xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trò chơi nhiệm mầu

Bài và ảnh: ANH THƯ

Qua sự sắp xếp, cải tạo, chọn lọc của các thầy thuốc, những món đồ chơi bình thường đã trở thành phương tiện điều trị cho trẻ khuyết tật hay vừa trải qua phẫu thuật chỉnh hình

Bỏ một quả banh lên đầu con dốc để nó chạy xuống theo những đường rãnh gỗ có vẻ là trò chơi quá đơn sơ với một cô bé đã 10 tuổi nhưng đó là kỳ tích với N.T.H. Từ nhỏ, khi cần cầm vật gì, H. chỉ biết cố gắng đưa bàn tay trái co quắp quờ quạng bắt lấy; còn bàn tay phải thì các ngón cứ cứng đơ, cong ngược ra ngoài nên khả năng cầm nắm gần như mất hoàn toàn.
 
Các bác sĩ (BS) đã bày trò chơi, tập cho em co từng ngón tay bất trị để nắm chặt quả banh rồi run run cố duỗi thẳng cánh tay co quắp đưa lên đầu dốc. Đôi mắt H. mở to, hiện rõ sự nhẫn nại lẫn đau đớn, cố oằn người và vươn tay lên. Khi quả banh được đặt đúng vị trí, bắt đầu lăn xuống thì H. cũng đã mệt phờ, mồ hôi mết cả tóc.

“Sân chơi” của trẻ nghèo tàn tật

H. là một trong những bệnh nhi đang được điều trị tại Đơn vị Hoạt động trị liệu, Khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện (BV) Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM (thuộc Bộ LĐ-TB-XH). Mẹ của H. cho biết em bị bại não, đã nhiều năm mệt nhoài với những bài tập phục hồi chức năng. Bà đã đưa con gái tới đây với hy vọng cách trị liệu bằng đồ chơi này sẽ khiến H. không “ngán”. Giữa căn phòng đầy ắp đồ chơi, với bản chất của một đứa bé thích khám phá, cô bé đã dần chinh phục cả cơ thể gần như bất trị của mình.
 
img
Một bệnh nhi bại não nỗ lực hoàn thành trò chơi trị liệu

Đơn vị Hoạt động trị liệu nhìn vào như một khu vui chơi trẻ em với nhà banh, sân trải thảm nhựa và những dãy tủ, kệ chất đầy đồ chơi, từ những món làm bằng gỗ theo đúng quy chuẩn cho đến các thứ tự chế. Điều khác biệt duy nhất là những đứa bé đang chơi trong phòng hầu hết đều có khuyết tật trên cơ thể, nhẹ nhất là một cánh tay, bắp chân còn mang nẹp, dụng cụ chỉnh hình.

“Con muốn chơi cái đó!” - cố đứng lên trên tấm thảm được trải giữa căn phòng đầy đồ chơi, đôi mắt của T.Nh hướng về món đồ mình thích trong khi đôi tay bé xíu cố bấu víu cánh tay tôi để đi từng bước đến tủ đựng đồ. Nh. đã 3 tuổi nhưng không thể đi bởi đôi chân mang nẹp từ nhỏ. Đến giờ, sau nhiều nỗ lực tập luyện, em mới bước được những bước đầu đời trên đôi giày nẹp nếu có cái gì để vịn vào.

Bên cạnh Nh., cậu bé N.M, 4 tuổi, hào hứng dùng muỗng múc những quả trứng nhựa vào chén để chơi trò bán hàng. “Nh. cần tập cho đôi chân, M. thì bị bại não, đôi tay không thể có những hoạt động chính xác. Tập cho những đứa trẻ bước đi với đôi chân yếu ớt, cầm muỗng ăn cơm với cánh tay vặn vẹo bất thường… không dễ chút nào. Nhưng khi chơi, các bé sẽ vui, dễ dàng quên đi đau đớn để thực hiện những động tác khó khăn nhất” - kỹ thuật viên Trần Thị Quyên, phụ trách Đơn vị Hoạt động trị liệu, cho biết.
BV có chính sách điều trị miễn phí cho trẻ khuyết tật nên “phòng đồ chơi” hiện có khá nhiều trẻ bại não, tàn tật… là con của người lao động nghèo tìm đến.
 
Đa phần họ đến từ những vùng quê xa xôi, bỏ công ăn việc làm lên TP tìm hy vọng cho con cháu. Bà Thái Thị Hoàng Việt, bà ngoại của bé L.N.T, 4 tuổi, ngậm ngùi: “Dù trị bệnh cho T. không mất tiền nhưng việc lo cái ăn, cái mặc để trụ lại TP cũng không hề đơn giản. Sau đợt T. bị sốt rồi bại não, cha của cháu đã bỏ đi. Con gái tôi buôn bán ở chợ, tận quê Vĩnh Long, cũng chẳng được mấy đồng. Tôi một mình đem cháu lên TP chữa trị. Những tháng ở đây, thấy T. tiến bộ nhiều, tôi rất mừng, cố gắng không để cháu phải bỏ dở điều trị”.

Lo ngại bệnh nhi vì gia cảnh phải trở về quê, việc điều trị không được bảo đảm nên các kỹ thuật viên hoạt động trị liệu chủ trương hướng dẫn người nhà tự tập cho bé và chế món đồ chơi thích hợp từ những nguyên liệu sẵn có. “Ở đây, mỗi trẻ đều được hướng dẫn những trò chơi phù hợp với khuyết tật cần khắc phục. Bao giờ tôi cũng hỏi về hoàn cảnh gia đình các cháu, quê ở đâu, nhà có mây, tre, lá, có gỗ thừa, có những cành cây nhỏ không? Từ đó, tôi hướng dẫn họ nên làm món gì, từ thứ gì, chơi với bé ra sao. Như vậy, dù có về nhà thì việc điều trị của bệnh nhi cũng không gián đoạn” - chị Quyên nói.

Vừa chơi vừa trị liệu

BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM, giải thích: “Hoạt động trị liệu là một nhánh của phục hồi chức năng với nhiệm vụ đưa những chức năng của con người trở lại bình thường hoặc gần nhất với bình thường. Những trò chơi này cũng là một hình thức của hoạt động trị liệu, vừa giúp trẻ có quãng thời gian thư giãn, thoải mái vừa ngầm tập phục hồi chức năng qua các trò chơi đòi hỏi cử động khéo léo, khả năng tư duy… Chơi gì, chơi thế nào sẽ phụ thuộc vào dạng khuyết tật của trẻ”.

Giới thiệu những dãy tủ đồ chơi đa dạng, ông Trần Thái Học, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM, nhìn nhận: “Con nít mà bắt tập luyện như người lớn thì khó lắm. Chẳng hạn, bài tập cánh tay đơn giản giơ lên, hạ xuống, người lớn thì chỉ cần yêu cầu là làm được nhưng trẻ con thì phải “dụ” mới xong. Chúng tôi cho các bé chơi những trò như hái trái cây được treo, gắn trên cao; với tay thả quả cầu hay chiếc xe lên đầu dốc cho từ từ lăn xuống; bỏ những chiếc vòng vào cột nhựa cao… để buộc trẻ phải thực hiện động tác với tay. Hay bài tập cử động ngón tay, chúng tôi đưa cho trẻ những túi nhỏ mềm chứa đậu sấy khô, các bé thích thú nắm bóp, nhào nắn và vô tình đã tập luyện các ngón tay…”.

Trẻ bại não chiếm một tỉ lệ khá cao trong các bệnh nhi ở đây. Các em thường được tập luyện với những đồ chơi bằng gỗ, loại được bán cho trẻ 3-4 tuổi để vừa chơi vừa học.  “Trẻ bại não thường mất đi khả năng điều hợp do tổn thương ở hệ thần kinh trung ương. Sự điều hợp này giúp con người có những hành động chuẩn xác dựa trên sự phối hợp ăn khớp của rất nhiều cơ trong mỗi hoạt động.
 
Ví dụ, người bình thường có thể đưa tay chạm vào mũi mình một cách dễ dàng dù không cần nhìn nhưng trẻ bại não cố gắng lắm vẫn chạm trật chỗ. Trò chơi đặt các khối gỗ vào vị trí vừa vặn, xếp khối gỗ vào các cây cột trụ hay khó hơn là trò xâu chuỗi… sẽ “đánh thức” và rèn luyện khả năng này khi trẻ nỗ lực làm. Với trẻ bại não bị mất chức năng theo dõi, quan sát, trò chơi thả xe hay banh chạy trên những đường ray nhiều khúc quanh sẽ kích thích vận động của mắt khi các em hào hứng dõi theo… Được chơi đùa, giao lưu với trẻ khác, trí não của các em cũng được kích thích” - ông Học lý giải.

BS Nội Văn Bảo, Phó Giám đốc BV, phân tích: “Trong phục hồi chức năng, BS sẽ giúp bệnh nhân thực hiện những thao tác sinh hoạt, lao động mà họ đã từng làm. Hoạt động trị liệu cho trẻ cũng thế. Toàn bộ đồ chơi ở đây đều là thứ cho trẻ bình thường, hiện chưa có ai sản xuất món riêng cho người khuyết tật. Qua những trò chơi mô phỏng các hoạt động đời thường, trẻ sẽ được tập để chơi như trẻ thường và hướng đến mục tiêu cuối cùng là bước vào đời như một người bình thường”.
 
Mày mò săn tìm, tự chế

Kỹ thuật viên Trần Thị Quyên có một quyển sổ ghi chép mang theo bên mình suốt gần 20 năm hoạt động trị liệu. Trong đó, chị ghi chép các chi tiết liên quan đến bệnh nhi, cách các em chơi và sáng tạo với đồ chơi, những dạng tật, dạng bệnh mới nào mà đồ chơi hiện tại chưa đáp ứng được… Từ đó, chị tự vẽ trong đầu mình những dạng đồ chơi cần thiết rồi đi lùng mua. Món nào không tìm được, chị lại mày mò tự chế.
“Có lần, tôi đề xuất mua một mớ ống nước nhựa dẻo đủ cỡ. Ai cũng ngạc nhiên. Mớ ống nước đó tôi cẩn thận đo đạc, cắt rồi uốn thành vòng, hơ lửa gắn lại. Nghe tôi nói làm đồ chơi, nhân viên ở đây ai cũng nhiệt tình giúp” - chị hào hứng. Mớ ống nước ấy bây giờ đã thành những chiếc vòng đủ màu sắc. Vòng lớn dùng cho các trò chơi tập thể, vòng nhỏ vừa tay và nhẹ để các bé có đôi tay yếu tập cầm nắm, thảy…
Trong các ngăn tủ, nằm xen lẫn với những món đồ chơi đắt tiền được sản xuất theo quy chuẩn là đầy ắp những thứ tự chế hoặc được cải tạo: Chiếc muỗng được quấn thêm vải, băng keo để bàn tay quặt quẹo của trẻ tàn tật dễ cầm hơn; chiếc túi mềm đựng đậu khô; quả banh len nhiều màu sắc… Với số lượng, chủng loại đa dạng, “kho tàng” của Đơn vị Hoạt động trị liệu có thể giúp trẻ thực hiện hầu hết bài tập mà các bệnh nhân cần phục hồi chức năng khác vẫn thực hiện với sự hỗ trợ của máy móc vật lý trị liệu.
 
img
Kỹ thuật viên Trần Thị Quyên tập cho trẻ vừa chơi vừa trị liệu

 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo