xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ca sinh 5 hy hữu

Bài và ảnh: ANH THƯ

Kết quả siêu âm từ tuần thai thứ 7 cho thấy có ít nhất 4-5 túi thai nhưng sản phụ và gia đình quyết định không giảm phôi

19 giờ ngày 17-3, Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) tiếp nhận sản phụ Lê Huỳnh Anh Thư (SN 1985) mang thai 33,5 tuần tuổi và kết quả khám tại một phòng khám tư trước đó cho thấy tứ thai. Khi tử cung sản phụ mở 3 cm, có dấu hiệu chuyển dạ nhưng không thấy tim thai và bé đầu tiên được quan sát là thai ngôi mông, các bác sĩ đã quyết định mổ bắt con và lấy ra 5 trẻ (3 trai, 2 gái) cân nặng lần lượt là 2 kg - 1,3 kg - 1,8 kg - 1,5 kg - 1,3 kg.

img
Các cháu bé trong ca sinh 5 đang được chăm sóc tại Bệnh viện Từ Dũ

Mang thai ngay khi kích thích phóng noãn 

Theo hồ sơ bệnh án, chị Thư đã lập gia đình hơn 2 năm mà chưa có thai nên đã thực hiện hỗ trợ sinh sản tại một số phòng khám tư và mang thai ngay khi dùng thuốc kích thích phóng noãn và áp dụng kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung lần đầu tiên.
“Theo lời kể của gia đình, ban đầu khi thai mới đậu vài tuần, kết quả siêu âm tại một phòng khám cho thấy có 4-5 túi thai nhưng đến khi 7-8 tuần thì chỉ thấy 4 thai và dự kiến sinh vào ngày 30-4. Các bác sĩ phòng khám đã tư vấn cho chị bỏ bớt 1 thai vì mang quá nhiều thai thì cả mẹ và các con đều đối diện với hàng loạt nguy cơ nhưng vì lý do riêng nên chị đã giữ lại tất cả các thai” – TS-BS Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết.
Theo các bác sĩ, đây là một quyết định rất dũng cảm vì việc mang 2 đứa bé trở lên trong bụng luôn được xếp vào dạng thai kỳ nguy cơ. Do quá nhiều đứa bé, thai quá to nên tử cung các bà mẹ mang đa thai thường không dãn nở tốt, dễ sinh non, sẩy thai và gặp các bệnh lý về sau, chưa kể thường bị tiền sản giật - một tai biến sản khoa nguy hiểm, với tỉ lệ lên đến 50% ở các bà mẹ mang song thai, đa thai.
Ngoài ra, các tai biến khác có thể xảy đến là chuyển dạ kéo dài, băng huyết sau sinh, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim… Các trẻ sinh đôi, sinh ba trở lên thường là sinh non, càng nhiều thai một lúc thì tỉ lệ sinh non càng cao. Từ đó, trẻ phải đối diện với các nguy cơ thông thường ở trẻ sinh non như suy hô hấp, vàng da sơ sinh, hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, ngạt sau sinh, nhiễm trùng, bệnh lý về tai, võng mạc, chậm tăng trưởng thể chất và trí tuệ…
img
Các cháu bé trong ca sinh 5 đang được chăm sóc tại Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: PHẠM DŨNG

Rất may mắn

Với số cân nặng của các bé khá thấp và thời gian mang thai chỉ có 33,5 tuần tuổi nhưng vẫn “mẹ tròn con vuông”, theo các bác sĩ, đó là nỗ lực và rất may mắn cho chị Thư. TS-BS Huỳnh Thị Thu Thủy chia sẻ: “Sản phụ may mắn không gặp bất cứ tai biến nào khi sinh nở. Con số 33,5 tuần thai đối với một ca sinh 5 cho thấy chị Thư và gia đình đã chăm sóc, giữ gìn thai rất tốt”.

Theo TS-BS Vũ Tề Đăng, Phó trưởng Khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ, sức khỏe của các cháu bé khá tốt so với các trẻ sinh non và sinh đôi trở lên. Hiện có hai bé (1 trai, 1 gái) cùng nặng 1,3 kg là yếu nhất, gặp vấn đề về hô hấp nên phải hỗ trợ thở ô xy và chăm sóc đặc biệt nhưng chưa thấy biến chứng nguy hiểm khác; 3 bé còn lại có tình trạng hô hấp và tiêu hóa tốt, cũng đang được theo dõi tại khoa; một vài bé có biểu hiện vàng da nhưng đó cũng là tình trạng thường thấy ở trẻ sinh non nên chưa đáng lo ngại. Tuy nhiên, tất cả các cháu đều cần được theo dõi sát về vàng da, phản xạ… một thời gian, cháu nào khỏe thì về với mẹ.

Chưa có quy định giữ bao nhiêu thai

Theo PGS-TS Quản Hoàng Lâm, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ phôi (Học viện Quân y), trong hỗ trợ sinh sản, có 2 phương pháp chủ yếu là thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm. Thụ tinh trong ống nghiệm có thể dẫn đến trường hợp mang đa thai vì nhiều nơi, các bác sĩ thường cấy phôi vào cơ thể người mẹ dự trù từ 2 phôi trở lên. “Mang thai đôi đã là nguy hiểm chứ nói gì tới mang tới 4-5 thai. Trong trường hợp đa thai, bác sĩ đều tư vấn cho bệnh nhân tốt nhất chỉ nên giữ lại 1, 2 hoặc cao nhất là 3 bé” - TS Lâm chia sẻ và cho biết Việt Nam chưa có quy định nào về việc giữ lại bao nhiêu thai cho những trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm. Ở nhiều nước trên thế giới quy định không cho phép mang đa thai là quá 2 thai vì những nguy cơ cho cả bà mẹ và thai nhi. TS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho rằng tiến bộ của y học là thực hiện thành công các biện pháp hỗ trợ sinh sản, giúp cặp vợ chồng hiếm muộn được làm cha, mẹ nhưng tiến bộ hơn nữa là cần khống chế đa thai.

TS Lưu Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em - Bộ Y tế, khuyến cáo sản phụ mang từ trên 2 thai trở lên cần sự chăm sóc đặc biệt vì lúc này tử cung của bà mẹ sẽ phải chịu tải lớn. Với các trường hợp thụ tinh nhân tạo cấy phôi vào buồng tử cung cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, ngay khi có thai cần khám sớm trước 8 tuần tuổi để được theo dõi về sức khỏe mẹ, về phôi thai để bác sĩ có chỉ định phù hợp trong việc giảm thiểu phôi thai giúp bà mẹ giảm số con/một lần sinh, giúp an toàn hơn cho sức khỏe của bà mẹ và các bé.
Ngọc Dung
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo