xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

DANH thủ MƯU SINH TRÁI NGHỀ (*): Tuấn "Huế" - Kỹ sư hãng Boeing

Anh Dũng

Bặt tăm sau khi giải nghệ bóng đá, cựu hậu vệ Lê Đức Anh Tuấn sang Mỹ. Từ một công nhân, nhờ nỗ lực tự thân phấn đấu, anh trở thành kỹ sư của hãng sản xuất máy bay Boeing

Người hâm mộ bóng đá Huế có 2 niềm tự hào lớn. Thứ nhất là lần đội bóng đá Huế đoạt chức á quân quốc gia năm 1995. Thứ hai là danh thủ Lê Đức Anh Tuấn, người mà khán giả hay trêu ghẹo là Tuấn "đầu bò" vì đầu to khác người. Còn với anh em đồng nghiệp, họ gọi đơn giản là Tuấn "Huế".

Cầu thủ ngưỡng mộ

Năm 2014, khi đang ăn tối cùng một nhóm phóng viên tại Huế nhân dịp dẫn dắt U17 Hà Nội T&T dự giải U17 Quốc gia, HLV Nguyễn Đức Thắng thấy một người đàn ông ngoại tứ tuần ngồi bàn bên cạnh, chốc chốc lại quay sang nhìn rồi tủm tỉm cười. Sau đó, người này cầm ly sang mời và nói chuyện bằng giọng Huế đã bị pha ít nhiều, danh thủ Đức Thắng giật mình thốt lên: "Có phải anh là Lê Đức Anh Tuấn? Đúng rồi, Tuấn "Huế!". Mười mấy năm bặt tin, Đức Thắng không nhận ra ngay đồng đội cũ.

DANH thủ MƯU SINH TRÁI NGHỀ (*): Tuấn Huế - Kỹ sư hãng Boeing - Ảnh 1.

Lê Đức Anh Tuấn và Nguyễn Đức Thắng trong dịp gặp gỡ tình cờ tại Huế nhân chuyến về thăm quê hương năm 2014 Ảnh: HẢI MINH

Bóng đá Huế nhiều năm trở lại đây chỉ có một vài cái tên được người hâm mộ cả nước nhớ đến như Lê Văn Trương, Võ Lý hay mới nhất là Trần Thành, tiền đạo trẻ ghi bàn đưa U19 Việt Nam giành vé dự World Cup U20 năm 2017. Những dấu ấn từ thế hệ cầu thủ sau này hầu như không để lại nhiều cảm xúc bởi trong mắt người Huế và giới cầu thủ, Lê Đức Anh Tuấn vẫn là một cái bóng quá lớn.

"Khi tôi được gọi lên đội tuyển quốc gia, cái tên Lê Đức Anh Tuấn đã là một biểu tượng, cái bóng quá lớn. Cứ nghe đến Tuấn "Huế" là anh em cầu thủ đều ngưỡng mộ" - cựu danh thủ Đức Thắng tâm sự.

Nỗ lực để thành danh

Khi còn là một cậu bé, Lê Đức Anh Tuấn đá bóng rất hay, mà phong trào thể thao ở Huế khi đó lại rất mạnh. Nhưng thay vì mơ làm cầu thủ được chơi trên sân Tự Do, Lê Đức Anh Tuấn lại muốn dạy học và trúng tuyển vào một trường cao đẳng thể dục thể thao. Khổ nỗi, chàng sinh viên mới ra trường lận đận đường xin việc nên sau đó chọn bóng đá. Xỏ giày tập cùng đội Huế, nhờ tài năng và nỗ lực tập luyện, Lê Đức Anh Tuấn được đôn lên thi đấu cho đội 1 của Huế. Tuấn "Huế" nhanh chóng nổi lên trong màu áo đội bóng quê hương trong vai trò đá biên, từ phải sang trái, từ hậu vệ đến tiền vệ. Sau khi giành ngôi á quân giải VĐQG năm 1995, cũng trong năm đó ở SEA Games 18, Lê Đức Anh Tuấn giành HCB.

DANH thủ MƯU SINH TRÁI NGHỀ (*): Tuấn Huế - Kỹ sư hãng Boeing - Ảnh 2.

Lê Đức Anh Tuấn (hàng trước, bìa trái) trong đội hình tuyển Việt Nam Ảnh: TƯ LIỆU

Trận đấu đáng nhớ nhất của Tuấn "Huế" là trận tranh HCĐ ở SEA Games 19 mà chính anh là người thực hiện đường chuyền vượt tuyến để Lê Huỳnh Đức làm tường, đánh đầu nhả bóng cho Nguyễn Phúc Nguyên Chương ghi bàn thắng quyết định, mang về chiến thắng 1-0 trước Singapore cho tuyển Việt Nam. Đó là trận đấu cuối cùng Lê Đức Anh Tuấn khoác áo đội tuyển.

Dù đỉnh cao sự nghiệp của Anh Tuấn cũng chỉ là những danh hiệu á quân hay HCĐ chứ chưa bao giờ vô địch nhưng với người hâm mộ bóng đá Huế, tên tuổi danh thủ này vẫn luôn được nhắc đến.

Chỉ còn ký ức

Lê Đức Anh Tuấn bây giờ đã bước vào tuổi 48 và cũng không còn mấy hào hứng để nói về bóng đá nếu không được "gãi trúng chỗ". Năm 2001, anh cùng gia đình sang Mỹ định cư, từ đó đến nay chỉ hai lần về thăm Huế.

Khởi đầu cho cuộc sống mới nơi đất khách quê người, cựu hậu vệ bóng đá Việt Nam làm ở một nhà máy chế tạo linh kiện của hãng máy bay Boeing. "Công việc khá vất vả, phải đi làm từ 6 giờ đến chiều tối mới về nhà. Mà về nhà thì lo chuyện đón con. Tôi cũng không còn chơi bóng đá kể từ ngày sang Mỹ. Thỉnh thoảng xem báo điện tử, thấy buồn vì bóng đá Huế bây giờ không còn được nhắc đến nhiều. Dù sao, thấy anh em đồng đội ngày xưa giờ đã là những HLV tài năng, được đánh giá cao, mình rất mừng" - Anh Tuấn bộc bạch.

Khi được hỏi cơ duyên nào trở thành kỹ sư của hãng sản xuất máy bay danh tiếng, Lê Đức Anh Tuấn khiêm tốn: "Có gì to tát đâu. Mình cũng chỉ tham gia sản xuất con bu-lông nhỏ thôi mà". Nói chỉ làm con bu-lông nhưng để trở thành kỹ sư, Lê Đức Anh Tuấn phải trải qua một quá trình tuyển chọn nghiêm ngặt của hãng Boeing. Học tiếng Anh vốn không dễ với người ngoài 30 tuổi nhưng cựu hậu vệ của tuyển Việt Nam còn phải học những từ ngữ chuyên ngành, hiểu sâu sắc về quy trình kỹ thuật, đặc điểm vật lý, cấu tạo, tỉ lệ... Hơn chục năm qua, Lê Đức Anh Tuấn nỗ lực không ngừng để có vị trí vững chắc, công việc nhiều thăng tiến tại hãng sản xuất máy bay danh tiếng nhất thế giới này. 

Dấu ấn khó phai

Lê Đức Anh Tuấn chia sẻ: "Hồi đó, phong độ mình rất tốt nhưng không hiểu sao ban huấn luyện, nhất là HLV Colin Murphy, lại để ngồi dự bị suốt cả giải cho đến những phút cuối trận tranh hạng 3 gặp Singapore. Khi đó, trận đấu đang là 0-0, ông Phan Anh Tú lúc đó là trưởng đoàn tới động viên mình: "Em cố gắng vào thi đấu vì màu cờ sắc áo chứ đừng có tự ái!". Với mình, bóng đá là niềm vui mà vào sân là tìm niềm vui, có chi mà phải tự ái. Chỉ vào sân chừng mấy phút, mình đã có cú chuyền dài cho Lê Huỳnh Đức làm tường đánh đầu để Nguyễn Phúc Nguyên Chương ấn định tỉ số trận đấu".

Đó cũng là dấu ấn đẹp cuối cùng của hậu vệ tài hoa này…

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-5

Kỳ tới: Những "ngôi sao" lận đận

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo