xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trở lại "sau cơn mê"

Bài và ảnh: ANH THƯ

Việc hòa nhập trở lại và phòng ngừa tái phát sau khi trải qua một đợt rối loạn tâm thần - tâm lý có suôn sẻ hay không, không chỉ phụ thuộc vào mỗi bệnh nhân

Đối với chị H.T.N.N (45 tuổi, TP HCM), công ty du lịch mà chị và 2 người bạn thân đang điều hành thực sự là chiếc phao cứu sinh. Vài năm trước, chị từng có vị trí cao trong một doanh nghiệp lớn, công việc nhàn hạ và thu nhập cao hơn bây giờ. Thế nhưng, sau một lần bệnh, cảm giác bị kỳ thị khiến chị quyết định "buông" để bảo vệ chính mình.

Hòa nhập: Không đơn giản

Chị N. chia sẻ câu chuyện trên một nhóm kín trong Facebook, nơi hội tụ những bà mẹ trẻ gặp rắc rối trong hôn nhân. Mười năm trước, chị sinh con thứ hai và mắc chứng trầm cảm sau sinh. Bệnh chuyển sang các triệu chứng hoang tưởng. Chị phải nhập viện tại Bệnh viện Tâm thần TP HCM suốt 1 tháng và điều trị tại nhà mất vài tháng.

Trở lại sau cơn mê - Ảnh 1.

Bác sĩ tâm thần tư vấn cho bệnh nhân tại Khoa Sức khỏe tâm trí Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM

Sau khi được bác sĩ xác nhận là đã ổn, chị đi làm lại để mong nguôi ngoai những nỗi buồn vì đó cũng là thời điểm chị mới ly hôn, đang kiện tụng giành quyền nuôi con. Theo quy định, công ty vẫn để chị làm vị trí cũ, mức lương cũ. Tuy nhiên, đó cũng là lúc chị nhận ra mọi người nhìn mình bằng ánh mắt khác. Không mấy ai tin tưởng dù chị vẫn làm rất tốt công việc.

"Vì tôi muốn chị được nghỉ ngơi thêm" - vị giám đốc đã giải thích như thế. Nhưng chị nói rằng chỉ muốn được đối xử như người bình thường. Điều đó cũng khiến các triệu chứng rối loạn lo âu, mất ngủ bắt đầu quay lại. Để tự cứu mình, chị quyết định nghỉ việc. Chị hùn vốn với 2 người bạn đã luôn bên chị những ngày ly hôn, bệnh tật để mở công ty riêng. Tuy vất vả nhưng công việc đã giúp tinh thần chị tốt lên nhiều. Chị cũng giành được quyền nuôi cả 2 con sau khi được xác nhận đã hoàn toàn khỏi chứng trầm cảm.

Tương tự, anh Ng.V.T (32 tuổi; chủ một quán cà phê ở quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết quyết định nghỉ công việc kỹ sư máy tính, ra lập nghiệp cũng vì "mỗi bác sĩ xác nhận không thôi chưa đủ". Anh cũng vướng phải sự "ưu tiên đặc biệt" trong công việc cũ sau khi điều trị chứng hoang tưởng bị theo dõi. Điều đó khiến anh hết sức căng thẳng. Bác sĩ khuyên anh nên đổi môi trường bởi căng thẳng có thể là điều kiện cho các vấn đề cũ dễ tái phát.

Cuộc sống bình thường cũng là thuốc

Theo các chuyên gia, nhiều người vẫn nghĩ "bệnh tâm thần" như một điều gì đó khủng khiếp, là hình ảnh một bệnh nhân điên loạn, gào thét và bị trói chặt. Nhưng không phải. Trầm cảm, hưng cảm, mất ngủ (rối loạn giấc ngủ), rối loạn lo âu, ám ảnh sợ hay tưởng mình bệnh này bệnh nọ, gặp ảo giác, hoang tưởng… đều là các rối loạn tâm thần.

ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP HCM, cho biết bệnh tâm thần cũng như mọi bệnh khác đều có thể phòng ngừa được; bao gồm ở người chưa bệnh, đề phòng tái phát ở người đã từng bệnh và được điều trị thành công.

Phòng ngừa dựa trên 2 nguyên tắc chính: loại trừ các sang chấn tâm lý và tạo môi trường lành mạnh. Trong gia đình cần tránh những mâu thuẫn, những xung đột giữa cha mẹ hoặc anh chị em. Giáo dục con đúng phương pháp, không quá nghiêm khắc hoặc quá chiều chuộng. Cần có thái độ quan tâm, an ủi, đối xử đúng mực với những người bị thất vọng, bị đau khổ. Trong cơ quan, cần tránh những mâu thuẫn, căng thẳng kéo dài, luôn xây dựng tình đoàn kết, giúp đỡ nhau.

Bác sĩ Quang nhấn mạnh: Với người mắc một rối loạn tâm thần - tâm lý nào đó, nhất thiết phải được điều trị kịp thời bởi bác sĩ chuyên khoa để tránh bệnh trầm trọng thêm hoặc phát triển thành mạn tính.

Điều trị ổn định rồi, bệnh nhân cần được tạo điều kiện để có việc làm phù hợp, được tham gia các hoạt động hằng ngày trong gia đình, chòm xóm. Không nên có thái độ khinh rẻ, coi thường người bệnh; giúp đỡ họ khi có yêu cầu nhằm loại trừ nguy cơ xảy ra các sang chấn tâm lý.

Có những người bệnh đã ổn có thể làm việc, sinh hoạt được nhưng vẫn cần dùng thuốc thường xuyên thì hãy giúp họ tuân thủ điều trị, khám định kỳ theo hẹn. Báo ngay cho bác sĩ những biểu hiện bất thường ở bệnh nhân để có những thay đổi kịp thời, khám lại hoặc điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp. Trường hợp nặng (có rối loạn hành vi tác phong, có triệu chứng loạn thần nặng như hoang tưởng, ảo giác, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát), cần đưa người bệnh đến ngay bệnh viện chuyên khoa.

Đôi khi, một cuộc sống bình thường và lành mạnh, cố tránh xa căng thẳng và các chất kích thích là đủ cho họ không bao giờ lỡ sa chân lần nữa vào "cơn mê". 

Sự kỳ thị là liều thuốc độc

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Bảo Ân - Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP HCM - nhận định gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… của những người từng mắc và điều trị bệnh tâm thần cần tạo cho họ một "môi trường hỗ trợ sự phục hồi" để ngăn chặn nguy cơ tái phát cũng như giúp họ hòa nhập lại với cuộc sống tốt hơn. Nếu lúc nào cũng thiếu tin tưởng hay lo sợ họ "phát điên" một lần nữa, bạn có thể vô tình gây ra cảm xúc tiêu cực cho người đó. Chính điều này làm tăng nguy cơ tái phát chứ không phải họ bỗng dưng tái phát. "Nên hiểu bệnh tâm thần cũng như mọi bệnh khác. Người khỏi bệnh tâm thần cũng như người đã khỏi bệnh cảm sốt, bệnh ung thư vì thế nên đối xử bình thường với họ khi họ đã khỏe mạnh" - ông khuyến cáo.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo