xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nguy cơ nhiều dịch bệnh bùng phát!

Bài và ảnh: Ngọc Dung

Dịch sởi đã xuất hiện tại nhiều địa phương và có nguy cơ lây lan mạnh vào dịp Tết Ất Mùi. Bộ Y tế quyết không để tái diễn đợt dịch sởi như hồi đầu năm 2014

Sáng 5-2, tại hội nghị trực tuyến với hơn 600 điểm cầu là các sở y tế, bệnh viện (BV) để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh và bảo đảm các hoạt động y tế Tết Ất Mùi 2015, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến quan ngại nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát và gia tăng trong dịp Tết Nguyên đán do người dân trì hoãn tiêm chủng cho con.

Xử lý nghiêm việc tiêm nhầm vắc-xin

Cho rằng sự cố tiêm nhầm thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi tiêm chủng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến gay gắt: “Phải cương quyết xử lý việc tiêm nhầm. Không thể chấp nhận chuyện tiêm nhầm nước cất, tiêm nhầm thuốc, tiêm nhầm cho sản phụ… Chỉ một vài điểm tiêm nhầm là làm mất niềm tin của người dân vào ngành y tế, phá tan những hình ảnh, cố gắng mà nhiều thế hệ thầy thuốc gầy dựng”. Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh vấn đề tập huấn đối với cán bộ tiêm chủng: “Dù có trạm trưởng, trạm phó nhưng không tập huấn kiên quyết thì không được tiêm vắc-xin vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, niềm tin của người dân. Người dân không tin vào tiêm chủng thì dịch bệnh sẽ xảy ra, lúc đó là trách nhiệm của ngành y tế”.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đề nghị các đơn vị triển khai quyết liệt hoạt động tiêm chủng thường xuyên cho trẻ từ 9-12 tháng tuổi vì nếu không, đến tháng 3-4 tới đây, dịch bùng phát như thời điểm bùng phát dịch sởi vào đầu năm 2014 thì sẽ rất nguy hiểm. “Trong giai đoạn từ 9-12 tháng tuổi vì trẻ hay bệnh, không được tiêm vắc-xin nên khi có dịch thì rất dễ mắc. Do đó, cần xem lại mô hình tiêm chủng. Việc chỉ tập trung tiêm vắc-xin ở xã, phường vào 3 ngày trong 1 tháng như hiện nay khiến một số trẻ chậm được tiêm chủng, tăng nguy cơ mắc bệnh” - bà Tiến lưu ý.

Người đứng đầu ngành y tế cũng yêu cầu các địa phương chấn chỉnh và giám sát chặt chẽ các điểm tiêm chủng dịch vụ. “Nếu các cơ sở tiêm chủng dịch vụ nào không có điều kiện cung ứng đủ nhân lực, vắc-xin thì kiên quyết rút giấy phép, không cho hoạt động nữa” - bà Tiến nhấn mạnh.

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cũng thừa nhận gần đây có tình trạng các trẻ bị mắc ho gà, sởi nhập viện chiếm tỉ lệ cao là do chưa tiêm hoặc trì hoãn tiêm phòng các bệnh trên. Trong đó, nhiều trường hợp cố chờ tiêm vắc-xin dịch vụ. “Các địa phương cần phải tích cực vận động việc đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ để tránh nhiễm bệnh nguy hiểm và lây lan thành dịch” - ông Phu nói.

Lo ngại dịch sởi bùng phát

Theo ông Phu, các dịch bệnh hay gặp trong giai đoạn mùa đông xuân và Tết Nguyên đán là sởi, ho gà, cúm gia cầm… Trong tháng 1-2015, tại 13 tỉnh, thành (Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Trị, TP HCM, Đắk Lắk) có bệnh nhân nghi sởi với 133 trường hợp được thống kê, trong đó 28 trường hợp mắc sởi. BV Nhi trung ương tập trung đông nhất với 21 ca bệnh, hầu hết là trẻ dưới 2 tuổi, trong đó trẻ dưới 9 tháng tuổi chiếm nhiều nhất với 13 trường hợp. Nhấn mạnh nguy cơ lặp lại một đợt dịch sởi như năm 2014, ông Phu cho biết tháng 1-2014, số phát ban nghi sởi chỉ rải rác nhưng đến tháng 5 đã có hơn 10.000 trường hợp. Hơn nữa, Việt Nam hằng năm vẫn còn khoảng 10% số trẻ chưa được tiêm vắc-xin sởi và khoảng 5% tuy đã được tiêm vắc-xin nhưng không đáp ứng sinh miễn dịch. Việc tích lũy sau một số năm có thể có những đợt bùng phát tạo thành các ổ dịch lớn.

Theo ông Phu, bên cạnh dịch sởi, từ đầu năm đến nay, đã có gần 20 ca mắc bệnh ho gà xuất hiện rải rác tại 6 tỉnh, thành. Hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh ho gà đều dưới 2 tuổi, trong đó có 2 trường hợp dưới 2 tháng tuổi. Nguyên nhân chính là do còn nhiều trẻ chưa được tiêm, trì hoãn tiêm phòng.

Để hạn chế tối đa số trẻ tử vong như vụ dịch sởi năm 2014 với 5.600 ca mắc và hơn 100 ca tử vong, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu bên cạnh chiến dịch tiêm phòng sởi - Rubella đang triển khai cho nhóm trẻ từ 1-14 tuổi, các địa phương cần tổ chức tiêm vét ngay cho nhóm trẻ từ 9 tháng đến 1 tuổi, không chờ vắc-xin dịch vụ.

Ông Phu cho rằng các địa phương cần đẩy mạnh truyền thông để thay đổi nhận thức của người dân về tiêm chủng dịch vụ và mở rộng. “Năm ngoái, khi tôi đến BV, trực tiếp hỏi các bà mẹ có con mắc sởi, họ đã tỏ ra hối tiếc vì con đến tuổi tiêm sởi nhưng lại chờ tròn 1 tuổi để tiêm vắc-xin dịch vụ và rồi chưa đến thời điểm tiêm, con đã mắc sởi nguy kịch. Người dân cần thực hiện tiêm vắc-xin đúng lịch khi trẻ bắt đầu 9 tháng tuổi đối với sởi; 2 tháng đối với bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib và viêm gan B theo tiêm chủng thường xuyên, không chờ tiêm vắc-xin dịch vụ” - ông Phu khuyến cáo. Ông cũng đề nghị các BV tỉnh, trung ương có thể triển khai tiêm chủng mở rộng miễn phí bởi người dân có tâm lý thích tiêm tại đây vì đầy đủ phương tiện cấp cứu, bác sĩ sẽ kịp thời can thiệp khi cần thiết.

Nhấn mạnh nguy cơ nhiều dịch cúm gia cầm bùng phát trong dịp Tết Nguyên đán, ông Phu cho biết dù Việt Nam chưa ghi nhận các trường hợp cúm A/H7N9, H5N8, H5N2 trên gia cầm và người nhưng nguy cơ rất lớn do việc đi lại, giao lưu của người dân Việt Nam và Trung Quốc. Mặt khác, an toàn thực phẩm chưa được chú trọng, nhu cầu thực phẩm tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội.

 

Nhiều bệnh nhân nguy kịch vì nhiễm cúm

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương, thời gian qua, nơi đây tiếp nhận một số bệnh nhân nhiễm cúm thường với biểu hiện rất nặng, trong đó có cả người lớn và trẻ em. BV đang điều trị cho một bệnh nhân nam, 15 tuổi ở Quảng Ninh; nhập viện trong tình trạng khó thở, suy hô hấp và tim, phổi tổn thương lan tỏa. Sau 3 ngày được điều trị tích cực, thở máy, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Theo Cục Y tế dự phòng, trong số gần 6.000 mẫu bệnh phẩm cúm được giám sát, tỉ lệ nhiễm virus cúm B cao nhất (58%), tiếp đến là virus cúm A/H3 (29%) và virus cúm A/H1N1 (13%).

 

TP HCM: Bệnh thủy đậu gia tăng bất thường

Dù chưa vào mùa nhưng những ngày qua tại TP HCM, số trẻ nhập viện do mắc thủy đậu gia tăng bất thường, trong đó nhiều ca bị biến chứng nặng. BV Nhi Đồng 2 hiện có 4 trẻ đang điều trị do biến chứng bệnh thủy đậu. Trong khi đó, số trẻ bị biến chứng nặng do bệnh này được điều trị tại Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1 khoảng 2-5 ca/ngày. Theo thống kê của BV Nhi Đồng 1, tháng 12-2014, chỉ có 10 ca thủy đậu đến khám, điều trị mỗi ngày thì nay con số này gần 20 ca.

Trước đó, bệnh thủy đậu cũng xuất hiện tại một trường mầm non thuộc quận Bình Thạnh với 8 học sinh và giáo viên mắc. Theo ghi nhận của Trung tâm Y tế dự phòng, hiện trên địa bàn TP mỗi tuần có khoảng 10 trẻ mắc thủy đậu. Các bác sĩ cảnh báo đây là hiện tượng bất thường vì bệnh đến sớm so với mọi năm và sẽ bùng phát vào tháng 3 tới. Ng.Thạnh

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo