xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cảnh giác cao độ viêm não Nhật Bản!

Bài và ảnh: Ngọc Dung

Trẻ bị viêm não Nhật Bản hầu hết không tiêm vắc-xin phòng bệnh hoặc tiêm chưa đủ số mũi quy định

Mùa hè được giới chuyên gia coi là "mùa" của bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB). Vì vậy, khi trẻ sốt cao đột ngột, buồn nôn, nôn khan, đau đầu... thì hãy đưa ngay đến các cơ sở y tế.

Nhiều di chứng nghiêm trọng

Trong khi những bệnh nhân nhập viện do biến chứng của VNNB vẫn đang được theo dõi và điều trị thì ngày 28-6, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện (BV) Nhi trung ương lại tiếp nhận thêm 2 bệnh nhi nghi ngờ mắc bệnh này. Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, cho biết các bác sĩ vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm để khẳng định chính xác song những dấu hiệu tại thời điểm nhập viện cho thấy nhiều khả năng bệnh nhi bị VNNB.

Cảnh giác cao độ viêm não Nhật Bản! - Ảnh 1.

Bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương

Theo bác sĩ Lâm, một trong số những bệnh nhân nặng nhất đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm là cháu Đ.K.L, 7 tuổi, ở Nghệ An. Đã qua 2 tuần điều trị nhưng đến nay, L. vẫn bị liệt cơ hô hấp, liệt tứ chi và phải thở máy.

May mắn hơn, sau gần 3 tuần được điều trị tích cực, sức khỏe bé N.Đ.Q (4 tuổi, ở Bắc Ninh) đang dần hồi phục. Theo người nhà bệnh nhi, trước khi nhập viện 3 ngày, cháu Q. bị sốt cao hơn 40 độ C, gia đình cho dùng thuốc hạ sốt song không hiệu quả. Sau đó 2 ngày, bệnh nhi trở nên li bì, co giật nhiều. Khi được chuyển đến BV Nhi trung ương, cháu đã rơi vào tình trạng hôn mê, liệt nửa người phải.

Bác sĩ Lâm cho biết từ đầu năm 2017 đến nay, Khoa Truyền nhiễm BV Nhi trung ương đã tiếp nhận 176 ca viêm não, trong đó có 24 trường hợp là VNNB.

Tại BV Bạch Mai (Hà Nội), bác sĩ Nguyễn Thành Nam, phụ trách Khoa Nhi, cho hay số trẻ nhập viện được xác định VNNB cũng có chiều hướng gia tăng thời gian gần đây. Hiện nay, một bé trai 13 tuổi bệnh rất nặng phải thở máy dù đã qua hơn 3 tuần điều trị. Theo bác sĩ Nam, đây là bệnh nhiễm virus cấp tính ở thần kinh trung ương nên gần 30% bệnh nhân tử vong hoặc bị di chứng tàn tật. Số còn lại bị ảnh hưởng đến nhận thức dù mức độ nặng nhẹ khác nhau.

Dễ nhầm với nhiều bệnh lý khác

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết VNNB có thể diễn ra quanh năm nhưng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 9. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.

"Vì VNNB gia tăng vào mùa hè, lại trùng với mùa vải nên nhiều người vẫn lầm tưởng ăn vải là nguyên nhân gây bệnh nhưng thực tế không phải vậy. Sở dĩ VNNB hay gặp vào mùa vải là vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim và dơi hoang dã mang theo mầm bệnh, từ đó lây sang đàn heo, gia súc gần người rồi lây sang người qua vật trung gian truyền bệnh là muỗi" - PGS Phu giải thích.

Ở Việt Nam, loại muỗi gây bệnh VNNB sinh sản mạnh vào mùa hè (nhất là từ tháng 3 đến tháng 7), hoạt động mạnh vào lúc chập tối. Muỗi thường đẻ trứng ở ruộng, kênh, mương và hay trú đậu ở các chuồng gia súc. Loại muỗi này có mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du, đặc biệt xuất hiện nhiều ở vùng trồng lúa như các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đồng bằng Bắc Bộ. Do đó, người dân cần cảnh giác để phòng bệnh.

Ông Phu cũng cho biết nhiều phụ huynh vẫn nhầm tưởng VNNB và viêm não là một nhưng thực tế, viêm não do nhiều loại virus gây nên. Virus VNNB chỉ là một trong những tác nhân gây bệnh viêm não và chiếm khoảng 15% tổng số trường hợp mắc bệnh viêm não virus. "Do có nhiều tác nhân gây bệnh nên việc phòng chống viêm não virus phức tạp hơn rất nhiều so với VNNB" - ông Phu khẳng định.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, thống kê cho thấy 60% số trẻ mắc VNNB sẽ hồi phục, 30% bị di chứng và khoảng 10% có thể tử vong. Đến nay, VNNB vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và phương pháp điều trị tối ưu. Tuy nhiên, VNNB đã có vắc-xin phòng bệnh nên cách tốt nhất là tiêm chủng và diệt muỗi. Lý giải về việc trẻ tiêm phòng rồi vẫn có thể mắc VNNB, ông Phu cho rằng một số trường hợp mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm không đủ số mũi.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam cho biết VNNB thường khởi phát rất đột ngột với triệu chứng sốt cao 39 độ C hoặc hơn. Trong thời kỳ này, bệnh nhân đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Trong 1-2 ngày đầu của bệnh, bệnh nhi đã xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn sự vận động nhãn cầu, lú lẫn hoặc mất ý thức.

"Do viêm não cấp xuất hiện rất nhanh, dấu hiệu ban đầu là sốt cao lại rất giống với nhiều bệnh lý thông thường như: cảm, sốt, đau đầu… nên cha mẹ không biết hoặc chủ quan. Nhiều bệnh nhi được dùng thuốc ở nhà, đến khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ viêm não mới đưa tới BV thì bệnh đã nặng. Khi đó, bệnh nhi đã bị rối loạn tri giác, tính mạng bị đe dọa" - bác sĩ Nam lưu ý.

Trẻ được tiêm miễn phí vắc-xin VNNB

PGS-TS Trần Đắc Phu khuyến cáo trẻ em dưới 5 tuổi cần tiêm 3 liều cơ bản theo lịch tiêm của Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Mũi 1 tiêm lúc trẻ đủ 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần và mũi 3 sau mũi 2 một năm. Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Đối với trẻ trên 5 tuổi, nếu chưa từng được tiêm vắc-xin VNNB thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản. Mũi 1 tiêm càng sớm càng tốt, mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần, mũi 3 sau mũi 2 một năm. Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Đề phòng "muỗi ruộng"

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), khoảng tháng 5-6 đến đầu tháng 10 là "mùa" của VNNB tại miền Nam. Ở miền Nam, các ca VNNB xảy ra tại khu vực ĐBSCL nhiều hơn vùng Đông Nam Bộ. Vật chủ trung gian của căn bệnh này là "muỗi ruộng". Muỗi này chích heo hoặc một số loài chim và mang mầm bệnh truyền sang người. Vì thế, khu vực nông thôn, nuôi heo nhiều thì số ca mắc VNNB cũng nhiều hơn.

Hiện tại, trẻ mắc VNNB luôn chiếm khoảng 60% số bệnh nhi nằm điều trị nội trú tại Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1. Từ đầu năm đến nay, đã có 25 trẻ bị VNNB điều trị nội trú tại khoa. Tuy số ca VNNB không nhiều nhưng nếu đã mắc thì bệnh rất nặng, thời gian nằm viện có thể kéo dài hằng tháng, thậm chí phải lệ thuộc máy thở cả năm nếu bị di chứng.

A.Thư

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo