xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khó nói không với phong bì

Ngọc Dung

Năm bệnh viện lớn tuyến Trung ương đang thực hiện “nói không với phong bì” nhưng nhiều người lo ngại phong trào này chỉ hô hào hình thức vì chẳng đưa ra được biện pháp, chế tài nào giải quyết triệt để

Hai năm trước, khi ngành y tế triển khai chương trình “Chất lượng - sự hài lòng của người bệnh BHYT”, bệnh nhân cũng đã trông chờ sự thay đổi. Ở 10 bệnh viện (BV) được chọn thí điểm, bệnh nhân phần nào bớt đi những thủ tục hành chính rườm rà... nhưng tinh thần và thái độ phục vụ của một số nhân viên y tế vẫn khiến nhiều người bức xúc. Với mong muốn thay đổi điều này, Công đoàn ngành y tế vừa phát động phong trào thực hiện “Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế”, nổi bật là tiêu chí “nói không với phong bì”.

Có “đánh trống bỏ dùi”?

Năm BV được chọn làm điểm của phong trào này là Việt Đức, Bạch Mai, E, Phụ sản Trung ương và K - những BV lớn ở tuyến Trung ương nằm tại Hà Nội. Cùng với cải cách thủ tục quy trình thăm khám, xét nghiệm, giảm phiền hà cho bệnh nhân, cán bộ y tế ở đây được yêu cầu “nói không với phong bì”, tuyệt đối không trục lợi từ bệnh nhân và người nhà họ.

img

Bệnh nhân luôn mong mỏi nhận được sự tư vấn, giải thích tận tình của thầy thuốc. Ảnh: NGỌC DUNG

Việc nhận phong bì dường như đã trở thành thông lệ ở nhiều BV. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) thực hiện năm 2010, đây là hiện tượng diễn ra trong nhiều năm. Càng lên tuyến trên, phong bì càng trở nên phổ biến. Nhân viên y tế mới vào nghề rất dễ “nói không với phong bì” nhưng chỉ sau một năm, họ sẽ coi việc nhận phong bì là bình thường. Ông Trần Tuấn, Giám đốc RTCCD, cho rằng không phải tự nhiên mà bệnh nhân đưa tiền, đa số người đưa phong bì là do bị áp lực để mong tìm được sự hài lòng, tận tình của nhân viên y tế.

Chính vì phong bì đã trở thành thông lệ, là “văn hóa” ở nhiều BV nên khi ngành y tế có chủ trương “nói không với phong bì”, không ít người đã hoài nghi về tính khả thi của nó. Tại những BV được chọn làm điểm, các quy định như “Nghiêm cấm cán bộ y tế nhận tiền, quà biếu của bệnh nhân”, “Bệnh nhân và người nhà không được cho tiền nhân viên y tế”… được dán ngay trước cửa nhưng phong bì vẫn được dấm dúi hoặc công khai vào túi y, bác sĩ (BS). Lãnh đạo một BV điểm thừa nhận: “Quy định là thế nhưng để xử lý nhân viên y tế nhận phong bì thì không phải dễ, nhất là trong tình huống bệnh nhân cứ “nhiệt tình” cảm ơn thì BS cũng không “nỡ” từ chối”.

Trước thực tế này, không ít người cho rằng việc chống phong bì trong BV cũng chỉ là hô hào hình thức vì chẳng thấy đưa ra được biện pháp, chế tài nào giải quyết triệt để. Nhiều người dân vui mừng, hy vọng nhưng ngược lại, không ít người cũng bày tỏ quan ngại rằng phong trào này chỉ “đánh trống bỏ dùi”.

Vòi phong bì: Không xong với tôi!

Ngay sau khi ký cam kết với Bộ Y tế, trong 2 tuần qua, đã có 3 BV làm điểm ủng hộ chủ trương này bằng việc triển khai phát động chương trình tới lãnh đạo các khoa, phòng và nhân viên y tế. PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức, khẳng định: “Tại BV Việt Đức, y tá, BS mà vòi vĩnh phong bì là không xong với tôi. Năm ngoái, một BS đã bị đuổi việc vì nhận 500.000 đồng trong một kíp mổ. Cách đây 3 năm, một cô điều dưỡng cũng đã bị tôi đuổi việc vì vòi phong bì”.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, cho rằng phong trào nào tốt cho bệnh nhân thì rất nên làm. Với BV K - một trong những “điểm nóng” mà không ít người cho rằng phong bì đã thành “văn hóa” và “nói không với phong bì” có thể là việc quá sức với không ít y, BS - lãnh đạo cũng thể hiện quyết tâm thực hiện “nói không với phong bì” bằng một lễ phát động. Tới đây, các khoa - phòng sẽ ký cam kết với lãnh đạo BV. Thừa nhận do tình trạng quá tải nên có thể đâu đó vẫn còn “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng ông Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc BV K, cho biết BV đang cố gắng đẩy lùi nạn phong bì.

Dù rất quyết tâm “nói không với phong bì” nhưng lãnh đạo BV Việt Đức cũng nhìn nhận cơ chế tài chính hiện nay ảnh hưởng tiêu cực tới nhân viên y tế. “Con người không phải cái máy, nếu điều dưỡng được trả lương 6-8 triệu đồng/tháng, họ sẽ yên tâm làm việc nhưng nếu chỉ 1,7-1,8 triệu đồng/tháng, tôi bảo đảm có 10 hay 20 ông giám đốc thì người ta cũng chỉ sợ trước mặt, còn sau lưng thế nào cũng nhận tiền của bệnh nhân”- ông Quyết lo ngại. Tuy nhiên, ông quả quyết: “Nếu phát hiện ai vòi tiền bệnh nhân, tôi sẽ xử lý ngay, thậm chí đuổi việc. Kỷ luật đặt ra là kỷ luật thép chứ không phải nói chơi!”.

Theo GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, ngành y tế cần phải có một cơ chế về tài chính đặc biệt, đừng để thầy thuốc vừa thu tiền vừa chữa bệnh. “Cán bộ y tế cũng phải làm để nuôi con, phải chịu những sức ép trong xã hội. Nếu không tạo cho họ một điều kiện làm việc, một cuộc sống tốt hơn thì tôi e rằng đợt phát động “nói không với phong bì” không duy trì lâu được”- GS-TS Hùng trăn trở.

Cảm ơn cũng có năm - bảy đường

Lãnh đạo nhiều BV cho rằng phải phân định phong bì mà BS, điều dưỡng vòi vĩnh, đòi bệnh nhân đưa rồi mới khám, chăm sóc với phong bì được bệnh nhân hoặc người nhà đưa khi đã được chữa lành vết thương. Giám đốc BV Việt Đức cho rằng khó có thể xử phạt khi bệnh nhân sau điều trị vì cảm kích trước tay nghề BS, vì tai qua nạn khỏi đã có phong bì cảm ơn.

Để giải quyết vấn nạn phong bì, GS Phạm Mạnh Hùng cho rằng phải có sự chung tay của cả bệnh nhân. Có nhiều cách cảm ơn thầy thuốc, đôi khi chỉ cần những câu nói cũng khiến họ vui lòng, tự hào. Thế nhưng, tâm lý nhiều người vào BV là “lăm lăm” phong bì cho BS vì sợ nếu không có thì người nhà mình không được chăm sóc chu đáo. “Không phải cái phong bì nào cũng có tội. Có bệnh nhân thấy BS nghèo quá, sau khi người thân của họ được cứu, họ đưa phong bì để tỏ lòng biết ơn. Tôi cho rằng tấm lòng ấy khác với việc đẩy thầy thuốc đến vị trí làm thuê kiểu “tôi cho tiền anh thì anh phải làm tốt cho tôi” như một sự giao kèo”- GS Hùng bày tỏ. 

Hiện tượng phong bì lót tay, coi trọng quá mức đồng tiền là một tồn tại nhức nhối, làm biến dạng hình ảnh tốt đẹp của người thầy thuốc chân chính. Chính những nghiên cứu của RTCCD cũng chỉ ra rằng phong bì không làm cho chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên mà ngược lại, đã làm giảm sút niềm tin của người dân đối với nhân viên y tế và BV.

Lấy “xây” để “chống”

Theo bà Trần Thị Tâm, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành y tế, “nói không với phong bì” thực sự là bài toán khó, cần nhiều giải pháp. “Trước mắt, chúng tôi sẽ triển khai theo hướng lấy “xây” để “chống”. Trong điều kiện đãi ngộ với cán bộ, nhân viên y tế còn chưa thỏa đáng thì rất dễ nảy sinh những sai phạm, nhất là trong giao tiếp, ứng xử. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh và hình ảnh tốt đẹp của người thầy thuốc”- bà Tâm nhận xét.

Hiện ngành y tế chưa có chủ trương áp dụng những hình thức xử phạt với thầy thuốc nhận phong bì mà chú trọng công tác vận động, kêu gọi lương tâm, trách nhiệm và sự vượt lên chính mình của cán bộ, nhân viên. “Đây không phải là cuộc vận động suông. Cùng với quyết tâm của các BV, Bộ Y tế sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc triển khai những nội dung này. Tôi cho rằng trong việc “nói không với phong bì”, quan trọng là quyết tâm của ngành và bản thân của mỗi nhân viên y tế” - bà Tâm nhận xét.
D.Thu

Lập đường dây nóng xử lý tiêu cực

TS-BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy - TPHCM, cho biết lâu nay, đội ngũ y, BS của BV luôn thực hiện quy tắc ứng xử nâng cao y đức trong ngành. Hưởng ứng phong trào “nói không với phong bì”, đồng thời nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, BV Chợ Rẫy vừa ban hành thông báo nội bộ, trong đó nghiêm cấm y, BS nhận phong bì trong BV; đối với bệnh nhân phải có lời chào thân thiện, chỉ dẫn tận tình, thăm khám chu đáo, tuyệt đối không trục lợi... BV còn lập đường dây nóng để bệnh nhân và người nhà phản ánh những tiêu cực. Nếu phát hiện thầy thuốc vi phạm, BV sẽ có những hình thức xử lý thích đáng. 

img

Bệnh viện quá tải là một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn nạn phong bì

Tại BV Nhân dân 115 - TPHCM, một vị trong ban giám đốc cho biết BV đã xây dựng và đưa ra những tiêu chuẩn, quy định riêng để nâng chất lượng phục vụ bệnh nhân. BV có bộ phận thu nhận và xử lý ý kiến của bệnh nhân phản ánh. BV cũng như ban lãnh đạo đều thiết lập đường dây nóng, hoạt động 24/24 giờ, bệnh nhân có thể phản ánh những bức xúc bất cứ lúc nào. Tại các phòng, khoa của BV luôn có bộ phận giám sát, theo dõi nhằm kịp thời chấn chỉnh hành vi “làm khó” của nhân viên y tế với bệnh nhân. Theo vị lãnh đạo này, nếu phát hiện y, BS vi phạm lần đầu, BV sẽ nhắc nhở toàn khoa; vi phạm lần hai có thể không cho làm chuyên môn, không cho tiếp xúc với bệnh nhân…
N.Thạnh
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo