xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phép mầu phẫu thuật: Hạnh phúc và nỗi đau

Bài và ảnh: ANH THƯ

Chuyện nghề của các bác sĩ chấn thương chỉnh hình đong đầy niềm vui khi con dao mổ tạo nên kỳ tích nhưng cũng còn lắm nỗi đau nếu chẳng may bệnh nhân ra đi mãi mãi

Sau vài lời chia sẻ về nghề nghiệp, một vị bác sĩ (BS) với mái tóc đã bạc bỗng dưng bật khóc khi nhớ lại những ký ức buồn. Nổi tiếng trong ngành với những ca phẫu thuật khó nhưng hàng chục năm qua, ông vẫn day dứt không nguôi vì những lần y học bó tay, đành để bệnh nhân sống với tật nguyền hoặc ra đi mãi mãi.

Vượt qua ám ảnh

“Một phụ nữ mang thai chừng 5-6 tháng bị xe lửa cán ngang người, đưa vào đây thì chúng tôi cứu sống được nhưng không thể giữ bào thai cùng gần phân nửa phần cơ thể bên dưới… Tỉnh dậy, câu nói đầu tiên của cô ta là “Con tôi đâu rồi?”. Đôi khi, tôi không biết mình làm vậy là tốt hay xấu. Bệnh nhân sống sót nhưng cuộc đời còn lại chỉ là nỗi đau. Rồi có người bán cả ruộng đất để mong tìm lại sự sống nhưng y học bó tay, gia đình đành mang về chuẩn bị hậu sự. Tưởng rằng ông ấy sẽ mất sau vài ngày vì không thể tự thở, phải có người bóp bóng bơm ôxy liên tục nhưng ông sống được hơn 1 tháng. Hỏi ra mới biết cả gia đình, xóm giềng đã thay phiên nhau ngồi bóp bóng 24/24 giờ để ông có thêm chút thời gian ở quê nhà…”.

img
Các bác sĩ Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM
tách rời bàn tay biến dạng với 3 ngón dính nhau của một bệnh nhi
Câu chuyện của người BS cao niên cứ nối tiếp xoay quanh những gương mặt, ánh mắt bệnh nhân đã ra đi. Là một trưởng khoa của Bệnh viện (BV) Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, vững vàng trên bàn mổ bao nhiêu thì khi hồi tưởng những ca bệnh khó, ông lại trở nên đa cảm bấy nhiêu. “Chứng kiến những chuyện đó, tôi thấy cuộc đời mình chẳng còn cần thêm gì nữa. Trên đời còn nhiều người khổ quá, mình được như thế này đã là hạnh phúc lắm!” - ông thổ lộ.

Nỗi khao khát được sống, được toàn vẹn của bệnh nhân chính là động lực để ông vượt qua những ám ảnh trong nghề, tiếp tục làm việc và sáng tạo để giúp đỡ được nhiều người. “Cách đây không lâu, vợ chồng tôi đi ăn thì gặp một bệnh nhân nhiều năm trước bị tai nạn tưởng chết rồi, giờ lại có vợ con, vui vẻ đến nhận người quen. Một bệnh nhân khác từng bị xe công nông cán dập nát phần bụng, rách phổi, vỡ tử cung, sẩy thai, tưởng không qua khỏi nhưng nay thi thoảng lại vào BV thăm chúng tôi. Đó là niềm hạnh phúc lớn đối với các BS” – ông xúc động.

Tinh thần đồng đội

Theo BS chuyên khoa II Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM, việc chuẩn bị, lập kế hoạch trước phẫu thuật là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công. Cầm dao mổ nhiều năm nhưng đôi khi, BS Ánh vẫn gặp phải vài ca đặc biệt với loại chấn thương, dị tật hiếm gặp.

“Cơ thể con người không phải để thí nghiệm nên trước hết, mình phải tìm trong y văn, lên mạng, tham khảo đồng nghiệp để hiểu thật rõ về loại bệnh, loại tật cũng như các phương pháp có thể chữa trị, từ đó tìm ra cách điều trị tối ưu. Khi đã vào phòng mổ, ê kíp phẫu thuật phải hoàn chỉnh kế hoạch một cách chi tiết, đầy đủ; dự đoán các tình huống phát sinh và phương án dự phòng… Những điều đó sẽ hạn chế yếu tố bất ngờ có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật và tạo cho BS tâm lý bình tĩnh để xử trí” – BS Ánh cho biết.

BS Vũ Minh Đức, Khoa Chấn thương Chỉnh hình - BV Nhân dân 115, có tuổi đời còn khá trẻ. Bí quyết thành công của BS Đức chính là thường xuyên trò chuyện với bệnh nhân để hiểu rõ hơn về căn bệnh và giúp họ sẵn sàng đối mặt với việc điều trị. BS Ánh nhìn nhận: “Trong quá trình điều trị, phẫu thuật viên chỉ đóng góp 50% thành công, 50% còn lại thuộc về bệnh nhân với sự khao khát được sống, được vẹn toàn. Nếu tâm lý vững vàng, phối hợp tốt với BS, siêng tập vật lý trị liệu sau phẫu thuật… thì cơ hội phục hồi của người bệnh rất lớn”.

img
Sự phối hợp đồng đội sẽ đem đến ca phẫu thuật hiệu quả nhất.
Trong ảnh: Các bác sĩ Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM
cùng chuyên gia nước ngoài khám cho một trẻ mang dị tật phức tạp

Trong khi đó, TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc kiêm Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình - BV Nhân dân 115, tâm niệm: “Khi phẫu thuật, BS phải thanh thản, trút bỏ hết mọi buồn bực, căng thẳng để tập trung cao độ. Làm BS, đương nhiên cũng phải đối mặt với những giây phút tưởng chừng như bế tắc. Khi ấy, tôi thầm cầu mong mình và các đồng nghiệp có thể vượt qua. Lúc nào, BS cũng phải giữ tâm lý bình tĩnh bởi trong ca mổ, mỗi khi tiến được một bước nào đó, các phẫu thuật viên sẽ cảm thấy hưng phấn, tin tưởng vào bản thân hơn. Thành công nằm ở chính tinh thần đồng đội của ê kíp phẫu thuật”. 

Tự tin bước ra xã hội

Đối với TS-BS Nguyễn Văn Thái, Trưởng Khoa Chi trên - BV Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, nhiệm vụ của BS chỉnh hình không phải là giải phẫu thẩm mỹ mà chỉnh lại hình dáng bình thường cho bệnh nhân. Hình dáng đó còn phải kèm theo các chức năng được phục hồi. “Nhiều người đến khoa với bàn tay bị giập nát hoặc đứt lìa do tai nạn lao động. Tái tạo bàn tay không chỉ nhằm cho đẹp mà còn có thể cầm được đôi đũa, cây viết… tự phục vụ bản thân và có khả năng lao động để tự tin bước ra xã hội”.

BS Vũ Minh Đức có thói quen chụp hình, quay clip bệnh nhân trước và sau khi phẫu thuật. Đó là tư liệu quý để ông đối chiếu, tự hoàn thiện nghề nghiệp. Hình ảnh bệnh nhân tươi cười xuất viện với cơ thể toàn vẹn, bắt đầu hòa mình vào cuộc sống chính là động lực giúp ông gắn bó hơn với công việc tưởng chừng quanh năm chỉ xoay quanh bàn mổ và những nỗi đau.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo