xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hãy kiên nhẫn từng phút "vàng"!

Bài và ảnh: ANH THƯ

Đừng vội buông xuôi khi thấy nạn nhân tim đã ngừng đập, hơi thở không còn. Hãy tận dụng những phút "vàng" để có thể làm điều kỳ diệu

Mới đây, ca cấp cứu "hồi sinh" một người đàn ông ở Carolina - Mỹ đã được nhiều tờ báo trên khắp thế giới đăng tải. Dù theo tiêu chuẩn cấp cứu tại Mỹ, sau 20 phút ấn tim, thổi ngạt mà vẫn không có tín hiệu sống thì nạn nhân đã "hết hy vọng", 2 cảnh sát viên vẫn quyết định không buông tay và đã giành lại nạn nhân John Ogburn (36 tuổi) khỏi tay tử thần sau 42 phút sơ cấp cứu.

4 phút "vàng"

BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), nhớ lại những ngày ông và các đồng nghiệp chiến đấu với bệnh tay chân miệng năm 2011, giai đoạn hoành hành của chủng virus EV71 vốn dễ gây tử vong hơn nhiều so với chủng coksakie A16. Khi đó, ông đang giữ cương vị Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc BV Nhi Đồng 1. Có những bệnh nhi bất ngờ rung thất, ngưng tim, ngưng thở cho dù đang được hỗ trợ bằng đủ loại máy móc. Các bác sĩ quyết định hồi sinh tim phổi cho các cháu này lâu hơn mức 30 phút tiêu chuẩn của Việt Nam và đã có 7 cháu sống lại một cách kỳ diệu nhờ được ấn tim, bóp bóng (thay cho thổi ngạt) từ 45 phút đến 1 giờ rưỡi!

Khi tiếp cận nạn nhân tại hiện trường, nhiều người cho rằng thấy nạn nhân không còn thở, tim ngừng đập là đã chết, không còn cách nào khác. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp ngưng tim vì tai nạn (ví dụ như đuối nước) hay cơn bệnh đột ngột (như cơn đau tim), nạn nhân vẫn có nhiều cơ hội nếu được cấp cứu đúng cách. Đây là vấn đề được ngành y tế nhiều nước quan tâm. Theo một thống kê tại Mỹ, chỉ có 46% nạn nhân gặp tình huống ngưng tim ngoài BV nhận được hỗ trợ sơ cấp cứu đúng cách trước khi nhân viên y tế chuyên nghiệp tiếp cận được họ.

Theo ThS-BS Võ Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, hồi sinh tim phổi (Cardiopulmonary resuscitation - CPR) có giá trị rất lớn trong cấp cứu. Nhiều người nghĩ rằng nhân viên y tế với đủ thứ phương tiện còn chưa chắc hồi sinh được một người đã chết lâm sàng thì người thường với đôi tay không có thể làm được gì. Suy nghĩ như vậy là không đúng. Bởi động tác ấn tim vẫn được nhân viên cấp cứu thực hiện bằng tay và chưa có loại máy móc nào có thể thay thế nó trong việc phục hồi nhịp đập của tim.

Ngoài ra, BS Huy nhấn mạnh rằng nạn nhân ngưng tim, ngưng thở chỉ có 4 phút "thời gian vàng". Nếu được áp dụng CPR trong vòng 4 phút này, cơ hội được cứu sống và không để lại di chứng khá cao. Sau mốc 4 phút, cứ mỗi phút trôi qua thì cơ hội sống của nạn nhân sẽ giảm thêm 10%, cộng thêm nguy cơ di chứng vì não bộ bị thiếu ôxy quá lâu.

Hãy kiên nhẫn từng phút vàng! - Ảnh 1.

Một nạn nhân ngưng tim tại hiện trường đã được nhân viên y tế của Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM giúp hồi sinh sau 15 phút thực hiện CPR

Trẻ, khỏe: Cơ hội cao

BS Nguyễn Minh Tiến cho biết hiệu quả của CPR còn tùy thuộc tình trạng của nạn nhân. Ví dụ một bệnh nhân rất cao tuổi, nằm đã lâu vì nhiều bệnh lý và ngưng tim vì bệnh quá nặng thì cơ hội hồi sinh không thể cao bằng một người đang trẻ, khỏe bị ngưng tim đột ngột vì tai nạn hay bệnh lý cấp tính. Đó là lý do trong nhiều trường hợp, các bệnh nhi được ấn tim nhiều hơn thời gian quy định.

Dù vậy, nên lưu ý rằng mốc thời gian ấn tim, thổi ngạt quy định chủ yếu đối với nhân viên y tế. Với người dân, nếu phát hiện nạn nhân ngưng tim, tốt nhất hãy gọi đội cấp cứu chuyên nghiệp và tiến hành CPR cho đến khi nhân viên y tế đến.

"Tuy nói rằng 4 phút là thời gian vàng nhưng nếu đã qua mốc này vài phút hoặc không rõ nạn nhân đã ngưng tim bao lâu, bạn cũng nên thực hiện CPR" - BS Tiến nói. Bên cạnh đó, ông lưu ý người dân hãy tìm hiểu để thực hiện sơ cấp cứu đúng. Ông từng gặp một số trẻ bị đuối nước được sơ cứu sai, dẫn đến mất nhiều cơ hội được cứu sống. Có bé bị ấn bụng, xốc nước với hy vọng cho nước trào ra thay vì ấn tim dẫn đến viêm phổi hít và thời gian bị ngưng tim kéo dài thêm, thậm chí có bé bị phỏng vì bị lăn trên chiếc lu nóng…

Theo các chuyên gia, bạn nên tìm hiểu hướng dẫn CPR trên các trang web chính thức của các bệnh viện, trung tâm cấp cứu để tự trang bị cho mình. Cách sơ cứu chuẩn là ấn tim dưới xương ức (ấn 30 cái - thổi ngạt 2 cái), ấn với tốc độ 100 lần/phút, đủ lực để lồng ngực lõm xuống vài cm và phải đặt nạn nhân trên mặt phẳng cứng. Ngoài ra, khi gọi tổng đài cấp cứu 115 để yêu cầu xe đến trợ giúp, bạn có thể hỏi về cách sơ cấp cứu bởi người trực tổng đài này cũng là nhân viên y tế. 

Cũng có thể chỉ ấn tim

BS Nguyễn Minh Tiến và ThS-BS Võ Quang Huy cùng đề cập tình huống việc thổi ngạt có thể dẫn đến nguy cơ lây truyền một số bệnh, đặc biệt khi nạn nhân là người lạ. Nếu e ngại, bạn hoàn toàn có thể áp dụng "Hand-Only CPR", tức chỉ ấn tim. Bản thân việc ấn tim đã giúp cung cấp ôxy cho cơ thể nhờ sự tác động vào lồng ngực.

Mặt khác, khi ngưng tim, trong máu nạn nhân vẫn còn một lượng ôxy nhất định, đủ để cung cấp thêm cho cơ thể một lúc nữa nếu bạn ấn tim giúp máu lưu thông.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo