà của cha mẹ, đong đầy kỷ niệm tuổi thơ của chị em cô.

Buổi chiều dần xuống. Đứa em đi làm chưa về. Nhà quạnh quẽ. Lúc nãy thắp nhang cho mẹ, Luyến thấy hình như mắt mẹ rưng rưng như muốn nói điều gì cùng cô. Thấm thoắt đã hơn mười năm. Cuộc hôn nhân của cô không vuông tròn như ý mẹ muốn. Mẹ bệnh, cô không về. Mẹ mất, cô chỉ kịp về để tang... bao nhiêu tâm tư ẩn ức không còn dịp giãi bày cùng mẹ.

Tiếng xe máy dừng ngoài cửa. Một người đàn ông vội vã bước vô, tay cầm một giỏ trái cây. Luyến ngờ ngợ: “Ai như anh Bình?”.

- Tui chớ ai. Mai giỗ bác gái, tui...

- Lâu lắm rồi hén... Dạo này anh làm chi?

Luyến cố lấy giọng tự nhiên hỏi nhưng không khỏi luống cuống.

- Hà hà, giờ tui bán kẹo kéo. Kẹo tui bán ngon mà rẻ, cô Hai có thích tui tặng một cây không lấy tiền! - giọng Bình vui vẻ.

Thốt nhiên, Luyến nhớ lại cái hôm ngồi nghe nhạc kẹo kéo vỉa hè mà không bực bội đó.

Trái đất thiệt tròn. Ai cũng nói vậy hết trơn. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo