xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tiết lộ gây sốc: Bóng đá Đức sử dụng doping suốt 4 thập kỷ

Đông Linh (theo DailyMail)

(NLĐO) – “Bóng đá Đức đã lừa dối cả thế giới” không chỉ là nghi vấn mà rất có thể sẽ là lời tố cáo đanh thép những gì đã xảy ra trong suốt những năm 1950-1990 của thế kỷ trước của làng bóng được xếp vào hàng hùng mạnh bậc nhất châu Âu và thế giới.

Sau khi nước Đức thống nhất đầu những năm 90 của thế kỷ trước, người ta bắt đầu rêu rao rồi tung ra vô vàn chứng cứ về cái gọi là “việc sử dụng doping có hệ thống” của nền thể thao Đông Đức, thành phần chủ lực trong khối thể thao các nước Đông Âu từng thống trị rất nhiều bộ môn tại các đấu trường Olympic và giải vô địch thế giới.
Công trình nghiên cứu xã hội của Đại học Humboldt Berlin về thể thao Đức những năm 1950 - 1990 đã nêu nghi vấn về việc tiền thuế của người dân Đức đã được dành một phần để phục vụ cho chương trình sử dụng doping có hệ thống ở nước này.

img
Ai trong số các nhà vô địch thế giới 1966 này sử dụng doping?

Kết quả nghiên cứu cho thấy có ba tuyển thủ CHLB Đức tham dự trận chung kết World Cup 1966 (thua 2-4 trước đội tuyển Anh) đã sử dụng ephedrine, một dược chất bị cấm sử dụng trong thể thao. Một quan chức cao cấp của FIFA, bác sĩ Mihailo Andrejevic đã gửi thông báo đến Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Đức - Max Danz - cho biết FIFA đã cho tiến hành phân tích các mẫu thử của 3 cầu thủ trên ngay sau khi VCK World Cup 1966 kết thúc và có kết quả như trên. Ephedrine là hoạt chất có tác dụng làm thông mũi cho những bệnh nhân bị cảm lạnh.

Tuy nhiên, hồi năm ngoái, FIFA khẳng định họ “hoàn toàn không biết gì” về thông báo kể trên! Liên đoàn Bóng đá Đức hôm đầu tuần cũng khẳng định tổ chức này chưa bao giờ liên quan đến các vấn đề sử dụng doping.

Theo kết quả nghiên cứu, tại World Cup 1954, đội tuyển CHLB Đức đã bất ngờ lội ngược dòng để đánh bại đội tuyển Hungary trong trận chung kết với tỉ số 3-2, trận đấu mà sau này người ta vẫn gọi là “điều kỳ diệu thành Berne”. 

Thực tế thì sao? Trước trận đấu, các cầu thủ đã không sử dụng Vitamin B - như mãi đến sau này người ta vẫn nghĩ thế - mà thay vào đó là chất Pervitin, một hoạt chất gốc amphetamine từng được các nhà khoa học chế độ Đức Quốc xã chế tạo nhằm giúp các binh sĩ có thể lực chiến đấu lâu dài! Hoạt chất này, còn có tên là “đạn thép bọc chocolate”, đã được sử dụng rộng rãi trong suốt Thế chiến thứ hai.

Các cầu thủ đều sử dụng Pervitin, trừ một nhóm nhỏ (trong đó có Alfred Pfaff sau trở thành thủ quân của CLB Eintracht Frankfurt vô địch cúp C1 châu Âu 1960) từ chối tiêm thuốc. Trong số những nhà vô địch thế giới 1954, tiền vệ Richard Herrmann được lưu ý khi ông chết tám năm sau đó do bệnh viêm gan cấp.

Công trình nghiên cứu mang tên “Doping ở Đức từ 1950 đến nay” cũng tố cáo việc sử dụng các dược chất bị cấm còn kéo dài đến lần vô địch World Cup năm 1974 của đội tuyển Đức, lúc này được dẫn dắt bởi trung vệ tài năng Franz Beckenbauer.

img
"Đội hình vàng" 1974 với thủ quân Beckenbauer cũng bị đặt nghi vấn doping

Không chỉ trong bóng đá, việc sử dụng doping còn lan truyền sang hầu hết các môn thể thao Olympic. Bản nghiên cứu dài 800 trang tiết lộ nhiều chính trị gia hàng đầu, các bác sĩ và quan chức có liên quan đến hành vi bẩn thỉu này. Bộ Nội vụ Đức cung cấp ngân sách cho việc nghiên cứu và quản lý các dược phẩm bị cấm này. Chỉ tiếc là công trình nghiên cứu không cung cấp được số liệu cụ thể về những thành tích thể thao đạt được của nền thể thao Tây Đức trong việc bám đuổi thành tích của láng giềng phía Đông, tất nhiên, với sự trợ giúp của các chất kích thích! Khẩu hiệu của thể thao Đức tại Thế vận hội Munich 1972 là “Huy chương là tất cả” và thực tế cho thấy việc sử dụng tràn lan các chất kích thích hormone, tiền chất EPO, steroids… nhiều hơn người ta tưởng. Bác sĩ Joseph Keul, trưởng ban y tế của đoàn thể thao Tây Đức (đã mất năm 2000), đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình này khi ông suốt đời theo đuổi việc đưa chất anabolic steroids ra khỏi danh sách các dược chất bị cấm sử dụng. 

img
Bác sĩ Joseph Keul

Brigit Dressel, VĐV 7 môn phối hợp nữ, chết năm 1987 ở tuổi 26 do ung thư nhiều cơ quan nội tạng mà kết quả phẫu thuật tử thi cho thấy có đến 101 loại thuốc trong cơ thể cô. Thông báo chính thức nhấn mạnh “Dressel chết không rõ nguyên nhân” nhưng chuyên gia doping người Đức Werner Franke dễ dàng xác nhận, các dược chất đồng hóa là một trong những “thủ phạm”.

img
Brigit Dressel qua đời ở tuổi 26 đầy nghi vấn

Phần cuối của công trình nghiên cứu này nhấn mạnh đến việc sử dụng dược chất bị cấm kể từ năm 1990, đã bị cấm xuất bản. Tuy nhiên, vẫn còn đó lời phát biểu của một quan chức cao cấp của ngành thể thao Đức được trích dẫn đầu thập niên 90: “Các HLV luôn nói với tôi rằng nếu không sử dụng testosteron và các chất khác, VĐV sẽ chẳng bao giờ thành công”. 

Công trình nghiên cứu này được thực hiện từ năm 2008 theo sự ủy nhiệm của Liên đoàn Thể thao Olympic Đức (DOSB) và Viện Nghiên cứu khoa học thể thao liên bang (FISS). Hôm 5-8, Chủ tịch DOSB Thomas Bach, người đang ứng cử vào chức vụ chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), cho biết: “Hôm nay là ngày quan trọng để nói đến cuộc chiến chống doping trong thể thao. Một ủy ban sẽ được thành lập để đánh giá về công trình nghiên cứu này và kết luận nghiêm túc bằng tất cả sự trân trọng đối với tương lai của cuộc chiến chống doping".

Niềm tin đối với thể thao, một lần nữa, sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị sút giảm nghiêm trọng, nếu kết quả nghiên cứu kể trên được xác nhận bằng những dữ liệu, chứng cứ thực tế.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo