xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cẩn thận với chứng ngáy khi ngủ

BS CK2 Huỳnh Minh Thế (Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh)

Những người ngáy thường ngủ không ngon giấc, hay giật mình vùng dậy thở hổn hển do ngạt thở

Ngáy là âm thanh vang lên cùng với hơi thở làm cho hơi thở trở nên ồn ào trong lúc ngủ. Ngáy được tạo ra khi không khí cố gắng len qua đường thở bị hẹp hoặc bị tắc nghẽn một phần, làm rung động các phần mềm của đường hô hấp trên như lưỡi gà, màng hầu…

Bệnh phổ biến

Ngáy là bệnh khá phổ biến, đặc biệt ở những người cao tuổi và người thừa cân. Ngáy nguy hiểm hơn người ta tưởng.

Khám người bệnh ngáy tại Bệnh viện Vạn Hạnh
Khám người bệnh ngáy tại Bệnh viện Vạn Hạnh

Ngáy nặng có thể gây thức giấc thường xuyên về đêm và buồn ngủ vào ban ngày. Ngáy to cũng là biểu hiện rối loạn giấc ngủ,  nghiêm trọng hơn là  hội chứng ngừng thở lúc ngủ. Ngáy không phải là tật mà là một căn bệnh.

Những người họng bị hẹp do màng hầu thõng, lưỡi gà dài, amiđan to, đáy lưỡi lớn… không khí khi đi qua họng thường khó khăn, nhất là khi ngủ, các cơ cổ và họng thư giãn làm cho đáy lưỡi, amiđan và lưỡi gà dễ sụp lõm vào trong lòng ống họng. Thiết diện của họng miệng và họng thanh quản giảm, luồng khí thở đi qua chỗ hẹp bị khuấy động làm cho màng hầu, lưỡi gà rung lên liên hồi tạo ra tiếng ngáy. Những người béo phì, hay hút thuốc lá, uống rượu hoặc cao huyết áp thường mắc bệnh này.

Có nhiều nguyên nhân gây ngáy: Do béo phì, cổ to; nghẹt mũi do vách ngăn bị vẹo, biến dạng; nghẹt mũi do cảm lạnh, dị ứng; polyp mũi, u hốc mũi, u xơ vòm mũi họng, ung thư vòm họng; phù nề màng hầu hoặc lưỡi gà, phù thanh quản do suy giáp, liệt khép dây thanh một bên… Ngoài ra, viêm amiđan, VA quá phát cũng gây tắc nghẽn đường thở. Độ căng của cơ vùng họng, thanh quản giảm do dùng thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc chống dị ứng gây ngủ, uống rượu trước khi ngủ. Đáy lưỡi quá to, u đáy lưỡi, u hoặc nang vùng họng thanh quản, xương hàm dưới nhỏ và tụt ra sau.

Ảnh hưởng đến cuộc sống

Những người ngáy thường ngủ không ngon giấc, hay giật mình vùng dậy thở hổn hển do ngạt thở. Vì thế, ban ngày họ thường mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ khi đang làm việc, lái xe, khó khăn khi làm việc nặng... Ở trẻ em, tình trạng ngáy và thở khò khè do amiđan và VA to có thể gây đột tử trong khi ngủ. Vì vậy, khi thấy trẻ ngáy to và hay giật mình bừng tỉnh khi ngủ, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa tai mũi họng.

Ngáy to có thể là biểu hiện của chứng ngừng thở khi ngủ. Đó là tình trạng đường hô hấp bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn trong khi đang ngủ, gây ngừng thở và làm người bệnh thức giấc. Bệnh hay gặp ở nam giới tuổi trung niên và nếu không được điều trị có thể dẫn đến giảm khả năng tập trung, giảm trí nhớ, dễ cáu gắt, hay đau đầu, chóng mệt, giảm ham muốn tình dục, năng suất làm việc và học tập giảm, tăng nguy cơ gây tai nạn do buồn ngủ hoặc ngủ gục khi vận hành máy móc, lái xe… Bên cạnh đó, người bệnh có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch hoặc làm cho bệnh tim mạch nặng hơn như tăng áp lực phổi, rối loạn nhịp tim, suy tim, cao huyết áp, đột quỵ, đột tử…

Nhiều biện pháp điều trị

Phần lớn người bệnh không nghĩ rằng đây là bệnh nên không quan tâm đến việc điều trị trừ khi có biến chứng xảy ra. Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây ngừng thở khi ngủ nhưng kết quả sẽ tốt hơn nếu phối hợp nhiều biện pháp. Mục tiêu của điều trị chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn là giữ cho đường thở luôn thông thoáng để hơi thở không bị ngừng khi ngủ. Thay đổi cách sống có thể làm giảm triệu chứng ngừng thở khi ngủ: Tránh uống rượu, bia hoặc thuốc an thần trước khi đi ngủ. Người bệnh cần thay đổi tư thế ngủ: Tránh nằm ngửa, nên nằm nghiêng. Năng tập thể dục để giữ cơ thể cân đối, ăn uống điều độ và có kế hoạch giảm cân ở những người béo phì.

Điều trị viêm mũi dị ứng bằng các thuốc xịt hoặc nhỏ mũi giúp mũi thông thoáng do bác sĩ chỉ định.

Việc phẫu thuật được cân nhắc trong điều trị ngủ ngáy và ngừng thở do tắc nghẽn. Tùy theo nguyên nhân, các phẫu thuật đã được ứng dụng rộng rãi như cắt amiđan, nạo VA, chỉnh hình vách ngăn, cắt polyp mũi, chỉnh hình cuống mũi, phẫu thuật chỉnh hình họng - màng hầu - lưỡi gà hoặc chỉnh hình màng hầu đơn thuần, cấy chất làm cứng màng hầu để chúng không bị thõng xuống khi ngủ, phẫu thuật chỉnh hình xương hàm dưới.

Ngoài ra, mở khí quản để tạo một lỗ ở khí quản bên dưới đường thở bị tắc nghẽn để giúp thông khí.

Phẫu thuật màng hầu chữa ngáy

Người bệnh nên phẫu thuật chỉnh hình màng hầu khi được chẩn đoán là ngáy do hẹp eo họng. Eo họng là phần phía sau của họng bao gồm: màng khẩu cái mềm, lưỡi gà, amiđan, đáy lưỡi. Tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, chúng tôi thực hiện khá nhiều phẫu thuật chỉnh hình màng hầu. Các xét nghiệm tiền phẫu và phẫu thuật được thực hiện ngay trong ngày. Bác sĩ sẽ cắt bỏ một phần màng hầu quá phát hoặc bị nhão ở sau họng (cắt một phần khẩu cái mềm và lưỡi gà), cắt bỏ nếu amiđan quá lớn. Thời gian nằm viện trung bình 2 ngày, sau phẫu thuật, người bệnh phải uống sữa lạnh, ăn cháo hoặc xúp nguội 3 ngày, sau đó ăn mềm 10 ngày. Khoảng 14 ngày sau mổ, bệnh nhân có thể ăn uống bình thường. Phẫu thuật này có thể làm giảm ngáy 70%-80% hoặc hết hẳn.

 

img

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo