xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trực tuyến BHYT: Thanh toán 100% nếu tham gia 5 năm liên tục

N.Dung

(NLĐO) - Từ 1-1-2015, Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) sửa đổi sẽ có hiệu lực với nhiều điểm mới được quy định liên quan đến quyền lợi của hàng chục triệu người tham gia khám chữa bệnh BHYT. Báo Người Lao Động và Bộ Y tế vừa có buổi giao lưu trực tuyến về vấn đề này, mời bạn đọc theo dõi.

 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT lần này có nhiều  điểm mới quan trọng có tính đột phá mạnh mẽ, hội nhập quốc tế, mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT, đặc biệt là đối tượng người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại vùng biển đảo để tiến tới BHYT toàn dân.

 

uật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) đã được Quốc hội thông qua và sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015.

 

Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) việc sửa đổi bổ sung Luật lần này quan tâm nhiều đến quyền lợi của người tham gia BHYT, mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT và mức hưởng bảo hiểm y tế nhằm giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với một số đối tượng chính sách.

Trong đó bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ gia đình cận nghèo. Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.

Cũng theo quy định tại Luật BHYT, từ 1-1-2015 người bệnh khám ngoại trú sẽ không được cùng chi trả 30%. Thay vào đó các quyền lợi cho bệnh nhân khám chữa bệnh nội trú vượt tuyến sẽ được mở rộng hơn. Vậy những điểm mới liên quan đến quyền lợi người bệnh sẽ thay đổi như thế nào, từ 8h30 đến 10h30 Báo Người Lao Động và Bộ Y tế phối hợp tổ chức buổi giao lưu trực tuyến Luật Bảo hiểm y tế: Những đổi mới mạnh mẽ.

 

Khách mời chương trình gồm:

- Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế)

- Ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT- Bộ Y tế

- Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Chính sách Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

- TS Lê Đình Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, TP HCM.

- Ông Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Thống nhất TP HCM

- ThS Nguyễn Nhật Hải, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán Bệnh viện Chợ Rẫy.

 

Buổi giao lưu trực tuyến kết thúc lúc 11 giờ. Báo Người Lao Động những giải đáp của các chuyên gia đầu ngành y tế, đại diện các bệnh viện sẽ đem lại nhiều hữu ích cho người dân về việc khám chữa bệnh BHYT và Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi có hiệu lực từ 1-1-2015.

 

Trần Thị Lũy

  09:15 ngày 10/12/2014

Thưa các khách mời, năm 2015, mức thanh toán khi sử dụng kỹ thuật cao có thay đổi nào không ạ? Sự thay đổi này có nhiều lắm không?

TS Lê Đình Thanh

Mức thanh toán khi sử dụng kỹ thuật cao không có gì thay đổi, không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu.

Trần Văn Văn

  09:18 ngày 10/12/2014

Những bệnh nhân khi đi nước ngoài khám chữa bệnh sẽ được hưởng BHYT như thế nào?

Ông Phạm Lương Sơn

Chào bạn!

Thực tế thực hiện cho thấy có nhiều trường hợp ra nước ngoài điều trị nhưng không có kết quả lại trở lại điều trị tại cơ sở trong nước. Tình trạng người dân một số tỉnh biên giới phía Bắc sang Trung Quốc chữa trị rất khó kiểm soát, nhất là chữa trị tại các cơ sở đông y. Một số trường hợp có chi phí rất lớn nhưng chỉ được thanh toán lại một phần rất nhỏ, thủ tục phức tạp mà lại chỉ được thanh toán một phần rất nhỏ, gây hiểu lầm về chính sách.

Do đó Luật sửa đổi lần này quy định chỉ thanh toán khi khám chữa bệnh tại các cơ sở trong nước cho phù hợp với mức đóng và mức thanh toán theo quy định về giá dịch vụ y tế của Việt Nam hiện nay.

Hồ Ngọc Thạnh

  09:18 ngày 10/12/2014

Tôi ở quận Bình Tân, TP HCM. Tôi có lên phường mua BHYT cho cả nhà nhưng không cùng ngày. Tôi mua tháng 7, vợ tôi mua tháng 2, con tôi mua tháng 9, vậy gia đình tôi có giảm giá không? Phường bảo phải mua cùng ngày, tháng, năm mới được giảm giá, vậy có đúng không ?

TS Lê Đình Thanh

Theo luật BHYT cũ thì trường hợp này chưa được giảm giá. Tuy nhiên, theo luật mới áp dụng từ 1-1-2015, các thành viên trong cùng một hộ dù mua ở thời điểm khác nhau vẫn được giảm giá theo luật định. Người thứ 2 phải đóng 70%, người thứ 3 là 60%, người thứ 4 là 50%, từ người thứ 5 trở đi là 40% mức đóng của người thứ 1.

Trần Việt Vinh

  09:40 ngày 10/12/2014

Nhiều người cho rằng khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT vẫn nhiều thủ tục hành chính nên người dẫn vẫn ngại dùng thẻ BHYT mỗi khi đi khám bệnh? Quan điểm của BV về vấn đề này?

ThS Nguyễn Nhật Hải

Nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là bệnh viện đa khoa tỉnh. Nếu bạn muốn khám bệnh tại BV Chợ Rẫy vẫn được nhưng bạn phải có giấy chuyển tuyến, thẻ BHYT còn giá trị sử dụng và giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ thì bạn sẽ được hưởng chế độ BHYT theo quy định trên mã thẻ.

Trường hợp bạn không có giấy chuyển tuyến, nếu muốn khám tại BV Chợ Rẫy (trái tuyến) thì bạn cần mang theo thẻ BHYT còn giá trị sử dụng và giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ và bạn sẽ được hưởng chế độ BHYT là 30% chi phí trong danh mục BHYT.

Hiện nay, BV Chợ Rẫy đã và đang cải tiến quy trình khám bệnh giảm bớt thủ tục hành chính, có cả dịch vụ hẹn khám bệnh qua tổng đài 1080... nhằm giảm thiểu thời gian chờ đợi và tạo điều kiện thuận lợi cho người đến khám bệnh.

Tại BV Chợ Rẫy không có sự phân biệt người đi khám bệnh có sử dụng thẻ hay không sử dụng thẻ BHYT, bệnh viện luôn khuyến khích người đi khám bệnh sử dụng thẻ BHYT để được hưởng các quyền lợi của BHYT.

ly thi van thao

  09:40 ngày 10/12/2014

Theo quy định mới, nếu khám bệnh tổng quát ở BV Chợ Rẫy TP HCM, vậy tôi có được thanh toán lại một phần nào chi phí khám bệnh không? Nếu có, tôi được trừ ngay số tiền miễn giảm hay phải về BHXH địa phương để nhận lại. Rất mong BV giải đáp?

TS Lê Đình Thanh

Bạn sẽ được thanh toán một phần chi phí khám chữa bệnh theo chính sách BHYT hiện hành, thanh toán tại chỗ chứ không phải về BHXH địa phương.

Nguyễn Quang Huy

  09:41 ngày 10/12/2014

Làm thế nào để có thể thực hiện BHYT bắt buộc toàn dân bởi theo tôi biết, đến thời điểm này mới có 70% người dân tham gia BHYT? Đây có phải là bài toán khó với ngành y tế và cơ quan bảo hiểm hay không?

Ông Lê Văn Khảm

Cho đến thời điểm hiện tại, còn gần 30% số người chưa tham gia BHYT. Đây là một thách thức đối với mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân. Đây cũng chính là một trong các lý do mà Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT để khắc phục tình trạng này, nhằm sớm đạt được mục tiêu BHYT toàn dân.

- Để có thể thực hiện BHYT bắt buộc toàn dân, công việc cần làm trước tiên là phải tăng cường công tác tuyên truyền những điểm mới của Luật, những quyền lợi ưu việt hơn khi người dân tham gia BHYT (hỗ trợ người nghèo, cận nghèo tham gia BHYT, bỏ cùng chi trả giúp người bệnh không bị rơi vào người nghèo...). Mục tiêu là để người dân thấy được vai trò và ý nghĩa của tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh, coi BHYT là giải pháp tài chính bền vững cho chính sách chăm sóc sức khoẻ. Những nội dung mới của Luật chính là thể chế hoá các nội dung của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020” và  Đề án “Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020”.…

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể và cộng đồng (doanh nghiệp, các nhà hảo tâm…) để vận động, huy động tham gia BHYT, thực hiện BHYT theo hộ gia đình.

- Nâng cao trách nhiệm thực hiện chính sách BHYT của chính quyền các địa phương từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh với nhiệm vụ phổ biến tuyên truyền pháp luật, huy động các nguồn lực để hỗ trợ người tham gia BHYT là người cận nghèo, người có thu nhập trung bình, đồng thời với việc quản lý, lập danh sách đối tượng tham gia BHYT theo quy định của Luật.

- Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tất cả các tuyến y tế, bao gồm cả việc cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

- Xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực BHYT như trường hợp trốn đóng BHYT, lạm dụng quỹ BHYT theo quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và các quy định khác của pháp luật.

-  Tăng cường sự phối hợp liên ngành (Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH, Tổng Liên đoàn LĐVN, MTTQ…) để đẩy mạnh công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHYT.

Phạm Thị Bích Hằng

  09:43 ngày 10/12/2014

Tôi bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu gần 13 năm nay. Phải theo dõi thường xuyên trên BV Chợ Rẫy. Nhà tôi ở Đồng Nai, nên mỗi khi qua năm mới tôi đều phải xin giấy chuyển viện từ BV 7B đền BV Đồng Nai, từ BV Đồng Nai đến Chợ Rẫy. Vừa rồi, do tố chất công việc tôi không sắp xếp lên BV tái khám như lịch hẹn của BS (trễ 2 tháng) và tôi phải chịu chi phí khám chữa bệnh trái tuyến. Vậy cho hỏi luật sữa đổi có giải quyết cho những trường hợp tái khám trễ ngày so với dự kiến không? Bản thân là một người bệnh, chúng tôi đã là gánh năng cho gia đình. Chúng tôi cũng phải lao động đễ gánh vác phần nào chi phí. Trân trọng!

TS Lê Đình Thanh

Đây là một bệnh lý mãn tính, giấy chuyển viện có giá trị trong vòng 1 năm, do đó việc trễ 2 tháng nhưng vẫn trong năm tài chính thì không ảnh hưởng gì. Bạn có thể xem thời hạn của giấy chuyển viện trên giấy và xin cấp giấy mới nếu hết thời hạn ghi trên đó.

Nguyễn Lý Do

  09:44 ngày 10/12/2014

Làm thế nào để được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu bằng thẻ BHYT tại BV Chợ Rẫy?

TS Lê Đình Thanh

BV Chợ Rẫy là BV hạng đặc biệt của tuyến trung ương, chủ yếu tiếp nhận các bệnh nhân tuyến 2 được chuyển từ các BV tuyến trước tới. Hiện nay BV Chợ Rẫy chưa nhận đăng ký khám chữa bệnh ban đầu cho người có thẻ BHYT. Bạn có thể liên hệ BHXH quận, huyện hoặc BHXH TP HCM để được tư vấn và tham khảo danh sách các BV có tiếp nhận khám chữa bệnh ban đầu.

Nguyễn Văn Tín

  09:44 ngày 10/12/2014

Tôi tham gia BHYT đã nhiều năm nay. Xin ông cho biết người tham gia BHYT 5 năm trở lên như tôi, quyền lợi có khác gì so với người bắt đầu tham gia BHYT?

Ông Phạm Lương Sơn

Nhằm khuyến khích người dân tham gia BHYT ổn định, liên tục và đảm bảo thực hiện nguyên tắc đóng – hưởng và công bằng hơn khi tham gia BHYT, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung đã quy định: Khi người tham gia bảo hiểm y tế đủ 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh từ thời điểm đủ 5 năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho đến hết năm tài chính, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến.

Minh Hoàng

  09:45 ngày 10/12/2014

Xin ông cho biết quy định về tham gia BHYT hộ gia đình? Trường hợp tham gia BHYT hộ gia đình có được ưu tiên gì không?

Ông Phạm Lương Sơn

Tham gia BHYT theo hộ gia đình là quy định mới của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung vừa được QH thông qua. Theo đó, bắt buộc toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú cùng tham gia thẻ BHYT. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng “lựa chọn ngược” – một hiện tượng phổ biến trước khi luật này được ban hành , tức là chi khi ốm và chỉ những người ốm trong hộ mới tham gia BHYT;

Để khuyến khích người dân tham gia BHYT  theo hộ gia đình, luật đã quy định ưu tiên giảm trừ mức đóng BHYT từ thành viên thứ hai trở đi khi tất cả thành viên thuộc hộ gia đình tham gia BHYT, cụ thể hiện nay thực hiện như sau:

- Người thứ nhất có mức đóng = 4,5% mức lương cơ sở;

- Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;

- Từ người thứ năm trở đi đóng chỉ còn bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Đối với hộ gia đình làm nông – lâm – ngư – diêm nghiệp có mức sống trung bình được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%  mức đóng BHYT.

Mai Hương

  09:46 ngày 10/12/2014

Xin ông cho biết mức phí đóng BHYT trong năm 2015? Những đối tượng nào được hỗ trợ phí đóng BHYT? Khi ra nước ngoài khám chữa bệnh, người có thẻ BHYT có được quỹ BHYT có hỗ trợ thanh toán không?

Ông Phạm Lương Sơn

Từ ngày 1-1-2015: Mức đóng BHYT giữ nguyên 4,5% như quy định tại Điều 2 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP. Điều chỉnh mức đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở và thực hiện từ 1-1-2015. Tuy nhiên, mức đóng này thực tế sẽ được thực hiện từ năm học 2015-2016 vì Chính phủ quy định không truy đóng BHYT của năm học 2014 - 2015.

* Về đối tượng được ngân sách hỗ trợ một phần mức đóng bao:

BHYT là một trong những chính sách an sinh xã hội lớn của Đảng và nhà nước ta. Do vậy, ngoài những đối tượng thuộc diện chính sách ưu đãi xã hội như người có công, người nghèo, người DTTS, người hiện đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo, các vùng có điều kiệnKTXH đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi….được NSNN mua thẻ BHYT thì còn nhiều nhóm đối tượng được NSNN hỗ trợ một phần mức phí BHYT như:

- Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo, thời gian hỗ trợ 05 năm sau khi thoát nghèo.

- Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo quy định của Chính phủ;

- Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo còn lại.

+ Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng học sinh, sinh viên

+ Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

+ Ngoài ra, tùy theo khả năng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính  hợp pháp khác, kể cả 20% số kinh phí kết dư quỹ KCB BHYT (nếu có), Nhà nước khuyến khích các địa phương tăng mức  hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các  nhóm đối tượng này.

* Một trong những điểm mới của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung là không thanh toán chi phí KCB khi người có thẻ BHYT ra nước ngoài khám bệnh, chữa bệnh. Quy định này nhằm đảm bảo sự công bằng hơn về quyền lợi BHYT, tránh sự lạm dụng và khuyến khích phát triển công nghê y tế hiện đại ở trong nước.

Quỳnh Hoa

  09:46 ngày 10/12/2014

Khái niệm hộ gia đình trong Luật BHYT sửa đổi là khá mới mẻ, xin ông giải thích rõ về khái niệm này?

Ông Lê Văn Khảm

Luật BHYT quy định hộ gia đình tham gia BHYT bao gồm toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu, hoặc sổ tạm trú. Luật cũng xác định 5 nhóm đối tượng tham gia BHYT gồm nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, nhóm do tổ chức BHXH đóng, nhóm do ngân sách Nhà nước đóng, nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng và nhóm thứ 5 là nhóm tham gia theo hộ gia đình. Nghĩa là những người tham gia theo BHYT hộ gia đình không bao gồm (trừ) các đối tượng thuộc 4 nhóm trên. Và khi tham gia BHYT, yêu cầu tất cả thành viên hộ gia đình đều phải tham gia.

Lê Thị Hóa

  10:15 ngày 10/12/2014

Mấy năm nay, tôi đăng ký BHYT trên công ty ở BV Quận 3, TP HCM. Năm ngoái, tôi xin chuyển bệnh viện có trong danh sách được phép. Tuy nhiên, BV lớn hay tuyến trên nào tôi xin chuyển cũng đã dư người đăng ký, không nhận. Muốn đăng ký vào BV Chợ Rẫy, Nguyễn Trãi hoặc Nguyễn Tri Phương, tôi phải làm sao?

TS Lê Đình Thanh

Bạn có thể liên hệ BHXH quận hoặc BHXH TP HCM để được hướng dẫn chi tiết và tham khảo danh sách các bệnh viện vẫn còn suất tiếp nhận khám chữa bệnh ban đầu.

Lê Thị Gấm

  10:15 ngày 10/12/2014

Với trẻ dưới 6 tuổi khi đi khám bệnh bằng thẻ BHYT có cần mang theo giấy tờ gì khác ngoài thẻ BHYT hay không?

Ông Phạm Lương Sơn

Trẻ em dưới 6 tuổi khi đi khám bệnh, chữa bệnh thì chỉ phải xuất trình thẻ BHYT mà không quy định thêm các giấy tờ nào khác. Trường hợp chưa có thẻ BHYT thì xuất trình giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh; trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở y tế và cha (hoặc mẹ) hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để thanh toán với bảo hiểm xã hội và chịu trách nhiệm về việc xác nhận này.

nguyễn Hùng

  10:16 ngày 10/12/2014

Thưa TS Lê Đình Thanh, tôi đã tham gia bảo hiểm trên 5 năm. Vậy lúc tôi đi khám bệnh có cần đem 5 thẻ bảo hiểm cũ theo để chứng minh là mình có tham gia bao hiểm trên 5 năm không?

TS Lê Đình Thanh

Chào bạn!

Dưới góc độ của BV Thống Nhất, nếu bạn đã sử dụng BHYT và đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại BV chúng tôi 5 năm liên tục thì khi đi khám bệnh không cần mang theo các thẻ cũ vì thông tin của bạn đã được lưu trữ tại phần mềm quản lý của BV.

Nếu trong quá trình tham gia BHYT, bạn đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở nhiều nơi khác nhau thì hiện nay chưa có các phần mềm quản lý hoặc giải pháp nhận biết bạn đã tham gia BHYT 5 năm liên tục nên khi đi khám, chữa bệnh, bạn nên mang theo các bản photocopy thẻ bảo hiểm cũ hoặc giấy tờ xác nhận của BHXH về việc bạn đã tham gia BHYT 5 năm liên tục. Hy vọng trong thời gian tới, BHXH có phần mềm quản lý hoặc có biện pháp thể hiện trên thẻ số năm tham gia BHYT thì việc chứng minh thời gian tham gia BHYT sẽ thuận tiện hơn.

Lê Văn Quyết

  10:16 ngày 10/12/2014

Người khám bệnh BHYT vẫn cho rằng còn bị hành với một số thủ tục hành chính rắc rối. Chẳng hạn theo quy định là bệnh viện phải thực hiện photo các giấy tờ liên quan như thẻ BHYT, CMND của bệnh nhân. Thế nhưng ngược lại tại sao bắt bệnh nhân phải làm những việc này?

Ông Phạm Lương Sơn

Để giảm bớt phiền hà cho người bệnh, trong Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện BHYT sẽ quy định cụ thể: Cơ sở y tế, tổ chức Bảo hiểm xã hội không được quy định thêm thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh BHYT, ngoài các thủ tục quy định. Trường hợp cơ sở y tế hoặc tổ chức Bảo hiểm xã hội cần phải sao chụp thẻ BHYT, giấy chuyển viện, các giấy tờ liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh để phục vụ cho công tác quản lý thì cơ sở y tế hoặc tổ chức Bảo hiểm xã hội phải tự sao chụp và không được yêu cầu người bệnh sao chụp hoặc phải chi trả cho chi phí này.

Để nâng cao tính khả thi của những quy định nay, một mặt cơ quan BHXH sẽ tăng cường hơn nữa trách nhiệm để bảo vệ quyền lợi người bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh cũng phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan BHXH, cung cấp thông tin để kịp thời có hướng xử lý

hua van minh

  10:16 ngày 10/12/2014

Xin cho tôi hỏi theo luật BHYT mới, cán bộ hưu trí có được miễn đóng 5% phí khám chữa bệnh không?

Ông Phạm Lương Sơn

Theo quy định mới của Luật BHYT sửa đổi bổ sung cán bộ hưu trí là đối tượng được nâng mức hưởng từ 95% lên 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi. Đối với những người có giấy tờ xác nhận là người có công sẽ được chuyển đổi quyền lợi lên mức hưởng cao hơn.

Lê Trần Trung Nam

  10:23 ngày 10/12/2014

Thưa ông Sơn, việc đưa luật BHYT mới vào áp dụng từ ngày 1-1-2015 liệu có giải quyết được những vấn đề muôn thuở của BHYT không? (nhân viên y tế khám chữa bệnh luôn có thái độ phân biệt giữa BHYT và khám dịch vụ, chất lượng thuốc BHYT thấp...). Và liệu chúng ta có thể làm gì để đảm bảo quyền lợi cho những người tham gia BHYT? Vì thực tế rất nhiều người tham gia BHYT nhưng có tâm lý "thà bán trâu chữa bệnh còn hơn đợi lâu BHYT".

Ông Phạm Lương Sơn

Cần có một cái nhìn khách quan hơn về vấn đề này. Theo tôi được biết, người dân đã quan tâm nhiều hơn tới việc cần có BHYT khi đi khám chữa bệnh vì thực sự BHYT giúp họ tránh được những rủi ro về mặt tài chính khi đi khám chữa bệnh.

Các bác sĩ cũng thường xuyên tư vấn và khuyên người bệnh của mình sử dụng thẻ BHYT. Một số ít trường hợp muốn thụ hưởng những quyền lợi cao hơn, muốn tránh những thủ tục hành chính đáng lẽ phải thực hiện theo quy định nên chưa muốn dùng thẻ BHYT ngay khi đi khám chữa bệnh nhưng sau đó lại đòi hỏi cơ quan bảo hiểm chi trả như đối với những người đúng tuyến.

Vấn đề này cần phải được khắc phục bằng cả sự đồng lòng và phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở khám chữa bệnh và tổ chức bảo hiểm. Bên cạnh đó các nhà hoạch định chính sách cũng đang khẩn trương xúc tiến xây dựng loại hình BHYT bổ sung để đáp ứng nhu cầu điều trị và thụ hưởng những dịch vụ y tế cao hơn cho một số đối tượng có thu nhập cao trong xã hội đồng thời xây dựng gói dịch vụ cơ bản để đảm bảo tính công bằng trong cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh BHYT.

Lê Duy Khôi

  10:24 ngày 10/12/2014

Kính chào quý báo và các chuyên gia! Nhà tôi có 2,3 hộ khẩu tách riêng. Người đi làm thì đóng BHYT tại cơ quan, cháu nhỏ đóng BHYT + BHTN tại trường. Người ở nhà đóng BHYT tự nguyện tại các địa phương và bệnh viện khác nhau. Phải minh chứng như thế nào cho thứ tự các người đóng BHYT tự nguyện. Chân thành cám ơn!

Ông Phạm Lương Sơn

Quy định mới của Luật là phải bắt buộc tham gia BHYT và tham gia theo hình thức hộ gia đình đối với những người chưa tham gia ở các đối tượng bắt buộc khác. Đây là vấn đề mang tính kỹ thuật khi tổ chức thực hiện và cơ quan BHXH đã có giải pháp, mong rằng sẽ nhận được sự hợp tác tích cực của bạn trong việc kê khai để được hưởng những chính sách ưu tiên với người tham gia theo hình thức hộ gia đình.

phung binh

  10:43 ngày 10/12/2014

Tôi mua BHYT tai phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú 3 năm liên tiếp, đến năm thứ 4 tôi mua trễ 2 ngày do quên. Bên bán nói giấy BHYT của tôi không được tính liên tục mà phải tính từ đầu như người mới mua BHYT lần đầu. Xin hỏi bên bán giải thích như vậy có đúng không?

Ông Phạm Lương Sơn

Luật BHYT sửa đổi bổ sung đã có những quy định để khắc phục vấn đề bất cập này. Theo đó sẽ quy định thời gian cụ thể giữa 2 lần mua thẻ BHYT mà không bị coi là gián đoạn và vẫn được tính là tham gia BHYT liên tục. Bạn có thể tìm hiểu chi tiết trong quy định của Luật BHYT và Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật BHYT sắp ban hành.

Tran David

  10:56 ngày 10/12/2014

Xin chào! Tôi là Việt kiều đang tạm trú tại Việt Nam. Vợ và con tôi quốc tịch Việt Nam và có mua BHYT tự nguyện. Tôi có quyền mua BHYT hay không? Thủ tục thế nào? Cảm ơn.

Ông Phạm Lương Sơn

Nếu bạn tạm trú dài hạn ở Việt Nam theo quy định cảu Luật cư trú bạn cũng sẽ được tham gia BHYT. Khi đó bạn liên hệ với đại lý BHYT xã phường gần nơi cư trú hoặc lên thẳng cơ quan BHXH cấp huyện để được hướng dẫn chi tiết.

Trương Bảo Huê

  10:56 ngày 10/12/2014

Tôi mua bảo hiểm của bệnh viện X tại tỉnh A, nhưng tôi đi đến tỉnh B thì bị bệnh và điều trị tại bệnh viện Y. Vậy tôi có được bảo hiểm thanh toán không?

Ông Phạm Lương Sơn

Trong trường hợp này nếu bạn vào viện trong tình trạng cấp cứu sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi theo phạm vi mức hưởng được quy định trong luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện và chỉ phải xuất trình thẻ BHYT trước khi ra viện.

Nếu trong trường hợp bạn đang đi công tác thì cần phải vào khám bệnh tại một cơ sở y tế tương đương hạng BV với cơ sở y tế nơi bạn đăng ký ban đầu ghi trên thẻ và sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định. Nếu bạn không rơi vào 2 trường hợp trên mà tự đi khám chữa bệnh cũng sẽ được quỹ BHYT chi trả một phần viện phí như đối với những người vượt tuyến, trái tuyến. Cụ thể: Nếu khám chữa bệnh ở tuyến trung ương sẽ được trả 40% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi quyền lợi được hưởng; tuyến tỉnh là 60%. Tuy nhiên cần lưu ý rằng khám chữa bệnh ngoại trú ở tuyến trung ương và tuyến tỉnh sẽ không được quỹ BHYT chi trả. Khám chữa bệnh ở BV tuyến huyện vẫn thực hiện như quy định trước đây.

Nguyễn Thị Thu Giang

  10:56 ngày 10/12/2014

Tôi đã ngoài 60 tuổi, hiện đang mắc một số bệnh mãn tính của người già. Tôi hiện đăng ký BHYT tại BV quận Phú Nhuận, tuy nhiên việc khám BHYT thường mất nhiều thời gian do tôi mắc nhiều bệnh một lúc. Tôi nghe nói BV Thống Nhất và BV Nhân dân Gia Định có đơn vị lão khoa dành cho những người già mắc nhiều bệnh như tôi, vậy tôi có thể xin chuyển nơi đăng ký khám bệnh qua một trong 2 BV này không? Thủ tục thế nào, có cần giấy khám sức khỏe không? Khám lão khoa nghĩa là tôi sẽ được khám các loại bệnh người già cũng một lúc, không cần mất nhiều thời giờ đi đến từng chuyên khoa phải không?

TS Lê Đình Thanh

Chào bác,

Bác đang có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại BV quận Phú Nhuận, vậy bác có thể xin giấy chuyển tuyến tại BV này lên BV Thống Nhất để được khám và điều trị tại đây. Trường hợp bị các bệnh mãn tính như của bác, giấy chuyển tuyến có giá trị trong vòng 1 năm.

Bệnh viện Thống nhất là BV tuyến 1, trực thuộc Bộ y tế, nhận nhiệm vụ khám chữa bệnh cho các đối tượng cán bộ trung - cao cấp. BV đã xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đào tạo nhân lực, đủ khả năng nhận điều trị cho mọi đối tượng. Nhằm hỗ trợ giảm tải cho các BV trong khu vực TP HCM, được sự cho phép của Bộ Y tế, Ban Bảo vệ Sức khoẻ Trung ương, BHXH Việt Nam, BHXH TP HCM, BV Thống Nhất đã mở rộng đối tượng đăng ký khám chữa bệnh ban đầu theo quy định của BHXH TP HCM. Do vậy, bác có thể liên hệ BHXH quận huyện hoặc BHXH TP HCM để chuyển nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu về BV Thống Nhất.

Thế mạnh của BV Thống Nhất là điều trị các bệnh lão khoa nên chúng tôi có quy trình riêng giúp việc khám và điều trị được thuận tiện, hợp lý đối với những bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh mãn tính, đa bệnh lý...

Ngọc Anh

  10:56 ngày 10/12/2014

Tôi đang mua BHYT tự nguyện, đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu là BV quận Tân Phú. Nay tôi chuyển nhà đến khu vực đường CMT8, quận Tân Bình nên muốn chuyển BHYT đến BV tuyến trên gần đó là BV Thống Nhất nhưng chưa được. Như vậy, nếu tôi tự vượt tuyến đến BV tuyến trên khám bệnh (do bệnh của tôi khá nặng, BV tuyến quận huyện điều trị không hiệu quả) thì có được BHYT thanh toán phần nào không?

TS Lê Đình Thanh

Bệnh viện Thống nhất là BV tuyến 1, trực thuộc Bộ y tế, nhận nhiệm vụ khám chữa bệnh cho các đối tượng cán bộ trung - cao cấp. BV đã xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đào tạo nhân lực, đủ khả năng nhận điều trị cho mọi đối tượng. Nhằm hỗ trợ giảm tải cho các BV trong khu vực TP HCM, được sự cho phép của Bộ Y tế, Ban Bảo vệ Sức khoẻ Trung ương, BHXH Việt Nam, BHXH TP HCM, BV Thống Nhất đã mở rộng đối tượng đăng ký khám chữa bệnh ban đầu theo quy định của BHXH TP HCM. Do vậy, bạn có thể liên hệ BHXH quận huyện hoặc BHXH TP HCM để chuyển nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu về BV Thống Nhất.

Trường hợp không đăng ký hoặc không có giấy chuyển tuyến thì sẽ giải quyết theo chế độ khám chữa bệnh trái tuyến, bệnh nhân sẽ được hưởng theo quy định của BHYT là 30% (theo luật chưa sửa đổi).

minh duc

  10:56 ngày 10/12/2014

Xin cho biết cụ thể bệnh lý mãn tính là những bệnh nào? Xin cảm ơn.

Ông Phạm Lương Sơn

Vấn đề này đã được Bộ Y tế quy định tại phụ lục kèm theo thông tư số 37 về việc đăng ký ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT. Theo đó hơn 40 bệnh được xếp vào diện bệnh mãn tính cần điều trị dài ngày và được sử dụng giấy giới thiệu kéo dài đến hết năm tài chính. Danh mục này được xây dựng căn cứ vào ý kiến của các nhà chuyên môn đầu ngành trong từng lĩnh vực để đảm bảo quyền lợi và giảm phiền hà cho người tham gia BHYT.

Văn Danh Thành

  11:10 ngày 10/12/2014

Thưa đại diện Bộ Y tế, những tiêu chí nào để lựa chọn thuốc đưa vào danh mục BHYT chi trả?

Bà Tống Thị Song Hương

Việc xây dựng danh mục thuốc dựa trên nguyên tắc: Phù hợp, thúc đẩy chính sách sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; đáp ứng nhu cầu điều trị, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và khả năng chi trả của quỹ BHYT, đảm bảo công khai minh bạch. Đồng thời kế thừa danh mục thuốc theo quy định hiện hành để tránh xáo trộn khi tổ chức thực hiện.

Để đảm bảo việc lựa chọn thuốc phù hợp, Bộ Y tế đã xây dựng danh mục dựa trên các tiêu chí như sau:

- Thuốc có trong Danh mục thuốc thiết yếu của Việt Nam hoặc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

- Thuốc được cấp số đăng ký lưu hành 5 năm tại Việt Nam

- Đối với thuốc có số đăng ký dưới 5 năm, thuốc nhập khẩu, thuốc có ít số đăng ký lưu hành thì được xem xét lựa chọn các thuốc cần thiết cho nhu cầu điều trị.

- Thuốc có chỉ định điều trị bệnh rõ ràng, ưu tiên những thuốc đã được lựa chọn trong các hướng dẫn điều trị quốc gia hoặc quốc tế đang được áp dụng rộng rãi trong thực hành lâm sàng (thuốc có trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế).

- Với thuốc đa chất: Sử dụng nguyên tắc có hoạt chất đơn chất trong Danh mục (trừ nhóm thuốc vitamin). Khi lựa chọn thì ghi cụ thể các hoạt chất có trong thành phần.

- Đối với thuốc vitamin, sắt và vitamin, vitamin và khoáng chất thì ưu tiên lựa chọn các vitamin theo tên đơn chất; các thuốc đa chất thì ưu tiên lựa chọn các thuốc ở dạng phối hợp truyền thống với tác dụng điều trị bệnh như canxi + vitamin D; Sắt + acid folic; vitamin B1 + B6 + B12, Magne + vitamin B6...

- Đối với thuốc ung thư: Kết hợp giữa các hóa chất điều trị ung thư truyền thống (thuốc độc tế bào) và các thuốc điều trị ung thư nhắm đích và kháng thể đơn dòng, lựa chọn trên cơ sở tính toán chi phí - hiệu quả điều trị và phù hợp với yêu cầu về năng lực kỹ thuật, xét nghiệm của các tuyến điều trị.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn thuốc cũng được cân nhắc đến giá thành và khả năng chi trả của quỹ BHYT.

Lê Viên Thư

  11:10 ngày 10/12/2014

Việc phát hành thẻ BHYT có gì mới hơn từ năm 2015 để thuận tiện cho người sử dụng bởi với thẻ BHYT đang sử dụng hành hiện nay, khi đi khám bệnh, mỗi người phải có CMND đi kèm thẻ BHYT để chứng minh “tôi chính là người trong thẻ”.

Ông Phạm Lương Sơn

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tích cực để phát hành thẻ BHYT điện tử theo lộ trình do Chính phủ quy định. Khi đó người bệnh chỉ cần xuất trình thẻ BHYT là đã có đầy đủ thông tin để xác nhận nhân thân trong suốt quá trình điều trị. Trong thời gian trước mắt, do thẻ BHYT chưa có ảnh nên người bệnh vẫn cần phải xuất trình kèm theo một giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ để chứng minh nhân thân. Đây là thủ tục cần thiết để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT. Cũng giống như việc khi bạn đi máy bay thì ngoài vé đã mua cần xuất trình hộ chiếu, CMND hoặc 1 giấy tờ tùy thân nào đó.

Phạm Thị Thanh Hương

  11:10 ngày 10/12/2014

Tôi đã tham gia mua BHYT tại Bệnh viện 115 liên tục từ năm 1995 đến nay. Đến tháng 6-2015, tôi đủ tuổi nghỉ hưu (55 tuổi). Xin hỏi, vậy tôi có được tiếp tục mua BHYT ở BV 115 nữa hay không? Nếu được, tôi cần phải làm những thủ tục gì? Ở đâu?

Ông Phạm Lương Sơn

Việc đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là quyền của người tham gia BHYT. Theo đó, bác được lựa chọn cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã gần nơi cư trú hoặc nơi công tác để đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Trường hợp đăng ký ở bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương, sở y tế sẽ chủ trì, phối hợp với BHXH thành phố để có những quy định cụ thể, phù hợp với thực tiễn của địa phương và theo đúng quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 37.

Nguyễn thi Lê giang

  11:10 ngày 10/12/2014

Tôi xin hỏi. 1/ Em tôi đặt sten tại BV Nhân dân Gia định, nhà tôi ở quận 1, TP HCM, thẻ BHYT thuộc quận 1. Nhưng năm 2014, cứ 2 tháng BV Nhân dân Gia Định bắt làm giấy chuyển viện. Trong khi đó, qua 1 người quen phụ trách BHYT của 1 bệnh viện lớn, tôi được hay trường hợp em tôi không phải xin giấy chuyển viện mà chỉ cần xin 1 lần vào đầu năm mới. Xin hỏi BV làm như vậy có đúng hay không? 2/ Thái độ của bác sĩ khi chúng tôi xin chuyển viện có những câu nói làm chúng tôi không được vui. 3/ 3 chị em chúng tôi cùng tham gia BHYT số tiền cụ thể chúng tôi phải đóng là bao nhiêu? Chúng tôi tham gia BHYT nhiều năm nay. Xin cám ơn!

Ông Phạm Lương Sơn

Để được hưởng BHYT mà chỉ cần xin giấy chuyển viện 1 lần trong 1 năm dương lịch thì bệnh không may mắc phải của anh/chị phải là những bệnh mãn tính cần điều trị dài ngày theo quy định của Bộ Y tế.

Với những trường hợp còn lại bác sĩ BV có thể hẹn khám lại nhưng giấy hẹn khám lại chỉ có giá trị sử dụng 1 lần sau đó theo hẹn của bác sĩ.

Lâm Tuấn Kiệt

  11:10 ngày 10/12/2014

Kính gửi các chuyên gia! Khi đi khám chữa bệnh thì người lao động phải đóng 20% trên phí khám chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện tại, có điều chưa hợp lý là: Như tôi khi đi khám chữa bệnh, phí khám dưới 100.000 đồng thì miễn đóng, còn trên 100.000 đồng là 110.000 đồng thì lại đóng 22.000 ( 20% của 110.000 đồng). Nên chăng BHYT quy định chỉ đóng 20% của phần còn lại sau khi trừ đi 100.000 đồng đầu tiên được miễn giảm? Rất mong các vị xem xét.

Ông Phạm Lương Sơn

Cám ơn bạn về những đóng góp rất thiết thực cho việc xây dựng chính sách. Chúng tôi sẽ nghiêm túc nghiên cứu. Tuy nhiên, chưa thể đưa ra những quy định để thỏa mãn hết tất cả những tình huống đạt ra trong thực tế cuộc sống. Chúng ta sẽ cùng nhau từng bước hoàn thiện.

lâm thị kháng

  11:11 ngày 10/12/2014

BHYT của thân nhân sĩ quan có được đăng ký khám chữa bệnh tại trạm y tế xã không? Nếu đơn vị đã đăng ký khám chữa bệnh tại BV huyện thì gia đình có thể xin BHYT huyện thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu về y tế xã được không ?

Ông Phạm Lương Sơn

Bạn hoàn toàn có thể lựa chọn đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã nơi bạn cư trú. Vào tháng đầu mỗi quý, bạn đến cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc thông qua đại lý, tổ dân phố để yêu cầu được chuyển đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu theo lựa chọn của bạn.

Phong Trần

  11:13 ngày 10/12/2014

Hai vợ chồng tôi ở cùng phường nhưng khác hộ khẩu, vậy khi mua bảo hiểm có đươc giảm tiền không?

Ông Phạm Lương Sơn

Theo quy định hộ gia đình là những người có cùng tên trong sổ hộ khẩu. Vì vậy, nếu khác hộ khẩu, vợ chồng bạn sẽ không được hưởng chế độ ưu đãi trong việc giảm trừ mức đóng BHYT.

Lê thị thu hồng

  11:13 ngày 10/12/2014

Thưa ông Phạm Lương Sơn! Tôi bị ung thư phổi đã hóa trị tại BV nhà nước. Nay các bác sĩ cho tôi chuyển sang uống thuốc NHẮM TRÚNG ĐÍCH .Vậy tôi có được điều trị cho đến khi hết bệnh không? (Tôi đã tham gia BHYT tự nguyện liên tục hơn 5 năm - phát hiện và điều trị bệnh khoảng 2 năm nay). Xin cám ơn!

Ông Phạm Lương Sơn

Về nguyên tắc không ai có quyền dừng quá trình điều trị khi người bệnh chưa hết bệnh. Vấn đề là thuốc trúng đích đó mà bạn hỏi có nằm trong danh mục được BHYT thanh toán hay không và bạn có đảm bảo các điều kiện để được thanh toán thuốc này hay không.

 

Trần Văn Trung

  11:13 ngày 10/12/2014

Tôi đang sử dung BHYT tự nguyện khi đi khám, tôi thấy so với các bệnh nhân dịch vụ thì khám BHYT nhiều công đoạn, giấy tờ hơn và mất thời gian hơn nhiều? Điều đó là do cách sắp xếp của BV hay thủ tục BHYT là như vậy? Sắp tới, các cấp có cải tiến nào mới để người khám BHYT bớt khổ vì thủ tục?

ThS Nguyễn Nhật Hải

Theo quy định BHYT, nếu đi khám bệnh sử dụng thẻ BHYT thì bạn phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh, trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình thẻ BHYT cùng giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ và giấy chuyển tuyến (nếu có). Bệnh viện phải kiểm tra các thông tin hành chính trên thẻ và giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ, giấy chuyển tuyến. Còn đi khám theo yêu cầu thì không cần những thủ tục trên.

Hiện nay, tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã và đang cải tiến quy trình khám bệnh ngoại trú,  trang bị mới các máy đọc thẻ BHYT theo mã. Người đi khám bệnh không phải photo thẻ BHYT, giấy chuyển tuyến như trước đây. Quy trình cải tiến này đã giảm được thời gian chờ đợi, bớt phiền hà cho người đi khám bệnh.

Lê Hải

  11:14 ngày 10/12/2014

Tôi đi khám bệnh bằng BHYT mà BS cho toa bắt ra ngoài mua thuốc. Thuốc đơn giản mà bệnh viện cũng không có, tôi rất bức xúc. Xin cho biết luật bảo hiểm mới có quy định điều này không?

Bà Tống Thị Song Hương

Theo quy định hiện nay, Danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT đang có khoảng 945 hoạt chất và 1.043 thuốc. Như vậy, số thuốc này có thể đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Vấn đề của bạn hỏi chúng tôi cũng chưa có đầy đủ thông tin để trả lời vì theo nguyên tắc, Quỹ BHYT chỉ thanh toán những thuốc có trong danh mục quy định.

Quỳnh Nga,

  11:14 ngày 10/12/2014

Theo quy định mới người bệnh khám ngoại trú sẽ không được cùng chi trả 30% trong khi đó điều kiện về y tế hiện nay không thể tránh được tình trạng vượt tuyến. Vậy ngành y tế sẽ có những cải tiến như thế nào để làm hài lòng người bệnh? Với điều kiện hiện nay, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân rất lớn, như vậy có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của người dân hay không?

Bà Tống Thị Song Hương

Thực tế cho thấy khoảng 70% trường hợp bệnh có thể điều trị ở tuyến dưới không cần thiết vượt tuyến, gây quá tải ở tuyến trên. Nhưng Bộ Y tế cũng quy định các bệnh viện tuyến dưới chuyển bệnh nhân lên tuyến trên trong trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật và Quỹ BHYT vẫn thanh toán theo đúng quy điịnh. Như vậy vẫn đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

Trong thời gian tới, để tránh tình trạng vượt tuyến, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi của người bệnh, ngành y tế tập trung vào một số nội dung sau:

- Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới quy trình khám chữa bệnh để đáp ứng nhu cầu người bệnh.

- Bên cạnh đó tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị cho tuyến dưới; đầu tư đào tạo cán bộ cho tuyến dưới bằng chuyển giao dịch vụ kỹ thuật theo các gói dịch vụ cụ thể, hướng dẫn trực tiếp theo hình thức cầm tay chỉ việc.

- Triển khai các Đề án Bác sĩ gia đình, Bệnh viện vệ tinh để hỗ trợ về mặt chuyên môn, nâng cao năng lực tuyến dưới đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh.

- Đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế để giảm chi tiền túi từ người bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

 

Nguyen Van Hung

  11:15 ngày 10/12/2014

Sau khi sửa đổi, có còn tồn tại nơi khám chữa bệnh ban đầu trong thẻ bảo hiểm nữa không ? Có còn tồn tại việc khám đúng tuyến và trái tuyến nữa không ? Trong bệnh viện còn phân biệt khám bảo hiểm và khám thường không ? Khám bảo hiểm còn bị hạn chế về các loại xét nghiệm và các loại thuốc khi bác sĩ kê toa nữa không? "BHYT trở thành hình thức bảo hiểm bắt buộc, nhằm thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân" mà còn tồn tại những việc trên thì BHYT cũng chỉ là hình thức. Tham gia cũng chỉ vì đó là "bắt buộc".

Bà Tống Thị Song Hương

- Về nguyên tắc, vẫn phải quy định nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu để làm cơ sở quản lý thẻ, theo dõi bệnh nhân, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh. Tuy nhiên Luật sửa đổi lần này quy định thông thoáng hơn việc đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, nhất là đối tượng ở cơ sở. Từ ngày 1-1-2016, người tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện huyện đều được quyền khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện huyện trong cùng địa bàn tỉnh và được hưởng theo mức quy định.

- Luật vẫn quy định mức thanh toán cho trường hợp khám chữa bệnh đúng tuyến và trái tuyến. Khi khám chữa bệnh đúng tuyến thì quỹ BHYT thanh toán theo 3 mức: 100%, 95%, 80% tùy theo nhóm đối tượng, cơ sở khám chữa bệnh. Riêng trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến, để tránh tình trạng quá tải tuyến trên, lần này luật không thanh toán cho khám chữa bệnh ngoại trú, chỉ thanh toán đối với trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến với mức hưởng theo các bệnh viện như sau:

a) Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;

b) Tại bệnh viện tuyến tỉnh là:

-  60% chi phí điều trị nội trú từ ngày Luật có hiệu lực đến ngày 31-12- 2020;

- 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 1-1-2021 trong phạm vi cả nước;

c) Tại bệnh viện tuyến huyện là:

- 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31-12-2015;

- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 1-1-2016.

Nguyễn Thị Hoài Sang

  11:15 ngày 10/12/2014

Xin cho biết số tiền quỹ khám bệnh BHYT kết dư trong các năm gần đây? số tiền này được sử dụng như thế nào?

Ông Phạm Lương Sơn

Theo quyết định của Chính phủ toàn bộ kinh phí kết dư lũy kế từ 2010 đến 2014 sẽ được chuyển vào quỹ dự phòng khám chữa bệnh để đảm bảo nguồn chi trả chi phí khám chữa bệnh cho người tham gia BHYT, đặc biệt khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình của nghị định số 85. Từ năm 2015 đến 2020, 20% kết dư quỹ khám chữa bệnh BHYT của mỗi tỉnh sẽ được chuyển về địa phương sử dụng nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT và hỗ trợ các đối tượng chính sách tham gia BHYT.

Nguyễn Thực

  11:16 ngày 10/12/2014

Thưa Ông Phạm Lương Sơn, tôi ghép thận ở Huế có mua thuốc chồng thải ghép Simuleet ở nhà thuốc bệnh viện. Vậy tôi có được thanh toán bảo hiểm không? (Trong bệnh viện không thanh toán, họ nói về địa phương thanh toán, địa phương nói không thanh toán được)

Ông Phạm Lương Sơn

Theo quy định của Bộ Y tế, BV không được để bệnh nhân thiếu thuốc và tự mua thuốc. Đối với các thuốc đặc trị càng không được để bệnh nhân phải tự mua thuốc mà bệnh viện phải đấu thầu để đảm bảo đủ thuốc cho người bệnh. Việc thanh toán thuốc chống thải ghép còn phụ thuộc vào 2 điều kiện. Thứ nhất, chỉ định của bác sĩ có đúng bệnh và hợp lý không. Thứ 2, thuốc có ở trong danh mục được BHYT thanh toán theo quy định của Bộ Y tế không. Nếu đạt cả 2 yêu cầu này thì Quỹ BHYT sẽ thanh toán chi phí của thuốc đó theo điều kiện, tỉ lệ được quy định trong danh mục kể từ ngày 1-1-2015.

Ngô Thanh Phong

  11:16 ngày 10/12/2014

Xin chào ông Lương Sơn! Gia đình tôi có 6 người mà 3 người làm công nhân và đã tham gia BHYT bắt buộc, vậy thì 3 người còn lại trong gia đình là cha mẹ và em tham gia BHYT tự nguyện có được hưởng giảm gì không? Nếu được thì hồ sơ như thế nào? Mong được hướng dẫn.

Ông Phạm Lương Sơn

Trường hợp cả 3 người còn lại trong gia đình của anh/chị đều tham gia BHYT sẽ được coi như là một hộ gia đình nếu có cùng tên trong sổ hộ khẩu và sẽ được miễn giảm mức đóng từ người thứ 2 trở đi trong 3 người còn lại theo quy định.

Phan Văn Tân

  11:17 ngày 10/12/2014

Trong một ngày, bệnh nhân không được khám 2 lần với bệnh khác nhau, có phải không?(Trước đó, nhân viên y tế ở BV 115 trả lời tôi vào ngày 27-1-2014 là: "Trong một ngày, bệnh nhân không được khám 2 lần với bệnh khác nhau".)

Ông Phạm Lương Sơn

Nếu đúng như những lời bác trình bày trong câu hỏi này thì bác sĩ BV Bưu điện đã hoàn toàn sai khi trả lời với người bệnh và theo tôi phải đáng lên án bởi BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh khi người bệnh đến khám chữa bệnh theo đúng phạm vi quyền lợi được quy định trong luật. Việc phát hiện ra bệnh là trách nhiệm của bác sĩ và Quỹ BHYT sẽ chi trả cả tiền khám, tiền thuốc, tiền dịch vụ kỹ thuật theo danh mục do Bộ Y tế quy định. Bác cũng cần hiểu rõ quyền lợi chính đáng này của mình để yêu cầu BV đảm bảo đúng quyền lợi cho mình. Khi cần bác có thể thông tin theo đường dây nóng hoặc tới cơ quan bảo hiểm xã hội nơi gần nhất.

Nguyễn Sơn Nam

  11:25 ngày 10/12/2014

Theo quy định của Bộ Y tế “Hướng dẫn cải tiến quy trình khám chữa bệnh tại BV” đó là không được vượt quá 4 bước cơ bản: Tiếp đón, khám - chẩn đoán, thanh toán viện phí, phát - lĩnh thuốc. Cùng đó Bộ Y tế cũng quy định thời gian khám bệnh đơn thuần là 2 giờ, khám lâm sàng có thêm 1 xét nghiệm (chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng) là 3 giờ, khám lâm sàng có làm thêm 3 kỹ thuật là 4 giờ. Trong khi đó thực tế hầu hết người bệnh phải chờ rất lâu để hoàn tất quá trình khám chữa bệnh, lĩnh thuốc. Vậy với những đổi mới về Luật BHYT, thời gian khám chữa bệnh của người dân có được giảm xuống hay không?

Bà Tống Thị Song Hương

Bộ Y tế xác định đây là một vấn đề quan trọng, cần thay đổi và coi việc cải tiến quy trình khám chữa bệnh tạo bước đột phá, làm thay đổi bộ mặt bệnh viện và mang lại hiệu quả thiết thực đối với người bệnh, nâng cao sự hài lòng của người bệnh và thay đổi hình ảnh người thầy thuốc trong mắt người dân. Ngày 22-4-2013 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1313/QĐ-BYT hướng dẫn quy trình khám bệnh tại bệnh viện với mục đích nhằm:

1. Thống nhất quy trình khám bệnh của các bệnh viện: Quy trình giàm từ 12-14 bước trước đây xuống còn 4, 6, 7, hay 8 bước tùy theo tính chất của bệnh.

2. Hướng dẫn các bệnh viện thực hiện các giải pháp cải tiến quy trình và thủ tục trong khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ, tránh gây phiền hà và tăng sự hài lòng của người bệnh, đặc biệt đối với người bệnh bảo hiểm y tế khi đến khám tại bệnh viện;

3. Người bệnh biết rõ quy trình để cùng phối hợp với bệnh viện trong quá trình khám bệnh. Trong đó Khám lâm sàng đơn thuần trung bình: 49,6 phút (so yêu cầu < 2 giờ), giảm 47 phút so với trước khi triển khai cải tiến; Khám lâm sàng có làm thêm 1 kỹ thuật xét nghiệm/chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng trung bình: 89,1 phút (so yêu cầu < 3 giờ), giảm 40 phút so với trước khi triển khai cải tiến; khám lâm sàng có làm thêm 2 kỹ thuật phối hợp cả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh hoặc xét nghiệm và thăm dò chức năng trung bình: 116,2 phút (so yêu cầu < 3,5 giờ), giảm 56 phút so với trước khi triển khai cải tiến; khám lâm sàng có làm thêm 03 kỹ thuật phối hợp cả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng trung bình: 145,3 phút (so yêu cầu < 4 giờ), giảm 52 phút so với trước khi triển khai cải tiến.Tính chung ở tất cả các loại hình khám bệnh, thời gian khám bệnh trung bình sau hơn 1 năm cải tiến quy trình khám bệnh đã giảm được 48,5 phút so với trước khi triển khai cải tiến quy trình.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo