xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vĩnh biệt một tượng đài bóng đá

Trần Duy Long (cựu danh thủ, cựu huấn luyện viên)

Nếu gọi anh là tượng đài, một huyền thoại sống của bóng đá nước nhà cũng không có gì quá lời

Sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật, cựu danh thủ, HLV Phạm Huỳnh Tam Lang đã từ giã cuộc đời ngày 2-6-2014 ở tuổi 72. Nếu có gọi anh là tượng đài, một huyền thoại sống của bóng đá nước nhà cũng không có gì quá lời dù giai đoạn thăng hoa nhất của anh những năm 60 của thế kỷ trước cũng là những năm tháng vẻ vang nhất của lứa cầu thủ miền Bắc chúng tôi.

Chính sự tương đồng đến kỳ lạ ấy khiến chúng tôi thêm kính trọng anh, một tài năng thực sự của bóng đá Việt Nam luôn khiêm tốn với những đóng góp của mình, tận tụy, tâm huyết và luôn trăn trở với tương lai bóng đá nước nhà cho đến những năm cuối đời.

Anh Tam Lang sinh năm Ngọ, kém tôi 2 tuổi. Tuổi Ngựa là chân đi, anh truân chuyên trên đường đời nhưng khi dừng chân, tài hoa vẫn còn nguyên vẹn. Chuyện anh được gọi vào đội tuyển miền Nam năm 18 tuổi không có gì bất ngờ nhưng việc anh được trao trọng trách thủ quân của đội gồm rất nhiều ngôi sao thời bấy giờ là điều đáng nể khi nghe kể về cuộc đời cầu thủ của anh. Những năm đó, đội tuyển miền Bắc vẫn thường đá giao hữu với các đội tuyển trong khu vực như Miến Điện (sau này là Myanmar, vô địch Á vận hội), CHDCND Triều Tiên (dự World Cup 1966), các CLB Thượng Hải, Bát Nhất của Trung Quốc… và nghe chính các đối thủ này bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho đội tuyển miền Nam thời bấy giờ. Danh hiệu vô địch Cúp Merdeka 1966 có lẽ là đỉnh cao sự nghiệp của anh Tam Lang và đồng đội, bên cạnh một số thành tích HCB, HCĐ SEAP Games (tiền thân của SEA Games).

Vào cuối đời, bệnh tật khiến ông Tam Lang (thứ hai từ phải qua) đi đứng khó khăn nhưng ông không nề hà tham gia những sự kiện đầy ý nghĩaẢnh: Quang Liêm

Vào cuối đời, bệnh tật khiến ông Tam Lang (thứ hai từ phải qua) đi đứng khó khăn nhưng ông không nề hà tham gia những sự kiện đầy ý nghĩa - Ảnh: Quang Liêm

Chúng tôi có điều kiện tiếp xúc, làm việc cùng nhau nhiều sau khi nước nhà thống nhất và đó cũng là một giai đoạn thăng hoa nữa trong sự nghiệp của Tam Lang. Anh trải qua hơn 20 năm thi đấu rồi trở về tiếp tục làm công tác huấn luyện ở Cảng Sài Gòn trong 20 năm, giành nhiều thành tích trong nước là điều không phải ai cũng mơ ước và thực hiện được.

Điều khiến giới cầu thủ đồng trang lứa ngưỡng mộ nhất về anh chính là sự chăm chỉ, cẩn trọng với nghề. Theo học nhiều lớp HLV, đến độ được cử đi tu nghiệp ở CHDC Đức và sau này được kết nạp Đảng là bản lĩnh không nhiều người có được, nhất là với một cầu thủ trưởng thành từ chế độ cũ như anh. Học HLV ở Đức không có phiên dịch, anh tự nghiên cứu bài giảng, ghi chép lại, sau này làm giáo án giảng dạy hoàn chỉnh ở Cảng Sài Gòn là điều mà giới làm nghề phải khâm phục.

Nghiêm túc, cứng rắn trong chuyên môn nhưng lại quá hiền lành trong cuộc sống đời thường nhiều bon chen, tôi cho rằng có lẽ sai lầm của anh là rời khỏi Cảng Sài Gòn năm 2003. Mất điểm tựa gắn bó bao năm, anh chơi vơi nhiều trong công việc, cuộc sống. Sau này, dù có làm công tác huấn luyện ở CLB TP HCM (chỉ 1 mùa) hay đi làm công việc đào tạo trẻ ở Thành Long hay lớp bóng đá cộng đồng Arsenal, anh luôn trăn trở về một hướng đi đích thực cho cái gọi là “trường phái bóng đá Việt Nam” mà thiếu nó, bóng đá nước nhà khó lòng phát triển được như mong muốn.

Anh Tam Lang ra đi, lứa cựu trào chúng tôi mất một người bạn chí thiết, nhiều tâm huyết với bóng đá nước nhà; thế hệ cầu thủ trẻ mất đi một tấm gương mẫu mực trong tập luyện cũng như trong cuộc sống để noi theo. Mong rằng không lâu nữa, chúng tôi sẽ hoàn thành một phần trong di nguyện của anh, cũng là mục tiêu phấn đấu của tất cả mọi người, là thành lập bằng được Hội Cựu cầu thủ Việt Nam nhằm hỗ trợ cho các cầu thủ về già, nghỉ hưu, là chỗ dựa tinh thần cho các thế hệ cầu thủ trẻ.

Xin kính cẩn nghiêng mình tiễn anh, một đời cầu thủ, HLV tài hoa!. 

Ngày 3-6, thi hài của cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang sẽ được đưa về Nhà Tang lễ TP HCM và tổ chức lễ viếng tại đây. Ông sẽ được chôn cất tại Nghĩa trang Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP HCM vào ngày 6-6.

 

Gắn với thương hiệu bóng đá đẹp

Phạm Huỳnh Tam Lang là một trong những danh thủ tài năng nhất của bóng đá Việt Nam được bóng đá châu lục và khu vực biết đến. Ông trưởng thành từ bóng đá học đường, thi đấu ở vị trí trung vệ cho đội bóng Trường Petrus Ký (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong).

Sau Merdeka Cup 1966, ông cùng đồng đội Đỗ Thới Vinh được gọi vào đội tuyển “Ngôi sao châu Á” năm 1967. Đây là vinh dự rất lớn đối với một cầu thủ bóng đá Việt Nam. Suốt 50 năm theo đuổi sự nghiệp bóng đá, từ khi còn là cầu thủ cho đến lúc giải nghệ, sang CHDC Đức tu nghiệp rồi làm HLV trưởng 4 lần đưa Cảng Sài Gòn lên ngôi vô địch quốc gia, cứ nhắc đến Tam Lang là người hâm mộ đều nhớ đến lối chơi bóng nhỏ và nhuyễn đầy cống hiến, đẹp mắt, hạn chế tiểu xảo, chơi xấu.

A.Dũng

 

“Thương hiệu” Tam Lang gắn với bóng đá đẹp, cống hiến, fair-play: Ông cùng Tài Em - người tố cáo tiêu cực tại SEA Games 2005 của một số tuyển thủ U23 Việt Nam - được BTC Giải thưởng Bóng đá cao thượng vinh danh năm 2012Ảnh: QUANG LIÊM

“Thương hiệu” Tam Lang gắn với bóng đá đẹp, cống hiến, fair-play: Ông cùng Tài Em - người tố cáo tiêu cực tại SEA Games 2005 của một số tuyển thủ U23 Việt Nam - được BTC Giải thưởng Bóng đá cao thượng vinh danh năm 2012Ảnh: QUANG LIÊM

Cống hiến hết mình

Dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng rất nhiều thế hệ cầu thủ vẫn bày tỏ sự tiếc thương với người thầy một thời kính mến. Cựu tiền vệ Lư Đình Tuấn xúc động cho biết: “Năm 18 tuổi, vì mê phong cách chơi bóng đẹp mắt và rất fair-play của chú Tam Lang nên tôi và nhiều đồng đội trẻ rủ nhau xin được gia nhập đội Cảng Sài Gòn. Chúng tôi được chú trực tiếp uốn nắn, dạy bảo rất nhiều điều. Kể cả khi đã thành danh trong sự nghiệp cầu thủ, rồi chuyển sang làm HLV, làm thầy của bọn trẻ thì chúng tôi vẫn chỉ là những đứa trẻ đối với chú Tam Lang và coi chú như người thầy, người cha đỡ đầu. Biết rằng tuổi tác lớn, bệnh tật là khó tránh khỏi nhưng tôi rất sốc khi hay tin chú ra đi đường đột đến vậy”.

Trần Minh Chiến, cựu tiền đạo tuyển Việt Nam và đội Công an TP HCM, chia sẻ: “Dù tuổi thầy Tam Lang đã cao, thường xuyên bị hành hạ bởi chứng viêm khớp và bệnh tim nhưng chưa bao giờ thầy thôi nghĩ về bóng đá. Lần nào gặp tôi (Trần Minh Chiến đang huấn luyện lứa U15 của Quỹ Đào tạo tài năng bóng đá trẻ Việt Nam - PVF), thầy cũng hỏi han, dặn dò phải lưu ý công tác đào tạo, ươm mầm tài năng trẻ là quan trọng nhất”.

Cuộc sống cuối đời của ông gặp rất nhiều khó khăn, các đồng đội, học trò và nhiều nhà tài trợ đã chung tay lập “Quỹ bóng đá danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang” để giúp đỡ ông và nhiều thế hệ cầu thủ khác gặp khó khăn sau khi giải nghệ. Tuy nhiên, cây đại thụ được LĐBĐ châu Á trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp cống hiến cho bóng đá Việt Nam chưa bao giờ phàn nàn về những gì ông đã cho và được nhận. Chừng đó cũng đủ nói lên nhân cách sống của ông.

Anh Dũng

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo