xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Con béo phì cha mẹ vẫn sợ gầy

Theo Nam Phương (VnExpress)

Có cậu con trai 5 tuổi, nặng 30 kg nhưng chị Dung (Đội Cấn, Hà Nội) không hề nghĩ con bị béo phì, ngay cả khi nghe bác sĩ nói. Theo chị, trẻ con phải bụ bẫm, tròn trĩnh mới thích.

Họ hàng hai bên nội ngoại vốn có gene to, cao nên theo chị cân nặng của con là bình thường. Chị quan niệm, trẻ con ăn được là điều tốt, không việc gì phải cấm đoán. Con thích ăn gì, chị cho ăn nấy, ăn đến chán thì thôi.

Lý do chị đưa con đi khám dinh dưỡng cũng không phải vì nghĩ con bị béo phì mà chỉ để chứng mình cho bạn bè thấy con mình bình thường. "Bác sĩ bảo con mình bị thừa cân, béo phì nhưng mình không tin. Trẻ con thì phải bụ bẫm mới đáng yêu", chị Dung kiên quyết nói.

Trong khi đó, theo bác sĩ Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng (Viện dinh dưỡng quốc gia), cân nặng của con chị Dung tương đương với trẻ 7 tuổi. Nếu chiều cao của cháu được 1,22 mét thì sẽ không có vấn đề gì nhưng chiều cao của bé chỉ được một mét, như thế là béo phì. 

img
Cha mẹ cần thường xuyên theo dõi cân nặng và chiều cao của trẻ. Ảnh: N.P.

Những trường hợp như chị Dung không phải là hiếm gặp. Rõ ràng trẻ thừa cân nhưng cha mẹ lại không thừa nhận, bảo: "Cháu thế là bình thường. Đợt này cháu ốm, gầy đi mấy cân, chứ trước còn bụ bẫm nữa", và thấy xót khi con sụt cân.

"Có ông bố bà mẹ thì tâm sự 'đi đâu ai cũng bảo con em còn gầy lắm. So với mấy bạn cùng lớp thì còn thua xa'", bác sĩ Hải cho biết.

Cũng theo bác sĩ, điều này xuất phát từ quan niệm nhiều người chỉ thích con bụ bẫm. Trước đây, có trường hợp một bà mẹ tức tưởi đưa con đến khám chỉ vì ông bà nội suốt ngày kêu ca "Mày nuôi con thế nào mà sao gầy thế", rồi so sánh bé với mấy đứa cháu khác trông bụ bẫm, đáng yêu. Nhưng thực tế cân nặng của con chị hoàn toàn bình thường, còn cô cháu gái 2 tuổi - hình mẫu mà ông bà nội đem ra so sánh - đã nặng 23 kg, gần bằng cân nặng của trẻ 5 tuổi.

"Nhiều cha mẹ vô tình đẩy con mình đến chỗ thừa cân béo phì mà không biết. Có cha mẹ chỉ mong con béo vì nghĩ còn mình quá gầy, thậm chí là suy dinh dưỡng, trong khi về cân nặng trẻ hoàn toàn bình thường. Có thể trẻ đủ cân nặng so với tuổi nhưng vì phát triển về chiều cao nên trông hơi gầy nhưng điều này cũng không đáng lo", bác sĩ Hải nói.

Bác sĩ Hải cũng cho biết, thực tế các bà mẹ nước ngoài rất sợ con béo nhưng ở nước ta, đa số chị em đều thích con phải phải bụ bẫm. Cũng vì quá chú trọng đến cân nặng, mà nhiều cha mẹ không chú ý đến chiều cao của con.

"Trẻ có thể thừa cân so với độ tuổi, nhưng lại phát triển tốt về chiều cao thì cũng không xếp vào nhóm béo phì. Thực tế, theo chuẩn tăng trưởng mới của Tổ chức Y tế Thế giới, so với trước đây, yêu cầu về cân nặng của các bé nhìn chung thấp hơn một chút", bác sĩ Hải lý giải.

Chẳng hạn, trước đây trẻ 1 tuổi nặng 10,2 kg, cao 76 cm thì nay chỉ cần nặng 9,6 kg và cao 75,7 cm. Hay ở trẻ 2 tuổi, cân nặng chuẩn là 12,2 kg - nhẹ hơn so với tiêu chuẩn trước là 12,6 kg nhưng lại yêu cầu cao hơn 7 mm so với tiêu chuẩn cũ.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, tốt nhất cha mẹ cần có chế độ ăn uống phù hợp để phòng bệnh béo phì ở trẻ vì một khi đã bị thừa cân thì khả năng trở lại cân bình thường là rất khó. Trẻ con chưa ý thức được việc ăn uống nên việc bắt trẻ phải ăn kiêng, ăn ít khó thành công.

"Đến người lớn bị bắt ăn ít còn thấy khổ, huống hồ là trẻ. Có gia đình mẹ kiên quyết bắt con giảm cân thì ông, bà lại thấy xót, bảo 'nó còn bé thế biết gì mà ăn kiêng', rồi giấu diếm cho cháu ăn. Điều này chỉ khiến bệnh béo phì ở trẻ càng trầm trọng hơn", bác sĩ Hải nói.

Nếu để tình trạng béo phì của trẻ kéo dài qua đến tuổi dậy thì việc giảm cân sẽ càng khó hơn. Trẻ có nguy cơ trở thành béo phì ở người lớn, vì thế có thể kèm theo một số bệnh lý khác do béo phì như: cao huyết áp, đái tháo đường...

Ngoài ra, trong số trẻ bị thừa cân có một số ít trường hợp chỉ béo phì tạm thời. Trước đây có bé trai đến khám mới 10 tháng tuổi đã nặng 16 kg (bằng cân năng của trẻ gần 5 tuổi). Nhưng chỉ cần cai sữa hoặc qua giai đoạn bú sữa mẹ là cân nặng của trẻ trở lại bình thường. Số này rất ít, một năm tại trung tâm gặp khoảng 4-5 trường hợp, bác sĩ Hải cho biết.

Cha mẹ cần thường xuyên theo dõi cả cân nặng và chiều cao của trẻ. Nếu thấy trẻ tăng cân nhanh quá, cần giảm bớt khẩu phần ăn của trẻ, cho nhiều rau xanh, củ quả, hạn chế ăn đồ ngọt, tăng cường vận động... Khi trẻ bị béo phì cần đưa trẻ đi khám để được tư vấn có chế độ ăn uống phù hợp.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo