xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dồn dập tai nạn lao động

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Các tai nạn thường gặp nhất là bị các loại máy cắt gạch, cắt kính, cắt cỏ... chém đứt lìa tay chân

Những ngày gần đây, hàng loạt vụ tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt đã xảy ra. Điều đáng lo là trong những tai nạn thương tâm này, nhiều nạn nhân là lao động chính trong gia đình, có người chịu cảnh tàn phế khi tuổi đời còn quá trẻ.

Bi đát tuổi 22

Hai nạn nhân mới nhất vừa được Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy tiếp nhận cứu chữa là P.M.T.E (17 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) và ông L.V.N (44 tuổi; ngụ quận 7, TP HCM). Cả hai nhập viện trong tình trạng chân bị chém đứt lìa. Cả hai nạn nhân đã được các bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Chợ Rẫy thực hiện thủ thuật vi phẫu nối động mạch, tĩnh mạch, ghép xương, khâu cơ, da...

Anh E. bị đứt lìa 1/3 dưới cẳng chân trái do sơ ý trong lúc vận hành máy cắt lúa giữa đồng. Những người bạn nông dân đã nhanh chóng nhặt phần bàn chân rớt cho vào thùng đá rồi mang theo cùng với nạn nhân đến BV. Còn ông N. bị cắt đứt lìa cẳng chân khi đang cắt cỏ thuê. Trong lúc làm việc, bất ngờ lưỡi cắt (dạng cánh quạt) bị gãy và chém vào chân. “Nghe cái phựt, tôi cảm thấy tê cứng ở chân rồi ngã quỵ xuống. Tôi cố lết lại ôm phần chân đứt lìa kêu cứu, sau đó không còn biết gì nữa” - ông N. nhớ lại.

Tại huyện Củ Chi, TP HCM, một tai nạn thương tâm mới đây cũng từ máy cắt cỏ khiến gia đình anh N.V.T (47 tuổi) rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Vợ bị bệnh tim, anh T. làm nghề cắt cỏ cho bò, cứ 2 ngày cắt được một xe, kiếm khoảng 200.000 đồng. Trong một buổi sáng cắt cỏ, lưỡi cưa bị gãy và chém đứt 2 chân, anh đau đớn chìm dần dưới bãi sình suốt 3 giờ. Khi được người dân đến cứu thì 1 chân anh đã bị đứt hẳn, chân còn lại dính lủng lẳng miếng da...

 

Ông L.V.N (44 tuổi) sau khi được nối lại chân bị máy cắt cỏ chém
Ông L.V.N (44 tuổi) sau khi được nối lại chân bị máy cắt cỏ chém

 

Trước đó chưa lâu, tại tỉnh Long An, một thanh niên trẻ khác cũng bị tai nạn lao động thảm thương, sớm rơi vào cảnh đời bi đát vì mất cả tay chân. Đó là anh Đ.L.H, mưu sinh bằng nghề thợ hồ. Trong lúc kéo vật liệu xây căn nhà 2 tầng tại địa phương, anh L. bị điện cao thế giật gây bỏng nặng, chết cơ, xương ở tay chân. Sau nhiều ngày tích cực điều trị bảo tồn nhưng thất bại, các bác sĩ buộc phải đoạn chi để cứu sống anh. L. bị mất 1/3 ở cả 2 cánh tay và 1/3 cẳng chân phải khi tuổi đời chỉ mới 22.

Hiện nay, tại khoa cấp cứu của các BV ở TP HCM như Chợ Rẫy, Nhân Dân 115, Đại học Y Dược… đều có những nạn nhân với nhiều dạng tai nạn lao động khác nhau nằm điều trị. Riêng tại 2 khoa Cấp cứu và Vi phẫu tạo hình của BV Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, hầu như ngày nào cũng có những trường hợp đứt, gãy tay chân do tai nạn lao động nhập viện. Tính ra, mỗi năm tại đây tiếp nhận hàng chục ngàn ca chấn thương, chủ yếu là do tai nạn trong xây dựng, do các thiết bị máy móc và điện giật.

Khó hồi phục như xưa

Theo bác sĩ Lê Thị Lan Anh, Khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình BV Chợ Rẫy, tại khoa này thường xuyên tiếp nhận, điều trị cho các nạn nhân bị tai nạn trong sinh hoạt, lao động như bị máy cắt gạch, cắt kính, máy cắt cỏ chém đứt lìa bàn tay, bàn chân. Sau khi được cấp cứu, làm sạch vết thương, các nạn nhân sẽ được nối lại phần đứt lìa.

TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân Dân 115, cho biết khẩn cứu các trường hợp đứt lìa tay, chân là công việc thường xuyên ở Khoa Chấn thương Chỉnh hình của BV. Nhiều ca bị đứt lìa cần vi phẫu là khá phức tạp; phải kết hợp xương, nối lại các mạch máu và các dây thần kinh... nên thời gian vi phẫu có khi mất từ 6 đến10 giờ.

Giới chuyên môn cảnh báo không phải trường hợp nào cũng nối tay chân đứt lìa thành công. Dù đã có những bước tiến bộ về khả năng ghép nối nhưng không phải trường hợp nào cũng có thể khôi phục được chức năng ban đầu. Một số ca bệnh gặp khó khăn do vết thương bị dập nát hoặc sau khi nối, nạn nhân có thể bị hoại tử, nhiễm trùng uốn ván…Theo BS Phan Dzư Lê Thắng, Khoa Vi phẫu tạo hình BV Chấn thương Chỉnh hình, nạn nhân bị đứt lìa chi nếu không được nhập viện kịp thời sẽ gặp trở ngại trong khâu ráp nối. Việc nối lại phần chi đứt lìa cũng rất khó đối với những người có các bệnh lý như tim mạch, tiểu đường hay huyết áp cao.

 

Cần nhập viện sớm

Theo lời khuyên của các bác sĩ, để tăng khả năng cứu sống phần chi bị đứt lìa sau khi gặp tai nạn, cần sơ cứu nạn nhân đúng cách đi đôi với bảo quản thật tốt phần chi đứt lìa, sau đó nhanh chóng đưa tất cả đến BV. Nên nhập viện chậm nhất 2 giờ sau khi tai nạn xảy ra, lúc đó hy vọng cứu sống phần chi đứt lìa sẽ cao hơn.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo