xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thuốc giả tứ bề

NGUYỄN THẠNH - NGỌC DUNG

Từ đầu tháng 9 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng chục vụ thuốc giả, thuốc dỏm với hàng trăm ngàn viên, lọ bị niêm phong xử lý

Những ngày vừa qua, dư luận chưa hết phẫn nộ trước hàng loạt các vụ thuốc dỏm, thuốc giả, thuốc quá “đát” đã bị cơ quan chức năng phanh phui tại các TP lớn như TPHCM, Biên Hòa (Đồng Nai), Cần Thơ. Đáng báo động, một số lượng lớn thuốc này đã đi vào cơ thể người bệnh!

 
Giả nội, giả ngoại
 
Vụ bán thuốc giả cho người bệnh trong gần 2 năm qua mới được phát hiện tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ-một cơ sở y tế tầm cỡ khu vực ĐBSCL làm dư luận bất bình.
 
Tại đây, cơ quan chức năng niêm phong xử lý số lượng lớn loại thuốc cản quang Bary Sunfat (trên bao bì ghi nơi sản xuất là Viện Công nghệ Hóa học, số 1 Mạc Đĩnh Chi, quận 1-TPHCM) dùng trong chụp X-quang không có số đăng ký lưu hành của Bộ Y tế, không ghi trọng lượng, không ngày sản xuất, chưa được kiểm định chất lượng.
 
Trước đó, ngày 9-9 Công an tỉnh Đồng Nai đã phát hiện Công ty Cổ phần Dược Đồng Nai (Donapharm - có trụ sở TP Biên Hòa-Đồng Nai) đã “lên đời”, thay “đát” rồi đưa ra thị trường trên 167.000 viên thuốc Bisinthvon 8 mg (thuốc điều trị bệnh phổi, phế quản) và Salbutamol 2 mg (điều trị hen suyễn, thăm dò hô hấp) đã quá hạn sử dụng. Đã có 5.500 viên Salbutamol 2 mg và hơn 145.000 viên Bisinthvon 8 mg được người bệnh mua về sử dụng.
 
Cũng khoảng đầu tháng 9, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế trên cả nước khẩn trương thu hồi thuốc xổ lãi Fugacar giả đang lưu hành tại TPHCM.
 
 
img
Cơ quan chức năng kiểm tra các nhà thuốc tại Hà Nội. Ảnh: NGỌC DUNG


Và mới nhất, ngày 14-9, cục này cũng chỉ đạo Sở Y tế TPHCM đình chỉ lưu hành, thu hồi đối với hai loại thuốc: thuốc nước Thiên môn bổ phổi (loại 280 ml, lô số: 010310, do cơ sở sản xuất thuốc thành phẩm y học cổ truyền Bình Đông, quận 8 - TPHCM sản xuất) và thuốc bột Vị thông tán (gói 35g, lô số: 010109, hạn sử dụng: 01.2011, do cơ sở y dược học cổ truyền dân tộc Nguyễn Minh Trí, huyện Hóc Môn - TPHCM sản xuất.
 
Theo đánh giá của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, thuốc giả có dấu hiệu được làm từ nước ngoài đưa vào VN, với hình thức cực kỳ tinh vi. Những sản phẩm bị “nhái” thường là thuốc có thương hiệu nổi tiếng và biệt dược vì có giá cao.
 
Năm 2009 những loại thuốc giả điển hình được phát hiện là viên nang Amoxicilin 500 mg, trên nhãn ghi nhà sản xuất Australia; Viên nén Ofloxacin 200 mg, trên nhãn ghi nhà sản xuất Mission Pharma A/S Denmark; thuốc tiêm Voltaren 75mg  trên nhãn ghi Công ty Novatis sản xuất; bột pha hỗn dịch uống Okenxime (Cefixim 100 mg) mang nhãn của Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 25.... 
 
Khó phát hiện
 
Theo Bộ Y tế, dược phẩm giả, thuốc kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều với mức độ rất tinh vi, phức tạp, dù là người trong nghề cũng rất khó phát hiện. Có đủ loại giả mạo, từ tân dược đến đông dược, từ giả tên thuốc, hoạt chất, nhà sản xuất đến giả nhãn mác, bao bì, kiểu dáng công nghiệp... với công nghệ cao. 
 
Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược-Bộ Y tế, cho biết nếu những năm 2001- 2002 tỉ lệ thuốc giả chỉ là 0,03% thì đến năm 2008 là 0,095% và tăng lên 0,12% vào năm 2009.
 
Tại VN, trong năm 2009, các trung tâm kiểm nghiệm thuốc trên cả nước đã phát hiện 33 mẫu thuốc giả (chiếm 0,12% các mẫu được kiểm nghiệm), 3,33% số mẫu trong số 31.542 mẫu kiểm tra không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
 
Các cơ quan chức năng đã thu hồi 105 loại thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, trong đó thuốc có nguồn gốc từ Ấn Độ chiếm tỉ lệ cao nhất với 37 loại (chiếm gần 80% trên tổng số thuốc nhập khẩu bị thu hồi) với phần lớn là thuốc kháng sinh, tiêu hóa, chống viêm, thuốc tác dụng lên hệ thần kinh...
 
Ông Trương Quốc Cường cho rằng việc chống thuốc giả hiện nay mới chỉ là phần ngọn. “Có nhiều thuốc giả do doanh nghiệp phát hiện rồi báo cáo chứ cơ quan quản lý cũng không biết được”. 

Vụ thuốc giả ở BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ

Mua thuốc ngoài danh mục để... phòng bão lụt (!)

Ngày 14-9, trả lời báo chí, ông Đặng Quang Tâm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và ông Phan Xuân Sinh, nguyên trưởng Khoa Dược, chủ nhà thuốc BV, đã thừa nhận việc nhập hàng ngàn gói thuốc không có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế là đúng sự thật.

Ông Tâm cho biết mới đây BV đã nhận thấy loại thuốc Bari Sunfat có dấu hiệu bất thường nên chỉ đạo ngưng không sử dụng cho bệnh nhân. Về lý do nhập số thuốc trên, ông Tâm nói: “Do năm 2008, khi xảy ra cơn bão số 10, BV đã cấp tốc mua 2.000 gói về dự phòng để chống bão. Khi mua, thấy có khá đầy đủ thông tin về nhãn hàng và nhà sản xuất nên chúng tôi cũng tin tưởng”. Ông Sinh lý giải thêm: “Vào mùa bão lụt, có thể số lượng bệnh nhân đông lên đến hàng ngàn người nên phải chuẩn bị sẵn cơ số thuốc” (!). Trong khi đó, Bari Sunfat là thuốc cản quang, chỉ dùng trong chụp X-Quang, chẩn đoán các bệnh về viêm loét dạ dày, đường ruột chứ không liên quan gì đến những bệnh thường xảy ra trong mùa bão lụt.

Về trách nhiệm cá nhân, ông Sinh thừa nhận: “Do mình chưa nắm hết các khâu, mà chỉ là... vô tình thôi chứ không phải vụ lợi gì. Mình làm sai thì bây giờ mình chịu!”.

L.Dũng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo