xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gánh nặng kép về dinh dưỡng

NGUYỄN THẠNH

38,5% học sinh tiểu học bị thừa cân, trong đó có 60% em máu bị nhiễm mỡ; 36% phụ nữ đang ở tuổi sinh đẻ bị béo phì; 7% người trưởng thành bị bệnh đái tháo đường

Mới đây, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM công bố nghiên cứu khiến nhiều người giật mình khi tỉ lệ trẻ trong độ tuổi đi học bị béo phì tại TP tăng nhanh mà nguyên nhân là do thói quen ăn uống. 
 
img
Trẻ ăn uống mất kiểm soát dễ dẫn đến bị béo phì
Ảnh: TẤN THẠNH

Thừa cân, phát phì

Anh T.N.N (49 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) có con trai đang học lớp 7 nhưng có cân nặng gần 80 kg. Ngay từ nhỏ, cậu con trai này thích các món ăn nhanh, chiên rán kèm với nước ngọt có gaz. Do chỉ là đứa con duy nhất nên khi con đòi hay thèm ăn cái gì anh N. cũng chiều. Dần dà, cậu bé nghiện các món ăn nhanh và kèm theo đó là trọng lượng cơ thể tăng theo tỉ lệ thuận cùng với sở thích.

Thực tế này đang tồn tại ở nhiều đô thị trong những năm gần đây. Tại các cơ sở, trung tâm chuyên về dinh dưỡng tại TPHCM, số trẻ được đưa đến khám về dinh dưỡng mỗi ngày khá đông. Chỉ riêng Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 trẻ đến khám bệnh liên quan đến thừa cân, béo phì. Một điều tra khác của trung tâm này cho thấy có 38,5% học sinh tiểu học bị thừa cân, béo phì, tăng gấp đôi so với năm 2002. Đáng lưu ý, trong số các em bị thừa cân, béo phì, có 60% em máu bị nhiễm mỡ.  

Nhiều gia đình trẻ bây giờ chỉ có 1-2 con nên trẻ được cưng chiều, cho ăn, bồi bổ quá nhiều chất béo, đồ ăn nhanh, uống các loại nước ngọt, đặc biệt là nước ngọt có gaz, lại ít ăn rau. Thói quen này là “căn bệnh” của khu vực đô thị. Nhiều phụ huynh lấy lý do vì công việc bận rộn nên cứ cho trẻ ăn những đồ ăn nhanh cho thuận tiện mà không biết đó là thói quen tiêu cực, hại con. Trẻ nạp dinh dưỡng, năng lượng quá cao, thiếu kiểm soát, lại ít vận động thì chuyện thừa cân, phát phì là khó tránh khỏi.

Cần điều chỉnh thói quen ăn uống

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, TPHCM đang đối mặt gánh nặng kép về dinh dưỡng, chuyển từ suy dinh dưỡng sang thừa cân, béo phì. Nếu cuối năm 2012, tỉ lệ trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng, thấp còi chỉ còn 5,3% thì đối lập với bức tranh trên là tình trạng thừa cân, béo phì đang tăng nhanh, với gần 40%. Chưa kể, tỉ lệ thừa cân, béo phì của phụ nữ ở tuổi sinh đẻ lên đến 36%, tỉ lệ đái tháo đường ở người trưởng thành lên đến 7% và tỉ lệ rối loạn chuyển hóa  27%.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho biết mô hình ăn uống của người dân TP đang thay đổi là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Bữa ăn của nhiều gia đình đô thị hiện nay vừa thừa vừa thiếu về số lượng, mất cân đối về chất lượng. Người dân có xu hướng ăn nhiều chất béo bão hòa, bột đường và các loại thực phẩm tinh chế và ít chất xơ; sử dụng thức ăn nhanh, ít vận động.

Theo bác sĩ Tạ Thị Lan, Phó trưởng Khoa Nghiên cứu thực phẩm - Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, ngoài trẻ con, người lớn bị béo phì cũng một phần do thói quen ăn quán. Nghiên cứu khoảng 1.200 nhà hàng tại TPHCM cho thấy thực đơn đều bị mất cân đối về thành phần dinh dưỡng, ảnh hưởng không nhỏ đối với sức khỏe. Thực đơn ở các quán hiện nay đa phần là các món giàu đạm, giàu chất béo, ít rau và thường kèm bia, rượu.

Các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo: Cũng như suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì là một gánh nặng về mặt y tế đối với xã hội. Đây là những thách thức lớn cho sức khỏe và là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các bệnh mãn tính không lây như rối loạn mỡ máu, tăng mỡ máu; các nguy cơ về tim mạch như xơ mỡ động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não và tăng huyết áp. Kế đến là nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, ung thư tiêu hóa có liên quan đến ăn uống, vô sinh ở cả nam lẫn nữ…

Để tránh hệ lụy trên, các chuyên gia cho rằng chính bản thân người lớn phải biết cách thay đổi cho mình và cho cả trẻ con. Cần điều chỉnh thói quen ăn uống, lối sống; nên vận động nhiều; giảm thực phẩm giàu đạm như thịt, hải sản, đồ lòng, trứng; giảm chất béo như dầu, mỡ, thức ăn dạng chiên xào; sử dụng rượu bia, nước ngọt ở mức vừa phải. “Không làm được điều này thì cho dù có bao nhiêu bác sĩ, thuốc men, phương tiện máy móc cũng thua” - bác sĩ Diệp lưu ý.

Gần 43 tỉ đồng kiểm soát dinh dưỡng

Theo UBND TPHCM, trong “Chiến lược về dinh dưỡng giai đoạn 2013-2015 và tầm nhìn đến năm 2020”, TP sẽ dành 42,7 tỉ đồng tập trung thực hiện các giải pháp về dinh dưỡng vì sức khỏe của người dân. Theo đó, kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân, béo phì; kiểm soát có hiệu quả các yếu tố nguy cơ của một số bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng ở người trưởng thành; cải thiện về số lượng và chất lượng bữa ăn, góp phần nâng cao tầm vóc của người dân; nâng cao năng lực mạng lưới dinh dưỡng tại TP…

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo